Chất liệu và tỉ lệ – Sự khác biệt tinh tế trong âu phục
StyleTrendsSuits

Chất liệu và tỉ lệ – Sự khác biệt tinh tế trong âu phục

“Sartorial” trong tiếng Ý có nghĩa là trang phục, đồ dùng cá nhân hóa. 10 năm kể từ khi những bộ Âu phục trở lại làm mê đắm đàn ông phương Tây, thời trang Sartorial cũng bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam; những tín đồ của phong cách này ngày càng trẻ hóa về độ tuổi và phát triển về số lượng.

Chưa bao giờ việc đầu tư cho ngoại hình lại trở nên tiện lợi và dễ dàng như ngày nay. Các thương hiệu thời trang mọc lên như nấm, các phong cách ăn mặc cũng không ngừng du nhập vào nước ta, mở ra hàng ngàn hướng đi cho nam giới Việt Nam hoàn thiện vẻ ngoài của mình. Nhưng có một phong cách, vẫn trường tồn bền bỉ trước mọi biến động của lịch sử, và chưa từng đánh mất giá trị của mình trong việc khẳng định vị thế của một người đàn ông; đó chính là phong cách thời trang nam cổ điển, hay còn được biết đến là Sartorial Style. Trong bài viết này, hãy cùng phân tích hai yếu tố sâu sắc tạo ra sự khác biệt lớn về chiều sâu của một bộ âu phục: tỉ lệ và chất liệu.

Tỉ lệ trang phục

Không quá khó khăn để biết những thành phần của một bộ âu phục gồm có những gì, nhưng để hiểu từng thành phần ấy nên trông như thế nào, to nhỏ dài ngắn ra sao lại không đơn giản như thế. 

Có khi nào bạn thấy cùng một bộ suit người kia mặc đẹp, nhưng khi bạn mặc theo lại không giống. Khác biệt ở đây nằm ở tỷ lệ. Đối với những phong cách khác, người ta ít quan tâm đến tỷ lệ mà chọn những size có sẵn. Nhưng theo đuổi sartorial mà không cân nhắc đến tỷ lệ với từng cơ thể là một thất bại! 

Độ ôm đáng mà bộ suit của bạn có chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nhưng thường là cách fit của nhà sản xuất (regular fit hay là slim fit), phong cách thời trang lúc bấy giờ, hay là lựa chọn cá nhân của chính bạn. Nhưng chung quy lại, để được coi là vừa vặn với cơ thể bạn một cách tốt nhất, thì chiếc áo khoác trong bộ suit cần đảm bảo được những yêu cầu sau:

Vai áo: Vai áo nên nằm êm nhẹ lên vai của bạn, không bị dư ở phần ngoài cùng. Biểu hiện rõ nhất của lỗi này là sự nhăm nhúm của vai áo khi bạn đứng ở tư thế 2 tay buông thõng. 

Cổ áo: Phần sau của cổ áo nên nằm êm trên gáy của bạn. 

Ngực áo: Tương tự như vậy, phần ngực áo nên nằm gọn gàng và đi theo đường nét phần thân trên của bạn khi mà bạn cài cúc áo. Đồng thời nó cũng cần đảm bảo sự thoải mái khi cử động- dù vẫn đang cài khuy. 

Eo: Dù bạn chọn cách fit như thế nào đi chăng nữa, thì chiếc áo của bạn cũng nên tạo đường nét ôm nhẹ lấy phần eo của bạn. Phần eo được ôm nhẹ giúp vẻ ngoài của bạn được gọn gàng và chỉn chu hơn, cũng như giúp cho mọi cử động của bạn được thoải mái.

Độ dài áo: Chiếc áo phù hợp với bạn nên có độ dài vạt sau che được từ ¾ tới vừa hết mông của bạn. Hay một cách khác là đo chiều dài từ đỉnh cổ áo tới điểm thấp nhất của ống quần, và độ dài áo thích hợp tính từ đỉnh cổ là bằng một nửa độ dài này.

Tay áo: Nên vừa đủ dài để làm lộ ra khoảng 2-2.5cm cuff của áo sơ mi.

Chất liệu

Trong phong cách cổ điển, chất liệu luôn luôn là 1 trong những chủ để cơ bản và rộng nhất. “Có bột mới gột nên hồ” – quan tâm tới chất liệu có thể coi là bước đầu tiên để bước vào thế giới của trang phục may đo.Thực tế, chất liệu góp phần rất lớn chi phối đến cảm giác của người mặc, độ bền trang phục, sắc độ, hiệu ứng bề mặt, đường nét trang phục và cách mà trang phục đó chuyển động. 

