Trị liệu bằng âm nhạc – Sức mạnh không ngờ của những thanh âm
GroomingHealth & Fitness

Trị liệu bằng âm nhạc – Sức mạnh không ngờ của những thanh âm

Thật ra, con người là một sinh vật rất dễ bị ảnh hưởng. Chúng ta bị tác động và nhận tác động từ rất nhiều phía. Trong đó, âm thầm và mạnh mẽ nhất có thể kể đến âm nhạc và mùi hương.

Không có một “trung tâm âm nhạc” nào tồn tại trong não bộ của chúng ta. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, một điệu nhạc khi được truyền trực tiếp từ môi trường bên ngoài vào tai nghe sẽ gần như kích hoạt hầu hết những vùng não mà chúng ta đã biết từ trước cho đến nay. Điều này sẽ cho bạn một gợi ý để dễ dàng hình dung sức ảnh hưởng của âm nhạc đến trí tuệ và cảm xúc là to lớn cỡ nào.

Ảnh hưởng của âm nhạc

Hãy lấy một ví dụ đơn giản. Khi chúng ta nghe các bài hát có nhịp chậm, tiết tấu đều và các nốt ngân dài, chúng có xu hướng làm dịu tâm trạng của bạn xuống. Nhưng ngược lại, nếu âm nhạc có nhịp nhanh và hỗn loạn, thứ âm thanh ấy có xu hướng gây ra tác dụng ngược lại. Đó cũng chính là những thủ thuật quen thuộc của các nhà làm phim/ đạo diễn sân khấu dùng để dẫn dắt tâm trạng của khán giả vào đúng mạch kịch bản. Vì khi cả hai bán cầu não thực hiện tiếp nhận và xử lý thông tin, cơ thể cũng lần lượt có những “lời hồi đáp” với chính tác động vô hình ấy.

Cơ thể đáp ứng âm nhạc bằng sự thay đổi các chức năng sinh học như gia tăng nhịp tim, hơi thở, huyết áp, sức căng cơ bắp, cảm giác đau hay sản xuất kích thích tố. Do đó, sẽ không phải cường điệu khi người ta vẫn luôn cho rằng âm nhạc là vũ khí lợi hại để thao túng lòng người. Người nghệ sĩ tài hoa là người có thể khiến khán giả thăng hoa với âm nhạc, vui sướng cùng âm nhạc, thống khổ bi thương trong âm nhạc hay được chữa lành bởi chính âm nhạc.

Liều thuốc vô hình

Âm nhạc là một trong những bộ môn nghệ thuật được khởi sinh từ rất lâu của văn minh loài người. Cho đến thời điểm hiện tại, khi đã được phân hóa, tôi luyện qua những thời kỳ đỉnh cao nhất và vẫn còn có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ hiện tại, âm nhạc và sức ảnh hưởng của chúng với con người đã và đang được vận dụng triệt để không chỉ trong lĩnh vực giải trí mà còn trong chuyên môn y học. Đã có rất nhiều bằng chứng trong các điển tích điển cố lịch sử hay kinh thánh Do Thái chỉ ra rằng con người đã biết sử dụng âm nhạc như là một phương pháp trị liệu bên cạnh thuốc thang. Gần đây nhất, trong suốt hai cuộc thế chiến, liệu pháp âm nhạc nổi lên như một nghề chân chính khi các nhạc công chuyên nghiệp được điều đến bệnh viện để chơi nhạc điều trị cho các cựu chiến binh bị chấn thương.

Theo nghiên cứu, thay vì chỉ nghe nhạc đơn thuần, việc sử dụng âm nhạc để can thiệp và chữa lành mang lại nhiều hiệu quả hơn. Tác động của âm nhạc với thân chủ là những phản ứng về thể chất và cảm xúc. Âm nhạc có thể đánh lạc hướng thân chủ khỏi những đau đớn, lo lắng nhờ đó bác sĩ có thể cắt giảm lượng thuốc cần thiết. Chính điều này đã thôi thúc các bác sĩ và y tá kết hợp với nghệ sĩ để mang âm nhạc vào phác đồ điều trị. Ngày nay, trị liệu bằng âm nhạc không chỉ dừng lại ở phạm vi “phục hồi chức năng có sự tham gia của công cụ” mà còn nhận được những nghiên cứu chuyên sâu nhằm phát triển chúng thành một nhánh của tâm lý học ứng dụng cho các bệnh lý phức tạp và mang tính thời đại như trầm cảm, ám ảnh, rối loạn hay một số bệnh lý về phát triển trí não.

Các phương pháp trị liệu âm nhạc

Trị liệu âm nhạc dựa trên hai phương pháp chính: phương pháp thụ động thông qua việc nghe và phương pháp chủ động thông qua việc chơi nhạc cụ. Với các bệnh nhân điều trị tâm lý, các bác sĩ sẽ khuyến khích lựa chọn phương pháp chủ động, sử dụng nhịp điệu, ký hiệu, trình tự và chuyển động để giúp thân chủ học tập và chữa lành. Chúng có tác động tích cực đến chức năng nhận thức, hình thành khái niệm, kỹ năng vận động cũng như hiệu suất học tập của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, phương pháp tiếp nhận thụ động lại thường được sử dụng để điều trị chứng lo âu, trầm cảm và rối loạn nhận thức. Thông qua việc lắng nghe, trò chuyện kết hợp với hình ảnh trong một không gian nhất định, người điều trị có thể tập trung suy nghĩ và thảo luận những vấn đề có liên quan trong bầu không khí thả lỏng để giảm bớt đi sự kháng cự tâm lý.

