BizLab Talks SS4.EP3: “Cải thiện mỗi ngày để tốt hơn những gì sẵn có”, Đạt Phan – Founder OKKIO Caffe

  • by Huyền My Trương
  • May 24, 2024

Cuộc trò chuyện về kinh doanh mà bạn sắp đọc bên dưới có lẽ không giống với những gì bạn mường tượng trong suy nghĩ. Nhà sáng lập OKKIO Caffe đem đến cho tôi một hình dung mới về doanh nhân thời hiện đại. Ít có doanh nhân nào nói chuyện kinh doanh, chiến lược, vận hành… những thứ thuộc về vĩ mô, lại có thể dễ hiểu, dễ tiếp thu và vô cùng thiện cảm đến vậy. Trong suốt buổi chia sẻ, điều tôi sẽ nhớ nhất đó là “Không quan trọng mình chạy bao xa, bao nhanh với cự li bao nhiêu, quan trọng là chạy mỗi ngày, không ngừng nghỉ”.

Xin chào anh Đạt, một nhà sáng lập chuỗi cà phê được nhiều người yêu mến nhưng lại rất kín tiếng. Tôi và đội ngũ rất vui khi anh nhận lời tham dự BizLab mùa mới này.

Tôi cảm thấy rất vui vì chủ đề mùa mới của BizLab – “Beyond Leadership” rất thú vị, sẽ là những cuộc gặp gỡ của nhiều nhà sáng lập, nhà điều hành những doanh nghiệp lớn đến từ mọi lĩnh vực. Tôi là một người rất thích lắng nghe chia sẻ của những người đi trước nên cảm thấy vô cùng hào hứng và vinh dự khi được trở thành một phần của BizLab mùa này.

Tôi là người khá kín tiếng, đây là phong cách sống tôi hướng đến. Tôi phân biệt rạch ròi giữa đời sống cá nhân và công việc. Có nhiều người được hưởng lợi từ việc khai thác hình ảnh cá nhân và song hành đó là câu chuyện kinh doanh. Tôi nghĩ lựa chọn cuộc sống khép kín cũng có cái hay, đó là tại bất cứ thời điểm nào hay ở bất kỳ đâu, tôi cũng không cần chạy theo hình ảnh nào. Tôi nghĩ sống đúng với bản thân mình là điều quan trọng nhất với tôi.

Tôi khá ấn tượng với màu sắc nhận diện thương hiệu, có lý do nào cho màu đỏ không?

Trước khi nói về màu đỏ, tôi muốn chia sẻ về cái tên OKKIO một chút. Đó là tên mà tôi viết lại từ tiếng Ý (occhi), nghĩ là “con mắt”. Đó là ý niệm của tôi về việc có những cảm xúc chỉ có thể trao cho nhau bằng ánh mắt, mọi lời nói đều là thừa thải. Mặt khác, màu đỏ là thứ đầu tiên tôi hình dung về OKKIO, vì tôi nghĩ màu đỏ tượng trưng cho sự đam mê, lãng mạn và ấm áp. Đó cũng là 3 yếu tố mà tôi lấy là những giá trị cốt lõi của OKKIO Caffe.

Điểm khác biệt của OKKIO Caffe?

Đầu tiên là sản phẩm cốt lõi. Bạn có thể uống ở hàng quán vỉa hè hay một quán cà phê sang trọng. Tuỳ thuộc vào khả năng chi trả và gu cà phê mà người uống sẽ có sự lựa chọn riêng. Theo đó, “bản sắc” là từ khoá quan trọng mà tôi nghĩ sẽ tạo nên sự khác biệt. Bản sắc sẽ đến từ chính nhà sáng lập và nó được tích luỹ qua một quá trình dài. Bản sắc sẽ được thể hiện qua màu sắc, ngôn ngữ thiết kế và văn hoá làm việc. Bản sắc như một dòng chảy, từ nhà sáng lập đến nhân viên, và từ nhân viên đến khách hàng.

Tại sao anh lại chọn “bản sắc” là từ khoá đầu tiên khi nhắc đến thương hiệu cà phê của mình?

