Nổi lên như một hiện tượng trên TikTok (cuối năm 2020 đầu năm 2021) với những nội dung thú vị về fitness, nấu ăn và dinh dưỡng hết sức gần gũi, Trí Phan (hay còn gọi là Trí Thịt Bòa) trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người trẻ, nhất là thế hệ Gen Z. Với lượng followers lên đến hơn 2 triệu và vẫn đang tăng nhẹ mỗi ngày, thử thách của Trí không nằm ở tần suất sản xuất video, mà nó phụ thuộc nhiều hơn về chiến thuật và định hướng content của Trí.
Xin chào Trí Phan. Tại sao Trí lại có nickname là Trí Thịt Bòa? Và lý do gì lại chú thích thêm là “Im not a chef”?
“Trí Thịt Bòa” là tên mạng xã hội đặt cho Trí vì video viral nhất trên kênh TikTok của Trí là món bò áp chảo. Gia đình Trí là người Quảng Ngãi – Bình Định nên hồi nhỏ thường nghe mọi người nói “nước mém”, “bòa”, “cà phơ”… và Trí nói cho vui thôi, chứ không phải không thể phát âm đúng. Còn “I’m not a chef” được lấy cảm hứng từ meme “I’m not a rapper” của nước ngoài. Trí muốn nhấn mạnh rằng mình chỉ là một người thích chia sẻ những công thức nấu ăn ngon, chứ không phải là đầu bếp được đào tạo chuyên nghiệp. Câu nói đó như một cách để Trí bảo vệ mình khỏi những bình luận tiêu cực.
Trí mất thời gian 9 năm để rèn luyện hình thể đẹp như hôm nay. Đâu là những cột mốc đáng nhớ trong quá trình này?
Trí lao vào tập gym để vực dậy tinh thần sau khi chia tay. Dù lý do đường ai nấy đi không phải vì hình thể không đẹp, Trí nghĩ rằng nếu body chuẩn hơn thì biết đâu sẽ hạn chế được nguy cơ thất tình (cười). Nhưng dần dà, chuyện tập luyện trở thành đam mê, một phần không thể thiếu trong cuộc sống và nó khơi gợi tình yêu của Trí dành cho nấu ăn và dinh dưỡng. Năm đầu tiên là năm quan trọng nhất vì đây là năm dễ sai nhất, tập cái gì cũng sai, ăn uống cũng chưa đúng cách. Có những thời điểm Trí rất nản vì mình trông ngóng kết quả từng ngày nhưng dường như vẫn dậm chân tại chỗ.
Một điều quan trọng nữa là Trí phát hiện ra, nếu muốn cơ thể có đường nét thì phải cắt mỡ. Hai năm trở lại đây, Trí quyết tâm tìm hiểu quy trình giảm mỡ và kết quả là mặt gọn hơn, bụng nhỏ hơn, người khỏe hơn và lên hình nhiều người khen hơn (cười).
Cụ thể, quá trình giảm mỡ đó của Trí đã diễn ra như thế nào?
Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin trên mạng nhưng theo Trí thì có một nguyên tắc đơn giản nhưng luôn đúng. Muốn giảm mỡ một là ăn ít lại, hai là vẫn ăn bình thường nhưng tập nhiều hơn. Điều kiện để giữ dáng là phải đốt cháy năng lượng thừa. Nhưng cũng không cần quá khắt khe với chính mình, vì bạn sẽ không thể cảm thấy hạnh phúc. Thử thách khó nhất là phải luôn kiểm soát lượng calories nạp vào cơ thể. Không đơn giản đâu, ăn gì cũng phải nhẩm tính rồi mới dám ăn. Tốt nhất là bạn tìm được trạng thái cân bằng, hài lòng với body của mình nhưng vẫn thoải mái tận hưởng cuộc sống. Hiện tại, Trí ăn uống khá thoải mái, có chăng là hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ.
Nếu bạn cần cụ thể về một môn thể thao giúp giảm mỡ, Trí chọn đạp xe. Chạy bộ đốt mỡ nhiều hơn đạp xe nhưng khớp chạm đất liên tục, dễ bị đau và sẽ làm mình nhanh bỏ cuộc. Do đó bạn phải tìm được bộ môn mình muốn và có thể tập mỗi ngày. Trung bình, tập tạ đốt 150-200 calories/tiếng, đạp xe rơi vào khoảng 700-800 calories/tiếng. Thêm nữa, lúc đạp xe Trí tìm thấy cảm giác bình yên, vui vẻ, yêu đời, nó như một liệu pháp tinh thần vậy. Ngoài ra, bạn cũng có thể tập thêm street workout ngoài công viên, đều là những bài tập siết chặt cơ bụng, đốt rất nhiều calories.
Trí quan tâm và chú trọng tập cơ quan nào nhiều nhất?
Trái tim là cơ quan rất quan trọng, tập cái gì cũng không bằng có một trái tim tốt. Trí tập cho tim hằng ngày bằng cách đạp xe. Trí đạp xe khoảng 25-30km/ngày, từ Quận 1 lên Quận 7 rồi vòng về Quận 2. Khác với ở Mỹ có đường riêng cho đạp xe, đạp xe ở đây cũng có cái vui riêng, đó là đạp đua với xe máy (cười). Theo Trí, không có một khung giờ đạp xe (hay tập luyện) hiệu quả nhất, tùy theo cơ địa và thời gian biểu của mỗi người thôi.
