Modern Collectibles: NAG Harry Vũ – Máy ảnh và giá trị của sự đồng hành
LifestyleArts & Culture

Modern Collectibles: NAG Harry Vũ – Máy ảnh và giá trị của sự đồng hành

Tình yêu mãnh liệt và sâu sắc mà nhiếp ảnh gia Harry Vũ dành cho những chiếc máy ảnh Leica của anh khiến tôi tự hỏi, rằng có hay không, một Harry Vũ, với nhiều phiên bản khác nhau khi đứng trước những “người bạn” quá khác biệt. 

Cảm ơn anh Harry Vũ đã dành thời gian trò chuyện cùng Men’s Folio Vietnam về những chiếc máy ảnh mà anh đang lưu trữ. Trước hết, những chiếc máy ảnh có ý nghĩa như thế nào với anh (trước và sau khi trở thành một nhiếp ảnh gia thực thụ)?

Tôi tiếp xúc nhiếp ảnh khá trễ so với nhiều nhiếp ảnh gia cùng thế hệ, phải đến năm 20 tuổi, tôi mới được cầm chiếc máy ảnh đầu tiên khi quyết định học chuyên ngành Nhiếp ảnh. Với tôi, chiếc máy ảnh như người bạn ở những năm đầu tiếp cận và thực hành nhiếp ảnh, nó là một vật kỳ diệu với khả năng ghi lại những khoảnh khắc xung quanh mình. Và cho đến hiện tại, tình yêu tôi dành cho những chiếc máy ảnh vẫn không thay đổi.

Hiện tại, anh có bao nhiêu mẫu máy, và thời gian anh sở hữu thêm một mẫu mới là bao lâu? 

Thật ra, số lượng máy ảnh của tôi không đủ nhiều để gọi là bộ sưu tập của một người sưu tầm. Đâu đó khoảng 20, tôi cố gắng mỗi năm sẽ tự thưởng cho mình một chiếc máy ảnh để tiếp tục nghiên cứu và mày mò những điều mình chưa hiểu hết về nhiếp ảnh, thông qua những chiếc máy ảnh này.

Nếu phải kể về 3 chiếc máy ảnh có ý nghĩa hoặc đem đến một cảm xúc đặc biệt, đó sẽ là những chiếc máy ảnh nào? Lý do chúng thu hút anh là gì?

Đó sẽ là Leica M6, Leica SL và Leica Q. Cả ba chiếc máy của Leica vô tình trùng hợp gắn liền với các cột mốc trong cuộc sống mà tôi từng trải qua. Leica M6 là chiếc máy ảnh đầu tiên tôi tự mua bằng tiền tiết kiệm của mình và nó đã giúp tôi hoàn thành việc học nhiếp ảnh ở Úc. Leica SL là một chiếc máy ảnh đóng góp vào sự chuyển mình của kỷ nguyên kỹ thuật số của nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Cuối cùng là Leica Q, chiếc máy ảnh tôi may mắn được sử dụng khi thực hiện dự án “When The Leica Sings” với nhạc sĩ tài hoa Quốc Bảo cùng Leica Vietnam.

Đâu là chiếc máy anh dùng nhiều nhất, hiếm dùng nhất và cảm thấy nó giống anh nhất?

Chiếc máy ảnh tôi dùng nhiều nhất là Leica SL2, trong việc thực hành nhiếp ảnh hàng ngày, từ dự án cá nhân đến dự án thương mại. Sự bền bỉ và chất lượng của Leica đã thuyết phục tôi luôn yên tâm khi sử dụng Leica SL2 làm việc. Hiếm sử dụng nhất là Leica D-lux Titanium Version, đây là chiếc máy ảnh tôi vô tình có duyên sở hữu, vì khi mua, tôi nghĩ đây sẽ là món quà đầu tiên tôi dành cho con gái của mình.

Giá tiền không quyết định giá trị của một chiếc máy ảnh. Nên tôi muốn biết điều gì làm nên giá trị của chúng trong mắt anh?

Điều làm nên giá trị của một chiếc máy ảnh với tôi, đó là giá trị của sự đồng hành. Chiếc máy ảnh sẽ trở nên có giá trị hơn nếu luôn được người nhiếp ảnh gia đem theo bên mình và sử dụng để tạo ra các tác phẩm thú vị.

Là một người không có quá nhiều câu chuyện về những chiếc máy ảnh như các nhiếp ảnh gia, tôi cảm thấy mỗi lần “nhấn” chụp trên các mẫu khác nhau là một lần để cảm xúc dẫn lối. Liệu với những người quá am hiểu và dày dạn kinh nghiệm chụp ảnh như anh, điều gì nảy ra trong anh đầu tiên? 

