Thời trang là gì? (P.1): Hình xăm, tattoo top & vòng lặp của “kế thừa”
StyleEditor's PickFeature

Thời trang là gì? (P.1): Hình xăm, tattoo top & vòng lặp của “kế thừa”

“Fashion is a circle” – Thời trang là một vòng lặp, câu cửa miệng hay lời diễn giải hoàn hảo cho việc giao thoa ý tưởng và kế thừa những di sản thời trang suốt bao đời nay.

Men's Folio Vietnam - di sản thời trang

Thời trang là gì?

Trước khi đề cập đến di sản thời trang, hãy cùng đi qua một chút về định nghĩa. Trong chữ “Thời trang” đã giải thích đủ được khái niệm cần thiết. “Trang”, hay Trang phục, có nghĩa là quần áo. “Thời” có thể được hiểu ở đây là thời điểm – thời gian. Thời trang là một khái niệm mang tính nhất thời, tồn tại trong một cột mốc thời gian nhất định. Thời trang cũng mang hàm ý khá rộng, linh hoạt và dĩ nhiên nó cũng bao gồm các cụm từ đi kèm theo như “Trend”-“Xu hướng”, “Pop-culture”-“Văn hóa đại chúng”. Thời trang là các loại quần áo phổ rộng và thống trị trong cách ăn mặc của đại đa số thị trường trong một thời điểm nhất định, phản chiếu lại hơi thở của thời đại. Nó đề cập những cách ăn mặc, những kiểu quần áo với thiết kế cụ thể và hướng tới sự chấp thuận của nhiều người, là số đông.

Men's Folio Vietnam - di sản thời trang

Nhà thiết kế thời trang Paul Poiret

Vậy người tạo ra “Thời trang” là ai?

“Thời trang” được tạo ra bởi những người trong mô hình hiện đại ngày nay đó chính là các tập đoàn thời trang lớn, những nhà thiết kế nổi tiếng. Cùng với nhau, họ tạo ra “Thời trang” bằng các bộ sưu tập được tung ra vào bốn mùa chính là Xuân/Hạ (Spring/summer), Thu/Đông (Fall/Winter), Tiền Thu (Pre-fall) và Lễ hội (Resort). Các thương hiệu tuy xuất hiện là riêng biệt nhưng đều trực thuộc các tập đoàn lớn tiêu biểu như LVMH, Kering Group.. Hàng loạt các sản phẩm, những màu sắc, những thiết kế để tạo thành “Thời trang của từng mùa”.

Men's Folio Vietnam - di sản thời trang

Nhà thiết kế thời trang Jean Patou

Thông qua đó có thể thấy được “Thời trang” hay “Xu hướng” không phải là một thứ khái niệm vô hình hay từ trên trời rơi xuống mà nó do con người tạo ra. Những giá trị được thị trường theo đuổi như thương hiệu, những cái tên, những cái logo đều được xây dựng bởi một hệ thống được điều khiển bởi con người.

Con người tạo ra di sản thời trang?

Mã di truyền của con người được gọi là DNA, phân tử mang thông tin di truyền quy định mọi hoạt động sống của các loại sinh vật (bao gồm sinh trưởng, phát triển và sinh sản). DNA lưu trữ các thông tin sinh học, các mã di truyền cho các thế hệ tiếp theo. Những câu “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” hay “Like Father, Like Son” cũng để miêu tả điều này. Quay trở lại “Thời trang”, như đã đề cập ở phần trên – cái quần, cái áo được thiết kế và làm ra bởi con người.

