BizLab SS4: Khi các lãnh đạo lỗi nhịp với vai trò của mình, đây là những lời khuyên thiết thực
BusinessLifestyle

BizLab SS4: Khi các lãnh đạo lỗi nhịp với vai trò của mình, đây là những lời khuyên thiết thực

Thỉnh thoảng chúng ta, dù là ai, đang giữ vai trò nào, cũng cần được nâng đỡ, dìu dắt và truyền động lực, để giúp chúng ta đi đúng hướng và đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Đôi khi chúng ta cảm thấy lạc điệu, lỗi nhịp khi thực hiện vai trò của mình, mất đi tất cả năng lượng và ý chí để tiếp tục. Mọi chuyện sẽ ổn thôi, đây là lúc ta cần lắng nghe và chậm rãi quan sát nhiều hơn.

Ngay cả với tư cách là những nhà lãnh đạo, quản lý, chúng ta cũng dễ rơi vào trạng thái thờ ơ. Trong một nghiên cứu năm 2020 từ Gallup cho thấy, 2/3 số nhà quản lý ở Hoa Kỳ không tham gia hoặc chủ động không gắn kết với công việc và nơi làm việc của họ. Tình trạng đáng báo động này đã được xác nhận thêm bởi báo cáo Chỉ số xu hướng làm việc (Work Trend Index) năm 2022 của Microsoft, trong đó lưu ý rằng khoảng 53% các nhà quản lý cho biết họ cảm thấy kiệt sức tại nơi làm việc.

Một trong những cách để duy trì cảm hứng và động lực trong vai trò lãnh đạo là chúng ta hoàn toàn có thể cậy nhờ kinh nghiệm và trải nghiệm của những người đã trải qua thăng trầm với vai trò này. Và đôi khi thừa nhận việc mình đang mất phương hướng, buông bỏ lớp phòng vệ để tìm kiếm sự giúp đỡ, là một hành động rất được khuyến khích. Phải tự cứu lấy mình trước hết đã, đúng chứ?!

Có thể bạn biết hoặc không các lãnh đạo/chuyên gia/nhà văn/chính trị gia… này, nhưng những điều ta có thể học được từ những đúc kết đắt giá của họ mới quan trọng hơn cả.

Từ Adam Grant

(Giáo sư, tác giả sách, người mang tư duy ngược tham vọng xoay chuyển thế giới)

Những lãnh đạo giỏi xây dựng sản phẩm, còn những nhà lãnh đạo vĩ đại xây dựng văn hóa. Những nhà lãnh đạo giỏi mang lại kết quả, nhưng những nhà lãnh đạo vĩ đại phát triển con người. Những lãnh đạo giỏi là người có tầm nhìn, còn những nhà lãnh đạo vĩ đại tạo nên những giá trị. Những nhà lãnh đạo giỏi là những tấm gương trong công việc và những nhà lãnh đạo vĩ đại là những tấm gương trong cuộc sống.

Câu trích dẫn của Grant đã gói gọn một cách hoàn hảo khái niệm về những gì cần thiết để bạn bước lên một tầm cao mới với tư cách là một nhà lãnh đạo đầy tham vọng. Ví dụ: nếu bạn đã làm việc trong lĩnh vực quản lý và đang tìm cách thăng tiến lên vị trí lãnh đạo cấp cao, thì vai trò mới sẽ yêu cầu thay đổi tư duy cũng như thay đổi hành vi và thái độ.

Từ George S. Patton Jr.

(Nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng của Lục quân Hoa Kỳ)

Đừng nói với mọi người cách làm mọi việc, mà hãy nói cho họ biết phải làm gì và để họ làm bạn ngạc nhiên với kết quả đạt được.

Câu nói này của Patton thể hiện khái niệm “huấn luyện” trong vai trò lãnh đạo hoặc quản lý của bạn. Đôi khi, tình huống yêu cầu bạn phải nói cho nhóm của mình biết mọi việc nên được thực hiện như thế nào, chẳng hạn như khi đào tạo cho những nhân viên ít kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên, trong những lúc khác, tốt nhất bạn nên cho họ biết mục tiêu cuối cùng và tin tưởng vào trực giác của họ. Điều này sẽ giúp họ làm chủ công việc của mình và gắn kết hơn.

