Men’s Folio Wrapped 2023: Năm qua, dân văn phòng làm việc như thế nào?
Lifestyle

Men’s Folio Wrapped 2023: Năm qua, dân văn phòng làm việc như thế nào?

2023 là một năm chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều xu hướng làm việc trong một bối cảnh nhiều biến động, khi các công ty phải đối mặt với những thách thức đáng kể: nhân viên cạnh tranh, lực lượng lao động kiệt sức, suy thoái kinh tế, công nghệ tự động hóa lên ngôi,… Ở thời điểm 2023 sắp kết thúc, cùng nhìn lại những xu hướng đã định hình phong cách làm việc của nhân viên văn phòng trên toàn cầu. 

“Boomerang Employee” – “Đi thật xa để trở về”

“Boomerang Employee” – “nhân viên Boomerang” là cụm từ để chỉ những người rời công ty rồi quay lại làm việc cho chính công ty đó. Một “nhân viên Boomerang” có thể rời công ty vì nhiều lý do như tìm kiếm cơ hội mới, giải quyết các vấn đề cá nhân hoặc muốn tích lũy kinh nghiệm ở nơi khác,… Tuy nhiên, sau đó họ chọn cách quay lại công ty cũ, có thể vì cảm thấy môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp hoặc những đồng nghiệp cũ phù hợp với mình hơn. Đại dịch cũng là một nguồn tác động lớn đến việc gia tăng “nhân viên Boomerang”, bởi nhiều người bỏ việc trong thời kỳ đại dịch tin rằng công việc cũ của họ tốt hơn nên đã quay trở lại làm việc. 

Nhìn chung, việc thuê “nhân viên Boomerang” có thể mang lại khá nhiều lợi ích cho các công ty như tiết kiệm tiền cho chi phí tuyển dụng và đào tạo, có cơ hội làm việc với đội ngũ nhân viên vốn đã có kinh nghiệm. Song, “nhân viên Boomerang” cũng tồn tại nhiều hạn chế, đó là: thiếu những góc nhìn mới; ảnh hưởng đến những nhân viên khác nếu như đã có cơ hội quay lại làm mà còn nhận được một mức lương cao hơn trước;…

Về phía những “nhân viên Boomerang”, việc ra đi rồi lại trở về có thể giúp họ xác định được đâu là nơi phù hợp với mình, nhanh chóng bắt kịp tiến độ và đóng góp tích cực cho công ty,… Tuy nhiên, để có thể làm được điều đó, những người này phải đảm bảo rằng lần rời đi trước đó của họ diễn ra trong sự êm đẹp, những mối quan hệ vẫn ổn định và tin rằng mình thực sự phù hợp,… thì việc quay trở lại công ty cũ mới là quyết định nên làm. 

“Bare Minimum Monday” – Để thứ Hai bớt chông gai

Vào ngày thứ Hai, người đi làm thường cảm thấy trì trệ và mệt mỏi. Trong một cuộc thăm dò năm 2021 của YouGov, 58% trong số 4.000 người khảo sát đã trả lời rằng thứ Hai là ngày họ không thích nhất trong tuần. Giờ đây, vấn đề đó cũng hình thành nên một trong những xu hướng mới tại nơi làm việc: “Bare Minimum Monday”. 

“Thứ Hai tối thiểu” là cách làm việc ở mức độ tối thiểu trong ngày đầu tuần thay vì dồn hết công sức, nhằm giảm bớt sự nặng nề và căng thẳng để tăng tốc cho những ngày tiếp theo trong tuần. Đồng thời, việc này còn giúp cho ngày Chủ nhật trôi qua thoải mái hơn thay vì nơm nớp lo sợ vì thứ Hai phải đi làm. 

