Home Life #ValentineinBloom: Quẩn quanh chuyện yêu (Phần 2) – Sự rung động không hẳn là khởi nguồn cho tình yêu
*Xem phần 1 tại ĐÂY.
Một thí nghiệm mang tên “Hiệu ứng cầu treo” thực hiện bởi hai nhà tâm lý học Donald Dutton và Arthu Aron tại Vancouver, Canada. Thí nghiệm được tiến hành như sau: Họ cho những người đàn ông độc thân trong độ tuổi 18-35 đi qua 2 cây cầu. Cây cầu thứ nhất là cầu treo cao 70m, chiều rộng chỉ bằng một chiếc ghế đá. Trong khi đó, cây cầu thứ hai là cầu bê tông chắc chắn. Các nhà tâm lý học thực hiện thí nghiệm đồng thời thuê một người phụ nữ trẻ đứng ở giữa cầu đến nhờ những người đàn ông đó sau khi đi hết cây cầu hãy mô tả lại một bức tranh cho sẵn. Sau đó họ có thể gọi lại cho cô ấy vào buổi tối nếu muốn biết về kết quả.
Kết quả là những người đàn ông phải đi qua cây cầu treo nguy hiểm đã tưởng tượng và mô tả bức tranh theo xu hướng tình dục cao hơn 20% những người đi ở cây cầu chắc chắn. Và buổi tối hôm đó có 50% số người đi cầu treo đã gọi điện cho người phụ nữ, trong khi chỉ có 12.5% người đi cầu an toàn gọi lại. Tại sao lại có sự chênh lệch này?
Các nhà khoa học lý giải rằng những người đi qua cầu treo đều mang trong mình sự lo lắng, sợ hãi. Cảm giác này cộng với nhịp tim tăng cao thường dễ bị nhầm lẫn với cảm giác rung động. Có nghĩa là thông qua thí nghiệm này đã đưa ra kết luận: Những người đàn ông sẽ thấy phụ nữ hấp dẫn hơn khi họ trải nghiệm cảm giác căng thẳng lo sợ. Khi Dutton và Aron thực hiện thí nghiệm lại với người đứng trên cầu là đàn ông, những khác biệt giữa 2 nhóm đã biến mất.
Có thể việc vượt cây cầu cheo leo, phía dưới là vách núi cao làm người ta sợ, mà khi sợ thì tim đập nhanh, tay chân run rẩy. Khi bị tiếng sét ái tình đánh trúng hay vô tình gặp người mình thầm thương trộm nhớ trên đường, tim người ta cũng có xu hướng đập nhanh hơn. Khi gặp cô gái xinh đẹp giữa cây cầu, những người tham gia có thể đã gán những phản ứng của cơ thể (sự hưng phấn) với nỗi sợ thành phản ứng của việc bị hấp dẫn. Vì họ cảm thấy cô gái hấp dẫn hơn nên họ dễ gọi điện cho cô ấy hơn.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường cảm thấy sự hưng phấn, nhưng khi gặp thêm một tác nhân gây hưng phấn khác, ta có thể nhầm lẫn và liên kết chúng lại với nhau.
Mỗi khi cảm thấy hưng phấn, con người thường tìm kiếm nguyên nhân cho nó một cách vô thức, dựa trên sự kiện mình đang tham gia và thông tin xung quanh, nhưng đồng thời quên mất đi bối cảnh chung. Điều này dẫn đến việc hiểu lầm về sự việc, về cảm xúc đối với một ai đó là nguyên nhân gây ra sự hưng phấn; trong khi nguyên nhân đó thực tế xuất phát từ một yếu tố khác. Tương tự, kết luận của nghiên cứu “Cây cầu treo” nói rằng chúng ta có thể hiểu chệch hướng và gán mác sai cho cảm xúc của mình.
Sự nhầm tưởng về nguyên nhân gây hưng phấn có thể ảnh hưởng đến quyết định và hành động, khiến chúng ta đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc hiện tại mà chưa xem xét đến thông tin đầy đủ. Ví như ở buổi hẹn đầu tiên của bạn với anh chàng vừa quẹt phải trên ứng dụng hẹn hò, anh ấy chọn rạp chiếu phim là nơi gặp mặt. Vì khi vào rạp chiếu, sự hưng phấn sẽ xuất hiện trong không gian tối và sự hấp dẫn của bộ phim. Có thể bạn chỉ muốn đi chơi cùng anh ấy nhưng kết thúc cuộc gặp gỡ, điều đọng lại trong tâm trí bạn là bàn tay của người đó ấm áp thế nào. Bạn ngỡ rằng mình đã rơi vào lưới tình nhưng thực chất, sự hồi hộp khi lần đầu nhìn thấy nhau kết hợp với không khí của rạp phim mới là lý do làm bạn cảm thấy hưng phấn.
Vì vậy người ta cũng hay nói nếu bạn tỏ tình trên tàu lượn siêu tốc thì khả năng thành công sẽ cao hơn.
Điều này cũng làm tôi nhớ đến bộ phim Hàn Quốc tôi từng xem, nữ chính vừa mới chia tay bạn trai đã lao vào một mối quan hệ “mập mờ” nhưng luôn nghĩ đó là tình cảm sâu sắc. Ý nghĩ ấy xuất hiện xuyên suốt trong tâm trí của cô. Nữ chính gạt bỏ những hoài nghi về sự chân thành của đối phương và từ chối người yêu mình thật lòng. Lúc xem những tập phim đó tôi cứ nghĩ “Sao họ không ý thức được hành động của mình” vì rõ ràng, những xúc cảm mà nhân vật nữ đang có lúc đó đến từ hai tác nhân gây hưng phấn: nỗi buồn chưa nguôi từ việc kết thúc mối quan hệ trước và sức hấp dẫn từ ngoại hình của một đối tượng mới. Nhưng cuối cùng tôi lại tự hỏi có bao nhiêu người đủ tỉnh táo để không rơi vào trường hợp bị lầm tưởng như cô?
Chưa hiểu đúng, gán nhãn sai cho phản ứng cơ thể và cảm xúc có thể dẫn đến những nhập nhằng trong các mối quan hệ. Cũng tương tự thí nghiệm “Cây cầu treo”, sự hấp dẫn của người đàn ông với người phụ nữ chỉ là tạm thời với “nguồn gốc” là sự hưng phấn, cần rạch ròi trong việc định nghĩa cảm xúc của mình để không lầm tưởng giữa philia, eros, apage hay bất kỳ định nghĩa về tình cảm nào khác.
(HẾT)
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn