BizLab Talks SS4: “Có một chút bất định trong tương lai thì mới hay” – CEO Palexy Thông Đỗ
MF TVBusinessTech

BizLab Talks SS4: “Có một chút bất định trong tương lai thì mới hay” – CEO Palexy Thông Đỗ

Có lẽ hai cột mốc đáng tự hào nhất đối với “Tiến sĩ AI” Thông Đỗ, đó là việc anh thành công startup công ty Arimo có trụ sở đặt tại Thung lũng Silicon và startup Palexy chuyên về Thị giác máy tính và Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đưa các giải pháp công nghệ đến các vùng lãnh thổ khác như Thái Lan, Malaysia, Phillipines, Hồng Kông hay Dubai. Nhưng trên hết, gói gọn về tư duy dám nghĩ lớn, dám chấp nhận rủi ro, dám lao ra khỏi nếp sống an nhàn quen thuộc của CEO Palexy, đó là có một chút bất định trong tương lai thì nó mới hay, vì nó chứa đựng nhiều triển vọng không thể đoán trước được.

Vì sao anh lấy xong tấm bằng Tiến sĩ lại quyết định khởi nghiệp? Thấy đời mình bình yên quá nên cần tạo chút sóng gió, anh nhỉ?

Quá trình nghiên cứu sinh bên Mỹ cũng nhàn quá, nên tôi muốn lao tra bên ngoài để tìm kiếm cái gì đó thử thách hơn. Tuy nhiên, đó là một lý do mang tính cá nhân. Nhưng còn một khía cạnh khác ít ai nói đến: những nghiên cứu, bằng sáng chế không phải lúc nào cũng được áp dụng vào thực tế, và nếu được thì cũng mất một thời gian dài. Khoảng cách giữa “tháp ngà” hàn lâm và cuộc sống hiện thực là rất lớn. Tôi yêu việc nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo nhưng không muốn làm công trình xong để đấy. Tôi khao khát muốn những khám phá của mình sẽ có ích cho người thật việc thật. Tôi hiểu khi bước khỏi vùng an toàn, sẽ không tránh khỏi sai lầm và thử thách, nhưng tôi chấp nhận rủi ro đó.

Bản thân anh thấy thế nào về việc có nhiều mô hình khởi nghiệp nhưng không phải ai cũng dễ dàng thành công, dù mục đích của họ âu cũng là tìm ra giải pháp cho những vấn đề?

Mô hình khởi nghiệp có tỷ lệ thất bại là 90%. 10% startup mới thậm chí không trụ được trong năm đầu tiên. Dân khởi nghiệp không xa lạ gì với những thống kê đó. Không chỉ vậy, hàng ngày chúng tôi đều chứng kiến tận mắt những khó khăn, thành bại của anh em trong giới. Vì vậy đa phần chúng tôi đều nhìn việc thất bại một cách bình thường thôi. Đó là một phần tất yếu của cuộc chơi này. Nhìn chung, nói không nản thì không hẳn, nhiều khi mình rất vui rất tin tưởng vào con đường mình đi, nhưng đôi lúc mình cũng tự hỏi bản thân đã làm tốt hết mức có thể chưa.

Startup nào cũng nhiều tham vọng. Nhưng có 1000 lý do để startup thất bại: sai sản phẩm, sai lãnh đạo, sai thị trường, sai marketing, sai thời điểm. Điều quan trọng là sau khi thất bại, bạn học được gì? Mỗi lần vấp ngã đều là những bài học quý giá để bạn có thêm cơ hội thành công lần sau. Vì thế không có thất bại nào là 100% cả.

Với tôi, quá trình xây dựng doanh nghiệp, đưa sản phẩm của mình ra thị trường có hai yếu tố quan trọng: tầm nhìn phải kiên định và linh hoạt trong vận hành. Chúng tôi luôn lắng nghe phản hồi của khách hàng để biết mình đã giúp họ giải quyết vấn đề chưa.

Ngày trước, có một giai đoạn người ta cho rằng, doanh nhân là được sinh ra, chứ không phải được rèn giũa mà thành. Lúc anh chọn khởi nghiệp, anh có phải vượt qua những suy nghĩ của việc “liệu tôi có đủ khả năng hay chăng?” không?

Tôi là một người thực tế, ít khi luẩn quẩn với những câu hỏi như “mình là ai?”, “mình có phải doanh nhân không?”, hay “là doanh nhân thì phải như thế nào?”. Tôi đơn giản là một người thích giải quyết vấn đề. Miễn có trong tay giải pháp hiệu quả, tôi sẽ tập trung toàn bộ sức lực để đem giải pháp đến những người cần nó, vì thế không còn thời gian để tự nghi ngờ bản thân. Những doanh nhân thành đạt mà tôi có dịp tiếp xúc, tôi cũng không thấy họ băn khoăn nhiều với câu hỏi “liệu mình có đủ khả năng không”. Họ là những con người của hành động.

Từ trước khi sang Mỹ, rồi ở Mỹ và sau này là Việt Nam, anh đã khởi nghiệp nhiều lần, chưa thành có, thành công rực rỡ cũng có, điển hình như Arimo có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon và trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) ở TP.HCM và hiện tại là Palexy (startup công nghệ về Thị giác máy tính và Trí tuệ nhân tạo), thực ra thì khởi nghiệp nhiều lần, hay nói cách khác là bắt đầu lại từ đầu, rời một môi trường này đến một môi trường khác, thường người ta e dè và lo sợ, còn anh thì sao?

Mỗi khi thành lập một công ty mới, tôi thường nghe nhiều lo lắng đến từ phía gia đình và bạn bè. Song bản thân tôi không hề e ngại mà lại rất hào hứng khi được bắt đầu một cuộc chơi mới. Tôi không sợ mất thời gian mà chỉ sợ thời gian trôi qua vô ích, còn tương lai vô định mới hấp dẫn tôi vì nó chứa đựng nhiều triển vọng không thể đoán trước được. Tôi nghĩ tinh thần khởi nghiệp là một thứ được lập trình sẵn từ trong máu.

Đối với những người yêu thích sự ổn định, chắc chắn, có thể họ sẽ nảy sinh ý muốn làm khởi nghiệp lúc này hay lúc khác, nhưng đa số sẽ không từ bỏ cuộc sống yên bình để bước vào con đường khởi nghiệp nhiều chông gai. Bạn phải đam mê chính sự mạo hiểm đó thì mới nên làm khởi nghiệp.

Từ trường hợp của Arimo, tôi tự hỏi những công ty công nghệ châu Á sẽ có nhiều cơ hội ở thị trường nước ngoài, hay cụ thể là Mỹ không anh?

Cơ hội luôn có cho tất cả, nhưng không có nghĩa là cơ hội đồng đều cho tất cả. Công ty công nghệ Mỹ thành công ở thị trường Mỹ đã vô cùng hiếm. Công ty công nghệ châu Á thành công ở sân nhà cũng rất khó khăn, nếu đá ở sân khách thì khó khăn còn nhân lên gấp bội. Một công ty công nghệ châu Á chỉ có cơ hội thành công ở Âu Mỹ khi nắm một vài lợi thế đặc biệt nào đó, ví dụ chi phí R&D thấp giúp đi được đường dài hơn.

Có những khó khăn nào mà một người châu Á, cụ thể là người Việt Nam, thường gặp phải khi khởi nghiệp ở nước ngoài không?

