Tỷ phú LeBron James và bài học tiết kiệm tiền đắt giá từ nhỏ
Lifestyle

Tỷ phú LeBron James và bài học tiết kiệm tiền đắt giá từ nhỏ

Siêu sao NBA – LeBron James đã chính thức trở thành tỷ phú và là cầu thủ NBA thứ hai (sau Michael Jordan) ghi danh vào danh sách tỷ phú. Không chỉ giỏi kiếm tiền, những bài học tiết kiệm James học được còn giá trị hơn như thế.

Nhìn chung, LeBron James đã kiếm được 387 triệu đô la từ các câu lạc bộ Cleveland Cavaliers, Miami Heat và Los Angeles Lakers, cùng 900 triệu đô la đến từ nguồn thu của công ty sản xuất video, các hợp đồng hợp tác cùng các thương hiệu đình đám và một số khoản đầu tư khác. James là cầu thủ NBA gốc Ohio và anh có một tuổi thơ khó khăn khi mẹ anh đã phải vật lộn để mưu sinh. Với số tiền ít ỏi có được, mọi chi tiêu chỉ vừa vặn để hai mẹ con anh đảm bảo những nhu cầu cơ bản nhất. Thế nên sự nghiệp NBA của James không chỉ đến từ nỗ lực, mà còn phải nhờ một bài học tiết kiệm tiền anh đã học được từ các chú của mình. James cho biết họ có một nguyên tắc, mỗi khi cho anh một đồng đô la, các chú đều dặn dò rằng chỉ nên tiêu 35 cents và giữ lại 65 cents; nếu họ cho anh hai đô la thì lời khuyên là chỉ nên tiêu một nửa và tiết kiệm nửa còn lại. Giờ đây, với những sự hiểu biết phong phú về ngành bóng rổ NBA, cùng với cách điều hành doanh nghiệp, LeBron James bày tỏ tham vọng muốn sở hữu một nhượng quyền thương hiệu của NBA (có thể hiểu là một đội bóng) trong tương lai.

Chúng ta luôn muốn tiết kiệm tiền nhưng chưa thật sự đưa mục tiêu này vào một khuôn khổ dựa trên một quy tắc nhất định. Đó là lý do vì sao ta tiết kiệm ngẫu hứng và không đạt được mục tiêu tài chính đã đề ra một thời gian dài. Theo như cách tiết kiệm (tiêu 35 cents và giữ lại 65 cents) mà James đã sớm nằm lòng từ nhỏ, anh đang thực hiện theo quy tắc 50/20/30. Đây là một phương pháp lập ngân sách phổ biến chia thu nhập hàng tháng của bạn thành ba loại chính.

– 50% thu nhập phục vụ cho sinh hoạt, một phần chi tiêu không thể tránh khỏi bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước, phương tiện đi lại, nhu cầu ăn uống, bảo hiểm, tiện ích cuộc sống…

– 20% thu nhập dành cho mục tiêu tài chính của bạn, chẳng hạn như trả nợ, tiết kiệm và đầu tư.

– 30% thu nhập còn lại là chi tiêu tùy ý, bao gồm giải trí, mua sắm, du lịch và ăn uống (ở các nhà hàng sang trọng hoặc hàng quán bên ngoài).

Công cụ này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn toàn diện về tình trạng tài chính của mình. Các con số này có thể phá vỡ không? Câu trả lời là không, nhưng có thể “uốn cong”. Nếu đang sống ở một nơi có mức sống khá cao, phần chi phí phục vụ cho sinh hoạt có thể “tràn” vào phần thu nhập chi tiêu tùy ý một chút, theo quy tắc 60/20/20. Như bạn thấy, con số quan trọng nhất là con số nhỏ nhất 20% dành riêng cho tiết kiệm, nên đừng tùy tiện phá vỡ nó. Nếu tình hình tài chính ổn định và dư dả, bạn có thể dùng một nửa số tiền thu nhập hàng tháng mình có một cách thoải mái hơn. Nhưng phải đảm bảo rằng 50% còn lại sau khi dùng cho sinh hoạt phí vẫn còn dư một khoản đáng kể.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article