CODA thắng Best Picture Oscar 2022: Tình yêu là tất cả điều ta cần
Music & FilmPopFilm

CODA thắng Best Picture Oscar 2022: Tình yêu là tất cả điều ta cần

Đánh bại các tác phẩm được dự đoán sẽ oanh tạc lễ trao giải năm nay như “Power of the Dog” hay “Belfast”, phim độc lập về đề tài gia đình “CODA” của Apple TV+ đã tạo nên một cú hit tại Oscar 2022 khi ghi tên mình ở hạng mục cao quý nhất “Phim xuất sắc nhất” (Best Picture).

“CODA” – Từ chiến thắng mang tính lịch sử đến quả ngọt cho Apple TV+

Cụ thể, “CODA” (Child of Deaf Adults) thắng đậm khi chiến thắng ở cả 3 hạng mục đề cử, bao gồm: “Phim xuất sắc nhất” (Best Picture), “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” (Best Supporting Actor) dành cho Troy Kotsur và “Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất” (Best Adapted Screenplay) cho nữ nhà văn kiêm đạo diễn Siân Heder. Dù không được đề cử cho hạng mục đạo diễn thì với cả 3 giải thưởng này đã là quá đủ để khẳng định tài năng của Siân Heder với vai trò đạo diễn.

Dựa trên bộ phim Pháp năm 2014 “La Famille Bélier”, phiên bản làm lại bằng tiếng Anh tập trung vào Ruby Rossi, thành viên có thính giác bình thường duy nhất của một gia đình khiếm thính, người đang đấu tranh để cân bằng nghĩa vụ gia đình và tình yêu âm nhạc của mình. “CODA” với kinh phí 10 triệu đô la đã công chiếu lần đầu tại LHP Sundance vào năm 2021 và được Apple TV+ mua với giá kỷ lục 25 triệu đô la. “CODA” là bộ phim đầu tiên có dàn diễn viên chủ yếu là người khiếm thính với sự tham gia của các diễn viên, bao gồm Emilia Jones, Troy Kotsur và Marlee Matlin… Nhân tiện, sự cẩn trọng và cầu toàn của Siân Heder trong cách lựa chọn dàn cast đã giúp cô tránh được những lời chỉ trích mà các nhà làm phim Pháp đã hứng trọn trước đó, khi các nhân vật khiếm thính trong phiên bản gốc là những diễn viên có thính lực bình thường.

Các studio phát trực tuyến đã dồn hết tấm huyết của mình trong những năm gần đây kể từ khi “Manchester by the Sea” của Amazon Studio gây sóng gió vào năm 2017 với đề cử đầu tiên cho hạng mục “Phim xuất sắc nhất” dành cho studio phát trực tuyến. Trong những năm mà đại dịch Covid như một cơn bão cuốn phăng mọi khái niệm truyền thống trong cách trải nghiệm một bộ phim lẫn cách làm phim, các nền tảng phim trực tuyến được dịp khẳng định giá trị của mình và nổi lên như diều gặp gió. Số lượng danh hiệu ngày càng tăng mà các hãng phim trực tuyến giành được có thể phản ánh một giai đoạn mới trong ngành công nghiệp điện ảnh – một giai đoạn không còn phụ thuộc vào các rạp chiếu truyền thống nữa.

Sự phát triển vượt bậc nhất tất nhiên là Netflix, nền tảng ra đời từ tháng 1/2007 với sức ảnh hưởng trên toàn cầu đang sở hữu trên 200 triệu subscribers, còn Apple TV+ chỉ mới ra mắt từ tháng 11/2019 và đang có 20 triệu subscribers. Nên thành tích của “CODA” tại Lễ trao giải lớn nhất hành tinh này không chỉ tạo nên lịch sử cho riêng nó, cho cộng đồng người khiếm thính, cho nam diễn viên Troy Kotsur, cho nữ đạo diễn Siân Heder mà còn giúp cái tên non trẻ Apple TV+ vụt sáng trong chính cộng đồng các nền tảng phim trực tuyến của mình khi là dịch vụ trực tuyến đầu tiên có một giải thưởng “Phim xuất sắc nhất”.

Trong khi đó, một số các tên “viral” trên mạng xã hội như “The Power of the Dog” hay “Belfast” thì chỉ ngậm ngùi đem về được 1 giải thưởng, còn “Dune” ẳm về 6 giải phụ. Không ngoa khi nói rằng “CODA” đã chiến thắng vẻ vang tại Oscar lần thứ 94 (nếu bỏ qua cú tát trời giáng của Will Smith dành cho danh hài Chris Rock cũng gây sốc không kém).

