Có nỗi đau nào như nỗi đau “đâm sau lưng”?
Lifestyle

Có nỗi đau nào như nỗi đau “đâm sau lưng”?

11,6 triệu kết quả sẽ hiện ra nếu bạn gõ từ khoá “backstabbing” – đâm sau lưng ai đó. Có lẽ vì đây chẳng phải hiện tượng lạ lùng gì ở bất cứ thời đại nào, môi trường nào, mối quan hệ nào. 

Thử tưởng tượng bạn có một người bạn thân từ nhỏ, thân đến mức bạn coi họ chẳng khác gì thành viên trong gia đình. Rồi đùng một cái, bạn phát hiện ra họ chẳng yêu quý bạn đến thế. Đó là những gì Julius Caesar, vị đại đế của La Mã cổ đại đã phải trải qua. Sau chiến thắng Pompey the Great và trở thành hoàng đế của La Mã, Caesar bị cả hội đồng Viện nguyên lão hạ triệt. Bi kịch này được Shakespeare chuyển thể thành một trong những vở kịch bi oán nhất, giật gân nhất về những kể “đâm lén” vĩ đại nhất của lịch sử. Nhiều người nói đùa rằng, đây chính là khởi đầu của từ nghĩa bóng “đâm lén”, khi Ceasar bị đâm thực sự vào sau lưng vào cái lúc ông chẳng mảy may đề phòng. Từ một sự kiện có thật, “backstabing” trở thành một từ ngữ ám chỉ những kẻ có “lời nói ám chỉ xấu về ai đó khi không có sự xuất hiện của họ”, theo từ điển Cambridge.  

Kể từ thời cổ đại đến nay, xã hội và mối quan hệ con người xem ra cũng chẳng đi theo chiều hướng tiến bộ là mấy. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ thứ 33 mạnh miệng tuyên bố một câu xanh rờn “Nếu bạn muốn có một người bạn thật sự ở thành phố này (ý chỉ Washington, DC.). Hãy đi nuôi một chú chó!” Cũng không phải ngẫu nhiên một trong những trang mạng xã hội chuyên nghiệp nhất thế giới như Linkedln ngoài những bài viết chuyên môn học thuật về môi trường công sở chẳng thể bỏ qua chủ đề như “Cảnh giác với những người bạn và đồng nghiệp thích đâm lén.” Vì sao ư? Vì đâm lén hoá ra cũng phổ biến như sở thích ra ngoài café, nghe nhạc hay xem phim. Người ta không cần phải đao to búa lớn như mấy vị nguyên lão chính trị trong quá khứ mấy nghìn năm về trước để làm tổn hại ai đó. 

Hồi học đại học, nói thật tôi là đứa luôn xuất hiện đúng giờ vào lớp và biến mất ngay khi chuông báo hết giờ. Người hiểu thì nói kệ nó đi, miễn là nó đi học. Người không hiểu thì nghĩ tôi xa lánh bạn bè, không muốn giao lưu… đủ thứ hầm bà lằng. Câu chuyện không dừng lại ở một sự lựa chọn cá nhân, nó thổi phồng lên như một quả bong bóng. Một ngày đẹp trời, cô giáo chủ nhiệm lớp đại học gọi tôi ngồi một gốc cây dưới sân trường, hỏi về vấn đề “Vì sao bạn lớp trưởng đã mời em tham gia hoạt động nhóm, và em nói không?” Vấn đề ở đây, là tôi chưa từng nhận một lời mời nào, và bạn lớp trưởng trong mắt tôi ở thời điểm đó là một bạn hiền lành, sôi nổi, một cậu con trai chẳng phe phái bầy đàn và luôn có vẻ quan tâm tôn trọng người khác. Tôi đã bật cười khi nghe câu chuyện này, không chỉ bởi đó là lần đầu tiên tôi nếm mùi cảm giác gọi là “bị đâm sau lưng” từ người trước mặt thì một kiểu, sau lưng lại là một câu chuyện bịa khác để khiến hình ảnh của tôi trở nên xấu hơn trong mắt người xung quanh. 

Sau đó, tôi bỏ học, không phải vì tôi quá đau đớn với việc bị “dựng chuyện” vu vơ, mà vì tôi nhận ra đó không phải một môi trường lành mạnh để tồn tại đã, chưa nói đến học hành sau. Sau giai đoạn đó, mỗi khi nghe ai đó kể câu chuyện bị đâm lén, tôi mới nhận ra chuyện cá nhân của mình chẳng nhằm nhò gì. Nó chỉ là một tiểu drama, một chuyện cấp nhi đồng nếu so với 1001 kiểu đâm lén trong cuộc sống và công việc của những người tự nhận đã trưởng thành. 