Khó khăn là nhiều vô kể, thực sự đến giờ cũng chưa có người Việt Nam nhập cư nào thật sự thành công trong việc khởi nghiệp ở Mỹ cả. Tất cả đều là những doanh nhân thuộc thế hệ thứ hai. Để khởi nghiệp thành công tại bất cứ đâu, ngoài ba yếu tố đương nhiên là đầu óc, nỗ lực và may mắn, cần có một sự thấu hiểu siêu việt đối với thị trường, văn hóa, con người. Chính dân bản xứ sinh ra và lớn lên tại Mỹ chưa chắc đã có sự nhạy cảm đó. Vì vậy khởi nghiệp thành công là rất hiếm hoi dù ở bất cứ đâu. Đối với người từ nơi khác đến thì con đường đầu tư hoặc kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên không phải là không có những giải pháp cho vấn đề đó. Ví dụ như trường hợp của Arimo, công ty được thành lập ở Mỹ và có hai team khác nhau, team ở Việt Nam xây dựng sản phẩm vì Việt Nam có rất nhiều tài năng công nghệ về phần mềm, team bán hàng tiếp thị thì chúng tôi thuê người Mỹ.

Có một số khó khăn nhất định trong việc vận hành, do hai đội ngũ cách nhau nửa vòng trái đất, bên này ban ngày thì bên kia là buổi đêm. Khoảng cách khoảng 12 tiếng này làm cho những luồng thông tin di chuyển chậm hơn, có nhiều sai lệch khi truyền tải qua lại hơn. Một trong những cách khắc phục vấn đề là chúng tôi đã đưa team sản phẩm qua Mỹ làm việc một thời gian để lắng nghe phản hồi của khách hàng.

Người ta hay mơ về “giấc mơ Mỹ”, nó vừa đẹp vừa khắc nghiệt, còn khởi nghiệp ở Mỹ có phải là một kiểu “giấc mơ” như vậy không?

Tôi nghĩ hai khái niệm “giấc mơ Mỹ” và khởi nghiệp sẽ luôn gắn chặt với nhau. Về cốt lõi thì “giấc mơ Mỹ” là sự khao khát tự do: tự do tài chính, tự do theo đuổi đam mê bản thân, tự do quyết định cuộc đời mình, tự do khẳng định dấu ấn. Đó là những nguyện vọng mang tính vĩnh cửu.

Khởi nghiệp kinh doanh có thể không phải là cách duy nhất để đạt được giấc mơ Mỹ, nhưng nó là con đường mà nhiều người lựa chọn.

Ở Mỹ hội tụ nhiều yếu tố phù hợp cho việc khởi nghiệp, đó là thị trường lớn và một hệ sinh thái phát triển (trường đại học, con người, công nghệ, kinh doanh, quỹ đầu tư). Trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai, nước Mỹ đều dành nhiều ưu tiên cho khởi nghiệp vì nó tạo ra giá trị cho cả cá nhân và xã hội, là win-win.

Hiện sản phẩm của Palexy hiện đang được sử dụng bởi hơn 30 khách hàng bán lẻ tại Việt Nam và Nhật Bản, bao gồm các thương hiệu lớn như nhà bán lẻ trang sức PNJ, hãng chăm sóc sắc đẹp và cá nhân Guardian, Việt Thái International và Aldo Shoes & Accessories Franchisee, Hakuhodo & Square… Anh nói bí quyết thành công của Palexy không chỉ có công nghệ, mà quan trọng là ở con người, anh có thể giải thích thêm không?

Nói một cách đơn giản thì ngành bán lẻ vốn dĩ là xoay quanh con người. Hiện nay online cái gì cũng có, nhưng cửa hàng vật lý vẫn chiếm hơn từ 85% đến hơn 90% tỷ trọng bán lẻ, bởi vì sự tiếp xúc trực tiếp giữa người mua và người bán là một phản ứng hóa học kỳ diệu. Mọi công nghệ phục vụ bán lẻ là để giúp phản ứng này thêm thăng hoa, chứ không phải là thay thế nó. Palexy được sinh ra để hỗ trợ các nhà bán lẻ đào tạo nhân viên mình tốt hơn, bài trí cửa hàng hấp dẫn hơn, tiếp thị sản phẩm hiệu quả hơn. Tất cả đều nhằm mục đích đem lại trải nghiệm tuyệt vời cho người mua sắm mà thôi.