Tạp âm đô thị và lối thoát của chúng ta

Tác phẩm của nghệ sĩ ROZANNE HERMELYN DI SILVESTRO – Fine Art Originals UGallery or Contact Rozanne

Quay trở với cuộc sống hằng ngày, phải chăng chúng ta đang là những chú chim bị vây khốn trong chiếc lồng tạp âm khổng lồ của các đô thị lớn? Những số liệu biết nói đã thuyết minh ảnh hưởng của ô nhiễm tiếng ồn đến tâm lý lẫn sinh lý của người thành thị. Tôi luôn ngỡ rằng khi thấy quán xá phố phường đông kín người, âm thanh huyên náo khắp mọi nơi chính là biểu hiện của sự tận hưởng ”không khí tấp nập” chỉ ở đô thị lớn mới có. Nhưng không, đằng sau vẻ đẹp phồn hoa ấy, tiếng ồn đã trở thành “sát nhân giấu mặt” gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người mà bấy lâu nay chúng ta vẫn luôn chấp nhận sống chung với nó.

Các báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đã nhiều lần chỉ ra rằng tiếng ồn từ giao thông đường bộ là tác nhân gây căng thẳng (stress) nghiêm trọng và mệt mỏi kéo dài, làm rối loạn giấc ngủ, để rồi tích tụ như cốc nước đầy không chỗ nào giải tỏa, dẫn đến những bệnh lý như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực của công dân thành thị. Bạn hãy thử làm một phép tính cộng nho nhỏ, chỉ riêng ở thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 8 triệu xe máy hoạt động trên đường, hàng trăm quán xá hoạt động mỗi đêm. Những tiếng kèn xe inh ỏi, những công trình khoan đập không ngớt, tiếng karaoke từ nhà hàng xóm, tiếng người lớn trẻ con sinh hoạt ầm ĩ…cả cái đô thị này tạo thành một lồng giam kín ngày đêm tra tấn màng nhĩ chúng ta bằng những “ma âm” tai hại chết người. Sống an phận là sự lựa chọn của đại đa số, tuy nhiên tôi nghĩ rằng sự thụ động này chưa hẳn đã là một giải pháp hay.

Bạn đã từng nghe qua câu nói “lấy độc trị độc”? Với trường hợp này, sẽ không có giải pháp nào tốt hơn để trị âm thanh bằng âm thanh. Trị liệu âm nhạc có thể được linh hoạt áp dụng trong cuộc sống cá nhân của mỗi người. Cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất là hãy tự thiết kế cho mình một danh sách những bài hát yêu thích, có thể khiến bạn cảm thấy thư giãn hay phấn khởi mỗi khi nghe, lưu chúng vào trong điện thoại để có thể sẵn sàng đồng hành cùng bạn ở bất cứ khi nào và bất kỳ nơi đâu chúng được cần đến. Khi những giai điệu quen thuộc bắt đầu cất lên, não của bạn sẽ được dẫn dắt để nhanh chóng hòa mình vào bài hát và tự động tạo một không gian riêng tách bạn ra khỏi môi trường phiền não ngoài kia.

Bên cạnh đó, bạn cũng hãy suy nghĩ đến việc theo học một số lớp đào tạo sử dụng nhạc cụ để có thể tiếp nhận phương pháp trị liệu bằng âm nhạc một cách chủ động hơn. Trống là một trong những nhạc cụ được các nhà khoa học khuyến khích mọi người sử dụng. Vì ở đó bạn có thể tự do thể hiện và kết nối với nhịp điệu mà không chịu quá nhiều áp lực về việc chơi sai nốt. Với những ai cần giải tỏa tâm trạng, những tiết tấu nhanh, sôi động của trống sẽ mở ra một cánh cửa để bạn bộc lộ tâm trạng của mình trực tiếp nhất. Ngoài ra, guitar và piano cũng là hai sự lựa chọn giúp bạn làm dịu và thư giãn cho tâm và trí của mình.

Người trưởng thành nào chẳng mang trong mình những nỗi cô đơn. Nhưng dù trong những lúc trống trải nhất, âm nhạc vẫn là người đồng hành dịu dàng để không chỉ xoa dịu những mệt mỏi mà còn dẫn dắt bạn khám phá những gì ẩn giấu bên trong bản thân mà bản thân cũng không hay biết.

Bài: Linh Bùi
Ảnh Tiburi, Simon Noh, Fixelgraphy, Esgo K

Đặt ấn phẩm ???’? ????? ??????? – ??? ????? ????? chỉ với 99,000 VND tại ĐÂY:

 

Related Article