BizLab: Từ “cú ngã” đau của Shark Thuỷ đến tầm quan trọng của quản trị rủi ro
Business

BizLab: Từ “cú ngã” đau của Shark Thuỷ đến tầm quan trọng của quản trị rủi ro

Từ vụ việc ông Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup, vừa bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sự việc này khiến người ta tự hỏi Egroup đã phải vật lộn như thế nào, cũng như gián tiếp cho thấy tầm quan trọng của quản trị rủi ro đối với các nhà lãnh đạo.

Shark Thủy được biết đến là một trong những nhà đầu tư tại chương trình nổi tiếng Thương vụ bạc tỷ “Shark Tank Việt Nam”. Theo một số nguồn thông tin cho hay, nhiều triệu USD đã được bơm vào các dự án trong 3 mùa doanh nhân này tham gia chương trình.

Cụ thể, xuất hiện trong “Shark Tank Việt Nam” hai mùa, Shark Thủy “chơi lớn” khi cam kết rót vốn 15 tỷ đồng (đổi lấy 45% cổ phần) để cứu dự án startup chuỗi cửa hàng đậu nành Soya Garden. Thế nhưng, sau 3 năm, Soya Garden gần như biến mất tại cả Hà Nội và TP.HCM. Một số thương vụ đầu tư đình đám, như 5D We Escape, Volunteer For Education, Umbala, Talks Café 100% English, dự án sản xuất xe lăn đa năng cho người khuyết tật… cũng chẳng đi đến đâu.

Từ vụ lừa đảo của Shark Thuỷ

Trở lại với vụ lừa đảo thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Egroup, doanh nghiệp được Shark Thủy thành lập năm 2008. Hệ sinh thái của tập đoàn này trải rộng nhiều lĩnh vực từ giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Trong đó, nổi bật nhất là Apax Holdings (IBC) – đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, công ty duy nhất được niêm yết và thiết kế nhiều thương vụ đầu tư lớn. Còn lại, Công ty Egame và Công ty Ecapital là đơn vị mà thông qua nó Egroup gọi vốn.

Giai đoạn trước 2020, Egroup trả lãi đầy đủ. Nhưng từ đầu 2020, công ty của Shark Thủy bắt đầu chậm trả lãi nhà đầu tư với lý do họ gặp khó trong kinh doanh vì dịch Covid-19. Theo số liệu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hệ sinh thái của ông Thủy trong giai đoạn 2018-2021 đã phát hành 6 lô trái phiếu, hơn 1.340 tỷ đồng, lãi suất 12-15%.

Không thể trả nợ cho nhà đầu tư đúng hạn, ban lãnh đạo Egroup xin dời thêm thời hạn là 3-5 năm, tức tối đa đến 2028, nếu tình hình kinh doanh thuận lợi. Bên cạnh đó, họ cũng mong được giảm lãi trong quá khứ và dừng tính lãi mới cho đến khi trả được nợ. Với những nhà đầu tư không chờ được, Egroup lên phương án cấn trừ, gồm bất động sản, gói đầu tư “nhượng quyền” các trung tâm tiếng Anh, học tiếng Anh và các thiết bị gia dụng.

Đến tầm quan trọng của quản trị rủi ro

Quản trị rủi ro là quá trình xác định, đánh giá và kiểm soát các mối đe dọa đối với vốn, thu nhập và hoạt động của tổ chức. Những rủi ro này xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm sự không chắc chắn về tài chính, trách nhiệm pháp lý, vấn đề công nghệ, lỗi quản lý chiến lược, tính minh bạch, tai nạn, thiên tai…

Thất bại trong quản trị rủi ro thường xuất phát từ hành vi sai trái cố ý, sự liều lĩnh hoặc một loạt sự kiện đáng tiếc mà không ai có thể lường trước được.

Điều này ta thấy rất rõ trường hợp của Egroup. Thực tế, hệ sinh thái Egroup bất ổn bởi mô hình hoạt động của các công ty phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tài chính. Với xương sống là Apax Leaders, Egroup dựa vào nguồn vốn huy động từ nhà đầu tư để mở thêm nhiều chuỗi giáo dục và trường học, rồi lấn sân sang các mảng chăm sóc sức khỏe, ẩm thực và đầu tư tài chính. Sự rủi ro đến từ nhiều phương diện từ dòng tiền, vận hành, yếu tố con người, tình hình kinh tế chung…. mà nếu tiếp cận và quản lý những rủi ro này không đúng và không đủ sâu, sẽ dẫn đến việc “càng lún càng sâu”, phóng lao phải theo lao.

Cụ thể, từ cuối 2019, chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders bị nhiều phụ huynh tại TP.HCM, Hà Nội, Đăk Lăk, Đà Nẵng khiếu nại, đòi hoàn trả hàng tỷ đồng học phí vì chất lượng giảng dạy không như cam kết. Cuối 2023, chuỗi trung tâm tiếng Anh này thông báo mất khả năng thanh toán. Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Apax nợ phụ huynh tại đây hơn 108 tỷ đồng, đã trả được 14.2 tỷ, còn gần 94 tỷ đồng. Đơn vị này đề xuất phương án trả nợ dần từ năm 2025, mỗi quý trả cho một phụ huynh 4.5 triệu đồng cho tới khi hết.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tính đến hết tháng 2, Apax Leaders nợ hơn 62.5 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, y tế và tai nạn với lao động trong nước, nước ngoài. Tính chung, hệ sinh thái gồm CMS, Igarten, Egroup, Egame và English Now nợ bảo hiểm gần 104 tỷ đồng.

Quản trị rủi ro có lẽ chưa bao giờ quan trọng hơn bây giờ

Những rủi ro mà các tổ chức hiện đại phải đối mặt ngày càng phức tạp hơn, được thúc đẩy bởi tốc độ toàn cầu hóa nhanh chóng. Những rủi ro mới liên tục xuất hiện, thường liên quan và được tạo ra bởi việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số vô cùng phổ biến hiện nay. Song song đó, biến đổi khí hậu cũng được các chuyên gia rủi ro mệnh danh là “hệ số nhân mối đe dọa”.

Một rủi ro bên ngoài gần đây ban đầu biểu hiện dưới dạng vấn đề về chuỗi cung ứng ở nhiều công ty – đại dịch COVID-19 – nhanh chóng phát triển thành một mối đe dọa hiện hữu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, phương tiện kinh doanh, khả năng tương tác với khách hàng và uy tín của công ty. Đây cũng là rủi ro chính dẫn đến những phi vụ đầu tư của Shark Thuỷ “đầu xuôi đuôi không lọt” như có đề cập.

Một số doanh nghiệp đã nhanh chóng điều chỉnh trước các mối đe dọa do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, trong tương lai, họ đang phải vật lộn với những rủi ro mới, bao gồm vấn đề đang diễn ra về việc làm thế nào hoặc có nên đưa nhân viên trở lại văn phòng hay không, những gì có thể làm để khiến chuỗi cung ứng ít bị tổn thương hơn, ứng phó với lạm phát, cũng như những ảnh hưởng kinh tế từ những cuộc chiến đang diễn ra trên thế giới…

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article