Từ Theodore Roosevelt

(Cựu Tổng thống Mỹ)

Người điều hành giỏi nhất là người đủ sáng suốt để chọn những người giỏi làm những điều họ khao khát và tự kiềm chế để không can thiệp vào quá trình họ làm việc đó.

Việc sở hữu một đội ngũ có hiệu suất công việc cao phụ thuộc vào việc bạn đưa ra những lựa chọn tuyển dụng đúng đắn ngay từ đầu. Đừng chỉ chọn các thành viên trong nhóm của bạn vì kỹ năng của họ, mà hãy đánh giá năng lực và giá trị của họ, để xem họ có phù hợp với tầm nhìn và văn hóa của tổ chức hay không. Và tất nhiên, miễn là bạn đã đưa ra những quyết định tuyển dụng tốt nhất, vậy thì hãy làm theo trực giác của mình. Bạn nên tin tưởng họ đủ để công việc được hoàn thành một cách tốt nhất. Hãy tập trung vào kết quả đầu ra để đo lường năng suất chứ không phải số giờ.

Từ Peter Drucker

(Cây “đại thụ” của giới CEO, chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị)

Quản lý là làm mọi việc theo đúng cách, lãnh đạo là làm những điều đúng đắn.

Câu nói cô đọng này đã dễ dàng tóm tắt sự khác biệt cơ bản giữa người lãnh đạo và người quản lý – hai thuật ngữ thường được sử dụng thay thế cho nhau. Với tư cách là người quản lý, bạn tập trung vào các hoạt động, thực hiện các mục tiêu đã thống nhất, phù hợp với tầm nhìn của công ty. Nhưng khi bạn chuyển sang vai trò lãnh đạo, trọng tâm là định hướng tầm nhìn thay vì trực tiếp thúc đẩy tầm nhìn về phía trước.

Từ Bill Bradley

(Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ)

Khả năng lãnh đạo là khai phá tiềm năng của mọi người để trở nên tốt hơn.

Khi bạn đọc câu trích dẫn này, hãy thử suy ngẫm vài điều: Bạn có đang phát huy được tiềm năng của những người làm việc cùng bạn không? Bạn có chủ ý tìm cách nâng cao và phát triển nhóm của mình không? Sự nghiệp, phúc lợi và hiệu suất làm việc của họ được cải thiện như thế nào kể từ khi bạn bắt đầu làm việc với họ?

Từ John C. Maxwell

(Tác giả của nhiều đầu sách “best seller” về chủ đề lãnh đạo)

Cách lớn nhất để tác động đến một tổ chức là tập trung vào phát triển khả năng lãnh đạo. Hầu như không có giới hạn nào đối với tiềm năng của một tổ chức trong việc tuyển dụng được người giỏi, nâng họ lên làm lãnh đạo và liên tục phát triển họ.

Kỹ năng lãnh đạo đang được yêu cầu, với tỷ lệ 53% các nhà tuyển dụng thừa nhận cần kỹ năng này từ nhân viên của họ. Những phẩm chất như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, giao tiếp, xây dựng mối quan hệ và trí tuệ cảm xúc cần được huấn luyện trong toàn tổ chức, từ đó trang bị cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo và tạo điều kiện cho những người có thành tích cao hơn.

Từ Sam Altman

(Doanh nhân, nhà đầu tư, lập trình viên người Mỹ, cựu giám đốc điều hành của OpenAI)

Điều khó khăn khi điều hành một doanh nghiệp là có hàng trăm việc bạn có thể làm nhưng chỉ có 5 trong số đó thực sự quan trọng và chỉ một trong số đó quan trọng hơn tất cả những việc còn lại cộng lại. Vì vậy, việc nhận ra điều quan trọng nhất cần sự tập trung cao độ và biết “buông tay” đúng lúc thực sự quan trọng.

Cựu Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman hiểu tầm quan trọng của quy luật 80/20 khi anh đưa ra nhận định này. Với quy tắc 80/20, còn được gọi là nguyên tắc Pareto, bạn hiểu với tư cách là một nhà lãnh đạo, rằng dù bạn có hàng triệu việc khác nhau mà bạn có thể làm hoặc những nơi bạn có thể đến, nhưng đừng cố gắng ôm đồm và dàn trải sức lực. Hãy quản lý thời gian một cách hiệu quả bằng cách tập trung phân bổ 20% công sức và sức lực của bạn vào những nhiệm vụ mang đến giá trị cao nhất. Điều này sẽ giúp bạn duy trì sự tập trung để có thể đạt được 80% kết quả.

