Collector Huỳnh Minh Hiệp: Người lưu trữ vàng son
FeatureLifestyle

Collector Huỳnh Minh Hiệp: Người lưu trữ vàng son

Không chỉ đơn thuần là người sưu tập món đồ xưa cũ, trên tất cả, anh Huỳnh Minh Hiệp đã trở thành người lưu trữ văn hoá và bảo tồn giá trị vàng son của Sài Gòn một thời.

Men’s Folio Vietnam gặp gỡ nhà sưu tập, kỷ lục gia Huỳnh Minh Hiệp tại quán cà phê mang tên Lúa Sài Gòn của anh vào một ngày đầu năm. Rất khác với một thành phố tập nập và hiện đại bên ngoài, không gian nơi nhẹ nhàng đậm chất xưa cũ với lối bài trí quen thuộc của kiến trúc Sài Gòn xưa cùng gần 2.000 hiện vật được người dân nơi đây sử dụng từ thập niên 1930 đến 1970, và ngay cả anh chủ quán – nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp cũng mang đậm tinh thần đó: Giản dị, hào sảng và thân thiện.

Ngồi trò chuyện cùng anh trong không gian treo đầy những chứng nhận kỷ lục trong hoạt động lưu trữ của mình, người viết có thể cảm nhận thấy sự tự hào trong từng câu mà anh chia sẻ. Tính đến nay, đã gần 30 năm kể từ khi anh bắt đầu thực hiện hoạt động sưu tập của mình. Năm 1993, anh Huỳnh Minh Hiệp làm ở cửa hàng miễn thuế tại sân bay, với nghề tay trái là ảo thuật, mỗi lần trình diễn tại phòng chờ, khách quốc tế thường thích thú và tặng anh những tờ tiền nước ngoài lạ lẫm. Kể từ đó, anh nhận ra mình có niềm đam mê với sưu tập.

Từ các loại tiền của đa dạng quốc gia trên thế giới, anh Huỳnh Minh Hiệp tập trung sưu tập tiền Việt Nam. Anh tìm tiền của các triều đại phong kiến, rồi tiền giấy năm 1945 khi nhà nước lần đầu tiên phát hành, từ bạc tài chính của ngoài Bắc, phiếu Trung Bộ cho tới giấy bạc miền Nam. Anh bật mí một điều thú vị là, trước khi khi miền Nam có in tiền thì sử dụng tiền pháp có đóng dấu của Uỷ ban tài chính Nam Bộ xài tạm ở các tỉnh. Cứ như vậy, anh trở thành người đàn ông có bộ sưu tập tiền lớn nhất đất nước được kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận.

Xuất phát từ niềm yêu thích lưu trữ tiền, anh Huỳnh Minh Hiệp đã mở rộng tình yêu của mình với việc gìn giữ và bảo tồn văn hoá tại Sài Gòn nói riêng và miền Nam Việt Nam nói chung. Rất nhiều những món đồ của Sài Gòn một thời như hoá đơn xưa, poster phim, báo chí, phương tiện giao thông và hiện vật sử dụng trong gia đình…đều được anh dành nhiều công sức sưu tầm.

Là một người công tác trong ngành báo chí, cá nhân người viết cảm thấy xúc động nhất là khi anh Hiệp cho xem tận mắt, sờ tận tay vào tờ Gia Định Báo – tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ của Việt Nam. Số báo này ra mắt ngày 2/9/1890, trong đó năm 1890 là năm sinh của cụ Hồ và 55 năm sau đó, vào ngày 2/9/1945, cụ Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra đất nước. Thật tuyệt vời!. Anh tìm tờ đó trên 10 năm mới thấy, dân sành sỏi lắm cũng không có và cuối cùng lại thấy ở ngoài Bắc. Bên cạnh Gia Định Báo, anh còn giữ tờ Lục Tỉnh Tân Văn mà ngay cả Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có bản photocopy, không có tờ gốc.

Năm 2018, anh Hiệp còn nhận thêm kỷ lục Bộ sưu tập Programme – Poster film chiếu rạp và các tư liệu, hiện vật về Cải lương Việt Nam (giai đoạn trước năm 1975) nhiều nhất. Anh tìm được và lưu trữ cả tấm poster phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam mang tên Trận Phong Ba. Bộ phim này có 6 tài tử Sài Gòn quay ở Hồng Kông, tuy quay sau Cánh Đồng Ma nhưng lại chiếu trước. Ngay cả viện phim quốc gia cũng không có và chưa bao giờ được thấy poster này trước đây.

“Nghe những lời mà anh chia sẻ, Men’s Folio Vietnam cảm thấy anh đúng hơn là một người bảo tồn Văn hoá” – người viết chia sẻ.

Anh Hiệp liền chia sẻ rằng, anh đã làm công tác bảo tồn từ 2015. “Cứ đi đâu thấy món đồ liên quan tới Sài Gòn là anh lưu trữ lại. Kể cả những hộp bánh, như bánh sâm-banh rất thú vị, trên mỗi hộp lại có một bài thơ được viết bằng chữ nôm và chữ hán:

 ‘Một chiều mây nước trôi

Em đến trong đời tôi

Ăn mừng tình tương hội

Sâm-banh bánh tuyệt vời’.”

“Có bao giờ anh nghĩ, việc lưu trữ như một sự nghiệp đời anh và nó đã chọn anh?” – người viết đầy thắc mắc.

Anh Hiệp quả quyết rằng: “Anh chọn nó, anh sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, anh yêu tất cả những gì thuộc về nơi này. Giờ đây, cứ đồ cũ là người ta bỏ hết, ít người lưu giữ lắm, anh muốn tìm lại để phục dựng không gian để người trẻ có thể tới và hiểu về 1 thời kỳ của thành phố này trước 1975”.

Gần 30 năm trôi qua, với 6 kỷ lục, 4 kỷ lục Việt Nam và 2 kỷ lục người Việt toàn cầu. Gần đây nhất, anh Hiệp được bình chọn vào danh sách 100 Nhân Vật Vì Sự Nghiệp Phát Triển Asian. Sắp tới còn có 1 kỷ lục nữa về phía đi chợ và các giấy tờ các thời kỳ covid. Sau khi sưu tầm đủ, anh sẽ thành lập bảo tàng riêng, thực ra từ lâu Cục Di Sản đã cho phép anh rồi, nhưng giờ anh muốn duy trì quán cà phê để tận hưởng không gian đã.

“Vậy điều gì khiến anh suy tư nhiều nhất trong suốt quãng thời gian 30 năm qua?”

Đó là sự gìn giữ. Anh mong giới trẻ ráng gìn giữ những gì cha ông để lại, món gì cũng được hết, đơn giản từ những thứ trong gia đình mình. Xây dựng một ý thức bảo tồn và lưu trữ, để văn hoá không bị mai một. Còn rõ ràng, sưu tầm hay bất cứ một đam mê nào cũng vất vả, mất thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, những món đồ cổ như con người, đến đúng thời điểm ta sẽ gặp nhau.

Bài: Nam Thi
Ảnh: Rab Lê
 

Related Article