Tuy nhiên, nhiều nhà tâm lý học nhận định rằng “Bare Minimum Monday” không phải là cách làm việc hợp lý bởi nó chẳng khác nào một cơ chế đối phó, cố gắng “đi đường vòng” để lẩn tránh thực tại. Đặc biệt, những công việc văn phòng có khối lượng nhiệm vụ đều đặn các ngày trong tuần thì không dễ để thực hiện “Bare Minumum Monday”. Thậm chí, nếu không giữ vững ý chí, phong cách làm việc này còn khiến ta lơ là, lười nhác, trì hoãn, dẫn đến giảm sút chất lượng công việc và khi ấy, một tuần sẽ còn trở nên nặng nề và kiệt quệ sức lực hơn. 

“Quiet quitting” – Bỏ việc trong im lặng

“Quiet cutting” – “bỏ việc trong im lặng” vốn đã xuất hiện trong 2-3 năm gần đây, tuy nhiên đến 2023, cụm từ này được nói đến nhiều hơn. “Quiet quitting” chỉ những người chỉ làm việc ở mức vừa đủ, không vượt quá mô tả công việc, không có nhu cầu làm ngoài giờ, không có động lực muốn tỏa sáng,… để tránh kiệt sức và áp lực kéo dài.

“Quiet quitting” được coi là một cách bác bỏ văn hóa hối hả, bận rộn để tìm kiếm sự thành công và thăng tiến trong công ty. Theo nhiều khảo sát, gen Z chính là những người ủng hộ mạnh mẽ xu hướng này. Sự nghiệp không phải mục tiêu phấn đấu duy nhất, gen Z còn muốn dành thời gian đi du lịch, tập luyện, trò chuyện,… do đó, họ không chấp nhận việc đánh đổi tất cả chỉ để làm việc. Mặt khác, xu hướng này phản ánh rằng người sử dụng lao động không nên “vắt kiệt” sức lao động của người lao động nhiều hơn số tiền trả cho họ. 

“Quiet cutting” được những người lãnh đạo doanh nghiệp tiếp nhận theo hai chiều. Một bên cho rằng xu hướng này làm giảm chất lượng công việc, các nhân viên sẽ làm việc hời hợt, ưu tiên mục đích cá nhân của họ hơn. Bên còn lại thì cho rằng đây là xu hướng lành mạnh giúp mọi người cân bằng được công việc và những khía cạnh khác trong cuộc sống, từ đó nâng cao sự thoải mái cho tinh thần. 

Về phía các doanh nghiệp, “quiet cutting” cũng là phương pháp các công ty giảm bớt nhân sự nhằm tiết kiệm tối đa chi phí lương thưởng hoặc sa thải. Bằng cách thay đổi vị trí và cách làm việc, nhân viên có thể tự thấy chán và chủ động thôi việc. Các công ty lớn như Adidas, Adobe, IBM và Salesforce nằm trong số các nhà tuyển dụng đã cơ cấu lại lực lượng lao động của mình theo cách này trong năm qua.

“Lazy girl job” – Lười biếng một cách “healthy and balanced”

Không như cái tên của mình, “lazy girl job” không ám chỉ một nhân viên làm việc lười biếng, thay vào đó, cụm từ này muốn nói đến kiểu công việc nhẹ nhàng, không mang việc về nhà, không phải di chuyển vất vả hay làm việc trong điều kiện nguy hiểm,… Đó đơn giản chỉ là một công việc giúp giải quyết những hóa đơn, trang trải cuộc sống, bù lại sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân, nhà cửa, gia đình mỗi ngày, không nhất thiết phải đợi đến cuối tuần mới “xả hơi”. Nhưng không đồng nghĩa rằng, những người làm công việc “lazy girl job” không chăm chỉ hay thiếu động lực. 

