WALLOVERS – Từ ấn tượng thị giác tới ghi dấu cảm giác
LifestyleArts & Culture

WALLOVERS – Từ ấn tượng thị giác tới ghi dấu cảm giác

Ngay sau sự kiện triển lãm nghệ thuật đường phố mang tên “Urban Layer” (Lát Cắt Đô Thị) vừa qua, Men’s Folio đã có cuộc trò chuyện cùng nhóm nghệ sĩ Wallovers. Khép kín hoá không gian cho môn nghệ thuật hoành tráng và đậm chất đường phố như Graffiti, những người nghệ sĩ trẻ tài năng đã mang đến một góc nhìn mới mẻ và đương đại cho loại hình nghệ thuật này. Hãy cùng đi sâu hơn vào tâm hồn họ và lắng nghe những chia sẻ thú vị về quan điểm sáng tạo cùng Men’s Folio.

Hình ảnh nhóm Wallovers, với 4 thành viên Zkhoa, Cresk, Daes, Deska trong sự kiện triển lãm Urban Layer

Xin chào Wallovers. Nếu để giới thiệu đôi điều khiến công chúng ấn tượng mà nhớ ngay về các bạn. Các bạn sẽ nói điều gì?

Chắc chắn là “WO” (gần với Wow). Nó viết tắt của tên nhóm Wallovers và cũng là một tiếng vang thoát ra từ sự ấn tượng. Graffiti là một loại hình nghệ thuật hoành tráng, choáng ngợp, hấp dẫn thị giác, mà khi người ta đi ngoài đường, người ta thường thốt lên sự bất ngờ khi bắt gặp những hình hoạ trên tường. Và khi chúng mình đưa tinh thần đó vào không gian triển lãm, thì các tác phẩm lại càng to hơn, sự cảm thán “WO” của người xem lại càng mạnh hơn.

Hơn thế nữa, “WO” còn là một văn hoá rất riêng của chúng mình với một tinh thần vui tươi, nhiều năng lượng tích cực, thư giãn và gần gũi với đời sống.

Vậy sau khi công chúng đã có bước ấn tượng ban đầu với nhóm rồi, thì các bạn sẽ thể hiện điều gì tiếp theo?

Bằng tinh thần nghệ thuật Graffiti, Wallovers đưa cho mọi người sự ấn tượng thị giác, sau đó là những câu chuyện ẩn sâu trong đó để dẫn dắt người xem vào một thế giới sâu hơn. Nhóm có 4 thành viên là Zkhoa, Cresk, Daes và Deska; mỗi người có một xuất thân khác nhau và chúng mình tô đậm giá trị đó một cách khác nhau thông qua các biểu tượng riêng, để người xem được mở rộng những chân trời khám phá.

Wallovers có thể nói kỹ hơn về những giá trị riêng đó được không? Và khi đã là một nhóm, thì làm sao để cái chung và cái riêng cùng tồn tại và bổ trợ cho nhau?

Tinh thần chung của Wallovers là sự tự do như chính bản chất của môn nghệ thuật đường phố mà chúng mình theo đuổi, hơn nữa cần luôn tôn trọng sự khác biệt và đề cao cái mới. Cái mới có thể chưa hoàn thiện nhưng miễn là mới, nó sẽ từ từ nảy mầm, chứ không áp đặt khuôn khổ. Còn về cái riêng, xin được để từng thành viên bày tỏ.

Zkhoa: Như trong triển lãm Urban Layer vừa rồi, dù cả nhóm cùng hướng đến yếu tố Văn hoá. Nhưng góc nhìn văn hoá của cá nhân mình là những thứ diễn ra thường ngày như vé số, quán nhậu…Mình từng thích cái gì đó tây, cái gì lạ lạ, nhưng giờ mới thấy những thứ xung quanh mình thật quý giá, như rượu quý ngâm càng lâu càng ngon vậy. Văn hoá là thứ mình đang sống và tạo ra. Bởi vậy mình cảm nhận sao, trải nghiệm thế nào thì mình tái hiện lại.

