Người yêu cũ: “Cẩm nang sinh tồn” mỗi lần chạm mặt
Lifestyle

Người yêu cũ: “Cẩm nang sinh tồn” mỗi lần chạm mặt

Block. Xoá tin nhắn. Huỷ follow nhau… Có hàng tỉ cách để chúng ta tránh đụng phải người yêu cũ trên mạng xã hội. Nhưng tin buồn là đời thực chẳng có những cái nút nào như vậy.

Kính Lube - bắt gặp người yêu cũ

Thành người yêu cũ, thì bỏ luôn chốn cũ

Cũng bởi chẳng có những cái nút on-off trong đời thực, nên dù có cố gắng né đến đâu, luôn có khả năng người yêu cũ sẽ đột ngột xuất hiện trong cuộc sống của bạn, nhất là khi hai người sống cùng một thành phố. Bạn tôi hiểu rất rõ điều này, thế nên điều đầu tiên anh chàng nói sau khi thông báo chuyện đổ vỡ là: “Tớ chỉ tiếc cái quán đó, tớ rất thích chỗ đó nhưng chắc giờ không dám đến nữa.”

Kính Lube - bắt gặp người yêu cũ

“Cái chỗ đó” là một quán quen, buổi hẹn hò nào của hai người hình như cũng diễn ra ở đó, và cho dù nếu ứng cái logic ấy vào ex của bạn tôi thì có khi họ cũng vậy, sẽ từ bỏ “cái chỗ đó” trong tiếc nuối như cái cách bạn tôi đang làm. Nó là luật bất thành văn rồi, cứ hỏi những người có tình cũ mà xem. Họ sẽ nói với bạn những điều tương tự, bởi chẳng ai muốn gặp ex của mình trong một hoàn cảnh không mong đợi, hoặc tình cũ ấy tay trong tay với ai đó, hoặc chính họ đang tay trong tay với ai đó, hoặc chỉ mình bạn và họ…

Nói chung, tình huống nào cũng dở, cũng oái oăm, cũng sẽ lấy đi của bạn vài giây đứng hình và một câu hỏi thoáng qua trong đầu: “Hi vọng trông mình không đến nỗi tệ!” Nặng thì đâm bổ vào quầy bán táo ở giữa khu chợ trời như anh chàng Nick Miller trong series phim “New Girl” khi chỉ vừa nghe thấy cô bạn gái cũ gọi tên mình; nhẹ thì tự dưng phải chụp ảnh chung với bố mẹ bạn trai cũ như cô nàng Alice trong phim “How to Be Single”… Những viễn cảnh trong phim điện ảnh hài sẽ chẳng có chỗ cho một sự bao dung sướt mướt như câu hát của nàng hoạ mi nước Anh Adele: ““Send my love to your new lover (treat her better) / We’ve gotta let go of all of our ghosts / We both know we ain’t kids no more.”

Vấn đề ở đây, ex cũng là con người chứ chẳng phải gã hề quái đản chuyên ăn thịt trẻ con trong bộ phim “It”. Họ thậm chí còn là người đã từng rất thân thuộc với bạn, vì sao bạn phải sợ họ đến vậy? Dù những sự kiện bắt gặp này thường ít có khả năng xảy ra hơn (bởi bạn đã biết thói quen và xu hướng ra ngoài của họ), và khả năng cao bạn cũng chẳng thể duy trì mối quan hệ của bạn với bạn bè thân thiết của người kia để mà được mời đến một bữa tiệc chung, nhưng chẳng ai đảm bảo được lần tới khi bước vào một nhà hàng mới mở, bạn sẽ không thấy người cũ của mình đang ngồi bên một cô nàng nào đó nhìn như KOL. Chẳng ai đảm bảo được bữa tiệc techno tối cuối tuần này không có một ex (nào đó) của bạn đang nhảy say sưa cách bạn chỉ vài bước chân. Và để biết mình phải làm thế nào khi chẳng may bắt gặp người yêu cũ ở đâu đó chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với bạn, với tôi, với rất nhiều người xung quanh chúng ta. Tôi đảm bảo đấy!