Ngoài ra thì ai là người dùng sản phẩm Palexy? Ai là người áp dụng những phân tích hàng ngày? Ai là người đưa ra quyết định? Chính là những nhân sự ngành bán lẻ. Vì thế bên cạnh làm sản phẩm, chúng tôi hỗ trợ tối đa để khách hàng không chỉ sử dụng sản phẩm hiệu quả mà còn thấy vui thích, có cảm xúc tích cực khi sử dụng nó. Nhiều khách hàng nói dùng Palexy khiến họ có nhiều thời gian cho gia đình hơn, làm việc cũng đỡ căng thẳng hơn. Đối với tôi, đó là lời khen cao nhất.

Tức có nghĩa là anh phải rất linh hoạt trong cách dẫn dắt, lãnh đạo đội ngũ của mình, để mọi thứ hoạt động trơn tru? Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về phong cách lãnh đạo của mình ở từng giai đoạn phát triển của Palexy không?

Thực ra tôi không trăn trở quá nhiều về phong cách lãnh đạo. Từ trước đến nay tôi sống như thế nào thì làm giám đốc cũng như vậy, chứ không gò ép bản thân để theo một hình mẫu nào cả. Ví dụ như tôi ưa làm việc một cách chủ động, tự đảm đương mỗi dự án từ đầu đến cuối, thì tôi cũng khuyến khích các nhân viên của mình như vậy. Hoặc tôi không ngại làm tất cả các việc từ nhỏ đến lớn trong công ty, kể cả khuân vác nếu cần.

Những bạn nào cần cầm tay chỉ dẫn quá nhiều, hoặc chỉ muốn làm đúng phần của mình, không phù hợp với môi trường của tôi. Ngoài ra, tôi cho nhân viên rất nhiều tự do trong công việc. Tôi luôn để các bạn chủ động lựa chọn những hướng đi phù hợp với tính cách cũng như khả năng của mình.

Người lãnh đạo thời này vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển và định hướng nhân sự. Còn anh Thông thì sao, anh cảm thấy thế nào về vấn đề này?

Tôi tin rằng mọi việc xảy ra đều có lý do của nó. Palexy như một con tàu lao đi vun vút. Trong chặng đường của Palexy, có người lên tàu, có người xuống tàu, đó là chuyện hết sức bình thường. Ở vị trí người lái tàu, việc của tôi không phải là nhìn ngang xem ai lên ai xuống, mà là tập trung điều khiển con tàu vững vàng, đúng hướng, đi đến được những cột mốc trong kế hoạch.

Nói vậy không có nghĩa là tôi không quan tâm đến nhân viên của mình. Ngược lại, tôi luôn đối đãi với nhân viên bằng toàn bộ cái tâm, vì vậy ngay cả khi các bạn chuyển sang nơi khác công tác, tôi cũng không hề áy náy hay lo buồn.

Có rất nhiều lý do khiến nhân sự có thể rời đi mà không phải do lỗi của ai hết. Mọi sự kết thúc đều là khởi đầu mới.

Ngoài vấn đề con người và phong cách lãnh đạo, những thuận lợi và khó khăn nào khi Palexy mở rộng phạm vi hoạt động như vậy?

Palexy mở rộng một cách tự nhiên, vì chúng tôi nương theo nhu cầu của khách hàng mà tiến tới chứ không vội vàng đốt cháy giai đoạn. Quan điểm của tôi là khách hàng thành công chính là người mang lại cho mình khách hàng mới, như trường hợp chúng tôi cung cấp giải pháp cho Armani ở Ả Rập Xê Út và một năm sau đó là chi nhánh ở Dubai và Quatar, hay khởi điểm là Guardian tại Việt Nam và hơn một năm sau, chúng tôi làm với Guardian ở Malaysia, Singapore, Hồng Kông.

Là doanh nghiệp nhỏ, mọi nguồn lực đều phải tối ưu tuyệt đối, vì vậy chúng tôi khá thận trọng, nhưng cũng vì vậy mà tránh được nhiều rủi ro không đáng có. Còn khó khăn thì chủ yếu thuộc về khía cạnh cá nhân. Là người mang một startup châu Á đi phục vụ các doanh nghiệp châu Á khác, tôi bắt buộc phải bay gặp khách hàng liên tục, thường là ít nhất một, hai chuyến mỗi tuần. Có nhiều lúc tôi rất thèm ăn cơm nhà và đưa đón con đi học mỗi ngày.

