The Only Series: Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ về Ròm, khoảnh khắc điện ảnh và sự duy nhất
Feature

The Only Series: Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ về Ròm, khoảnh khắc điện ảnh và sự duy nhất

Mỗi con người chúng ta đều là một cá thể duy nhất. Có chăng, sự khác biệt nằm ở những giá trị mà chúng ta đã để lại trong cuộc đời này. Tương tự, nhiều người có lẽ sẽ hơi xa lạ với cái tên Trần Thanh Huy, nhưng họ đều biết đến Ròm, tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh.

Ròm là bộ phim Việt đầu tiên đoạt giải thưởng New Currents danh giá nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019, đồng thời thắng lớn tại các rạp chiếu trong nước với doanh thu trên 3 triệu đô. 8 năm thực hiện, 27 bản dựng, 89 ngày quay. Bên Nga có một câu ngạn ngữ: “Ngày đi, tháng chạy, năm bay. Thời gian nước chảy chẳng quay được về”. Tôi đùa, bảo rằng: “Đời người có bao nhiêu cái tám năm đâu. Mà anh đã dành cả cho Ròm rồi!” Có vẻ như, sự tiêu tốn đó với anh thực sự không phải là một mối bận tâm lớn. Sau cùng thì, thời gian là thứ mà, theo lời đạo diễn Huy, anh có nhiều nhất.

“Làm phim với tôi như một chiếc kiềng ba chân”, anh ví von.

Chân thứ nhất là khả năng, thứ cốt yếu phải có. Thứ hai là tiền, nếu không có tiền thì anh có thời gian.

Trong Ròm có một cảnh ngập nước. Nếu là đoàn phim lớn có kinh phí, họ sẽ dựng cảnh bằng cách xả nước ra, bít cống lại. Thay vào đó, anh Huy chờ mùa mưa đến, nước ngập lên hết để quay. Chờ. Đó là thứ mà anh làm nhiều nhất suốt 8 năm đàng đẵng. Chờ tiền đầu tư, chờ ánh sáng, chờ diễn viên… chờ những khoảnh khắc. Anh nhớ lại lúc viết kịch bản cho Ròm, anh chạy xe ngoài đường và ngồi quán cà phê hàng giờ. Một ngày anh phải ngồi từ 8 đến 10 tiếng, đủ lâu để có thể chiêm nghiệm được cuộc sống và tìm những điểm sáng cho câu chuyện của mình. “Bản thân điện ảnh chính là những khoảnh khắc mà”, anh giải thích.

Ngoài đến từ sự quan sát, những khoảnh khắc còn đến từ chính những kí ức của anh. Như nghề cò đề chẳng hạn. Lý do anh chọn nó rất đơn giản: anh từng có những người bạn làm nghề này. Đây là một hủ tục đã gắn liền với cuộc sống của Huy từ thuở ấu thơ. Có những lúc ngủ dậy, anh được người lớn hỏi đêm qua mơ thấy con số gì: “Dần dà, tôi có thói quen chú tâm hơn vào giấc mơ của mình”. Tuy nhiên, để có những tình tiết đắt giá trên phim, chỉ thế vẫn chưa đủ. Anh đã phải đào sâu vào, sống với nó để tìm những câu chuyện mới lạ hơn.

Mỗi bộ phim không phải là một sản phẩm, mà là một trải nghiệm có thể trở thành một tác phẩm.

“Nếu mà trải nghiệm của tôi đủ sâu, cộng với góc nhìn cá nhân, nó sẽ trở thành một tác phẩm sống lâu hơn cả tôi nữa. Về sau, người ta sẽ nhắc tới bộ phim thay vì tôi. Điện ảnh là như vậy!”

Đến đây, anh tiết lộ cho tôi một câu chuyện rất dễ thương. Sau khi phim Ròm được  chiếu xong ít lâu, anh tình cờ tìm thấy trong mục Spam trên Messenger một tin nhắn từ người bạn xưa: “Huy ơi, tao xem phim như nhìn thấy tao với mày ở trong đó”. Lúc đó, anh đã xúc động: “Ồ, nhiều bạn cũ biết tôi làm phim về tụi nó”.

Phim Ròm cho anh những trải nghiệm, được sống với đam mê, sống với những gì mình muốn. Tuy nhiên, anh vẫn không gọi Ròm là thành công. Thật lạ, dù đây là một trong những phim Việt hiếm hoi chiến thắng ở cả mảng quốc tế lẫn doanh thu phòng vé và được bàn luận trên mạng xã hội trong thời gian rất dài. Anh thú nhận: “Từ lúc chọn đề tài xã hội, tôi đã dự đoán trước được Ròm sẽ tạo sự tranh cãi trong dư luận. Tôi chấp nhận điều đó”.

Thành công đối với đạo diễn Trần Thanh Huy hãy còn rất xa. Anh tự định nghĩa thành công của điện ảnh là bộ phim của mình phải được công nhận ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Từ đó, nó sẽ mang màu sắc đẩy văn hóa người Việt đi xa. Còn hiện tại, Ròm chỉ là hiện tượng tức thời. Anh từ lâu cũng đã hiểu quá rõ rằng sau làn sóng truyền thông tạo nên từ những tranh cãi đó, mọi thứ sẽ lắng đọng, trở lại bình thường cũng như nhiều hiện tượng trước đó. Anh cũng sẽ phải bước tiếp.

