Từ series bài viết về những thú chơi lý thú, độc đáo và mãn nhãn, mang theo giá trị của sự tinh hoa và triết lý thẩm mỹ của các nhà sưu tập/sưu tầm đương đại; hay những màn hợp tác đặc biệt để cho ra đời những bộ sưu tập độc nhất vô nhị từ khắp nơi trên thế giới, chuyên đề Modern Collectibles muốn mời bạn đọc bước chân vào vùng đất của những đam mê bất tận để khám phá giá trị đích thực của một món đồ nói riêng và hiểu hơn về những trị trường giao dịch/trao đổi vô cùng hấp dẫn của riêng những món đồ này nói chung.
Chúng ta vẫn biết giá trị của những món đồ sưu tầm trước tiên nằm ở giá trị sưu tầm. Nhưng trên thực tế, chúng đã vượt ra khỏi ý nghĩa đơn thuần đó. Cuộc gặp gỡ của Men’s Folio Vietnam với các nhân vật trong chuyên đề về sưu tầm và lưu trữ đã minh chứng cho điều đó. Hơn cả một cuốn cẩm nang về đa dạng những bộ sưu tập quý hiếm, Modern Collectibles đem đến những câu chuyện làm nên sự gắn bó mật thiết giữa các nhà sưu tầm với những món đồ họ trân quý. Từ đây, chúng tôi muốn chia sẻ những bài học, kinh nghiệm đắt giá trong thú chơi này đến với bạn đọc.
Cùng với đó, Modern Collectibles cũng muốn đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc sưu tầm, lưu giữ mà những nhà sưu tập/sưu tầm/lưu trữ chân chính đang gìn giữ và truyền cảm hứng đến cộng đồng. Những con người tài hoa đang miệt mài theo đuổi đam mê (mà đôi lúc có vẻ xa xỉ với phần đông người còn lại) nhưng vẫn không quên tầm quan trọng của việc đào sâu, nghiên cứu và chung tay tạo nên cộng đồng vững mạnh.
Nhà sưu tầm Sinh Trần với bộ sưu tập những chiếc nút keycap thủ công quý hiếm và tinh xảo của anh. Từ sự say mê của anh, ta hiểu thêm một thị trường keycap sôi động, nơi mà những nhà chế tác Việt Nam đang rất được săn đón cả trong và ngoài nước.
Việt Nam là cường quốc về keycap thủ công. Độ bền không phải nói, còn giá trị thì rất cao. Ví như keycap hiếm Darkstar Sirius, sẽ có giá khoảng 100 – 130 đô-la Mỹ, đã là ấn tượng so với chi phí sản xuất, nhưng ở thị trường mua đi bán lại, những bạn sưu tầm sẵn sàng trả mức giá 600 – 1200 đô-la Mỹ.
Nhiếp ảnh gia Harry Vũ và tài sản quý giá là những chiếc máy ảnh Leica – người bạn đồng hành đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Harry Vũ lẫn định hình triết lý nhiếp ảnh của anh.
Trước đây, tôi hay làm mọi thứ rất nhanh vì sợ bỏ lỡ đi khoảnh khắc nào đó. Hiện tại, tôi chậm hơn, không phải vì tôi không còn sợ mất đi khoảnh khắc nữa, mà vì bây giờ, tôi muốn chọn lọc khoảnh khắc tuyệt vời nhất để ghi lại.
Kha Nguyễn và bảy năm trên hành trình sưu tầm những món đồ thời trang lưu trữ của anh. Nó không dừng lại ở việc sáng lập thương hiệu Hidden Archive, mà còn mang theo hy vọng kết nối cộng đồng những người yêu thời trang tại Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, tôi có 7 năm trên hành trình sưu tầm những món đồ thời trang lưu trữ, khoảng hơn 1000 món, nhưng đa số sẽ là “mua đi bán lại” để tạo ra lợi nhuận cho mình, có thể gọi đó là cách thức kinh doanh của tôi. Bởi, tôi học tài chính, nên dòng tiền phải “xoay vòng” liên tục và coi việc sưu tầm là cách để đầu tư tạo ra lợi nhuận.
Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn và hành trình diễn đạt mình bằng những tác phẩm nghệ thuật anh lưu trữ. Anh đã đưa ra những nhận định của mình về sự tác động của nhà sưu tập đến với thị trường nghệ thuật nói riêng và nền nghệ thuật của một quốc gia nói chung.
Cũng không gì đặc biệt, thậm chí cũng “tầm thường” – nghĩa là lấp vào khoảng tường trống của căn nhà đầu tiên mà mình sở hữu. Nhưng nghĩ lại, có lẽ nhu cầu trang trí ban đầu đó là biểu hiện của sự vô thức thúc đẩy của việc là tôi luôn muốn mở rộng mối quan tâm của mình. Việc sau đó sưu tập tác phẩm nghệ thuật là quá trình tự nhiên.
Nhà sưu tập Huỳnh Đắc Thọ kể về những bộ sưu tập truyện tranh từ hồi anh còn chưa biết chữ. Đến khi biết chữ rồi, anh chàng cũng bắt đầu sự nghiệp sưu tầm của mình luôn, tự nhiên như trẻ con thích bánh kẹo và người lớn thích đi nhậu vậy. Thọ tìm thấy ở những cuốn truyện tranh một thế giới rộng lớn hơn, phức tạp hơn, mỗi nhân vật đều có một câu chuyện của họ, chứ không đơn thuần là một thứ giải trí vô nghĩa cho trẻ con như nhiều người nghĩ.
Tôi nghĩ truyện tranh chính là người thầy đầu tiên dạy tôi về phim ảnh, vì phong cách thể hiện của manga có độ chuyển động rất mượt mà. Nói chung chẳng khác gì xem phim!
Nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp không chỉ là người sưu tập món đồ xưa cũ, trên tất cả, anh đã trở thành người lưu trữ văn hoá và bảo tồn giá trị vàng son của Sài Gòn một thời. Từ các loại tiền của đa dạng quốc gia trên thế giới, anh Huỳnh Minh Hiệp tập trung sưu tập tiền Việt Nam. Anh tìm tiền của các triều đại phong kiến, rồi tiền giấy năm 1945 khi nhà nước lần đầu tiên phát hành, từ bạc tài chính của ngoài Bắc, phiếu Trung Bộ cho tới giấy bạc miền Nam.
Tôi mong giới trẻ ráng gìn giữ những gì cha ông để lại, món gì cũng được hết, đơn giản từ những thứ trong gia đình mình. Xây dựng một ý thức bảo tồn và lưu trữ, để văn hoá không bị mai một.
Nhà sưu tầm Huỳnh Thanh Tịnh chia sẻ niềm đam mê của anh về tấm ảnh analog và sau đó là tình yêu với máy ảnh phim. Gắn bó với analog cũng là cách Tịnh phản kháng tự nhiên với kỉ nguyên digital, bởi chỉ có ảnh phim “mới chỉn chu và chậm rãi như vậy”, và sở thích này hoá ra rất hợp với một người trầm tĩnh, hoài cổ như Tịnh.
Máy phim cũng chỉ là một linh kiện cơ khí, đời nào cũng có thông số riêng của nó. Vì thế khi chọn máy phim cũ, người sưu tầm cần có kiến thức và kĩ năng về những yếu tố như cơ và tốc, sau đó là ống kính.
Quả là, nghề chơi nào cũng lắm công phu!