Việt Nam là thị trường tiềm năng trong 3-5 năm tới khi độ chín về quản trị cao hơn, khả năng tiếp cận và chào đón công nghệ tiến tiến của Palexy sẽ tăng lên. Đây cũng là thị trường tôi tập trung dành nhiều thời gian để tư vấn và giúp khách hàng thành công nhiều hơn.

Tựu trung, di sản của Thông Đỗ với Palexy là như thế nào?

Hiện giờ có lẽ còn quá sớm để nói về di sản. Tôi thích suy nghĩ rằng mình vẫn còn “non và xanh”, luôn cố gắng nhìn cuộc đời bằng con mắt trong trẻo để đón nhận những điều mới lạ. Còn với Palexy, tôi hy vọng mình đang đặt đủ nền móng để “đứa con” này tương lai có thể cất cánh bay xa, tự phát triển mà không cần sự tham gia của tôi nữa.

Tôi sẽ rất hài lòng nếu một ngày mọi người đều biết đến Palexy nhưng đã quên đi Thông Đỗ là ai. Đó mới thực sự là thành công trọn vẹn.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Sponsors: Aristino
Guest Speaker: Thông Đỗ
Host: Khuất Năng Vĩnh
Content Direction | Script: Trương Huyền My
Project Coordinator | Communication: Trân Nguyễn
Production: Văn Minh Thư, Tiểu My, Khang Nguyễn, Lộc Phạm, Nam Nguyễn, Long Nguyễn, Bách Khoa
Venue: Ô Cocktail & Art Bar
Design: Kỳ Nam

——-

VỀ CHỦ ĐỀ BEYOND LEADERSHIP

BizLab Video Series trở lại mùa 4 (BizLab SS4) lấy chủ đề “Beyond Leadership” sẽ tập trung khai thác thế hệ lãnh đạo mới, thế hệ lãnh đạo tiếp nối xoay quanh cách họ phá vỡ những chuẩn mực truyền thống, tiếp cận khái niệm lãnh đạo ở thời kỳ này để tạo ra một “hệ điều hành” riêng của doanh nghiệp (tư duy lãnh đạo mới), cách họ trao quyền và tạo cơ hội cho những người cộng sự dẫn đến tiềm năng hợp tác ở mọi cấp độ (sức mạnh sự kết nối), sự hợp tác và chiến lược giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để cùng tạo nên những mô hình kinh doanh/dự án có độ phủ và tầm ảnh hưởng rộng hơn (tối đa hóa khả năng thành công).

Đồng hành cùng Men’s Folio Vietnam trong hành trình “dám nghĩ lớn” là thương hiệu thời trang cao cấp mang đậm cảm hứng từ di sản văn hóa Việt Nam – Aristino. Cùng với câu chuyện khởi nghiệp, vận hành doanh nghiệp của các doanh nhân, chúng ta cũng sẽ thấy yếu tố “văn hóa”, “di sản” và “niềm tự hào của người Việt Nam” được thể hiện rõ nét trong hành trình phát triển tự thân của họ.

VỀ SERIES VIDEO BIZLAB

Series video “BizLab” – nơi dành cho các thế hệ lãnh đạo, đặc biệt là các bạn start-up trẻ, chia sẻ những công thức thử nghiệm táo bạo, góc nhìn mới, cách tư duy mới mà họ đã chọn để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp và vận hành mô hình kinh doanh của mình.

“BizLab – Thu công thức, nghiệm thành công, không có chi!”

Theo dõi các tập của BizLab trên các kênh truyền thông của Men’s Folio Vietnam:

– Website: mensfolio.vn

– Instagram: @mensfoliovietnam

– Youtube: Men’s Folio Vietnam

– TikTok: @mensfoliovietnam

Liên hệ hợp tác, tài trợ qua email: info@mensfolio.vn

 

Related Article