Không còn những cảnh lãng mạn quen thuộc như chạm mắt dưới cơn mưa, vô tình va phải môi hay ánh nhìn vụng trộm nơi thư viện ngập nắng, phim học đường Hàn Quốc ngày càng tập trung khai thác nhiều câu chuyện thú vị hơn. Đó là những góc khuất, mặt tối, là bạo lực, bất công, áp lực học hành, tâm lý tuổi mới lớn,… nơi trường học.
Thay vì mộng mơ hóa, “hường hóa” tuổi học trò, các nhà làm phim đã chọn cách bóc tách nó một cách trần trụi và gai góc hơn. Ví dụ như “Pyramid Game” (Trò Chơi Kim Tự Tháp) dựng nên một trò chơi xã hội tàn nhẫn nơi mỗi tháng học sinh phải bầu chọn ra “con mồi” để cả lớp cùng bắt nạt. “Study Group” (Đầu Gấu Học Nhóm) kể về một nhóm học sinh có ý chí học tập kiên cường nhưng buộc phải đánh nhau và đối phó với “trùm trường” để được yên ổn học hành.
“Weak Hero Class” (Người Hùng Yếu Đuối) thể hiện sự chống lại can đảm và khôn ngoan của một nam sinh yếu đuối bất đắc dĩ trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt. “Brave Citizen” (Cô Giáo Em Là Số Một) đem đến sự phẫn nộ của một giáo viên trước nạn bạo lực bị ngó lơ, khiến cô phải dùng đến nắm đấm dưới tư cách cựu võ sĩ quyền anh để giải quyết.
Dù mỗi bộ phim mang một màu sắc riêng, điểm chung của chúng là lật lên mặt tối của tuổi học trò – nơi không chỉ có tình yêu học đường đáng yêu, mà còn có nỗi cô đơn, sự tổn thương, khao khát được công nhận và đấu tranh, để tìm chỗ đứng trong thế giới đầy rẫy áp lực ấy. Và chính sự dũng cảm khi bóc trần những điều ít ai dám nói bằng những tình tiết, phân cảnh hành động, đã làm nên sức hút mạnh mẽ cho dòng phim học đường kiểu mới, thay vì đưa người xem vào những mối tình dễ đoán và sáo mòn.
Một lý do khác khiến cho phim học đường thiếu vắng “loveline” vẫn thu hút, đó là “bromance”. “Bromance” là sự kết hợp giữa hai từ “brother” – anh em và “romance” – lãng mạn, dùng để chỉ một tình bạn, tình anh em trong sáng giữa những người con trai, thường mang cảm xúc mạnh mẽ, gắn bó kiểu “có nhau trong mọi trận chiến” nhưng không phải là tình yêu lãng mạn. Đây là kiểu quan hệ đặc biệt khiến người xem cảm thấy ấm lòng, xúc động và sẵn lòng “ship” nhiệt tình, vì nó vượt qua sự thân thiết thông thường để chạm đến mức độ tin tưởng, hi sinh và hiểu nhau sâu sắc.
Chẳng hạn trong “Weak Hero Class 2”, tình bạn giữa “F4” gồm Yeon Si Eun (Park Ji Hoon), Park Hoo Min (Ryeoun), Seo Jun Tae (Choi Min Young), Go Hyun Tak (Lee Min Jae) chính là một trong những điều khiến người xem yêu thích và ngưỡng mộ. Thậm chí, ở tuyến phản diện, mối quan hệ giữa Na Beak Jin (Bae Na Ra) và Geum Sung Je (Lee Jun Young) cũng không thể làm khán giả ghét nổi vì giữa họ tồn tại một kiểu “bromance” méo mó nhưng đầy sức nặng, gắn bó với nhau bằng sự trung thành dù chưa từng nói hay có một hành động yêu thương nào.
Chính sự tương tác đầy cảm xúc giữa các nhân vật, từ ánh mắt lo lắng, sự im lặng cảm thông đến những cú ra tay không do dự để bảo vệ nhau, đã làm nên một mạch “bromance” chặt chẽ và lay động. Trong bối cảnh trường học khắc nghiệt, khi các nhân vật phải đối mặt với bạo lực, áp lực và những bất công ngầm, tình bạn ấy không chỉ là chỗ dựa mà còn là động lực để họ kiên cường bước tiếp.
