Từ Balenciaga Đến Gucci: Demna và sứ mệnh hồi sinh thương hiệu biểu tượng

  • by Gia Hân
  • March 14, 2025

Demna chính thức rời Balenciaga để đảm nhận vị trí giám đốc nghệ thuật tại Gucci, với sứ mệnh thổi làn gió sáng tạo mạnh mẽ, đưa nhà mốt Ý ra khỏi giai đoạn trầm lắng.

Cuộc chơi xa xỉ đang bước vào một ván cờ mới khi Demna Gvasalia chính thức tiếp quản Gucci. Một cái tên từng làm mưa làm gió tại Balenciaga, giờ đây sẽ gánh trên vai sứ mệnh vực dậy thương hiệu Ý sau chuỗi ngày doanh số lao dốc. Nhưng liệu Demna có thể tái sinh Gucci với phong cách gai góc, thách thức chuẩn mực mà anh đã từng thành công ở Balenciaga?

Từ Balenciaga đến Gucci – một động thái chiến lược

Trong những năm gần đây, Gucci dường như đã mất dần sức hút kể từ khi Alessandro Michele rời đi vào năm 2022. Dưới thời Sabato De Sarno, thương hiệu theo đuổi chiến lược “elevated luxury” với sự tập trung vào những thiết kế tinh giản, tập trung vào tính ứng dụng cao và bớt đi sự màu mè so với thời Michele. Tuy nhiên, kết quả không được như kỳ vọng. Doanh số Gucci giảm 24% trong quý cuối cùng của năm 2024, tệ hơn cả dự đoán của các chuyên gia phân tích. Định hướng sáng tạo của De Sarno tuy an toàn nhưng không đủ mạnh mẽ để giữ chân khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người luôn tìm kiếm sự đột phá trong thời trang.

Sự xuất hiện của Demna tại Gucci không phải là một quyết định ngẫu nhiên. Anh không phải là cái tên xa lạ với thương hiệu này. Vào năm 2021, Demna từng hợp tác với Gucci trong dự án “The Hacker Project”, nơi anh pha trộn DNA của Balenciaga và Gucci, tạo nên một làn sóng tranh luận sôi nổi trong giới mộ điệu. Nhưng lần này, vai trò của anh đã khác. Demna không còn là kẻ ngoài cuộc, thử nghiệm với Gucci một cách đầy ngẫu hứng mà sẽ là người quyết định tương lai của thương hiệu.

Francesca Bellettini, Phó CEO Kering, tiết lộ rằng ngay từ đầu Demna đã mang đến một tầm nhìn đầy thuyết phục về cách làm cho Gucci trở nên hấp dẫn và có sức ảnh hưởng hơn. Anh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu kho lưu trữ của thương hiệu, tìm kiếm những giá trị cốt lõi của Gucci từ năm 1921 và khai thác chúng theo cách mới mẻ. Với sự am hiểu về văn hóa đương đại và nhạy bén trong việc nắm bắt thị hiếu của thế hệ trẻ, Demna được kỳ vọng sẽ mang đến một làn gió mới cho Gucci, giúp thương hiệu lấy lại vị thế trong làng mốt xa xỉ.

Liệu Demna là “át chủ bài” hay canh bạc liều lĩnh của Gucci?

Demna đã từng biến Balenciaga thành một hiện tượng toàn cầu. Những thiết kế của anh mang đậm tinh thần châm biếm, khai thác sự phi lý của thời trang đương đại. Từ những chiếc túi rác giá hàng nghìn đô, giày thể thao cũ kỹ đến những show diễn lấy cảm hứng từ chiến tranh và biến đổi khí hậu, Demna đã tạo ra một phong cách Balenciaga độc nhất vô nhị. Nhưng Gucci không phải là Balenciaga, và thử thách lớn nhất dành cho Demna chính là tìm ra một công thức sáng tạo phù hợp mà không làm mất đi bản sắc của thương hiệu.

Stefano Cantino, CEO Gucci, khẳng định rằng họ không thuê Demna để biến Gucci thành Balenciaga. Điều này ngầm ám chỉ rằng nhà thiết kế người Georgia hoàn toàn hiểu rõ sự khác biệt giữa hai thương hiệu và sẽ điều chỉnh phong cách của mình cho phù hợp. Tuy nhiên, giới mộ điệu vẫn đang tự hỏi liệu Demna có thể thoát khỏi cái bóng Balenciaga để tạo ra một Gucci thật sự mới mẻ hay không.

Những tín hiệu gần đây cho thấy Demna đang có sự dịch chuyển trong tư duy sáng tạo. Show diễn Thu Đông 2025 của Balenciaga được đánh giá là tinh giản hơn, tập trung vào tailoring sắc nét và phụ kiện dễ ứng dụng. Trong hậu trường, thay vì diện hoodie xộc xệch như thường lệ, Demna xuất hiện trong bộ suit đen lịch lãm, tuyên bố:“Có lẽ đây là phiên bản Demna 2.0”. Sự thay đổi này có thể là dấu hiệu cho thấy anh đã sẵn sàng để bước vào một giai đoạn mới trong sự nghiệp.

Tương lai của Gucci và thời trang xa xỉ trước cuộc đại cải tổ

Gucci không phải thương hiệu duy nhất đang trải qua sự thay đổi lãnh đạo. Ngành công nghiệp thời trang đang chứng kiến một cuộc cải tổ lớn với hàng loạt thương hiệu danh tiếng có giám đốc sáng tạo mới. Matthieu Blazy tại Chanel, Jonathan Anderson được đồn đoán sẽ đến Dior, Glenn Martens tại Maison Margiela – tất cả đều là những động thái cho thấy các ông lớn đang tái định hình chiến lược sáng tạo để phù hợp với thời đại mới.

Trong khi đó, sự ra đi của Demna để lại một khoảng trống tại Balenciaga. Ai sẽ kế nhiệm anh? Liệu thương hiệu này có tiếp tục đi theo con đường mà Demna đã định hình hay sẽ tìm kiếm một hướng đi mới? Đây là câu hỏi đang khiến giới mộ điệu quan tâm. Balenciaga dưới thời Demna là một thương hiệu gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận sức hút của nó. Giờ đây, với sự vắng mặt của anh, thương hiệu sẽ cần một gương mặt mới đủ sức nặng để duy trì đà phát triển.

Việc Demna gia nhập Gucci là một bước đi táo bạo của Kering. Nó có thể là một cú hích giúp Gucci lấy lại phong độ, nhưng cũng có thể là một canh bạc liều lĩnh. Sự thành công hay thất bại của quyết định này sẽ được đo lường qua những bộ sưu tập đầu tiên mà Demna ra mắt. Nếu anh có thể cân bằng giữa yếu tố di sản của Gucci và phong cách hiện đại, không quá xa rời mà vẫn đủ mới mẻ để thu hút khách hàng, thì đây sẽ là một trong những cú lội ngược dòng ngoạn mục nhất của làng mốt xa xỉ. Mọi câu trả lời sẽ sớm được hé lộ, có thể ngay trong show Gucci đầu tiên của Demna trong thời gian tới. Giới mộ điệu đang hồi hộp chờ đợi với tất cả ánh mắt đang đổ dồn về Milan, nơi tương lai của Gucci sắp được định hình.

Ảnh: Tổng hợp

library