Daes: Trong triển lãm vừa rồi, mình lấy nhiều cảm hứng từ Lân Sư Rồng. Mình thích những giá trị xưa cũ, nhất là những ấn tượng ký ức từ thời trẻ thơ, cái thời chưa có công nghệ thật đẹp. Và nay mình ứng dụng nghệ thuật để tái hiện lại điều đó.

Deska: Nguồn cảm hứng sáng tạo của Deska lại không hẳn những thứ xung quanh, mà là những giai đoạn chuyển mình trong đời. Trong đời có nhiều giai đoạn chuyển mình, nhiều khi ở giai đoạn này không nhớ được giai đoạn trước nên vẽ lại. Và đơn thuần là mình xúc động với điều đó một cách sâu sắc. Những khoảnh khắc lưng chừng đó vô cùng đáng giá để được ghi lại, bởi bạn biết đấy, có những người cả đời cũng không hề trải nghiệm điều thú vị ấy được một lần nào.

Cresk: Còn với mình là định kiến xã hội hay nhân sinh quan của một ai đó; sự phân biệt giai cấp, giới tính; Cresk thích quan sát cảm xúc của những người xung quanh, đặc biệt là những người phụ nữ. Từ những nguồn cảm hứng đó, mình truyền tải vào nghệ thuật và mong muốn góp phần khiến mọi thứ tốt đẹp hơn.

Lại nhắc về yếu tố Văn hoá. Trong quá trình ứng dụng Văn hoá để thực hành nghệ thuật, Wallovers cảm thấy điều gì khó khăn nhất?

Chắc là phải thật khéo léo, vì dù văn hoá là chính chúng ta đây nhưng nó cũng rất nhạy cảm. Tuy nhiên, Wallovers ứng dụng yếu tố này vào công tác sáng tạo của mình một cách chân thành và trong sáng. Chúng mình mong tạo ra những góc nhìn mới, thú vị hơn, hiện đại hơn cho dòng chảy văn hoá chứ không thương mại hoá nó.

Trong thực hành sáng tạo, “cán cân” cảm xúc và kinh nghiệm của Wallovers sẽ nghiêng về bên nào hơn?

Đôi khi là một sự hoà trộn đồng đều. Đôi khi cực đoan thay đổi tuỳ từng tâm trạng. Có lúc chúng mình để cho cảm xúc chiếm gần hết, nhưng đôi khi là kỹ thuật/kinh nghiệm, những điều đó sẽ phản ánh ra tác phẩm và tạo ra sự đa dạng cho sáng tạo.

Tại Việt Nam, Graffiti không còn quá xa lạ, nhưng cái nhìn của đại chúng dành cho môn nghệ thuật này vẫn còn phân cực, tức là rất yêu hoặc ghét? Vậy hoạt động thực hành nghệ thuật của Wallovers sẽ tiếp tục tôn lên sự cực đoan đó đúng với chất ngang tàng của đường phố? Hay sẽ tìm cách hoà hợp? Và tại sao?

Chúng mình rất hiểu về sự khó chịu của việc bombing (vẽ trên các mảng tường công cộng). Nhưng bombing là một trong những gốc rễ văn hoá của Graffiti. Quay ngược thời gian, loại hình nghệ thuật này như một phương thức để những người dưới đáy xã hội nói lên tiếng nói của mình, yêu cầu các giai cấp và lớp người khác chú ý đến họ trong bối cảnh sống đầy bất công. Thế nên, Wallovers tôn trọng điều đó. Còn một điểm nữa đó là hoạt động vẽ ngoài đường giúp cho những người mới bắt đầu Graffiti luyện tập và nâng cao trình độ.