Nếu tôi cứ ở trên mây thì sẽ rất là khó để tiến lên. Đó là lý do tôi giữ cho mình tâm thế đứng dưới mặt đất.

Hiện tại, ngoài việc nhận quay quảng cáo, anh vẫn đang viết một kịch bản phim mới: “Nhiều người nghĩ quay quảng cáo thì không làm phim được. Không gì là không thể. Một ngày có tận 24 tiếng, ta có thể xài 5 đến 10 ngày quay quảng cáo kiếm tiền, xong dùng tiến đó để làm phim”. Anh mô tả việc làm phim như cái nghiệp của mình. Nó là một trò chơi, thú vui, đam mê và là tất cả trên đời.

Hồi cấp ba, tôi từng nhận được đề bài nghị luận một câu nói của Xu khôm linxki: “ Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Câu nói đó đã thể hiện chính xác những gì tôi nghĩ về chủ đề “The Only” của số này. Mỗi con người đều có một vị trí dành riêng cho mình trên thế giới này, dù bạn có biết hay không. Tuy nhiên, đạo diễn Trần Thanh Huy đã tái định nghĩa “The Only” trong tôi theo một cách khác.

Men’s FOLIO: Chủ đề của Men’s FOLIO số tháng 3 này là “The only”, vậy anh định nghĩa thế nào là duy nhất?

Tôi nghĩ rằng mỗi một giây mình nghĩ ra một ý tưởng gì thì có cả ngàn, thậm chí chả triệu người trên thế giới cũng có cùng một suy nghĩ này. Nếu nói bản thân ta nghĩ ra cái thứ gì gọi là duy nhất thì nó sẽ không bao giờ là duy nhất. Có chăng sự độc nhất đến từ
góc nhìn của mỗi người. Bên cạnh đó, việc truyền tải cái nhìn đó lên trên phim, màn ảnh cũng được gọi là duy nhất. Nói cho dễ hiểu hơn, đối với điện ảnh, không có câu chuyện nào là mới, chỉ có cách kể, cách nhìn mới.

MF: Nếu có một điều duy nhất đủ sức khiến anh từ bỏ đam mê điện ảnh, thì đó là gì?

Không có gì. Vốn dĩ tôi từng không có định đi làm phim, thậm chí còn không biết đạo diễn là gì. Tôi sinh ra trong một gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật. Năm 14 tuổi, tôi quyết định đi kiếm tiền giúp gia đình trang trải. Những kiến thức mà tôi học ở trường lúc ấy cỏ vẻ không giúp ích được gì và tôi phải làm sao để thay đổi tình hình đó đây? Tôi có đọc tham khảo những cuốn sách về kinh doanh, làm giàu nhưng không cảm thấy giống mình.

Tình cờ, tôi tìm trên báo thấy lớp học về đạo diễn. Lớp cho học miễn phí mà còn được cho tiền. Thế là, tôi cùng người bạn thân Vinh Phúc (đạo diễn hình ảnh của phim Ròm), đăng kí học. Chắc là nghề chọn mình từ đó. Tôi lần đầu biết cầm máy đi quay, thích
thú với những hình ảnh mình tạo ra và cố gắng tìm tòi những thứ mình chưa bao giờ biết. Nó trở thành một cơn nghiện. Tôi nghiện làm phim, nghiện việc tái tạo những khoảnh khắc. Nếu mà sau này không có gì ngăn cản thì tôi vẫn làm phim, miễn là còn sức khỏe.

MF: Theo anh, điều gì làm nên sự độc nhất của mỗi con người? Riêng với anh, sự độc nhất ấy đến từ đâu?

Có nhiều người nổi bật vì vẻ ngoài của mình, cách nói chuyện, công việc. Những người khác lại đặc biệt vì chính cách nhìn của họ và những gì họ làm tạo nên một giá trị khác biệt. Chúng ta sẽ không bao giờ biết là khi nào mình nổi bật hay không. Ngay cả chuyện
mình đẹp cũng sẽ có người khác đẹp hơn. Những điều mà làm con người nổi bật chỉ mang tính thời điểm. Quan trọng là giá trị ta để lại sau đó. Tôi nghĩ nó tốt hơn việc mình muốn nổi bật như thế nào.

Với tôi, tôi nghĩ mình nên sống với chính mình là đã khác biệt rồi. Mỗi người có một cái độc nhất, nhưng bản thân tôi không biết mình có gì độc nhất nữa. Đó là cái do mọi người đánh giá. Còn tôi chỉ cố làm hết sức để thể hiện những gì mình nghĩ, mình nhìn thấy.

MF: Xin cảm ơn anh Huy vì những chia sẻ vừa rồi.
Ảnh: RABHUU Studio
Bài: Khánh An

Đừng bỏ lỡ chuyên mục The Only Feature với sự góp mặt của:

Ưu đãi đặc biệt dành riêng cho ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #3 – THE ONLY ISSUE:

  • Giảm 15% khi đặt từ 5 ấn phẩm
  • Giảm 20% khi đặt từ 10 ấn phẩm

Đặt ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #3 – THE ONLY ISSUE tại ĐÂY.

 

Related Article