Thưởng thức nhạc điện tử như thể xem tranh trừu tượng
Arts & CultureMusic & FilmPop

Thưởng thức nhạc điện tử như thể xem tranh trừu tượng

Khi tâm trí đi theo những điệu nhạc này, ta không cần lăn tăn về độ hot của bài nhạc do DJ chơi trên bảng xếp hạng là gì? hay bản thân mình là ai? Mỗi DJ của những dòng nhạc này như một maestro thời đại mới dẫn dắt người nghe vào một hành trình đầy màu sắc trừu tượng.

2021 đầy biến động đã kết thúc được hơn 1 tuần. Trước đó, tôi đã đi nghe bộ đôi Mind Against chơi bản nhạc all night long cho đêm nhạc dance cuối cùng trong năm của mình. Một đêm sold-out điên rồ lên đến 1200 người, bất cứ bài nào mà 2 anh em lãng tử người Ý nhà Fognini phát lên đều khiến cả không gian như bùng nổ.

Từ những tiếng bass dập mạnh mẽ đi kèm vocal vang vọng của bài “Killer” bởi Eli Brown ,cho đến lúc chào kết với bài “Walking Away” đặc trưng của 2 gã người Ý, đêm diễn như được phủ đầy ma thuật đi từ sáng đến tối. Năm nay với vô vàn hành trình trải nghiệm âm nhạc, khiến tôi nhận ra rằng nghe live deep house và techno mới khiến cơ thể mình được “nhảy nhót” một cách tận hưởng nhất. 

Cuộc tìm kiếm những âm thanh khác lạ

Nói một chút về việc nghe nhạc của tôi. Từ lúc đi học cấp 2, tôi đã bắt đầu có xu hướng hướng ngoại và thích khám phá những giai điệu âm xung quanh mình. 

Tôi dễ bị nhàm chán với âm thanh dễ đoán và có màu sắc giống nhau, nên tôi đã nghe rất nhiều thể loại nhạc nước ngoài từ rock đến hip hop. Đặc biệt, RnB gây hứng thú với tôi nhất vì giai điệu chau chuốt và soulful. Từ Jlo, Nelly Furtado cho đến Mariah Carey, tôi đều không bỏ sót các album lừng danh những năm 2005 – 2006.

Đến cấp 3, những giai điệu không lời của nhạc phim, game cho đến các bản giao hưởng len lỏi vào đôi tai đầy tò mò của cậu nhóc mới lớn. Nhưng 2 dòng nhạc quan trọng nhất đã thay đổi cả trải nghiệm âm nhạc mà tôi phải nhắc đến là ambient và lounge. Nếu giai điệu trong các dòng ambient tạo nhạc điệu cho các âm thanh xung quanh, giúp tôi phiêu bồng thì lounge dạy tôi cách tận hưởng âm nhạc thư thái mà khó có ngôn từ nào tả được vào lúc ấy.

Lounge là từ tiếng anh để chỉ những sảnh chờ của các nhà hàng khách sạn, những không gian phức hợp ở đô thị lớn chứ không phải dạng bar nhạc sập xình. Nhạc lounge tập hợp nhiều thể loại, từ jazz đến house giúp cho những du khách cảm thấy thư thái hòa vào không gian để quên đi thời gian chờ đợi nhàm chán. Đỉnh cao với tôi là compilation lên đến 15 đĩa của khách sạn biểu tượng Paris, Hotel Costes rồi sau đó là có hàng xóm Buddha Bar.

Chất lượng của những compilation này nằm ở sự đa dạng của các bài nhạc được lựa chọn, tạo nên một bầu âm sắc đủ khả năng miêu tả phong cách cho 2 khách sạn “chanh sả” bậc nhất của Paris. Các giai điệu đa phần dù có xu hướng theo jazz hay house như Stephane Pompougnac và DJ Ravin biết cách chọn những sắc âm trải nghiệm khó đoán. Chúng đi từ những tiếng bass tiếng trống tiếng kick nhịp điệu đều của nhạc cụ, tạo cảm giác thư thái và dần giúp tôi mở rộng sang những trải nghiệm âm nhạc kỳ diệu hơn.

Đến những chuyến đi trừu tượng dẫn dắt bởi nhạc điện tử (deep house & techno)

Bạn có biết Mark Rothko không? Ở Mỹ, nhiều người rất dễ bật khóc trước bức tranh của ông ấy. Nhiều nhà phê bình nói rằng tranh ông như một không gian hút người ta vào mà không cần phải lí giải gì.

Mark Rothko cũng như các nghệ sĩ trừu tượng khác, đều có một sức hút khó lí giải khiến tôi luôn cảm giác thôi thúc như những liều adrenalin cực mạnh. Sự thưởng nhạc của tôi cũng thay đổi dần theo quá trình tôi nghiên cứu nghệ thuật tạo hình. 

