Hoạ sĩ Phạm Ngọc Thái Linh: Thiết lập thế giới riêng từ dân gian
LifestyleArts & Culture

Hoạ sĩ Phạm Ngọc Thái Linh: Thiết lập thế giới riêng từ dân gian

Từ vẻ đẹp của các dòng tranh dân gian, Phạm Ngọc Thái Linh khai mở và tạo ra một thế giới tưởng tượng của riêng mình. Sự ấn tượng thị giác và cảm giác “điên rồ” là điều đầu tiên nảy lên trong suy nghĩ người xem, nhưng bất kỳ ai cũng có thể nhận ra sự chuyển động của giá trị quá khứ đang được nối dài tới tương lai.

Xin chào Thái Linh. Vì đâu mà tranh dân gian lại là nguồn cảm hứng, cũng như trở thành nền tảng cho phong cách sáng tác của bạn?

Mình được tiếp xúc với mỹ thuật và những góc nhìn về văn hóa và con người Việt Nam rất sớm thông qua gia đình. Từ đó đã nung nấu trong mình một sự yêu quý và tự hào đối với truyền thống rất lớn. Cũng chính những sản phẩm văn hóa và những trải nghiệm khác nhau mà mình có cơ hội tiếp xúc đã tạo nên lối vẽ của mình bây giờ.

Trước đây khi bắt đầu mình thấy khá ít người làm về chủ đề truyền thống, và mình có vô vàn thứ hay ho để khai thác. Cộng với sự mơ mộng và “ảo tưởng sức mạnh” về một thế giới tưởng tượng riêng đã thôi thúc mình tiến hành những bước để “thuộc địa hóa” mảnh đất truyền thống văn hóa màu mỡ này. Những yếu tố dân gian truyền thống mà mình đã học được là chiếc la bàn để mình không bị phân tâm và luôn đi đúng hướng mà mình đã lựa chọn. Mình vô cùng nghiêm túc với việc phải trở thành họa sĩ chuyên nghiệp nên việc tìm ra phong cách vẽ riêng mà mọi người có thể dễ dàng nhận ra luôn được mình đặt lên hàng đầu. Cho nên nguồn cảm hứng dân gian quen thuộc chính là một thứ vũ khí vô cùng lợi hại giúp mình thỏa chí sáng tạo mà không sợ “đụng hàng”.

Chân dung hoạ sĩ Phạm Ngọc Thái Linh

Khác với những hoạ sĩ thường lấy cảm hứng từ các yếu tố như hoạ tiết, cấu trúc, màu sắc của tranh dân gian, ở bạn, yếu tố nổi bật hơn lại là những nhân vật dân gian. Vì sao lại như vậy? Và sự kết nối của Thái Linh với những nhân vật này ra sao?

Cơ duyên của mình với các nhân vật dân gian rất tình cờ và có thể hơi buồn cười. Hồi nhỏ mình thường được gia đình đưa đi lễ chùa và thấy tượng các vị hộ pháp. Lúc đó mình nghĩ họ là siêu nhân với trang phục kỳ lạ giống như trong các bộ phim siêu nhân đi đánh quái vật ấy. Mình cũng rất yêu thích các chủ đề về người ngoài hành tinh và các thuyết âm mưu, nên mình thường nghĩ các vị hộ pháp, thần linh cũng là người ngoài hành tinh đang làm nhiệm vụ khai sáng cho con người. Mình biết điều đó không đúng nhưng những suy nghĩ đó thực sự làm thỏa mãn sự tò mò và trí tưởng tượng của mình.

Cơ duyên thứ hai và cũng là đặc biệt nhất là khi mình được nhìn thấy bức tranh Đông Hồ Chú Bé Ôm Gà. Đó cũng là bức tranh truyền thống đầu tiên mà mình được tiếp cận. Hình ảnh chú bé trong đó đã cho mình một kết nối rất rõ ràng về mỹ thuật và bản thân. Khi càng lớn hơn, gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống thì mình càng muốn chỉ là đứa trẻ con. Từ nhỏ mình luôn mơ mộng và đắm chìm vào những bộ phim hoặc truyện tranh và tự tưởng tượng ra thế giới của mình. Hình ảnh chú bé trong tranh Đông Hồ đó đã làm tiền đề để mình tạo ra nhân vật Đậu. Đậu là nơi để mình chìm đắm vào những kỷ niệm về tuổi thơ hồn nhiên, vui vẻ không lo nghĩ, ngoài ra cũng là nơi giúp mình giải tỏa và cho mọi người nhìn thấy bằng mắt những suy nghĩ, ý kiến và tâm trạng của mình mà không cần phải nói ra. Những suy nghĩ không hoàn thiện, thô kệch, méo mó ban đầu đó lại là những thứ mà mình tôn trọng nhất và là kim chỉ nam để mình tiếp tục sáng tạo. Đó là sự tôn trọng và giữ gìn nguyên bản với tâm trí và suy nghĩ của chính bản thân trong việc sáng tạo nghệ thuật.

Nhìn tranh của Thái Linh thấy rõ xu hướng Tối đa (maximalism) từ màu sắc đến hoạ tiết. Nếu người xem nói rằng tâm hồn của bạn vô cùng phức tạp mới vẽ “điên rồ” được vậy thì bạn nghĩ thế nào? Và phong cách maximalism thoả mãn điều gì trong thực hành sáng tạo của Linh?