“Lazy girl job” được đánh giá như một nỗ lực chống lại sự “bóc lột” lao động từ các công ty, doanh nghiệp, đồng thời là một cách để tạo thêm không gian phát triển bản thân trong các lĩnh vực khác. Xu hướng này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ khi gen Z đang dần trở thành lực lượng lao động chính trên toàn cầu. Dễ dàng nhận thấy những người thuộc thế hệ trước thường chọn làm việc chăm chỉ, nỗ lực thăng tiến, cam chịu vất vả nhằm kiếm đủ tiền để mua xe, mua nhà,… nhưng bây giờ, điều đó dường như không nằm trong suy nghĩ của thế hệ trẻ – những người luôn ưu tiên đời sống tinh thần. 

Khi “lazy girl job” ngày càng phổ rộng, đồng nghĩ rằng những người đi làm thực sự kỳ vọng các doanh nghiệp/công ty có thể bớt “sùng bái” sự bận rộn hay xem đây là điều hiển nhiên, thay vào đó, nên chú trọng vào sức khỏe và hiệu suất của nhân viên hơn là tham vọng và vắt kiệt sức lao động của họ. Tuy nhiên, nếu như công ty cần cắt giảm nhân sự, thì những người theo xu hướng “lazy girl job” sẽ ngay lập tức rơi vào tầm ngắm. Bên cạnh đó, điều này cũng khiến họ gặp nhiều rủi ro trong quá trình phát triển sự nghiệp lâu dài. 

“Coffee Badging” – Đến văn phòng “uống cà phê” rồi… về

Đại dịch tiếp tục là một trong những lý do ảnh hưởng đến xu hướng làm việc toàn cầu. Khi đại dịch giảm bớt, nhiều công ty yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng sau một khoảng thời gian dài làm việc từ xa, nhiều người đã sử dụng một cách mới đầy sáng tạo để chống lại điều đó mà không phải từ bỏ công việc: “Coffee badging”.

Đây là một thuật ngữ chỉ những nhân viên có mặt tại văn phòng trong thời gian vừa đủ lấy một tách cà phê để chứng minh rằng mình đã có mặt nhưng sau đó họ sẽ rời đi để hoàn thành công việc từ xa. Trong khi yêu cầu quay trở lại văn phòng ngày càng cao, thì nhiều người vẫn thích sự linh hoạt và tự chủ khi làm việc từ xa. Họ không muốn lãng phí thời gian, tiền bạc để thường xuyên đến văn phòng, thậm chí cảm thấy làm việc hiệu quả và thoải mái hơn khi ở nhà – nơi họ có thể tránh được sự xao lãng, gián đoạn hoặc gượng mình tuân thủ những quy tắc cứng nhắc trong văn hóa công ty. 

Song, bù lại, họ không chỉ nỗ lực nhiều hơn để chứng minh rằng công việc vẫn có thể làm tốt tại nhà mà còn phải cho thấy việc này hiệu quả hơn nhiều so với đến văn phòng. Bên cạnh đó, xu hướng này cũng có thể gây ra những tác động nghiêm trọng như: sự bất bình với một số đồng nghiệp – những người dành cả ngày ở văn phòng, bất tiện trong việc tổ chức những cuộc họp, thảo luận cấp bách,… “Coffee badging” cũng cho thấy khả năng thiết lập một tiêu chuẩn mới để đánh giá năng lực của nhân viên trong thời gian tới. 

Nhìn lại 2023, xu hướng làm việc của cả thế giới thay đổi không nhỏ. Sự xuất hiện của những phong cách làm việc mới đặt ra rất nhiều vấn đề trong khâu tuyển dụng và vận hành công ty. Điều này đòi hỏi những người lãnh đạo phải có những cập nhật cũng như phương án phù hợp nhằm tạo ra một môi trường làm việc thoải mái cho nhân viên nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất công việc. Bản thân những người lao động cũng cần cân nhắc và lựa chọn một phong cách làm việc thực sự phù hợp, trước là để phát triển bản thân tốt, sau là không làm ảnh hưởng đến công việc của những người xung quanh. 

Nguồn: Tổng hợp 
 

Related Article