Nhà thiết kế thời trang Pierre Balmain

Ngay từ khi sinh ra, con người đã được kế thừa mã di truyền từ thế hệ trước đó là DNA của người cha và người mẹ. Tiếp theo toàn bộ trong quá trình học tập kéo dài từ tiểu học đến đại học , toàn bộ kiến thức và sự đào tạo đó cũng là những mã di truyền được chắt lọc và công nhận bởi thế giới. Hãy xem mã di truyền (DNA), mã gene là một “vật dụng” cụ thể để thể hiện bản sắc hay đặc thù của không chỉ nghệ thuật, thời trang, thể thao hay chính trị. DNA của bất kì mảng nào cũng được xem là nền tảng của mọi thứ đúng như cấu trúc trong sinh học vậy. Một cách dễ hiểu hơn, DNA gốc chính là tri thức – là kinh nghiệm tích lũy, là nền tảng của con người phát triển qua hàng ngàn năm với nền văn minh được xây dựng.

Nhà thiết kế thời trang Cristóbal Balenciaga

Trong thời trang đó là những kiến thức về các loại vải, những kĩ thuật may, những kiểu thiết kế đã trở thành gối đầu giường của biết bao người đam mê thời trang. Khi những kiến thức này được truyền bá cho các thế hệ kế cận – là thế hệ xây dựng những phát triển tương lai của loài người thì sẽ có những trường hợp như sau xảy ra. Đơn giản là vì nền văn minh loại người luôn phát triển, luôn thay đổi và những công nghệ mới được phát minh hay những phát triển cao cấp hơn để nhằm một mục đích duy nhất: giúp cuộc sống con người trở nên thoải mái hơn, tiện dụng hơn, không còn quá phụ thuộc hay bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên, có một thứ mà chúng ta gọi là “văn hóa”, là “biểu tượng”, là “di sản” vẫn tồn tại để làm niềm cảm hứng sáng tạo cho những người hoạt động nghệ thuật – từ âm nhạc, phim ảnh cho đến thời trang.

Hình xăm, một di sản thời trang?

Tattoo, một từ không còn quá xa lạ với xã hội hiện tại. Từ những ngày khai hoang mở đất, rất nhiều tộc người trên thế giới đã biết làm hình xăm trên cơ thể họ bằng những vật liệu vô cùng tự nhiên. Họ tin rằng khi da thịt được khắc lên những hình thù mang hoa văn, họa tiết giống những con thú mạnh mẽ , giống Thần linh mà họ tôn thờ – thì họ sẽ có sức mạnh của muôn loài và che chở của bề trên theo tín ngưỡng của từng dân tộc. Bên cạnh đó, việc sở hữu những hình xăm trên người còn đánh dấu nhận diện của bộ lạc. Những người có chung một hình xăm ở một vị trí cố định sẽ thuộc một bộ tộc nhằm phân biệt kẻ mạo danh.

Men's Folio Vietnam - di sản thời trang

Trong tôn giáo cũng có rất nhiều vị sư có mang hình xăm trên người, vì theo tín ngưỡng – tattoo đã được yểm sẽ giúp họ trấn thủ được nhiều năng lượng tiêu cực khác nhau. Như vậy, hình xăm đóng vai trò như một nét văn hóa mang tính truyền thống và nghệ thuật trong nền văn minh và tôn giáo của loài người. Nó lại được tiếp truyền bởi những cộng đồng khác trên thế giới, những tư tưởng mới cùng các làn sóng chuyển biến văn hóa cách tân. Những cột mốc bùng nổ của các văn hóa đại chúng như Punk/Rock, của Hiphop, của thời trang đường phố đã mở rộng cho con đường thâm nhập của tattoo lên các sản phẩm, lên con người hay là ý tưởng của nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng.

Men's Folio Vietnam - di sản thời trang

Rõ ràng, thời trang là một tấm phản chiếu có khi mang tính nghệ thuật – có khi lại mang chủ nghĩa thực tế đến trần trụi. Nền công nghiệp may mặc cùng với các ngôn ngữ thiết kế của những con người kiệt xuất lại là một phương thức hoàn để khiến tattoo trở nên quyến rũ và gỡ bỏ rào cản hơn. Bằng cách đó, những di sản về văn hóa – truyền thống hay tinh hoa của loài người được chắt lọc và thể hiện theo từng cách riêng. Cơ thể người đối với ngành thời trang luôn là một tác phẩm nghệ thuật để các nhà thiết kế khai thác và phần da là một khoảng trống tuyệt vời để thể hiện tư duy của họ.