Đã có rất nhiều người nói rằng mình nên tiết chế và tối giản mọi thứ lại và cho mình những góp ý rất “hiển nhiên” về các “công thức” mỹ thuật mà mình đã học trong trường trong suốt 5 năm đại học. Nhưng điều mình muốn truyền tải là những góc nhìn, tâm trạng, suy nghĩ về một chủ đề nào đó theo một cách kỹ lưỡng nhất mà mình hiểu. Càng vẽ chi tiết càng giúp mình có thể khai thác được sâu hơn về những thứ nhỏ nhặt xoay quanh chủ đề. Nó có thể thay cho một bài thuyết trình bằng lời nói về một chủ đề cụ thể thông qua tranh vậy. Khi mình nghĩ ra một ý tưởng để vẽ thì mình không chỉ tập trung vào chủ thể mà còn muốn diễn tả mọi thứ xung quanh nó nữa. Mình quan niệm rằng những thứ nhỏ bé mà mọi người thường không chú ý mới là thứ làm nên điểm nhấn và tạo nên mạch cảm xúc, suy nghĩ và làm nổi bật ý nghĩa của chủ thể của bức tranh. Ngoài ra mỗi một nhân vật dù nhỏ hay lớn, chính hay phụ thì đều có vẻ đẹp riêng tuyệt đẹp của nó. Nếu chỉ tập trung vào chủ thể chính mà tối giản đi những thứ xung quanh thì mình thấy thật có lỗi và đáng tiếc.

Những giấc mơ kỳ lạ và khó hiểu cũng góp phần không nhỏ tạo nên cách vẽ của mình. Mình thường rất hay nằm mơ thấy những sinh vật hoặc động vật không tồn tại. Thậm trí là những cảm giác mà khó mà mình có thể được trải nghiệm ngoài đời thực. Ví dụ như khi mình vẽ ra những bông hoa có mắt mũi thì tối đó mình ngủ mơ thấy mẹ mình đang cắm chúng vào bình và chúng đang nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Sự hỗn độn, kỳ lạ, khó hiểu của những giấc mơ cũng tác động rất nhiều vào suy nghĩ và cách mình mô tả những bức tranh.

Trong tranh Thái Linh, người ta thấy nền tảng dân gian, được kết hợp với lối tạo hình có vẻ rất…tây, và còn pha chút tinh nghịch của một người trẻ Hà Nội. Bản thân Linh có ý thức về sự giao thoa giữa các yếu tố này không? Và phải chăng hình thành khi Linh du học tại nước ngoài, hay nó luôn hiện hữu ở đó?

Có vẻ những yếu tố này luôn hiện hữu và được đúc kết qua quá trình tìm hiểu, thử nghiệm và trải nghiệm một cách ngẫu nhiên. Mình là một người vẽ khá là bản năng cho nên những yếu tố trong tranh của mình được bộc lộ thông qua những gì mình đã nhìn thấy, yêu thích, cảm nhận được và có ấn tượng. Yếu tố về Hà Nội cũng là thứ mà mình vô cùng yêu thích bởi vì mình sinh ra và lớn lên tại đây. Hà Nội chứa đựng tất cả mọi thứ về cuộc sống của mình,  cho nên tranh của mình thường ít nhiều có sự góp mặt của những chi tiết về Hà Nội. Đặc biệt những góc nhìn tiêu cực trong xã hội luôn được mình tìm cách khai thác triệt để theo góc nhìn hài hước và tích cực.

Sau khi mình xác định được hướng đi cá nhân, mình cũng đã thử nhiều phong cách vẽ trước đây như graffiti, vẽ theo style old school và thậm chí cả phong cách tối giản để tìm kiếm con đường hiện đại có thể kết hợp với văn hóa truyền thống và phù hợp với bản thân. Nhưng những cảm hứng về văn hóa truyền thống vẫn là thứ mà mình coi là đích đến. Mình không hay tìm hiểu quá sâu và xem nhiều tư liệu có sẵn về bất kỳ phong cách gì, mà mình sẽ vận dụng tất cả sự cảm nhận, ký ức và những gì đang ở trong đầu mình để sáng tác về chủ đề được lựa chọn. Cho nên bằng một cách nào đó yếu tố truyền thống đã dung hòa vào những thứ mà mình đã trải nghiệm qua và tạo nên phong cách vẽ của Thái Linh hiện tại.

Thời gian đi du học là thời điểm thuận lợi để mình thử nghiệm sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Đó là lúc mà mình cần để định hình rõ ràng bút pháp và phong cách vẽ để áp dụng trên các chất liệu khác sắp tới.

Cũng là một cuộc cách tân, làm mới giá trị văn hoá truyền thống, nhưng hình như Thái Linh chưa từng mắc phải sự chê trách về việc làm “tổn thương văn hoá”, mà lại được rất nhiều người ủng hộ cho sự điên rồ thú vị này. Bạn có bao giờ suy nghĩ và tự lý giải về điều đó không?

Mình nghĩ rằng lý do chưa có ai nói về việc mình làm “tổn thương văn hóa” vì mình lấy cảm hứng và sử dụng văn hóa làm nhân tố chính để tạo ra một thế giới hoàn toàn khác biệt với những nhân vật và câu truyện xoay mình bản thân mình. Khi xem tranh mình vẽ sẽ không thấy cảm giác như đang xem một bức tranh truyền thống, nhưng vẫn có cảm giác quen thuộc nhờ vào những chi tiết và nhân vật được “thay da đổi thịt”. Mình thấy điều đó không gây phản cảm và đối kháng với ý nghĩa nguyên bản của những sản phẩm truyền thống.

Những gì mình vẽ đều có chung mong muốn tôn vinh nghệ thuật văn hóa truyền thống nói chung và con người Việt Nam nói riêng cho nên mặc dù được thay đổi hoàn toàn từ truyền thống nhưng mình vẫn chọn lọc vô cùng kỹ lưỡng để đảm bảo những yếu tố không bị lố lăng, đề cao sự tôn trọng và tính thẩm mỹ.

Bài: Nam Thi
Hình ảnh: Phạm Ngọc Thái Linh
 

Related Article