“CODA”: Chinh phục đường đua Oscar từ những điều giản dị nhất

“CODA” đạt độ “tươi” lên đến 95% của các nhà phê bình phim với 268 reviews và 93% từ khán giả với hơn 1000 người phản hồi tích cực. Một tựa phim về đề tài gia đình vốn đã bão hòa trong thị trường phim Hollywood với kinh phí sản xuất khiêm tốn có gì thu hút đến như vậy? Cụ thể hơn, “CODA” kể về một cô gái tên Ruby (Emilia Jones) được nuôi dạy trong một gia đình khiếm thính ở Boston. Vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt, Ruby thường bị bạn học trêu chọc, nhưng bù lại, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc và yêu thương cô bé hết mực.

Theo thời gian, cũng đến một ngày Ruby hướng mắt nhìn lên bầu trời cao, ấp ủ nhiều hoài bão và khao khát tung cánh bay lượn để thử thách chính mình. Ruby khám phá ra niềm đam mê và năng khiếu ca hát của bản thân. Giáo viên cũng ủng hộ và khuyến khích cô nộp đơn vào Đại học Âm nhạc Berklee ở Boston. Đây là tình huống khó xử và là yếu tố dẫn đến mọi cao trào của bộ phim: Ruby chưa bao giờ làm bất cứ điều gì mà không có gia đình của cô ấy bên cạnh, nhưng cô ấy muốn theo đuổi một thứ mà họ rất có thể sẽ không bao giờ hiểu hay đồng cảm được. Ruby lo lắng rằng nếu kiên trì theo đuổi ước mơ của mình, cô sẽ làm tổn thương những người mình hết mực yêu thương. Còn gì có thể tệ hơn khi Ruby rời đi và giữa họ có một khoảng cách vô hình (rất có thể) sẽ tồn tại mãi mãi?

Trong phân đoạn một buổi hòa nhạc ở trường, máy quay quan sát gia đình của Ruby trong hàng ghế khán giả khi nhạc nền đột ngột bị ngắt, nó cho phép chúng ta nhìn thấy sự cô lập và trống rỗng đến đáng sợ của một thế giới im lặng. Trước đó, cha mẹ của Ruby và anh trai cô ấy đã rất sửng sốt khi cô ấy nói với họ rằng mình đã tham gia dàn hợp xướng. Và khi họ nhận ra con gái/em gái mình tài năng thế nào thì những giọt mắt bắt đầu lặng lẽ lăn dài. Bất chấp rào cản ngôn ngữ, khả năng cảm nhận thế giới có thể không cùng tần số, nhưng tình yêu thương và sự thấu hiểu của các thành viên trong gia đình dành cho nhau đã giúp họ xích lại gần nhau, phá vỡ mọi bức tường dù có kiên cố và vững chãi đến mấy.

Nếu Ruby giữ vai trò “thông dịch viên” giữa gia đình và xã hội, “CODA” là cầu nối của cộng đồng những người khiếm thính với đời thực. “CODA” đem đến những ngôn ngữ ký hiệu cũng đẹp và tròn trịa không kém chữ nghĩa, những biểu hiện tình cảm chỉ cần nhìn vào mắt nhau cũng đủ để người xem rơi nước mắt, những niềm tin được xây dựng vững chắc bằng chính tâm hồn chứ không phải là lời nói chót lưỡi đầu môi, và còn gì nữa? Đó là bài học về cách chúng ta yêu những điều không hoàn hảo.

Nhờ những màn trình diễn tuyệt vời của các diễn viên cùng với lối viết và chỉ đạo sắc bén của Heder, “CODA” đã vượt lên trên mọi khả năng tầm thường để trở thành một bộ phim cảm động, ấm lòng và đầy cảm xúc. Hay nói cách khác, chính cái nhìn cởi mở và tình cảm vềngười khiếm thính đã nâng tầm một cốt truyện truyền thống.

Không chỉ dừng lại ở cách triển khai nội dung hấp dẫn, biên kịch kiêm đạo diễn Sian Heder đã từ chối khoác cho những nhân vật của mình một lớp áo của các vị thánh, đại diện cho một hình mẫu nào đó, hay đóng vai nạn nhân để người xem nảy sinh sự thương cảm, đại loại vậy. Khi chúng ta thành thật với nhau, những cảm xúc cứ như vậy cuộn trào. “CODA” đơn giản, chân thật và vì vậy nó đẹp vô cùng. Nó nhắc nhở bạn về (những) gia đình mà bạn biết, hoặc thậm chí có thể là gia đình mà bạn nghĩ mình biết rõ nhất.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article