Issey Miyake, một trong những fashion designer trong kỉ nguyên đưa tinh thần “Wabisabi” Nhật Bản ra Tây phương cùng với hai cây đại thụ khác trong nền công nghiệp này là Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo. Tư tưởng của người Châu Á khác với những truyền thống định hình của giới Châu Âu, nơi được xem là ngôi nhà của Haute Couture. Nhưng năm 1971, tại mùa Thu Đông thì Issey Miyake đã khiến cho những nhà phê bình thời trang cùng giới mộ điệu ngạc nhiên vì bộ sưu tập mang tên Tattoo của mình.

“Nếu đã thể hiện một thông điệp thì hãy thể hiện nó một cách rõ ràng nhất”. Trước giờ, Issey Miyake luôn khiến người ta nhắc như một nhà thiết kế nổi tiếng về sử dụng chất liệu và kĩ thuật may mặc đặc trưng lên các sản phẩm của mình. Tiêu chí của Miyake là tạo ra thứ thời trang nổi bật về textiles, thiết kế, cái đẹp và sáng tạo và đầy nhún nhường, không quá phô trương và hào nhoáng. Bộ sưu tập Thu Đông 1971 của Issey thật sự rất khác so với những gì mà ông thể hiện. Lúc đó, tattoo không hề có chỗ đứng trong thời trang. Nó quá mang nhiều ý nghĩa tiêu cực, không đúng với tiêu chí thượng lưu cao cấp mà các thương hiệu đang nhắm tới.

Men's Folio Vietnam - di sản thời trang

Tattoo Collection Thu Đông 1971 của Issey Miyake cho tới thời điểm hiện tại vẫn luôn là một điểm nhấn, một “fashion archive” (Thời trang lưu trữ) vì nó đã mở đầu cho sự tự do trong thời trang, vì tinh thần thay đổi và tiếng nói của những fashion designer. Thập niên 1960s – 1970s là khoảng thời gian mà nhân loại chứng kiến một trong những trào lưu văn hóa nổi bật và ảnh hưởng rất lớn tới thời trang, tới ngành công nghiệp này. Đó là văn hóa phản chiến, văn hóa hippie của thế hệ thanh niên, rock’n’roll và những hơi thở nghệ thuật đương đại mới. Miyake – với tư cách là một nhân chứng sống các cuộc biểu tình kéo dài chống giai cấp, chống sự bất công của những người sinh viên suốt năm 1968. Ông nhận thấy rằng thời trang dành cho con người và các nhà thiết kế chính là người đưa những thông điệp bằng công cụ là chiếc quần – cái áo.

Vốn từ Nhật Bản, hình xăm thường gắn liền với sự tiêu cực, với yakuza – với mặt đen tối của các tổ chức tội phạm Nhật Bản. Mặc dù được hợp pháp và công nhận vào năm 1948 nhưng tattoo vẫn là một cái gì đó đen tối không chỉ trong xã hội mà cả thời trang. Bằng cách đưa ra bộ sưu tập Tattoo vào F/W71, những chiếc váy và bodysuit của nam mang trên mình những hình tattoo truyền thống Irezumi của Nhật Bản đã xuất hiện trên runway khiến ai cũng ngạc nhiên. Thời trang không có rào cản và nghệ thuật cũng vậy, ai cũng có quyền theo đuổi thời trang cũng như cách các nhà thiết kế có thể tự do sáng tạo theo quan điểm riêng của họ. Giống như Tattoo được công nhận ở Nhật Bản thì những gì mà thế hệ thanh niên lúc đó đang đấu tranh có nhiều điểm tương đồng giống nhau. Với sự đồng cảm và muốn cổ vũ cho những điều đúng đắn – đi ngược với các định kiến tiêu chuẩn lúc đó,  Issey Miyake đã mở đường cho một sự tự do trong thời trang, về sự lấy cảm hứng từ những giá trị/văn hóa truyền thống cũng như giao thoa giữa chính trị và thời trang.