Là một TikToker – một người sáng tạo nội dung, Trí làm mới nguồn sáng tạo của mình như thế nào?
Những ý tưởng của Trí thường đến từ lúc đi tắm, mỗi khi tắm là não Trí vận động hết công suất. Thời gian ở Mỹ, Trí áp lực chuyện duy trì content hàng ngày vì mình ở quá xa fans, chỉ cần lơ là một chút là mất tương tác ngay. Vì có đến 69% fans của Trí là người Việt, còn lại đến từ Philippines, Ấn Độ, Singapore. Ngay khi Trí về Việt Nam, lượng followers cũng tăng đáng kể. Trí nghĩ sự hiện diện của mình cũng là một chất xúc tác, giữ được sự quan tâm lẫn tò mò của các bạn nhiều hơn.
Trí đã giải tỏa áp lực khủng khiếp đó bằng cách nào?
Có một giai đoạn Trí bị trầm cảm khi lượng tương tác giảm. Trí bắt đầu nhìn lại cả quá trình và nói chuyện với bạn bè, gia đình để nhận thêm sự khích lệ. Trí dần thoát khỏi chứng nghiện mạng xã hội và nhận ra rằng sản xuất video không phải là chuyện quan trọng nhất trong đời mình, thậm chí việc làm nhiều video đã khiến Trí không dành nhiều thời gian chất lượng để tập gym. Điều này không phản ánh đúng hình ảnh mà Trí xây dựng cho các bạn hướng đến, nó không ổn một chút nào và Trí không thích như vậy. Hiện tại, Trí chỉ sản xuất 2-3 video/tuần, còn lúc mới trở thành một hiện tượng trên TikTok, Trí phải “nặn” ra 12-14 video/tuần.
Có bao giờ Trí cảm thấy không thoải mái khi nhận được quá nhiều sự chú ý không?
Dù hồi đầu làm TikTok với mục đích chia sẻ là chính, chứ không quan trọng chuyện sẽ nổi tiếng hay không, nhưng Trí có thoáng nghĩ qua nếu mình bất ngờ trở thành hot TikToker thì cũng rất thú vị. Nếu hỏi rằng liệu Trí sẽ chán đời sống này khi đã trải nghiệm đủ nhiều rồi không, thì câu trả lời là không. Vì Trí là một người thích nhận được nhiều sự chú ý và những lời khen ngợi (cười).
Làm sáng tạo nội dung là nói về xu hướng, mà xu hướng thì thay đổi rất nhanh, Trí làm sao để thích nghi?
Phải hiểu người xem muốn gì nhưng Trí không bao giờ theo đuổi định hướng nội dung chỉ để làm hài lòng người khác, ra rả những điều không có thật. Trí thích chia sẻ sự thật và thậm chí là quy trình tập của mình. Trí muốn mình làm điều có ích và mong mọi người sẽ có nhiều thu hoạch khi theo dõi Trí Thịt Bòa.
Đàn ông không có cơ bắp được nhận xét là trông “ẻo lả nữ tính”, Trí có đồng tình với quan điểm này không?
Dáng chuẩn và nam tính là hai phạm trù khác nhau, đừng lồng vào nhau như thế. Chúng ta không nên đánh giá người khác qua ngoại hình. Nói đơn giản thì cơ thể là của bạn, bạn có toàn quyền. Như nam diễn viên Timothée Chalamet chẳng hạn, anh ấy ý thức được gout của xã hội chứ, nhưng vẫn là chính mình đó thôi. Anh ấy biết mình muốn gì và không vì làm đẹp lòng người khác mà lao vào tập luyện điên cuồng. Bấy nhiêu thôi cũng khiến Trí cảm thấy anh ấy rất nam tính.
QUIZ
1. 3 bài tập dễ tập sai nhất? Vì sao?
– Hít xà (Pull up) – hít lên không hết hơi nhưng nhanh chóng trở về tư thế ban đầu, hoặc lúc nâng người lên thường bị lệch vai (bên cao bên thấp).
– Hít đất (Push up) – lưng bị cong, lên xuống liên tục nên cánh tay không thẳng, không ăn vào cơ. Bạn phải hít chậm, hai tay phải thẳng mới có hiệu quả.
– Nâng tạ (Deadlift) – bộ môn này đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật, bạn rất dễ phạm sai lầm và dẫn đến chấn thương.
2. Những bài tập nào đủ sức làm khó Trí?
Phần lớn là street workout.
3. 3 cụm từ nói về bản thân?
Quyết tâm, kỷ luật và thật thà.
4. Một tin đồn thất thiệt muốn đính chính?
Công việc Giảng viên trên mạng lan truyền là sai sự thật. Trí chưa bao giờ là giảng viên, chỉ giữ vai trò trợ lý văn phòng trong văn phòng thể dục thể thao ở trường bên Mỹ.
5. Content muốn phát triển trong tương lai?
Sau này sẽ chia sẻ về cách tư duy, cách nhìn nhận cuộc sống, công việc học tập,… chẳng hạn.
Trí có kế hoạch thử sức với những lĩnh vực nào khác không?
Diễn xuất và kinh doanh (sáng tạo và phát triển một app tính calories).
Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của Trí!