#MensFolioFitClub: Hội chứng “cháy sạch” và 5 cách cân bằng cuộc sống
GroomingHealth & Fitness

#MensFolioFitClub: Hội chứng “cháy sạch” và 5 cách cân bằng cuộc sống

Như một lẽ tự nhiên, não và cơ thể của bạn đều có giới hạn nhất định. Nếu liên tục gặp nhiều áp lực, sớm muộn bạn sẽ bị kiệt sức, lẫn tinh thần và thể trạng. Khoa học gọi đây là hội chứng “cháy sạch” (burn-out). Vậy làm sao để giảm thiểu tình trạng này, hãy tham khảo 5 cách thức giúp cân bằng cuộc sống như sau.

Bỗng một ngày, bạn mất dần động lực làm việc, học tập, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất công việc. Ngoài ra, đánh mất cân bằng cuộc sống còn gia tăng các nguy cơ bệnh tật bao gồm các bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2, trầm cảm, và nguy cơ tự sát. Bạn có thể xác định hội chứng “cháy sạch” qua các triệu chứng sau:

  • Đãng trí và khó tập trung.
  • Cảm thấy mệt mỏi và mất động lực trong công việc của mình.
  • Mất phương hướng và mục tiêu.
  • Khó duy trì mối quan hệ và việc luôn bên cạnh người thân của mình trở nên khó khăn hơn.
  • Khó chịu với đồng nghiệp.
  • Đau mỏi cơ bắp và mất ngủ.

Thành thật “nhận bệnh”

Hội chứng “cháy sạch” thường liên quan đến những yếu tố công việc, như áp lực từ yêu cầu công việc. Nhưng bạn cũng có thể gặp hội chứng này khi có một lịch học quá căng thẳng, gặp các vấn đề trong mối chuyện tình cảm, và phải chăm lo cho người thân. Tự làm tất cả mọi việc dễ khiến bạn đánh mất cân bằng cuộc sống, và mắc phải hội chứng này. Muốn “chữa bệnh” thì phải “nhận bệnh”. Hãy tự thành thật với bản thân, và xác định các nguồn áp lực mình đang chịu đựng.

Cân nhắc, ưu tiên và bỏ bớt

Là những người trẻ tham vọng, chúng ta thường muốn làm tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, điều này có thể phản tác dụng khi rút cạn kiệt năng lượng của bạn. Thay vào đó, hãy học cách chấp nhận rằng làm cùng lúc tất cả mọi thứ là phi thực tế. Tập thương lượng với cấp trên về khối lượng công việc phù hợp, yêu cầu sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Ngoài ra, tâm lý muốn làm vừa lòng người khác cũng sẽ khiến bạn bị quá tải vì những mối lo không phải của bản thân. Hãy tự đánh giá lại mức độ quan trọng của những việc bạn đang làm.

Hơn nữa, dù đã rất cố gắng cân bằng và thương lượng, bạn vẫn không thể tìm cách tận hưởng công việc hiện tại? Có lẽ, đó chính là lúc bạn nên bắt đầu tìm kiếm một công việc mới. Hoặc, bạn cảm thấy quá tải vì những khó khăn trong các mối quan hệ? Đến lúc bạn cần đánh giá lại chất lượng từng mối quan hệ này. Chấp nhận bỏ bớt hoặc sắp xếp lại các ưu tiên của bản thân. Có như thế, tâm trí bạn sẽ trở nên nhẹ nhõm và tập trung hơn. Cho những gì thực sự xứng đáng với bản thân.

