BizLab: Đây là N-O-K-I-A. Nhưng không phải cái tên thế giới từng biết!
Business

BizLab: Đây là N-O-K-I-A. Nhưng không phải cái tên thế giới từng biết!

Nokia thiết kế lại logo mang tính biểu tượng sau 60 năm. Một lời tuyên ngôn với thế giới rằng, họ không còn ràng buộc mình trong định danh một công ty điện thoại nữa.

Logo mới với 5 hình dạng khác nhau và khi kết hợp sẽ tạo thành chữ N-O-K-I-A. Phông chữ bóng bẩy hơn. Màu xanh lam cổ điển gắn liền với thương hiệu được thay thế bằng nhiều màu sắc khác nhau tùy theo mục đích. Lippincott, người đã làm việc trong quá trình đổi thương hiệu và cộng tác với Nokia trong 15 năm qua cho biết, các chữ cái của logo chỉ được đọc là “NOKIA” khi chúng xuất-hiện-cùng-nhau.

Thay đổi bộ nhận diện tức là thay đổi tầm nhìn và chiến lược. “Chúng tôi đã làm mới logo dựa trên di sản của logo trước đó. Nhưng làm cho nó có cảm giác hiện đại và kỹ thuật số hơn, để phản ánh bản sắc hiện tại của chúng tôi,” Giám đốc điều hành Pekka Lundmark cho biết, “Trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, chúng tôi vẫn là một thương hiệu điện thoại di động thành công. Nhưng đây không phải là mục tiêu của Nokia.”

Từng là nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất và trở thành cái tên mang tính biểu tượng trong kỷ nguyên điện thoại nắp gập, Nokia sau đó đã phải vật lộn để cạnh tranh với Apple, Samsung và những hãng điện thoại khác trên thị trường điện thoại thông minh. Sau đó, Nokia đã bán mảng kinh doanh điện thoại di động cho Microsoft vào năm 2014. Thỏa thuận này khiến Microsoft phải ghi nhận khoản lỗ khổng lồ 8.4 tỷ USD vào năm sau.

Kể từ đó, công ty đã phải vật lộn để từ bỏ danh tiếng là một công ty điện thoại trong khi tập trung vào các công nghệ mạng di động và đám mây. Nokia hiện kiếm được phần lớn doanh thu từ doanh số bán hàng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), với kế hoạch mở rộng dấu ấn của mình trong thị trường doanh nghiệp.

Và để thực hiện định hướng mới một cách toàn diện, Nokia đang làm mới thương hiệu của mình để phản ánh họ là ai ngày nay. Đây là Nokia, nhưng không phải như thế giới đã biết về họ trước đây. Nói một cách khác, Nokia không còn chỉ là một công ty điện thoại thông minh, mà là một “công ty kinh doanh công nghệ”.

Bên cạnh đó, việc Nokia hướng tới tự động hóa nhà máy và trung tâm dữ liệu cũng sẽ đặt họ vào làn sóng cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như Microsoft (MSFT.O) và Amazon (AMZN.O). Mặt khác, cũng sẽ có nhiều loại trường hợp khác nhau, đôi khi họ sẽ là đối tác, đôi khi có thể là khách hàng, và chắc chắn rằng cũng sẽ có những tình huống họ là đối thủ cạnh tranh của nhau.

Cũng trong thời gian này, Nokia cũng trình làng mẫu điện thoại G22 – mẫu điện thoại hết sức thú vị. Là smartphone thân thiện với môi trường, Nokia G22 có mặt lưng ở sau 100% là nhựa tái chế, lên tới 3 năm bảo hành và cập nhật, pin cũng cho thời lượng lên tới 3 ngày. Một điểm nổi bật ở Nokia G22 là khả năng thay thế linh kiện đơn giản mà người dùng có thể tự sửa chữa tại nhà.

HMD Global đã hợp tác với iFixit để cung cấp cho người dùng bộ dụng cụ và linh kiện thay thế kèm theo hướng dẫn chi tiết nếu họ có nhu cầu. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian sửa chữa cho người dùng. Nokia G22 sẽ có mức giá khởi điểm tại thị trường nước ngoài là 200 USD (khoảng 4.6 triệu VND). Khi về tới Việt Nam, giá thành sẽ có thay đổi ít nhiều.

Việc Nokia làm mới DNA của mình là một bước đi dài và tham vọng trong nỗ lực giữ gìn bản sắc, đồng thời “nhân bản” chính mình. Trong một bối cảnh không thật sự khả quan cho các công ty công nghệ nói chung, động thái này của Nokia càng gia tăng sự cạnh tranh vốn đang khốc liệt của thị trường. Nhưng đây không phải là một quyết định chóng vánh, các bản báo cáo doanh thu đã nói lên tất cả về tiềm năng của hướng đi này. Chúng ta hãy cùng chờ xem, Nokia sẽ thể hiện dấu ấn của mình ra sao với mô hình kinh doanh công nghệ.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article