Vào năm 2012, Patty Malone và Javette Hayes hoàn thiện một nghiên cứu để tái định nghĩa tất tần tật những gì liên quan đến “backstabbing”. Mỗi người sẽ có những cách hiểu và cảm nhận của riêng mình về hành vi này, vô biên như sao trời. Vì thế, hai nhà nghiên cứu này phát triển một định nghĩa tổng quát hơn: “backstabbing” diễn ra khi ai đó tin rằng họ bị tấn công không trực diện và chịu những tổn hại vật chất hay tinh thần. Họ cũng tìm ra 5 kiểu “backstabbing”: nói xấu sau lưng ai đó (từ những chuyện nhỏ bé vặt vãnh cho vui), hãm hại ai đó, bịa ra câu chuyện về ai đó, ăn cắp công sức của ai đó, hay đổ lỗi và buộc tội ai đó một cách không xác thực. 

Tất nhiên mức độ phụ thuộc vào hành vi, nhưng chưa có hành vi nào bị ghét bỏ như “backstabbing”. Và điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, thử tưởng tượng bạn sống trong một thế giới giả tưởng nơi niềm tin là điều xa xỉ và ai cũng sống từng ngày trong lo sợ miệng lưỡi thiên hạ. Có giống một bộ phim kinh dị không cơ chứ? Trên thực tế, theo một khảo sát, người ta thà làm việc với sếp xấu tính còn hơn là làm việc với những người có tính cách thích chơi xấu, và backstabbing cũng là một trong những hình thức phổ biến nhất của hình thức gây ấn ngầm chốn công sở. Từng đó cũng đủ để chứng minh không có tính cách nào xấu xí như việc đâm lén người khác, và cũng chẳng có hành vi nào bj ghét như đâm lén. 

Lý do đi đâm lén thì chẳng cần liệt kê ai cũng sẽ biết, từ chuyện ghen ăn tức ở cho đến chủ nghĩa ái kỉ, từ những người chỉ thích một tí mắm muối drama cho cuộc đời bớt nhạt cho đến những cảm giác mạnh mẽ hơn như tức giận hay bối rối về ai đó… Tin xấu là dù bạn có bắc thang lên trời thì e rằng vẫn sẽ có khả năng gặp phải những người như vậy, và là nạn nhân của những hành vi như vậy. câu hỏi đặt ra là, khi gặp phải hoàn cảnh đó, bạn sẽ xử trí thế nào?

Tất nhiên bạn sẽ không muốn bỏ đi như cái cách tôi bỏ học ngày xưa, vì chẳng ai cho bạn quỹ thời gian hữu hạn để đi tìm mãi một nơi chốn an toàn lành mạnh cho công cuộc đất lành chim đậu. Nếu đó là một người bạn đâm lén, chẳng có lý do gì để bạn duy trì tình bạn với họ. Nhưng nếu đó là một đồng nghiệp dù muốn hay không bạn vẫn phải làm việc, nói chuyện, tương tác cùng hàng ngày? Dù là một nạn nhân hay chỉ là người không dưng bị kéo vào công cuộc drama trần tục này, hãy đảm bảo bạn kiểm chứng kĩ càng những thông tin mình tiếp nhận với bằng chứng. Bạn có thể chọn cách làm rõ đầu đuôi câu chuyện với kẻ đi đâm lén (dù khả năng cao cũng chỉ như nước đổ đầu vịt, vì tin xấu là con người thường chẳng dễ thay đổi như vậy đâu), hoặc tránh họ càng xa càng tốt. 

Niềm tin là một trong những thứ khiến con người là con người, đồng nghĩa với việc nó mang đến cho bạn những sự kết nối tuyệt vời, nhưng cũng sẽ đẩy bạn vào. một trạng thái mong manh và dễ bị tổn thương. Không có niềm tin để không bị đâm lén cũng là một lựa chọn, nhưng thử nghĩ mà xem, đó sẽ không phải một Utopia mà là vùng đất chết. Những bước chân của bạn sẽ không nhẹ bẫng mà nặng nề như lò dò sợ dẫm phải bom. Thôi thì những người yếu bóng vía, dù sao bạn không phải Caesar Đại đế, nên hãy cứ ngẩng cao đầu và học cách bảo toàn niềm tin cho những người xứng đáng nhé bạn. 

Bài: Vân Anh
Ảnh: Tổng hợp  
 

Related Article