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài

Trò chuyện cùng những người đáng tin cậy là một cách giúp bạn trút bớt gánh nặng tâm lý khi gặp phải hội chứng “cháy sạch”. Những người thân có thể hiểu được cuộc sống của bạn, giúp bạn đánh giá vấn đề một cách khách quan hơn. Ngoài ra, họ có thể cho bạn lời khuyên thích đáng, và giúp đỡ bạn trong suốt quá trình hồi phục. Điều quan trọng là, bạn cần gạt bỏ đi tâm lý tự giải quyết mọi chuyện, và bắt đầu chấp nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Tuy nhiên, đối mặt với áp lực từ hội chứng này không dễ dàng một chút nào. Đặc biệt khi vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân của bạn. Hãy cân nhắc gặp và trao đổi với một chuyên gia trị liệu. Với nền tảng kiến thức và kinh nghiệm về tâm lý con người, các chuyên gia sẽ cho bạn sự hướng dẫn cũng như các lời khuyên khoa học. Từ đó, bạn có thể giải quyết triệt để các vấn đề, tìm lại cân bằng cuộc sống.

Thiết lập ranh giới

Đặt ra giới hạn về thời gian bạn dành cho mọi thứ. Như vậy, bạn có thể kiểm soát áp lực, giúp tránh khỏi các hệ qua từ hội chứng “cháy sạch”. Trước khi đồng ý giúp ai đó hoặc chấp nhận lời mời, bạn nên thực hiện các bước sau:

  • Dừng lại và suy nghĩ.
  • Dành chút thời gian để lược qua những điều phải làm nếu bạn đồng ý
  • Tự cân đo thời gian và năng lượng của bản thân.
  • Xem xét giá trị mà trách nhiệm ấy đem đến cho bạn

Một phần khi thiết lập ranh giới cũng bao gồm việc học cách từ chối. Bạn không phải là người lười biếng và ích kỷ khi phải từ chối một lời đề nghị nào đó. Đó là bạn biết tự lượng sức, biết dành thời gian cho sức khỏe, tinh thần, cũng như những điều thực sự quan trọng.

Chăm lo mưu cầu hạnh phúc của riêng

Quan tâm đến sức khỏe bản thân, về thể chất lẫn tinh thần, là việc quan trọng trong quá trình hồi phục từ hội chứng “cháy sạch”, giúp cân bằng cuộc sống. Nói cách khác, một khi bạn có các dấu hiệu mình mắc phải hội chứng này, ngay lập tức hãy dừng lại, dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn cũng như sắp xếp lại công việc.  Rèn luyện các thói quen sinh hoạt sau đây, hội chứng “cháy sạch” chỉ là chuyện nhỏ đối với bạn:

  • Ngủ đủ giấc.
  • Dành thời gian cho người thân và bản thân
  • Tập luyện thể dục đều đặn
  • Ăn đủ chất, uống đủ nước.
  • Tập yoga, thiền, hoặc các hoạt động giúp bạn thư giãn đầu óc

Ngoài ra, những người gặp hội chứng “cháy sạch” nghiêm trọng có thể cảm thấy nhạt nhòa với mọi thứ xung quanh. Niềm đam mê với công việc dần tuột dốc. Bạn chẳng còn muốn nói chuyện với bạn bè và người thân. Đôi lúc, bạn nóng nảy và cáu bẳn. Đây chính là lúc, bạn cần tịnh tâm, và nghĩ đến những việc khiến bạn nhẹ lòng, vui vẻ:

  • Dạo vòng thành phố cùng bạn thân
  • Tận hưởng không khí trong lành tại công viên
  • Ngâm mình trong bồn tắm
  • Đọc một quyển sách mới
  • Nghe những bản nhạc yêu thích

Giữ vững những thói quen lành mạnh, duy trì thực hiện các hoạt động thư giãn yêu thích. Bạn sẽ mau chóng tìm lại cân bằng cuộc sống, và thoát khỏi hội chứng “cháy sạch”.

“Tái khởi động” bản thân sau hội chứng “cháy sạch” có thể là một quá trình rất dài – nhưng một khi bạn chấp nhận đối mặt với nó và hành động để thay đổi, bạn đã bắt đầu bước đầu tiên trong quá trình đó!

Tham gia MEN’s FOLIO Fit Club để cập nhật thông tin bổ ích nhằm xây dựng lối sống lành mạnh cho thể trạng và tinh thần!

 

Related Article