Unsung Hypemakers – Dzũng Yoko: “Văn hóa là một thứ không thể tách rời với thời trang”
LifestyleFeature

Unsung Hypemakers – Dzũng Yoko: “Văn hóa là một thứ không thể tách rời với thời trang”

Trở lại với artbook thứ 6 mang tên “Xuân Hạ Thu Đông”, Giám đốc Sáng tạo Dzũng Yoko chia sẻ về những kỷ niệm khó quên khi lần đầu kết hợp thời trang và thiên nhiên trong một dự án trải dài 4 năm và 9 tỉnh thành khắp Việt Nam, mang đến những góc nhìn gần gũi với cuộc sống thông qua những trang sách ảnh.

Với chủ đề “Xuân Hạ Thu Đông” trong dự án lần này, anh nghĩ 4 mùa trong năm tương ứng với những địa điểm nào tại Việt Nam?

Mùa Thu là Hà Nội, như mùa Hè phải là TP. Hồ Chí Minh – Năng động, trẻ trung, nhiều năng lượng. Huế là mùa Đông. Khi tôi chụp bộ ảnh “Cố đô”, Huế cũng vào mùa Đông. Trời rét mướt và mưa rả rích suốt đêm ngày. Cũng có quá nhiều người lưu giữ hình ảnh hoa phượng mùa Hè ở Huế.

Còn mùa Xuân, tôi chọn miền Tây. Cả hai bộ hình thực hiện ở Trà Vinh và Sa Đéc đều nhằm vào mùa Xuân, lúc hoa nở rực rỡ, lúa vụ Đông Xuân chín vàng. Khí hậu mùa Xuân ở miền Nam dễ chịu, và đặc biệt là có nắng xiên!

4 năm là một khoảng thời gian khá dài so với những dự án trước đây anh từng thực hiện. Sau 4 năm, những cảm hứng và ý tưởng ban đầu của anh có còn vẹn nguyên như ban đầu?

“Xuân Hạ Thu Đông” là dự án dài nhất của tôi tính đến thời điểm hiện tại. Năm 2019, tôi bắt đầu chụp hình ngoại cảnh nhiều hơn, bắt đầu ở Sa Đéc và nảy ra mong muốn kết hợp nhiếp ảnh thời trang và ngoại cảnh. Mùa dịch ập đến, không thể đi nước ngoài, nên tôi khám phá phong cảnh Việt Nam. Tôi vẫn biết cảnh sắc đất nước mình đẹp, nhưng đẹp huy hoàng và bao dung đến vậy thì giờ mới thật rõ. Mỗi vùng có một không khí riêng mà nếu không đi, có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được. Kiến trúc hòa với cảnh quan, rêu phong, cây ngả, những đến từ thời tiết và văn hóa, tạo thành ấn tượng khó diễn tả được.

Mong muốn ban đầu là thế. Phần lớn ảnh thời trang trong các ấn phẩm artbook trước của tôi đều được thực hiện tại studio nên tôi muốn thử kết hợp thời trang và ngoại cảnh, nhưng càng đi càng thấy yếu tố văn hóa ngày một quan trọng hơn. Văn hóa là một thứ không thể tách rời với thời trang hay thiên nhiên, đời sống. 

Có vẻ như “Xuân Hạ Thu Đông” đã mang đến cho anh rất nhiều thử thách?

Có thể nói như vậy. Đầu tiên là chi phí đi lại rất tốn kém, thường thì tôi có dịp đến địa điểm yêu thích thì sẵn tiện chụp cho dự án luôn. Thứ hai là thời tiết không thuận lợi, nắng quá cũng mệt, mưa quá cũng chán.

Trong “Xuân Hạ Thu Đông” còn có một bộ hình “để đời”. “To The Last – Ngày tạm biệt” được thực hiện khi Thành phố chuẩn bị bước vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên. Tôi nhớ sự cấp bách và lạ lùng lúc đó, chỉ biết bấm máy thật nhanh. 5 giờ chiều, ekip ra về. 6 giờ chiều, Thành phố phong tỏa. Và rất lâu sau chúng tôi mới gặp lại nhau. Thậm chí, nhiều bạn sau mùa dịch đã rẽ hướng nghề nghiệp, nên có những người đến giờ tôi vẫn chưa gặp lại. Lúc đó cảm giác như ngày cuối cùng của cuộc đời vậy, tôi chỉ có thể chắt chiu giây phút nắng chiều còn hắt bóng. 