Tuy nhiên, trong nhóm Wallovers có Daes là người chưa từng Bombing. Nhưng Daes vẫn có những thành tựu trong giới. Đó là điều đầu tiên khiến chúng mình nghĩ lại. Tiếp nữa, với sự phát triển của đa phương tiện hiện thời, như: mạng xã hội, công nghệ thị giác…Hay ngay cả việc đưa Graffiti vào không gian triển lãm cũng là một cách thức. Wallovers nghĩ rằng chúng ta có thể thực hành nghệ thuật bằng nhiều cách khác nhau, bởi nếu hành động của mình ảnh hưởng tới người khác thì có lẽ không còn phù hợp nữa.

Nhóm chúng mình không nghĩ nhiều về câu chuyện phân cực hay hoà hợp, mà đơn giản quan tâm về sự kết nối: Kết nối chính những người trong cộng đồng và kết nối với đại chúng. Hoàn toàn tránh việc chia rẽ, phân cực, điều đó không tốt cho tập thể, cho lợi ích chung.

Thời điểm năm 2008, khi chúng mình mới chơi hiphop, người đời còn nhìn ánh mắt kỳ thị. Sự phân chia là tâm lý cơ bản của con người mà, có lẽ do người ta chưa hiểu thôi, cái mới xuất hiện luôn khiến người ta đề phòng. Nên chúng mình cứ làm thôi, và cái kết quả tốt sẽ có khả năng thuyết phục người ta cao hơn là nói miệng.

Theo Wallovers, Graffiti tại Việt Nam đang bắt nhịp như thế nào với thế giới?

Dù Graffiti xuất hiện ở Việt Nam đã nhiều năm, nhưng vẫn còn khá mới mẻ. Wallovers tin rằng trong tương lai sẽ không thua gì thế giới cả, vì người trẻ hôm nay được tiếp cận nhiều hơn thế hệ trước nên họ có điều kiện phát triển từ sớm, trang bị tầm nhìn chất lượng hơn, được thực hành nhiều hơn và chắc chắn sẽ mang đến các tác phẩm tuyệt vời.

Wallovers đã sử dụng những phương thức sáng tạo bổ sung nào (bằng công nghệ, chủ đề, chất liệu…) để nâng tầm tác phẩm của mình?

Như trong triển lãm Urban Layer vừa qua, các tác phẩm của Wallovers ứng dụng khá nhiều chất liệu khác nhau, như kết hợp Sơn Mài vào Graffiti, vẽ trên gỗ, mica, kính…hay hiệu ứng AR để tác phẩm có năng lực tương tác mạnh hơn với người xem.

Bên cạnh đó, ngoài triển lãm vật lý, ngay sau đây Wallovers sẽ tiếp tục mang Urban Layer vào thực tế ảo để nối dài thời gian hiện diện của tác phẩm với công chúng. Và cũng là để người xem có thêm một trải nghiệm thẩm mỹ thú vị. Đây có lẽ là triển lãm graffiti dưới hình thức virtual đầu tiên tại Việt Nam.

Đợt dịch vừa rồi, khi chúng ta không còn được ra đường nữa, đồng nghĩa với việc các sáng tạo nền tảng đường phố bị giới hạn lại, điều đó ảnh hưởng thế nào tới Wallovers? Và trong tương lai lối đi nào là phù hợp với bối cảnh dịch bệnh cho những thực hành của các bạn?

Chúng mình đã có thời gian để chậm lại và nhìn lại mọi thứ xung quanh. Thời gian giãn cách tại nhà, Wallovers tìm hiểu thêm nhiều điều mới mẻ, hết dịch mình tổng kết lại và có thể chuyển hoá nó vào những sáng tạo sau này.

Còn để nói về sự tác động, thì thực ra với chúng mình không có quá tác động đâu, vì như mọi người đã biết, chúng mình có thể ứng dụng trong thực hành sáng tạo. Và Wallovers tin rằng, đây cũng là một lối đi phù hợp trong tương lai, khi mà bối cảnh đại dịch vẫn còn nhiều phức tạp.

Xin cảm ơn Wallovers đã chia sẻ những điều thú vị cùng Men’s Folio Vietnam.

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

Thực hiện: Nam Thi
Hình ảnh: NVCC

 

Related Article