Đó là lúc chúng ta cần “truyền hình thực tế”

Yeah yeah, chúng chỉ toàn drama, chúng nhảm nhí, chúng làm tốn thời gian của bạn, chúng chẳng có giá trị gì ngoài sự giải trí trong thoáng chốc. Nhưng có một điểm thú vị ở truyền hình thực tế tôi không nghĩ nhiều người để ý, chúng chính là chiếc gương phản chiếu những hoàn cảnh ngoài đời thực. Không nói dối bạn làm gì, tôi là kiểu người tối nay có thể ngồi xem một mạch 6 tiếng livestream NASA phóng tàu vũ trụ, nhưng tối mai có thể xem cả mùa một show truyền hình thực tế “nhảm nhí” có tiếng nước Anh “Made in Chelsea”.

Về cơ bản, show truyền hình không kịch bản này theo chân những cậu ấm cô chiêu nổi tiếng nhất mạng xã hội nước Anh, tập trung ở khu Chelsea đắt đỏ. Và vì con số cậu ấm cô chiêu da nhuộm nâu nóng bỏng, bụng từ 4-6 múi cũng chỉ quanh đi quẩn lại có từng ấy người, co cụm trong một cộng đồng rất nhỏ ở London, nên đời sống tình yêu của những công dân khu Chelsea cũng như một trò chơi tranh ghế của trẻ con. Những cặp đôi xoay vòng, từ bạn thành người yêu, từ người yêu thành bạn, bạn của ex là bạn thân của mình, bồ mới của ex từng là bạn thân của mình, bồ cũ số 1 trở thành bạn thân của bồ cũ số 2… Đấy là còn chưa kể những bữa tiệc bất tận, những kì nghỉ mà người này mời nhóm người kia, những buổi café, tập gym… giở thì bạn đã hình dung được hệ sinh thái của “Made in Chelsea” và cũng là lý do khiến tôi thích xem chương trình này như vậy.

Cứ dính đến tình yêu giữa những người trẻ là sẽ xuất hiện drama, và với mật độ drama dày đặc như cái cách người ta cố tình xây dựng concept như vậy, tôi tha hồ xem những cảnh dở khóc dở cười khi cô nàng này đá xéo anh bồ cũ và cô nàng mới anh ta đang tán tỉnh; hay những khuôn mặt ngây ra như vừa bị ai đó đánh bùa choáng. Chỉ từ những biểu cảm đó, chúng ta có thể thấy hiển hiện tất cả những cung bậc cảm xúc của một người cùng cơ chế tự phòng vệ của họ. Cũng như của chính bạn. Thì tôi đã nói mà, truyền hình thực tế cũng chỉ là tấm gương phản chiếu một thế giới đời thực. Không quan trọng mối quan hệ đó có kết thúc thế nào, không quan trọng nó cay đắng hay nhẹ nhàng trôi tuột, những cách người ta ứng xử khi chạm trán một người yêu cũ cũng đều đến từ nơi dễ thấy nhất nhưng cũng khó hiểu nhất.

Cơ chế tự phòng vệ đã được các nhà tâm lý học diễn giải từ rất lâu trước đây, về cơ bản gồm những cung bậc cảm xúc diễn ra theo trình tự thời gian khi bạn mất mát ai đó hay điều gì đó. Từ việc giả vờ như chẳng có một sự mất mát nào, từ chối sự thật, đổ lỗi cho ai đó, tiếc nuối, cảm thấy mất phương hướng… tất cả đều có thể là phần không thể thiếu để bạn có thể phục hồi, dù chúng nghe có bi đát hay bê tha đến đâu. Nghe có vẻ cường điệu hoá, vì chẳng ai muốn nghĩ rằng người cũ chẳng hề tác động tí ti gì đến mình, nhưng một nghiên cứu của Tạp chí khoa học Thần kinh xuất bản năm 2010 chỉ ra rằng vùng não điều tiết những tổn thương vật chất sẽ phản ứng khi ai đó thấy hình ảnh người yêu cũ của mình. Điều này có nghĩa bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm cảm giác bị thương tổn lại một lần nữa khi gặp họ ngoài đời thực. Những nghiên cứu kiểu này đôi lúc khiến tôi ước mình có khứu giác của một con cún, để nếu chẳng may ngửi thấy mùi của họ, tôi có thể chạy nhanh đến mức tôi và họ sẽ chẳng phải nhìn ra nhau trong bất cứ giây phút nào. Nhưng nói gì thì nói, cũng bởi nhiều khi chính bạn không hề biết mình đang ở giai đoạn nào của quá trình phục hồi này cho đến khi người cũ tự nhiên đùng đùng xuất hiện trước mắt bạn, đây có khi lại là chuyện hay cũng nên.