Năm 1994, Jean Paul Gaultier trong mùa Xuân/Hạ đã khiến những người tham dự runway show của mình tham dự một chuyến du lịch “thời trang” toàn quanh thế giới với Les Tatouges khi nhà thiết kế lỗi lạc mang những hình xăm truyền thống của các bộ lạc ở Châu Phi, Ấn Độ và Châu Á lên các người mẫu và lấy cảm hứng trực tiếp lên tính thiết kế sản phẩm thời trang của mình.

Men's Folio Vietnam - di sản thời trang

Chưa dừng ở đó thì năm 2008, ông tiếp tục khiến người xem lác mắt trước phần áo lót và găng tay với chất liệu khiến lầm tưởng đó chính là da người với các hình xăm đặc trưng của Nhật Bản ( Cá chép Koi, nàng tiên cá, sóng biển..) ở các vị trí cũng đặc biệt không kém khi nó nằm ở tay và lưng – cũng chính là nơi mà các Yakuza xăm mình. Liệu chúng ta có thể thấy được sự liên kết, cảm hứng hay kế thừa những gì mà Issey Miyake đã làm vào năm 1971. Văn hóa luôn được kế thừa, luôn được làm cho đẹp hơn và đa dạng hơn – sự sang trọng và gợi cảm của những hình xăm lên trên cơ thể người phụ nữ đã khiến truyền thông không ngớt lời khen với ngôn ngữ thời trang của Jean Paul Gaultier.

Cũng là hình xăm, nhưng ở một “gia phả” khác…

Martin Margiela là huyền thoại trong giới thời trang, là một trong những nhà thiết kế có tầm ảnh hưởng đến cả hiện tại. Vào mùa Xuân Hè 1989 thương hiệu đồng tên Maison Martin Margiela tung ra một phiên bản áo tay dài bó sát vào da người mang tên là “Tattoo Top”. Nó khiến cho người mặc vào sẽ tạo cảm giác như mang hình xăm lên trên người vậy. Rõ ràng Martin Margiela đã lấy cảm hứng từ những người có tattoo trên người và biến chuyển nó thành sản phẩm thời trang có thể “mặc” được. Về tư tưởng thì cũng giống với Issey Miyake Thu Đông 1971. Hãy gọi đây là DNA “F1” của Maison Martin Margiela.

Men's Folio Vietnam - di sản thời trang

Cho đến Xuân Hè 2019 – tức là sau đó 30 năm thì Vetements cũng công bố 1 sản phẩm “nom tượng tự” dưới bàn tay của giám đốc sáng tạo lúc đó là Demna Gvasalia (Đến tháng 9 năm 2019 thì Demna cũng rời Vetements mà tập trung cho thương hiệu thời trang cao cấp Balenciaga). Cũng chiếc Tattoo-top đấy, cũng màu sắc đấy nhưng về hình xăm hướng về văn hóa Georgia. Vậy có thể nói là Demna “ăn cắp” ý tưởng của Margiela hay không? Tất nhiên là không. Theo ý kiến của người viết, đó là sự kế thừa vì vốn dĩ Tattoo hay kiểu dáng chiếc áo không phải là một thiết kế nguyên bản được sáng tạo bởi riêng bất kì một ai. Nó là tài sản chung của nhân loại, là kiến thức căn bản, là nền tảng mà bất kì ai khi theo con đường thời trang chuyên nghiệp đều đã được học và đào tạo. Văn hóa hay những giá trị của con người luôn bền vững, nó được duy trì và kế thừa bởi những thế hệ sau này để phát triển theo một hướng khác hợp với hơi thở của đại chúng hơn.