Không chỉ dừng lại ở những mối quan hệ “bromance” thường thấy, tình bạn giữa cả một nhóm nhân vật cũng đủ sức chạm đến trái tim người xem. Trong “Study Group” hay “Pyramid Game”, tình bạn không phải sự gắn bó lý tưởng hóa, mà là hành trình tìm thấy nhau giữa hỗn loạn, cùng đồng hành, bảo vệ và nâng đỡ nhau vượt qua nghịch cảnh, xen lẫn những tình huống hài hước.
Những sự kết nối này mang đến cho người xem sự đồng cảm sâu sắc, cảm nhận được cái chất thật, cái “cảm giác gia đình” trong từng phân đoạn, giúp họ không chỉ xem phim mà còn tìm thấy nơi để chia sẻ và trưởng thành cùng nhân vật.
Phim Hàn xưa nay vốn nổi tiếng với những cảnh đánh đấm “ảo diệu” – một cú đá xoay vòng có thể hạ gục ba người, hay nam chính dù hứng cả chục cú đấm vẫn đứng lên như chưa hề hấn gì. Thế nhưng trong loạt phim học đường gần đây, đánh đấm không chỉ là những màn trình diễn cho đã mắt mà còn có lý do chính đáng, có chiến thuật khôn khéo và có cả chiều sâu tâm lý.
Các cảnh hành động trong “Weak Hero Class” và “Study Group” được dàn dựng tỉ mỉ với các góc quay gắt, nhịp cắt nhanh, âm thanh chân thực, mỗi cảnh đánh đấm đều khó có thể rời mắt. Đáng nói, từng nhân vật còn được “đo ni đóng giày” với những kỹ năng đặc trưng. Người là dân Taekwondo thứ thiệt với cú đá thẳng tắp, người thì lại vô cùng điêu luyện trong việc thực hiện những phát đâm bằng bút bi, gọng kính,…
Đặc biệt, phân cảnh đối đầu giữa cô giáo So Si Min (Shin Hye Sun) và học sinh cá biệt Han Su Gang (Lee Jun Young) trên võ đài quyền anh không chỉ bùng nổ về mặt đấm đá mà còn căng như dây đàn về mặt cảm xúc. Cảm giác không chỉ là đang xem đánh nhau, mà là chứng kiến những con người từng nhẫn nhịn, cuối cùng bật tung mọi giới hạn để đòi lại danh dự và công bằng.
Thậm chí, đánh nhau giờ đây không chỉ cần cơ bắp, mà còn cần IQ. Trong bộ “Pyramid Game”, để không rơi xuống hạng F – vị trí trở thành mục tiêu bắt nạt, nữ chính Seong Su Ji (Bona) buộc phải lên kế hoạch kết bạn, điềm tĩnh tìm ra lỗ hổng của trò chơi để có thể sống sót tại trường học. Sự lạnh lùng, thông minh và khả năng đọc tình huống nhanh nhạy chính là vũ khí giúp cô lật ngược thế cờ và lật đổ trò chơi bất công đó.
Có thể thấy, chính sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hành động và trí tuệ ấy đã biến những cú đấm học đường thành biểu tượng sống động của sự phản kháng. Không phải kiểu nổi loạn vô thức hay bộc phát bồng bột, mà là phản kháng đầy tỉnh táo, có mục tiêu, biết tính toán, biết tận dụng mọi nguồn lực cho sự tồn tại của bản thân giữa môi trường khắc nghiệt.
Rõ ràng, thế hệ phim học đường Hàn Quốc hiện nay không còn dùng bạo lực như một yếu tố giải trí đơn thuần. Những màn hành động, dù đau xót, dù khốc liệt, đều có lý do để tồn tại bởi đó là lời đáp trả của những học sinh khi bị dồn đến bước đường cùng, là biểu hiện của lòng tự tôn, của tinh thần sinh tồn và cả sự phản kháng.
Không chỉ thể hiện những cú đấm kịch tính đã con mắt, những bộ phim này đồng thời đặt lại câu hỏi: Điều gì khiến một người học sinh phải dùng đến nắm đấm trong một nơi lẽ ra chỉ có kiến thức và sự vô tư? Và chính câu hỏi ấy, cùng cách các nhân vật trả lời bằng hành động và trí tuệ mới là thứ giữ chân khán giả, ngay cả khi chẳng có lấy một cảnh tình yêu lãng mạn nào xuất hiện.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn