“Lật Mặt 7”: Cha, con và điều ước của Mẹ!
Music & Film

“Lật Mặt 7”: Cha, con và điều ước của Mẹ!

Lý Hải đang đứng ở đỉnh cao sự nghiệp bằng cả trải nghiệm lẫn kinh nghiệm, qua phần phim “bẻ lái” bất ngờ trong chuỗi thương hiệu phim ăn khách bậc nhất màn ảnh Việt.

Series “Lật Mặt” là phim nhiều phần với các câu chuyện khác biệt, chỉ có cùng cú twist (lật mặt) làm điểm nhấn trải dài và xuyên suốt gần một thập niên tồn tại trong làng phim nội địa. Doanh thu tổng cộng của “Lật Mặt” qua 6 phần xấp xỉ 800 tỷ đồng trong đó phần phim gần nhất – “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” áp đảo với 273 tỷ đồng giữa lúc rạp chiếu bóng chỉ vừa khôi phục một phần sau đại dịch COVID-19.

Xưa nay hiếm có nhà làm phim nào giữ được độ ăn khách bền bĩ như Lý Hải, trong khi hầu hết người hâm mộ nhận định phim của chàng ca nhạc sĩ kiêm doanh nhân này thắng vì “thật”, các nhà phê bình khó tính lại cho rằng hầu hết các tập phim “Lật Mặt” thiếu vắng tính điện ảnh, sự duy mỹ… Có vẻ hiểu được điều đó, với “Lật Mặt 7: Một điều ước”, Lý Hải và cộng sự lâu năm (cũng là vợ) Minh Hà đã nỗ lực thay đổi không chỉ tư duy làm phim, phong cách kể chuyện mà còn là không khí, là cảm xúc đặt để ở tác phẩm mới nhất vừa công chiếu dịp Lễ 30-4 này!

Mẹ đơn thân và sự cô độc tuổi già

Câu chuyện phim mở đầu giản dị và dễ hiểu, xoay quanh cuộc sống của bà Hai – một người mẹ đã ngoài 70 tuổi, tự thân nuôi lớn 5 người con kể từ khi chồng đi làm ăn xa và mất vì tai nạn. Trong vài phút dạo đầu ngắn ngủi, bằng việc sử dụng hình ảnh, bộ phim hé lộ cuộc sống cơ cực của bà Hai khi một mình chăm sóc 5 con nhỏ, bất kể ngày nắng hay mưa, bà vẫn tận tụy và cặm cụi nuôi nấng những người con giữa bạt ngàn của núi rừng Lâm Đồng. Khi những đứa con còn nhỏ, mỗi khi bà hỏi sau này lớn lên ai sẽ phục dưỡng bà, cả 5 đứa trẻ đồng loạt giơ tay như tranh phần. Vậy nhưng 30 năm đằng đẵng trôi qua, bà Hai chỉ sống côi cút với cô con gái Út tên Lành, và cháu gái Thu, trong căn nhà gỗ lụp xụp. Căn nhà không bóng dáng đàn ông (thật ra chồng của Út Lành nghiện rượu nên cả hai đành ly thân), thiếu trước hụt sau, cũng chẳng khác gì cái thời bà Hai con son trẻ. Rốt cuộc, bà… một mình đến bao giờ?

Sống ở địa hình không phải đồng bằng, hay nông thôn… mà lại lưng chừng, cheo leo giữa một bên rừng núi, bên bờ suối… nên chòm xóm chung quanh bà cũng chẳng mấy ai, thỉnh thoảng chỉ có cô bé tên Hiền, lanh chanh gần nhà, là thi thoảng chạy ngang qua rồi “tình cờ” trông thấy bà Hai tất tả một tay khiêng vác dọn dẹp. Dù neo đơn, và ở chốn heo hút, song với bà Hai đấy lại là ngôi nhà gắn bó biết bao kí ức, chính những kỉ niệm không thể quên hình thành hơi ấm và niềm thương nỗi nhớ, để dù đi xa đến đâu, bà cũng như một người con – vẫn muốn quay về nhà, như cách bà sống đơn thuần – không se sua, chỉ độc một chiếc áo len màu tím hoa cà, nhưng đấy là chính bản thân bà, nó khiến bà bình an… 

Song dù con người lương thiện đến đâu, rồi cũng chịu cảnh tai ương từ trên trời giáng xuống, sau một tai nạn hi hữu khi bà Hai đang trông coi tiệm hoa bất tử ven đường, chân bà bị thương, vết thương với người trẻ dễ lành nhưng với người như bà, có lẽ tuổi tác không thể đánh bại được lão hóa, bà phải ngồi xe lăn, nhưng lại không chịu… ngồi yên một chỗ mà thích được động tay động chân, làm việc lặt vặt trong nhà bất kể Út Lành căn dặn. Có lẽ, với bà Hai, một đời lam lũ khiến bà không tự cho mình cảm giác ngơi nghỉ dù chỉ một phút chốc. Và trời xui đất khiến, khi Út Lành đột ngột vắng nhà vì con gái Thu bị bệnh nặng phải cấp cứu, bà Hai tiếp tục sơ ý té ngã nhào xuống suối, mà may thay có những người dân đánh bắt gần bờ cứu chữa kịp thời. 

Sau hai sự kiện chấn động, 5 người con mới có dịp… họp mặt online theo đúng nghĩa đen, mỗi người bày tỏ quan điểm cá nhân rằng họ đều bận bịu lo toan cho công việc và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, trong khi Út Lành dù bất mãn nhưng bản chất hiền lành khiến cô chỉ biết im lặng cam chịu, bởi đúng như Út Lành thốt lên sau hàng loạt cuộc cãi vã giữa các anh em, thì nếu con gái cô chẳng nhập viện, chồng cô không nghiện rượu thì có lẽ cô đã không nài nỉ nhờ các anh chị mình chăm sóc mẹ. Giọt nước tràn ly, người anh cả gia đình là Hai Khôn đưa ra ý tưởng thay phiên chăm sóc mẹ, cho tới lúc Út Lành có thể đưa con gái trở về nhà, và cuộc sống thường nhật đâu lại vào đấy.

Từ đây, hành trình “chăm sóc mẹ” bất đắc dĩ của 4 người con mở ra nhiều điều “mắt thấy tai nghe” từ vô vàn những câu chuyện gia đình thuần Việt, khiến ai nấy đều ít nhiều bắt gặp mình ở trong hoàn cảnh bất kì. Một Hai Khôn – con trai cả, chấp nhận giữ hòa khí dù trong lòng anh như “lửa đốt” vì vừa bị công ty đuổi việc, một mình Hai Khôn vừa đối phó với đời, vừa phải… đối phó với cô vợ “ngang cơ”, cùng hai đứa con đang tuổi trưởng thành mang nhiều thay đổi về tư duy, nếp sống. Một Tư Hậu chân chất, song lại quá thiếu quyết tâm để vực dậy cuộc đời gian truân của mình hay một Năm Thảo có phần vô tư đến mức vô lo, sẵn sàng “lừa dối” mẹ mình chỉ để bà vui lòng. Hay một Sáu Tâm, cũng như Út Lành, yêu thương mẹ vô điều kiện, chỉ là hoàn cảnh khó có thể lo cho bà Hai trọn vẹn…

Chỉn chu, trau chuốt

Yếu điểm lớn nhất của “Lật Mặt 7: Một điều ước” không phải thời lượng phim dài hơn hai tiếng, không phải vì các tình tiết bi kịch dường như cố tình sắp đặt… mà đến từ thoại của một số nhân vật, cũng như diễn xuất chưa quá đồng đều. Nhân vật chính là bà Hai, do Nghệ sĩ Thanh Hiền thủ diễn, đọng lại nhiều cảm tình nơi người xem, bản thân bà cũng có những khoảnh khắc thể hiện cảm xúc ý nhị, chỉ hơi tiếc một chút về cách đài từ thi thoảng khiến cho nhân vật ăn nói có chút văn vẻ, khách sáo thái quá, dù bản chất nhân vật này chân phương, giản dị và cực kì dịu dàng. Ngoài ra, diễn xuất của một số diễn viên nhí chưa hoàn hảo, không ăn nhập lắm vào tổng thể phim. 

Đổi lại, cái mà Lý Hải làm được, chính là tổng thể dung hòa được cảm xúc, dù có bi kịch chất ngất nhưng không đẩy quá xa. Phim dễ gây mủi lòng, song không lạm dụng các cảnh quay khóc lóc, sướt mướt… khiến phim tuy cảm động nhưng không mệt mỏi, bi lụy mà trái lại, cao trào vỡ òa đến đúng lúc, vừa đủ. Phải “kinh” qua nhiều tập phim, nhiều cớ sự vui buồn trong đời, Lý Hải mới có được bộ phim “tiết chế” đến mức dễ gây đồng cảm. Hơn nữa, những lát cắt nhỏ nhặt được lồng ghép hợp lý, giúp phim khơi gợi và tạo được xúc cảm chân thật cho các nhân vật, khiến cho mỗi sub-plot (tuyến truyện phụ) của cả 5 nhân vật người con, đều có điểm sáng đáng nhớ. 

Cùng với việc xây dựng kịch bản chi tiết, sâu sát, các diễn viên đã có kinh nghiệm, từ Mạnh Dung, Trương Minh Cường, Quách Ngọc Tuyên, Trần Kim Hải, Đinh Y Nhung, hay gương mặt mới toanh Tín Nguyễn… không khó để khiến người xem đồng cảm với nhân vật, đây cũng chính là điểm cộng xuyên suốt loạt phim “Lật Mặt” nơi Lý Hải không… bỏ rơi các diễn viên vốn chỉ nổi tiếng với web drama, với phim truyền hình vẫn có được đất diễn phù hợp ở sân chơi điện ảnh. Nếu các phim gần đây ưa chuộng gương mặt cá tính, góc cạnh hoặc gương mặt mới… thì thế hệ diễn viên quen mà lạ trong các phần phim “Lật Mặt” lại là “át chủ bài” cho phim của Lý Hải. 