Vải len (wool) là chất liệu cơ bản nhất và phổ thông nhất để may âu phục, như suit hoặc quần âu. Lý do vì nó khá đa dạng. Vải len có ưu điểm là phẳng phiu, mềm mại, giữ nếp tốt, phù hợp với tính chất trang trọng của âu phục. 

Len lông cừu (lambswool) là một chất liệu tự nhiên được tạo ra từ lông của con cừu, một trong những loại chất liệu phổ biến nhất trên thế giới, cũng như là chất liệu cơ bản nhất trong thời trang cổ điển. Hằng năm, có khoảng hơn 2 triệu tấn len lông cừu được sản xuất từ khoảng 100 quốc gia. Chất liệu này có rất nhiều biến thể về khối lượng, cách xử lý, giá thành và ứng dụng trong ngành may mặc chứ không phải chỉ gồm có những chiếc áo len/ khăn len ta thường thấy trong mùa lạnh.

Bên cạnh những loại len thông thường, âu phục có thể được may bằng chất liệu cao cấp hơn – superwool. Từ “super” trong từ này mang ý nghĩa là siêu mảnh (superfine/superthin); trong đó thấp nhất là super 80s và lên tới gần super 300s. Có 2 hệ thống phổ biến để đánh giá độ mảnh của vải len. 

Hệ thống Bradford (English worsted yarn count system)

Được công nhận và áp dụng rộng rãi từ đầu thế kỷ 20, với nguyên tắc cơ bản là đánh giá theo độ dài sợi. Trước tiên, sợi vải len sau khi thu hoạch sẽ trải qua các công đoạn xử lý (combing, washing, carding). Sau đó, những sợi vải này sẽ được người nông dân mang tới Bradford – một thành phố của Anh, để đánh giá độ mảnh. Ở đây, những chuyên gia sẽ đánh giá độ mảnh của sợi bằng … tay và mắt. Cụ thể, những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm sẽ dùng tay chạm và mắt nhìn để ước lượng thông qua cảm giác, từ đó đưa ra dự đoán rằng từ 1 pound (445 grams) sợi vải đó sẽ có thể được xe ra thành bao nhiêu hank (1 hank = 560 yard = khoảng 512 mét). Con số super đại diện cho số hank mà người ta xe được từ 1 pound vải đó, sợi vải càng mảnh thì độ dài dệt ra được trên 1 pound càng lớn, đồng nghĩa với chỉ số super càng cao. Ví dụ, đối với vải wool super 100s , sợi vải len đó sẽ có thể xe 100 hank (khoảng 51.2 ki lô mét) từ 1 pound vải.

Hệ thống Mycron của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA)

Với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ năm 1968 các nhà vải đã áp dụng hệ thống này, với nguyên tắc cơ bản là đánh giá theo đường kính sợi. Cụ thể là đường kính sợi càng nhỏ (sợi càng mảnh) thì chỉ số super càng cao. Ví dụ:

  • Superwool 100s có đường kính sợi khoảng 18.5 micromet
  • Superwool 130s có đường kính sợi khoảng 17 micromet
  • Superwool 150s có đường kính sợi khoảng 16 micromet

Để cho các bạn dễ hiểu, đường kính tóc người vào khoảng 17 -181 micromet, thường được ước lượng chung vào khoảng 75 micromet. Thông qua đó, ta thấy rằng sợi vải superwool có đường kính mảnh hơn tóc người nhiều lần.

Tựu trung, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, thời trang Sartorial không còn sức phổ biến rộng rãi như xưa; nét đẹp hào hoa lịch thiệp đang chia sẻ tầm ảnh hưởng với nhiều phong cách khác, như Streetwear, Workwear, Hiphop,..vv, nhưng vị thế của phong cách này trong môi trường chuyên nghiệp hay bối cảnh trang trọng là không thể thay thế. Từ văn phòng công sở đến thảm đỏ xa hoa, từ nghi lễ trang trọng đến sự kiện đại chúng, không gì phù hợp hơn một diện mạo cổ điển để thể hiện một thái độ chuẩn mực và tư duy ăn mặc sâu sắc. Xây dựng một phong cách thời trang tinh tế không chỉ giúp bạn tăng thêm sự tự tin mà còn là cách giành lấy sự tôn trọng của người đối diện; cho dù mục đích của bạn là ứng tuyển một công việc, đàm phán với đối tác hay gây ấn tượng với người khác giới, đừng bao giờ bỏ qua thứ vũ khí hữu dụng và mạnh mẽ này, vì đó có thể là mấu chốt thành bại.

Bài: Dexter Dinh @ Sartorial Guys
 

Related Article