Tôi nghĩ mô hình cà phê rất dễ lặp lại, tức là không khó để nhìn thấy những điểm đẹp ở những cửa hàng khác hoặc tìm ra những sản phẩm gần như là tương đồng. Thế thì làm sao những cửa hàng cà phê ghi dấu ấn đậm nét nếu nó không có bản sắc riêng? Đến với OKKIO Caffe, đó sẽ là một trải nghiệm đa giác quan, từ thức uống đến âm nhạc. Những sự lựa chọn ấy mang tính cá nhân của người kinh doanh, rằng mình muốn truyền tải điều gì đến khách hàng.

Suy cho cùng thì cà phê là một sự kết nối, khi bạn uống cà phê một minh tức là bạn đang kết nối với chính mình, khi đi cùng với bạn bè/đồng nghiệp thì bạn đang kết nối với thế giới quan của bản thân. Làm sao để mình bắt được tần số với khách hàng, tìm ra những khách hàng có cùng tần số với mình, thì đó mới là tạo nên bản sắc của riêng mình.

Tôi còn nhớ khi mình bắt đầu với cửa hàng OKKIO Caffe đầu tiên, thật sự rất khó để diễn tả là mình muốn làm một tiệm cà phê trông như thế nào và làm sao truyền tải được mong muốn của mình cho các bên khác như kiến trúc sư hay thiết kế. Tôi ngồi viết ra 2 trang A4 về cảm nhận của tôi với OKKIO, về niềm cảm hứng đến từ Murakami hay Vương Gia Vệ.

Từ năm 2018 đến nay, OKKIO Caffe đã có 6 cửa hàng, anh đánh giá thế nào về sự mở rộng này?

Tôi nghĩ đây là quá trình không nhanh cũng không chậm. Đó là khoảng thời gian mà rất nhiều thương hiệu khác đã đi rất nhanh, nhưng tôi chọn cách đi chậm mà chắc. Trong bối cảnh dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, còn tôi may mắn mở thêm 4 cửa hàng. Tôi nghĩ mọi thứ còn tuỳ vào chiến lược kinh doanh và bao nhiêu nội lực mà mình đã tích luỹ được. Và nội lực ở đây là mình đã sẵn sàng chưa, sản phẩm tốt chưa, hệ thống đang vận hành thế nào. Chuyện mở rộng còn phụ thuộc vào việc mình có tìm được mặt bằng phù hợp hay không. Vấn đề này chiếm rất nhiều thời gian, có khi mình theo được vài tháng rồi cũng chẳng đi tới đâu, cũng có khi mình phải đưa ra quyết định nhanh.

Còn văn hoá làm việc tại OKKIO Caffe?

Riêng văn hoá về mặt con người ở OKKIO Caffe, nếu xét dưới góc độ quản trị thì sẽ có nhiều cấp bậc để phân chia công việc rõ ràng. Nhưng trong những công việc mỗi ngày, mình nên nhìn bằng lăng kính gia đình. Điều này phải đến người sáng lập. Với những người đầu tiên nỗ lực cùng tôi trong những ngày đầu, cá nhân tôi không xem họ là nhân viên, mà là cộng sự. Cách mình đối xử với họ cũng là cách họ sẽ đối xử với những nhân viên cấp dưới.

Trong công việc chắc chắn sẽ phát sinh những vấn đề khác nhau, nếu mình dùng lăng kính gia đình, đây là những người anh chị em của mình, tự khắc mình sẽ chậm lại để lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông và sẽ ở đó vì nhau.

Anh Đạt là thế hệ doanh trẻ, vậy nên có lẽ làm việc cùng những người trẻ không khiến anh gặp nhiều trở ngại?

Tôi nghĩ mình được truyền năng lượng từ các bạn trẻ. Các bạn rất nhiều năng lượng, luôn vui vẻ, sáng tạo và có một tinh thần luôn hướng về phía trước nhưng song song đó, tuổi trẻ thì vẫn chưa trưởng thành về mặt tâm lý. Đó là lý do tôi ở bên cạnh hướng dẫn và cho lời khuyên. Tôi thấy các bạn gen Z rất tình cảm. Nên nếu trong giao tiếp hoặc chỉ bảo, mình chỉ dùng dữ liệu hoặc công việc để nói chuyện thì sẽ không giải quyết được vấn đề.