Anh còn kỷ niệm nào gắn với quá trình thực hiện dự án artbook lần này không?

Tôi nhớ cảm giác xúc động khi đến chùa Âng ở tỉnh Trà Vinh. Từ tôn giáo, kiến trúc đến văn hóa và nghệ thuật điêu khắc, thực sự phải đến tận nơi mới trải nghiệm được.

Còn một thứ rất “trộm vía”, không biết có phải trời thương mình làm về thiên nhiên hay không, mà đi đâu cũng được hỗ trợ hết mình. Như lúc chụp tại Hà Nội hay Ninh Bình, trời mây âm u mấy ngày liên tiếp, nhưng đến ngày chụp thật sự, nắng lại rất đẹp. Khí hậu thì tốt, còn con người thì nhân hậu và dễ thương.

Sau khi đi qua nhiều nơi với nhiều nét văn hóa như vậy, theo anh, nét “Việt Nam” thể hiện rõ nhất qua yếu tố nào?

Theo tôi, đó là màu sắc. “Màu Việt Nam” không chói lóa, không quá rực rỡ, mà êm, trầm. Những màu như nâu sồng, tím Huế, cam đất, xanh rêu… Màu sắc trong văn hóa Khmer tại Việt Nam cũng giảm đi vài tông. Tôi nghĩ do khí hậu, do chất liệu làm nên kiến trúc, vải vóc, trang sức, nội thất, màu da con người, nên màu sắc hiền hòa hơn. Người Việt cũng khiêm tốn, nên hay dùng màu nhu hơn.

Trong chuyến du hành “Xuân Hạ Thu Đông” lần này, mọi người thấy anh đi khắp mọi miền Việt Nam, vậy văn hóa Việt Nam trong anh là những gì? 

Văn hóa Việt Nam là sự mộc mạc, chân thành cùng sự gắn kết với thiên nhiên và vẻ đẹp được tạo ra trong những thăng trầm của hàng nghìn năm lịch sử. 

Anh sử dụng chất liệu cuộc sống của Việt Nam để làm nên dự án artbook thứ 6. Gần đây nhất chính là một buổi triển lãm đặc biệt để giới thiệu đến công chúng, anh cảm nhận thế nào về nghệ thuật đương đại nên có sự gần gũi với cộng đồng, cuộc sống?

Nghệ thuật hiện nay để chạm được các bạn trẻ thì cần phải có câu chuyện riêng biệt và cách thể hiện mới lạ nhằm tạo được sự tương tác với người đến xem tác phẩm. Dù có truyền thống thì tư duy cũng phải hiện đại để tìm được sự đồng cảm đến người xem. Tôi luôn quan tâm nhiều đến việc khi ra khỏi không gian triển lãm người xem đọng lại cảm xúc gì. 

Bài viết: Bảo Châu

VỀ CHUYÊN ĐỀ “UNSUNG HYPEMAKERS”:

Chúng ta nhìn thấy, nghe thấy và đọc được rất nhiều câu chuyện kể về những “người hùng thầm lặng”, những người dùng chính hành động và sự chân thành của họ tạo nên những tác động tích cực cho xã hội – cộng đồng và những điều kỳ diệu cho đời sống này.

Vì lẽ đó, trong chuyên đề này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc những câu chuyện “người thật việc thật”, đa góc nhìn từ tình yêu, nghệ thuật đến những dự án cộng đồng bền vững. Những điều diệu kỳ, tử tế luôn tồn tại trong những dáng hình bình thường nhất, và chúng ta, cũng có thể trở thành một phần trong sự hiện diện đó. Bởi đôi khi chỉ đơn giản: “Hãy là điều mà bạn muốn thấy trên thế giới này”.

(Chuyên đề được thực hiện trên ấn phẩm in Men’s Folio Vietnam #22, số tháng 4/2024)

 

Related Article