Tất nhiên là các mẫu máy ảnh khác nhau sẽ đem lại trải nghiệm phong phú cho người sử dụng. Với tôi, trước khi chụp ảnh, tôi thường nghiên cứu về chủ đề mình sẽ làm, để chuẩn bị tinh thần và thiết bị phù hợp với bối cảnh đó. Sau đó, cảm xúc sẽ đến với sự cho phép của chính mình trong giai đoạn chuẩn bị trước và trong quá trình tạo ra bức ảnh. Sở hữu nhiều máy ảnh giúp tôi phần nào đó có thêm nhiều lựa chọn cho cảm xúc của mình khi tạo ra các bức ảnh.

Đối với một số cá nhân lưu trữ/sưu tầm, những món đồ họ cất giữ đem đến cho họ những bài học vô giá. Còn những bài học mà chiếc máy ảnh đem đến cho anh là gì?

Là kiến thức, tôi thích nghiên cứu và mày mò. Việc xem lại lịch sử hình thành và các giá trị của chiếc máy ảnh tại thời điểm của nó, cùng với việc nghiên cứu các nhiếp ảnh gia đi trước đã sử dụng các máy ảnh đó thế nào, giúp tôi thỏa mãn sự tò mò của mình với niềm đam mê nhiếp ảnh. Ngoài ra, những “người bạn” này đã dẫn tôi đến những “người bạn” mới. Ví dụ như việc sở hữu máy ảnh Leica Q2 chẳng hạn. Khi tôi nghiên cứu và thực hành với chiếc máy ảnh này, nó lại đem đến cho tôi mối quan hệ với một nhóm nhiếp ảnh gia ở Mỹ và Nhật Bản. Chúng tôi trao đổi với nhau như thể đã từng gặp gỡ từ rất lâu, không có sự giới hạn nào cả.

Anh từng chia sẻ rằng anh rất thích ghi lại những ký ức mình được trải qua và những vẻ đẹp mình được nhìn thấy. Giờ đây, cái nhìn cũng như những định nghĩa về “ký ức” hay “vẻ đẹp” của anh vẫn còn vẹn nguyên như trước hay có chút thay đổi rồi? 

Điều này luôn luôn thay đổi, tôi chấp nhận định nghĩa vô thường của cuộc sống. Mọi thứ luôn luôn thay đổi, cả bản thân tôi cũng vậy, đã và đang thay đổi từng ngày để phù hợp với phiên bản hoàn thiện hơn của mình. Trước đây, tôi hay làm mọi thứ rất nhanh vì sợ bỏ lỡ đi khoảnh khắc nào đó. Hiện tại, tôi chậm hơn, không phải vì tôi không còn sợ mất đi khoảnh khắc nữa, mà vì bây giờ, tôi muốn chọn lọc khoảnh khắc tuyệt vời nhất để ghi lại.

Yếu tố “vượt thời gian” có phải luôn là điều kiện cần trong những “mảng ký ức” mà anh muốn lưu giữ? 

Đó là giá trị mà Leica ảnh hưởng đến tôi, những bức ảnh vượt qua giới hạn của thời gian luôn là khao khát của tôi và những “người bạn”.

Nhân đây, có một bản thể nào quá khác của anh trong thế giới Leica, hay khi anh thuộc về phần còn lại của nhiếp ảnh không?

Tôi không nghĩ là có, Leica hay các hãng máy ảnh khác với nhiều mẫu máy đa dạng rất chất lượng đều đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Tôi chỉ có một bản ngã là khao khát tạo ra cái đẹp bằng nhiều cách khác nhau và bằng nhiều công cụ khác nhau cho nhiều khách hàng đặc biệt của mình. 

Trước và sau khi tiến sâu hơn vào địa hạt Leica, suy nghĩ của anh đã thay đổi thế nào?

Leica là một trong những hãng máy ảnh có lịch sử lâu đời và thú vị. Khi biết đến Leica và tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của dòng máy, tôi học được sự khiêm tốn và khiêm nhường từ những thành tựu của các nhiếp ảnh gia khác ở Việt Nam và thế giới. Có thể nói, Leica giúp tôi trưởng thành trong chính hành trình của bản thân, giúp tôi nhận ra được nhiều điều ý nghĩa và quý giá trong cuộc sống.

Khi vừa bắt đầu với nhiếp ảnh, mọi người hay hỏi tôi về phong cách nhiếp ảnh của mình. Tôi đã không thể trả lời được câu hỏi này, mà thường hay bảo mọi người hãy xem thử hình tôi chụp để có thể thấy được phong cách đó. Còn bây giờ, với Leica, tôi sẽ kể cho bạn nghe về triết lý nhiếp ảnh của tôi là gì.

Sau tất cả, lời khuyên nào của anh dành cho những bạn nhiếp ảnh có mong muốn sở hữu nhiều máy ảnh? 

Hãy tỉnh táo với điều kiện tài chính của bạn, chọn những gì khiến chúng ta cảm thấy vui nhất, hạnh phúc nhất và thoải mái nhất. Sẽ không bao giờ có bài văn miêu tả hết được sự đam mê nhiếp ảnh qua một hay nhiều chiếc máy ảnh. Nếu đó thật sự là đam mê, bạn biết đó, nó sẽ không có giới hạn.

Ảnh: HAHA Studio
 

Related Article