Từ Muriel Strode

(Tác giả sách, nhà thơ nổi tiếng)

Đừng đi theo con đường sẵn có. Thay vào đó, hãy đi đến nơi không có đường đi và lưu lại dấu chân của mình.

Đây là cách bạn tạo ra tác động thực sự và đạt được sự đổi mới. Đừng dễ dàng bằng lòng với những điều tầm thường. Thay vì tuân theo các chuẩn mực của tổ chức, hãy sử dụng tiếng nói và vị trí của bạn để thách thức chúng. Hãy đặt những câu hỏi như: Tại sao chúng ta không nên làm điều này thay vào đó? Điều gì đã hoạt động tốt và điều gì hiện chưa hoạt động tốt? Làm cách nào chúng ta có thể cải thiện chất lượng dịch vụ và cam kết của chúng ta với nhân viên?…

Steve Jobs không chỉ xây dựng nên đế chế Apple mà những sản phẩm ông tạo ra cuối cùng đã góp phần cải thiện thế giới nói chung. Điều này cũng tương tự với Mark Zuckerberg và Facebook. Trong khi bắt đầu tạo ra một nền tảng xã hội đơn giản cho sinh viên Harvard, Zuckerberg cuối cùng đã dẫn dắt công ty trở thành mạng lưới kết nối gần 2 tỷ người trên khắp thế giới.

Tựu trung, trở thành một nhà lãnh đạo không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ, can đảm và chấp nhận rủi ro. Khả năng tìm ra giải pháp, giải quyết vấn đề và làm mọi thứ tốt hơn là những yếu tố quan trọng để lãnh đạo hiệu quả. Định vị bản thân như một hình mẫu để mọi người noi theo có nghĩa là làm những việc sẽ cải thiện nhân viên, cộng đồng hoặc thậm chí cả thế giới quanh ta tốt hơn.

——-

VỀ CHỦ ĐỀ BEYOND LEADERSHIP

BizLab Video Series trở lại mùa 4 (BizLab SS4) lấy chủ đề “Beyond Leadership” sẽ tập trung khai thác thế hệ lãnh đạo mới, thế hệ lãnh đạo tiếp nối xoay quanh cách họ phá vỡ những chuẩn mực truyền thống, tiếp cận khái niệm lãnh đạo ở thời kỳ này để tạo ra một “hệ điều hành” riêng của doanh nghiệp (tư duy lãnh đạo mới), cách họ trao quyền và tạo cơ hội cho những người cộng sự dẫn đến tiềm năng hợp tác ở mọi cấp độ (sức mạnh sự kết nối), sự hợp tác và chiến lược giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để cùng tạo nên những mô hình kinh doanh/dự án có độ phủ và tầm ảnh hưởng rộng hơn (tối đa hóa khả năng thành công).

Đồng hành cùng Men’s Folio Vietnam trong hành trình “dám nghĩ lớn” là thương hiệu thời trang cao cấp mang đậm cảm hứng từ di sản văn hóa Việt Nam – Aristino. Cùng với câu chuyện khởi nghiệp, vận hành doanh nghiệp của các doanh nhân, chúng ta cũng sẽ thấy yếu tố “văn hóa”, “di sản” và “niềm tự hào của người Việt Nam” được thể hiện rõ nét trong hành trình phát triển tự thân của họ.

VỀ SERIES VIDEO BIZLAB

Series video “BizLab” – nơi dành cho các thế hệ lãnh đạo, đặc biệt là các bạn start-up trẻ, chia sẻ những công thức thử nghiệm táo bạo, góc nhìn mới, cách tư duy mới mà họ đã chọn để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp và vận hành mô hình kinh doanh của mình.

“BizLab – Thu công thức, nghiệm thành công, không có chi!”

Theo dõi các tập của BizLab trên các kênh truyền thông của Men’s Folio Vietnam:

– Website: mensfolio.vn

– Instagram: @mensfoliovietnam

– Youtube: Men’s Folio Vietnam

– TikTok: @mensfoliovietnam

Liên hệ hợp tác, tài trợ qua email: info@mensfolio.vn

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article