The BizLab Coffee Table Book Issue: Gặp gỡ những cá tính nổi bật trong lĩnh vực Art & Culture
BusinessArts & Culture

The BizLab Coffee Table Book Issue: Gặp gỡ những cá tính nổi bật trong lĩnh vực Art & Culture

Tiếp nối lĩnh vực Fashion & Grooming, chúng tôi mang đến những câu chuyện kinh doanh hấp dẫn và đầy màu sắc, nơi mà chất liệu văn hóa-nghệ thuật được khai thác và áp dụng một cách tinh tế và sáng tạo của các doanh nghiệp trong đa lĩnh vực từ không gian triển lãm đến doanh nghiệp cà phê.

Gương mặt trang bìa Touliver  – Nhà sản xuất, giám đốc âm nhạc, chủ tịch SpaceSpeakers Group

Nhiều năm trước, Touliver lập nên SpaceSpeakers với mong muốn có một nhóm để các thành viên cùng nhau tạo ra chất nhạc riêng. Quyết tâm ấy không phải một khát vọng tầm thường, bởi sau gần một thập kỷ kiên trì, âm nhạc của nhóm đã làm thay đổi toàn bộ nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Với 10 năm hoạt động, thành lập nên công ty SpaceSpeakers Group và SpaceSpeakers Label, Touliver vẫn còn nhiều hoài bão hơn thế và chưa dám nhận hai tiếng gọi “đế chế” hay “thế giới âm nhạc”, mà với anh: “Chúng tôi chỉ đơn giản là những người yêu âm nhạc và đang làm nghề một cách nghiêm túc. Tôi hy vọng SpaceSpeakers sắp tới sẽ trở thành hãng thu âm chuyên nghiệp cũng như là mảnh đất phát triển dành cho những nghệ sĩ trẻ tiềm năng của Việt Nam.”

Phải thừa nhận rằng nghệ sĩ thì thường rất bay bổng và những công việc liên quan đến lĩnh vực sáng tạo thì không thể tuân theo thời gian nhất định. Đấy là những khó khăn cần phải thay đổi khi anh và tập thể quyết định hoạt động theo hình thức công ty. Hiện tại mỗi người trong nhóm đều có vai trò và công việc nhất định. Họ không tự mình ôm đồm làm hết mọi việc như ngày còn là nghệ sĩ tự do.

Tôi là một người khá kỷ luật và nghiêm túc, chắc chắn điều này ít nhiều cũng tạo áp lực cho những người làm việc với tôi. Nhưng nếu chúng ta ai cũng rèn luyện được ý thức kỷ luật thì tôi nghĩ việc khó nào cũng có thể giải quyết.

Kiên Nguyễn – Nhà sáng lập AREUS Atelier

Hiện đại mà duy mỹ, không gian AREUS Atelier là điểm đến mới của những người yêu kiến trúc và nghệ thuật. Tinh thần phóng khoáng phản chiếu trên từng chi tiết của không gian AREUS Atelier, tạo bởi chất liệu và các đường nét trong nhôm kính và nội thất. Cụ thể, chất liệu nhôm kính có phần khô khan, tạo cảm giác “vô tri” với nhiều người, nhưng lại mang nét tính cách rất mực uyển chuyển, tinh gọn khi trở thành chất liệu chủ đạo trong không gian AREUS Atelier.

Nói về kiến trúc, người ta thường nhắc đến những hợp đồng lớn, ý tưởng vĩ mô cùng sự tâm huyết của đội ngũ đứng sau. Thế nhưng, câu trả lời của Kiên Nguyễn – Giám đốc không gian kiến trúc tại AREUS Atelier lại khiến tôi bất ngờ: “Đôi khi sự thay đổi trong không gian AREUS không có lý do gì to tát, chỉ đơn giản là dịp để tụ tập, mời bạn bè tới chơi, có nhạc cụ rồi ngẫu hứng làm. Nhiều bạn rồi mỗi người một ý, góp lại và thành quả là không gian AREUS như bạn đang thấy”. Đằng sau không gian hoàn mỹ, rất mực chỉn chu và đôi khi “sắc lạnh”, ý tưởng khởi phát lại đến từ những nhu cầu giản dị mà phóng khoáng, đó là sáng tạo và kết nối con người.

Nếu nội thất đẹp và mỹ miều một cách hiển nhiên, thì nhôm kính lại có vẻ đẹp riêng, tựa như một người bạn gái khó chiều.

Nguyễn Thiều Kiên – CEO Bảo tàng nghệ thuật Quang San

Bảo tàng nghệ thuật Quang San ra đời trong sự yêu mến của giới mộ điệu, và trách nhiệm điều hành bảo tàng được trao cho Nguyễn Thiều Kiên, con trai của nhà sưu tầm Nguyễn Thiều Quang. Kiên cho biết mình tuy có nhiều lo lắng nhưng vẫn rất tự tin đảm nhận trọng trách lớn lao này.

Có thể nói, sự ra đời của bảo tàng đánh dấu một bước chuyển sự nghiệp quan trọng của Kiên. Kiên có thời gian học ở Mỹ 10 năm và tốt nghiệp bằng cử nhân thiết kế đồ hoạ và học một năm ở Singapore với bằng thạc sĩ MIB. Sau đó, anh về Việt Nam làm việc 7 năm tại một tập đoàn bảo hiểm lớn, công việc đúng chuyên ngành đã học nên con đường sự nghiệp khá thuận lợi. Do đó, Kiên đã đắn đo rất nhiều về quyết định từ bỏ công việc của mình để về tiếp quản bảo tàng. Đây thật sự là một chương mới trong cuộc đời, trách nhiệm cũng lớn hơn rất nhiều.