Phép thử của tất cả

Buồn cười là, bạn gặp người mới cần lộng lẫy một, thì nếu biết sẽ có khả năng gặp lại người yêu cũ, bạn sẽ càng muốn lộng lẫy mười. Nó cũng như một tuyên ngôn bằng hình ảnh cho thấy rằng bạn đang ổn thế nào, kiêu hãnh thế nào, hạnh phúc thế nào. Nói chung tuỳ thuộc vào hiện trạng chuyện chia tay và mức độ xấu xí của nó. Nhưng có những hoàn cảnh bạn sẽ muốn cẩn trọng hơn với cách mình tương tác với người cũ trong hoàn cảnh như vậy, đặc biệt khi bạn đang đi cùng một người mới, và càng đặc biệt hơn nữa nếu bạn đang trong quá trình tìm hiểu người mới này. Bạn sẽ không muốn họ cảm thấy như thể vẫn còn điều gì đó lấn cấn giữa bạn và người cũ, bạn sẽ không muốn họ phải đoán già đoán non xem rốt cục bạn có còn tình cảm với ex không nếu họ phải chứng kiến những ngôn ngữ biểu cảm của cơ thể và khuôn mặt không được “trong sạch” cho lắm, và bạn cũng sẽ chẳng muốn mình mất tự chủ đến mức quên béng luôn giới thiệu người mới với người cũ. Tôi gọi đó là những luật lệ cơ bản để ứng xử văn minh nhất trong hoàn cảnh khó nhằn như vậy, dù thú thực tôi vẫn thích viễn cảnh mình có khứu giác nhạy bén của loài chó để mà chuồn cho nhanh trước khi drama (hoặc không drama) đập vào mặt mình.

Kính Lube - bắt gặp người yêu cũ

Giờ hãy giả sử bạn chính là người mới trong hoàn cảnh như vậy, tôi mặc định bạn đã hiểu cảm xúc của đối phương để không làm quá lên như thể người la lén lún hẹn người yêu cũ sau lưng bạn. Nhưng hãy đừng bỏ lỡ cơ hội này để quan sát tất cả những gì bạn cần biết để suy nghĩ xem có nên tiếp tục tìm hiểu người đó hay không. Ở giai đoạn khởi đầu của một mối quan hệ, việc chẳng may gặp lại một người cũ nào đó cũng chẳng khác nào phép thử để bạn biết người mới đã quên hẳn người cũ chưa, họ có sẵn sàng gắn bó với bạn không, họ có để sự kiện này làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với họ không? Họ có khéo léo, lịch lãm và tinh tế khi rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như vậy không? Họ có thành thật với bạn không? Cách họ đối xử với người cũ thế nào (vì ai mà biết được, có thể rồi một ngày bạn cũng sẽ trở thành người cũ của họ!).

Kính Lube - bắt gặp người yêu cũ

Kết luận, tôi nói với anh bạn của mình, là nếu anh chàng thích “cái chỗ đó” như vậy, địa điểm anh chàng miễn cưỡng từ bỏ chỉ để tránh né người cũ; thì anh chàng nên suy nghĩ lại. Suy cho cùng, có những điều quan trọng hơn, những nỗi sợ đáng để vượt qua hơn, và những thử thách dù bạn có chạy thế nào thì chúng vẫn sẽ cầm gậy đuổi sau mông bạn mà thôi. Nên hãy cứ chuẩn bị tinh thần. Rồi hiên ngang mỗi lần ra ngoài nhé bạn!

Bài: Vân Anh
Ảnh: Tổng hợp

 

 

 

 

 

 

Related Article