Yếu tố kỹ thuật như thiết kế bối cảnh, quay phim, âm nhạc, nhạc phim… ở mức tròn trịa. Phim khai thác điểm nhấn tốt ở từng bối cảnh trải dài từ Bắc về Nam, thông qua các nhân vật con bà Hai. 

Thông điệp về Mẹ, nhưng tình Cha Con không nhạt nhòa

Từ phim đến đời thực, từ hình ảnh bà Hai đến hình ảnh người mẹ của Lý Hải đến buổi chiếu phim hôm 25 tháng 4, thông điệp của “Lật Mặt 7: Một điều ước” quá rõ, đó là hướng về gia đình, về những người mà mình thân yêu. Tất nhiên không phải gia cảnh nào cũng như bà Hai, càng không phải gia đình nào hiện nay cũng đông người con để chăm sóc bà như trong phim, thế nên ở một khía cạnh nào đó, “Lật Mặt 7: Một điều ước” vẫn chừa chỗ cho những người đàn ông “trụ cột” tỏa sáng, làm điểm tựa vững chãi cho gia đình bé nhỏ. 

Nói về Hai Khôn, người con cả của bà Hai, cũng là đứa con vất vả nhất của bà bởi ngay từ nhỏ, mang tiếng là anh Hai nên Hai Khôn đã phải phụ mẹ làm việc, chăm sóc các em. Bản chất Hai Khôn lương thiện song lại bị cái nghèo hình thành nỗi sợ, vì thế anh lao đầu vào kiếm tiền mà quên đi cách răn dạy con sao cho hợp lý. Những người đàn ông như Hai Khôn dễ thấy ở rất nhiều thành phố phát triển, dù giàu có đến đâu thì vẫn mang trong mình sự tự ti thấp kém, nên thường áp đặt cách sống tri thức lên con cái một cách cường điệu. Chỉ tới khi bà Hai mở lời, Hai Khôn mới vỡ òa nhận ra giá trị thật sự của việc xây dựng tổ ấm gia đình. Hay như Sáu Tâm, Tư Hậu… vì còn trẻ, lại mang tính cách thật thà vào đời sống vật lộn, nên khó có thể “đấu tranh”… nhưng cuối cùng, Sáu Tâm vẫn “vượt cạn” thành công cùng vợ và Tư Hậu vẫn trở về làm chỗ dựa tinh thần cho vợ con của mình.

Có một hình ảnh không ngẫu nhiên được Lý Hải đưa vào phim, đó là ông già vợ của Tư Hậu – một người đàn ông lú lẫn đã lâu, tưởng chừng như là gánh nặng của gia đình nghèo khó của con gái, thì lại đâu đó ẩn hiện niềm hi vọng, là cứu cánh của những người đàn bà yếu đuối trước khi cơn bão ập đến và đi qua. Thế mới thấy, vị thế trụ cột trong gia đình chưa bao giờ rời xa tầm tay của cánh mày râu, trong trường hợp của Tư Hậu, người bố vợ còn là “người dẫn đường” để anh tiếp tục đeo đuổi công việc của một ngư dân lênh đênh mặt biển. Hay như Hai Khôn, dẫu sơ suất trong việc dạy bảo con, vẫn còn đâu đó đức tính hướng thiện để cậu con trai noi theo. Thậm chí là Danh (chồng Năm Thảo) cũng hiện lên hình ảnh người bố vừa là bạn thân của con trai, vừa sẵn sàng hi sinh tất cả sĩ diện để bảo bọc gia đình… Đúng như câu “mỗi nhà mỗi cảnh”, cách cha và con yêu thương và ảnh hưởng đến nhau cũng sẽ khác.

Sau một loạt các tình tiết “lật mở”, “Lật Mặt 7: Một điều ước” đi đến hồi kết vừa vặn, không chỉ thỏa mãn điều ước đặc biệt (nhưng giản dị) của Mẹ, mà còn cân bằng và mang tính thực tế chứ không chạy theo việc thể hiện cái tôi nghệ sĩ. Dễ thấy tư duy làm phim hướng thiện của Lý Hải, bởi anh không cho phép tác phẩm của mình khép lại dang dở, hoặc đưa người xem vào ngõ cụt và… bắt họ tự “gỡ rối”. Cách lựa chọn của Lý Hải nhận được sự đồng cảm là điều dễ hiểu, bởi những phim kết thúc có hậu vẫn là lựa chọn an toàn để ra rạp. 

Bài: Đức Noise
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article