Khi tiếp quản bảo tàng với tư cách là CEO, tôi hiểu được trách nhiệm của mình là không chỉ lưu giữ và bảo quản các tác phẩm mang tính chất lịch sử, mà còn phải lan rộng các giá trị nghệ thuật đó đến mọi người, các thế hệ sau trong cộng đồng.

Mục đích của bảo tàng không chỉ đơn thuần là trưng bày các tác phẩm để mọi người cùng thưởng lãm, mà còn có nhiều hoạt động hữu ích như workshop cho mọi lứa tuổi, hay art talk – các buổi trò chuyện hoặc chia sẻ những điều bổ ích, giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn về nghệ thuật và văn hóa.

Nguyễn Hoàng Trung Hưng – CEO và nhà sáng lập S’more Saigon Caffè

Anh kể, mình đã yêu căn nhà ở Phan Tôn ngay khi vừa bước chân vào và nhìn thấy chiếc cầu thang đá mài xanh cũ kỹ và giếng trời: “Thế là bao nhiêu ký ức của tôi ùa về!” Có lẽ, chỉ những đứa trẻ 8x, 9x mới hiểu được chính xác sự xúc động của Hưng khi bước vào một căn nhà Sài Gòn kiểu cũ.

Sự thân thuộc đầy yên bình ấy đã khiến anh không ngần ngại mà chọn nó ngay dù vẫn còn những mặt tiền khác lớn hơn. Sau đó đến S’mores Saigon – Cao Thắng với hình ảnh những con hẻm và S’mores Saigon – Chợ Lớn, một địa điểm đặc trưng của Sài Gòn. Cứ như thế, một chuỗi cà phê “hoài cổ” đã ra đời từ giấc mơ và tình yêu của một người con Sài Thành.

Lồng ghép trong không gian S’mores là những chi tiết rất nhỏ nồng đượm hơi thở Sài Gòn đến từ những vật liệu như gạch kính, đá mài, kính hạt lựu. Chúng ta có thể đã nhìn thấy những thứ đó tại nhà, hàng ngày nên không mấy để ý. Khi đến quán và vô tình thấy, bạn sẽ ồ lên thích thú rằng sao nó quen thế này. Tuy nhiên, cảm giác nhìn những vật liệu đó ở nhà và ở quán là hoàn toàn khác biệt, nhưng đều rất dễ chịu và an toàn.

Khi nghe Hưng kể về S’mores, tâm trí tôi bỗng bật ra ba chữ “kẻ si tình”. Khi một người đã ấp ủ và đánh cược mọi thứ cho một giấc mơ, liệu họ có bao nhiêu thứ để nói về nó?

Trần Mạnh Toàn – Nhà sáng lập District M

Vừa cổ điển vừa chất lừ là cảm giác tôi có khi bước chân vào District M, thương hiệu cung cấp các thiết bị âm thanh và đồ lifestyle tại Sài Gòn. Anh Trần Mạnh Toàn, founder của District M, đón tôi bằng một ly cà phê thơm nức và câu chuyện về những dải âm giữa anh và tôi đã bắt đầu một cách tự nhiên.

Tên thương hiệu là sự kết hợp của 2 từ “District” và “M”. “District” nghĩa là “Quận”, một từ mang đến cảm giác náo nhiệt, tập trung. Chữ “M” có ý nghĩa là “Điểm trung tâm”, nó là chữ cái thứ 13, nằm ở giữa trong bảng chữ cái tiếng Anh. Và chữ “M” cũng đại diện cho những điều anh Toàn yêu thích: Music – âm nhạc, Moving – tận hưởng những chuyến đi, Mid-Century – ngôn ngữ thiết kế tạo cảm hứng, Moment – tạo ra nhiều khoảnh khắc kết nối, và More – nhiều điều thú vị mà District M sẽ đem đến cho mọi người.

Cuối năm 2019, anh Toàn quyết định mở một không gian nhỏ chuyên bán đồ Marshall, đồng thời trưng bày hết các món đồ mà anh sưu tầm trước giờ như máy chụp hình film, máy đánh chữ, mô hình xe… Và không ngờ, Marshall và những món đồ ấy lại chính là những thứ giúp anh kết nối dễ dàng hơn với khách hàng. Mỗi một vị khách tới lại có nhiều câu chuyện để nói, nói chuyện hợp gu rồi thành bạn với nhau lúc nào không hay. Cứ vậy, đến nay, District M không chỉ đem đến những sản phẩm chất lượng, mà còn đang làm tốt vai trò gắn kết những người có cùng niềm đam mê với nhau.

Tôi luôn tin rằng mình cứ làm những gì thật nhất và thật chất, rồi mọi người sẽ đến với mình. Điều tôi không muốn nhất là để khách hàng và các đối tác hoài nghi về tiêu chuẩn của mình. Những thứ mà tôi hướng tới là sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt và gắn bó lâu dài.

——

VỀ BIZLAB – HÀNH TRÌNH ĐỊNH VỊ THẾ HỆ DOANH NHÂN MỚI:

– BizLab Video Series: 03 chủ đề đã lên sóng “The Fitness Economy”, “The Business”, “People in Cafe & Business Culture” và chủ đề tiếp theo “Beyond Leadership”

– Ra mắt Men’s Folio Vietnam Coffee Table Book #19 – The BizLab: Beyond Leadership/Vision Maker

– Beyond Leadership: Sự kiện ra mắt ấn phẩm với sự tham dự của các doanh nhân thế hệ mới

– The JOY of Business Conference: Sự kiện diễn ra 2 ngày Hà Nội với nhiều hoạt động sáng tạo, thú vị

Ảnh: Men’s Folio
 

Related Article