Tôi là người tuân thủ kỷ luật trong hệ thống, còn về mặt con người với con người, thì không quá cứng nhắc đâu.

Có bao giờ anh bị “vỡ mộng” không, khi điều anh nghĩ khác với thực tế quá nhiều?

Tôi nghĩ trước khi bắt tay làm điều gì đều phải có sự tính toán nhất định. Trước lúc bắt đầu với OKKIO Caffe, tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, nên ngoài niềm đam mê thì tôi ý thức được tầm quan trọng của việc nắm chắc về mặt số. Phương châm của tôi đó là, đam mê là trái tim, còn con số là khối óc. Một doanh nghiệp muốn đi xa và bền vững thì phải đáp ứng cả hai.

Anh đặt ra cột mốc cụ thể nào với OKKIO Caffe?

Tôi đặt mục tiêu 10 năm, mong muốn có thể đưa thương hiệu OKKIO Caffe, một niềm tự hào Việt Nam, ra thị trường quốc tế. OKKIO sẽ không cần phải phủ khắp mọi góc đường mà quan trọng là phải mang lại những trải nghiệm riêng tại những nơi có văn hoá đặc thù. Với một số lượng cửa hàng nhất định tập trung vào các vị trí có câu chuyện, thì mình sẽ có nhiều thứ để nói về nó hơn, đồng thời tìm thấy nhóm đối tượng khách hàng phù hợp.

Có bao giờ chất nghệ sĩ tính lấn át công việc kinh doanh của anh không?

Nghệ sĩ tính thật ra chỉ áp dụng vào lúc tôi triển khai ý tưởng về mặt nhận diện thương hiệu, âm hưởng hay văn hoá của quán. Còn khi đã điều hành một mô hình kinh doanh thì bắt buộc phải là con số, hệ thống. Và nếu những con số đó không hợp lý tức là doanh nghiệp đang có vấn đề. Đây là ngành công nghiệp rất thú vị vì nó thay đổi liên tục mỗi ngày. Nhưng trong sự thay đổi đó, tôi phải liên tục thích nghi và cải thiện hệ thống của mình.

Anh Đạt yêu thích tiểu thuyết của nhà văn Murakami. Vậy anh có áp dụng triết lý nào cho công việc kinh doanh của mình không?

Hồi trẻ khi còn là sinh viên, tôi đã đọc các tác phẩm của nhà văn Murakami. Tôi nghĩ mình tìm được tiếng nói và sự liên kết với nhân vật trong truyện. Tôi luôn nhìn thấy mình ở các nhân vật trong truyện. Tôi cũng đọc của nhiều nhà văn khác nhưng cảm giác mà sách của Murakami đem lại khác lạ hơn. Nếu có một triết lý mà có thể vận dụng trong kinh doanh thì đó là cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, và có một câu tôi khá thích, đó là “Không quan trọng mình chạy bao xa, bao nhanh với cự li bao nhiêu, quan trọng là chạy mỗi ngày, không ngừng nghỉ”.

Cải thiện mỗi ngày để tốt hơn những gì sẵn có. Tôi nghĩ 6 năm qua của tôi với OKKIO, hành trình chỉ như mới rời vạch xuất phát được vài cây số.

Anh nghĩ văn hoá uống cà phê sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai?

Thực ra, chúng ta đã thay đổi hành vi tiêu dùng rất nhiều từ sau dịch bệnh. Ở nước ngoài, các thương hiệu cà phê specialty đã chú trọng nhiều hơn đến thức uống pha sẵn. Chúng ta đang hướng đến sự tiện dụng. Hưởng ứng theo xu thế đó, tôi cũng cho ra mắt dòng sản phẩm cà phê sữa với ba hương vị mang tên lần lượt là Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Sự đa dạng trong văn hoá thưởng thức cà phê của người Việt Nam không giống với những nơi khác trên thế giới, mà tôi nghĩ nằm ở yếu tố “trải nghiệm uống” nhiều hơn. Bản thân tôi khi kinh doanh cà phê tới hiện nay vẫn cảm thấy thích thú khi uống cà phê ở những hàng quán khác.