Men's Folio Vietnam - di sản thời trang

Lại nói về Demna Gvasalia, Giám đốc Sáng tạo của Balenciaga tốt nghiệp Thạc Sĩ ngành Thiết kế Thời trang vào năm 2006 tại ngôi trường nổi tiếng Royal Academy of Fine Arts Antwerp. Cũng chính tại đây, Martin Margiela đã tu nghiệp và hoàn thành vào năm 1979. Về cơ bản, hai con người này có chung 1 mã gen xuất phát từ ngôi trường trứ danh này. Nhân duyên chưa dừng lại ở đây, Demna Gvasalia gia nhập vào Maison Martin Margiela và chính tay mình thực hiện một bộ sưu tập dành riêng cho nữ của thương hiệu này vào năm 2014. Vậy có thể được xem rằng Demna mang trong mình một bộ mã gene (Về thời trang, về tầm nhìn, về ngôn ngữ thiết kế) thừa hưởng từ Antwerp và Martin Margiela – bằng chứng rõ ràng và dễ thấy nhất chính là chiếc áo Tattoo-Top kìa. Một “F2”.

Nhà thiết kế thời trang Demna Gvasalia

Quay trở lại nền công nghiệp thời trang hiện đại, Marine Serre – người vô địch giải tìm kiếm nhà thiết kế thời trang trẻ LVMH Prize Young Fashion designer. Sinh năm 1991, Marine Serre được xem như là 1 trong những người thuộc thế hệ mới của nền công nghiệp này với trọng trách phát triển ngành thời trang may mặc cũng như kỳ vọng tạo ra những đột phá trong tính thiết kế. Khi nhắc tới Marine Serre thì hẳn ai cũng nhớ tới các sản phẩm body suit, những chiếc áo bám sát người cùng logo mặt trăng đặc trưng được rất nhiều người nổi tiếng và thị trường trẻ yêu thích. Về kiểu cách, về thiết kế hay màu sắc và cách biến thể logo của thương hiệu có thể khiến cho chúng ta những “hoài niệm” về chiếc “Tattoo-top”.

Men's Folio Vietnam - di sản thời trang

Hãy cùng nhìn vào lộ trình phát triển của Marine Serre – cô từng là thực tập sinh tại Alexander Mcqueen, Maison Martin Margiela, Dior và là 1 nhà thiết kế trong đội ngũ phục vụ cho Balenciaga. Khi cùng đồng hành tạo ra thương hiệu riêng của mình. Không chỉ 1 mà là 2, Marine Serre “tiếp nhận” mã di truyền từ các thương hiệu MMM, Balenciaga với các ngôn ngữ thời trang khác nhau của cả Margiela và Demna Gvasalia. Sự tương đồng về 1 dạng DNA gốc phổ ra MMM S/S89 với tattoo-top tới Vetements S/S19 Tattoo-top và Marine Serre Top cùng cội nguồn về văn hóa và cú mở đường của Issey Miyake F/W71 về cách sử dụng tattoo lên sản phẩm thời trang cho chúng ta thấy sự phát triển và các biến thể khác nhau tùy vào nhà thiết kế trong nền công nghiệp thời trang như thế nào.

Men's Folio Vietnam - di sản thời trang

Nói vui rằng, có thể coi một cách tổng quan trong “gia phả” này là Martin Margiela chính là F1, Demna Gvasalia chính là F2, Marine Serre chính là F3. Còn F4, F5 hay F(n) nào đấy – chúng ta sẽ đón chờ trong tương lai. Đó là cách mà nền thời trang vận hành, tìm cảm hứng và là một trong nhiều nguyên do của câu nói “Fashion is a circle” – “Thời trang là một vòng lặp”. Tính “Tương Lai” hay tính “Hoài niệm” luôn được bện chặt vào nhau như 1 sợi dây thừng để những giá trị nào cần giữ vững thì sẽ tiếp tục được giữ vững, còn điểm nào quá cổ hủ – quá lạc hậu sẽ bị đào thải bớt đi.

Theo dõi Men’s Folio Vietnam để đón đọc phần còn lại của bài viết.
Bài: Trí Minh Lê
Ảnh: Tổng hợp

Bài viết thuộc ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #9 – The Future Nostalgia Issue. Đặt ấn phẩm tại ĐÂY:

 

Related Article