Tôi quan sát thấy có nhiều thương hiệu cà phê nội địa mọc lên liên tục nhưng tỷ lệ thành công không nhiều. Anh nghĩ chuyện gì đang xảy ra?

Ngành này để bước vào không khó, có một số vốn nhất định và niềm đam mê với cà phê thì đều có thể mở cửa hàng. Những con số với mình phải có ý nghĩa, mình phải lường trước hết những tình huống xấu nhất ngay từ đầu.

Mọi thứ đều phải nằm trong dự liệu của mình, chứ không phải đợi xảy ra rồi mới tính.

Công thức thành công của OKKIO Caffe là gì?

Tôi nghĩ đầu tiên và mang tính then chốt đó là những sản phẩm chủ đạo phải rất chắc chắn. Nếu mình không chắc về mặt sản phẩm, dù quán có đẹp đến đâu cũng không thành công. Thứ hai là con người, ngành cà phê với tôi là ngành làm về con người nhiều hơn, bao hàm cộng sự lẫn khách hàng. Thứ ba là hệ thống. Hệ thống mình đang xây dựng liệu có thể tự vận hành nếu mình không có mặt hay không.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Sponsors: Aristino
Guest Speaker: Đạt Phan
Host: Khuất Năng Vĩnh
Content Direction | Script: Trương Huyền My
Project Coordinator | Communication: Trân Nguyễn
Production: Văn Minh Thư, Tiểu My, Khang Nguyễn, Lộc Phạm, Nam Nguyễn, Long Nguyễn, Bách Khoa
Venue: Ô Cocktail & Art Bar
Design: Kỳ Nam

——-

VỀ CHỦ ĐỀ BEYOND LEADERSHIP

BizLab Video Series trở lại mùa 4 (BizLab SS4) lấy chủ đề “Beyond Leadership” sẽ tập trung khai thác thế hệ lãnh đạo mới, thế hệ lãnh đạo tiếp nối xoay quanh cách họ phá vỡ những chuẩn mực truyền thống, tiếp cận khái niệm lãnh đạo ở thời kỳ này để tạo ra một “hệ điều hành” riêng của doanh nghiệp (tư duy lãnh đạo mới), cách họ trao quyền và tạo cơ hội cho những người cộng sự dẫn đến tiềm năng hợp tác ở mọi cấp độ (sức mạnh sự kết nối), sự hợp tác và chiến lược giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để cùng tạo nên những mô hình kinh doanh/dự án có độ phủ và tầm ảnh hưởng rộng hơn (tối đa hóa khả năng thành công).

Đồng hành cùng Men’s Folio Vietnam trong hành trình “dám nghĩ lớn” là thương hiệu thời trang cao cấp mang đậm cảm hứng từ di sản văn hóa Việt Nam – Aristino. Cùng với câu chuyện khởi nghiệp, vận hành doanh nghiệp của các doanh nhân, chúng ta cũng sẽ thấy yếu tố “văn hóa”, “di sản” và “niềm tự hào của người Việt Nam” được thể hiện rõ nét trong hành trình phát triển tự thân của họ.

VỀ SERIES VIDEO BIZLAB

Series video “BizLab” – nơi dành cho các thế hệ lãnh đạo, đặc biệt là các bạn start-up trẻ, chia sẻ những công thức thử nghiệm táo bạo, góc nhìn mới, cách tư duy mới mà họ đã chọn để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp và vận hành mô hình kinh doanh của mình.

“BizLab – Thu công thức, nghiệm thành công, không có chi!”

Theo dõi các tập của BizLab trên các kênh truyền thông của Men’s Folio Vietnam:

– Website: mensfolio.vn

– Instagram: @mensfoliovietnam

– Youtube: Men’s Folio Vietnam

– TikTok: @mensfoliovietnam

Liên hệ hợp tác, tài trợ qua email: info@mensfolio.vn

library