Tôi vẫn nghe và lưu giữ tất cả những bản nhạc cũ nhất từ cấp 2 nhưng cảm giác chúng không đủ. Lúc đấy DJ set trên game GTA của Solomun xuất hiện và tôi bị dính vào những giai điệu ma mị ấy. Solomun đánh những giai điệu deep house đan xen techno với cách chuyển bài tinh tế. Không có những hiệu ứng âm thanh ồn ào, tiếng “hey hey” náo nhiệt của MC. Set nhạc thuần túy nhịp điệu từ những tiếng kick trong bài tủ của tay DJ già dặn, “Customer is King” cho đến những tiếng vocal bị bóp méo trong “In the car cash” hay “Monster”. Có một dạo tôi lúc đó vẫn còn quan niệm nhạc dance là EDM với những cú drop âm thanh hiệu ứng điên rồ và làm thế quái nào có thể nhạc của Solomun cho đến khi tôi nghe live all night long của lão DJ kỳ cựu.

Trong bầu không khí được khuếch cực đại với dàn âm thanh sống động được tinh chỉnh. Tôi không thể ngừng chuyển động cơ thể. Lúc ấy, tôi cảm thấy bản thân mình dành trọn 1 đêm để hòa mình vào trải nghiệm âm nhạc thuần túy, từ deep house đến techno 120bpm mà không có bất kỳ bài nhạc pop quen thuộc nào xen vào.

Đó là cách nhạc dance thực sự xen vào trải nghiệm của tôi. Tôi quên đi EDM vì cảm thấy chúng lập lại dễ đoán và thiếu 1 cá tính gì đó riêng biệt. Tôi cần 1 thứ âm nhạc tạo không gian màu sắc như cách lounge dẫn dắt tôi.

Như một con thiêu thân tìm thấy ánh sáng, tôi liên tục trải nghiệm các DJ từ melodic techno cho của label AfterLife cho đến acid techno thậm chí 1 chút industrial hay psytrance từ Nina Kraviz hay Charlotte de Witte. Có những lúc tôi cần 1 quỹ đạo nhẹ nhàng sáng sủa hơn tôi lại quay về với deep house pha chút techno của Keinemusik bởi bộ 3 DJ & ME, Rampa, Adam Port rồi đến Innervision cùng Dixon & Âme hay chút gì đó groovy với Circoloco Record. Ngoài ra nếu cần thật sự sâu lắng, Larry Heard cha đẻ của deep house đưa những giai điệu âm nhạc điện tử về mức hưởng thụ thư thái nhất.

Trong những trải nghiệm của nhạc điện tử thực thụ, tôi tìm thấy rất nhiều điểm tương đồng trong việc ngắm nhìn các bức tranh trừu tượng. Bạn không bao giờ biết trước bài tiếp theo là gì màu sắc ra sao chỉ quyết định bởi những phù thủy âm nhạc. Đó là những thang bậc xúc cảm mà giai điệu mang lại thay vì 1 thứ gì đó mang tính mô phạm của các dòng nhạc pop pha điện tử bây giờ.

Tôi tha hồ tự tưởng tượng và thoải mái cảm nhận những cảnh quan và màu sắc theo ý của mình đung đưa cơ thể theo giai điệu một cách vô thức. Dù là trong club hay ở festival đôi khi nhắm mắt lại, thưởng nhạc là trải nghiệm tuyệt vời và kỳ diệu. 

Tôi bất giác như đi từ những vệt màu bất tuân trong cảnh sắc của Joan Mitchell rồi đi tới những hố màu của Rothko rồi đôi khi quay lại chút gì đó ngổ ngáo của Jean-Michel Basquiat. Chưa bao giờ sợi dây kết nối giữa hình ảnh và âm thanh lại khăng khít tới thế trong tôi.

Một điều nữa, khi tham gia vào những buổi rave deep house hay techno, dường như mọi giới hạn về mặt con người trở nên mờ đi. Những đường lằn ranh về giàu/nghèo, màu da trở nên ít quan trọng khi tâm trí mọi người đều cùng nhau tận hưởng âm nhạc. Suy cho cùng dù bạn đi từ 90bpm đến 140bpm, giai điệu mới chính là ông chủ cuộc chơi.

Cách đây không lâu, tôi cùng người bạn đến xem một buổi triển lãm mở trễ ở Fondation Louis Vuitton. Và khi bước vào cả hai choáng ngợp với những giai điệu deep techno vang lên tô điểm cho afterhours cùng các tác phẩm nghệ thuật. Tôi tự hỏi sau bao nhiêu năm thế giới âm nhạc thống trị bởi hip hop và r&b hay pop music, với tình hình covid ngày chưa cho thấy dấu hiệu con người bị giới hạn bởi không gian, liệu nhạc dance mà deep house hay techno mới thực sự đem đến sự kết nối vô hình đến những miền đất vượt xa cả trí tưởng tượng của ta?

Còn với tôi, giống như lời bài Walking Away của Mind Against

“Or am I blind (Hay tôi trở nên mù)

If I can’t see the color that I need? (Nếu tôi không thấy được màu sắc tôi cần)” 

Những thứ âm nhạc này đang cho tôi những thứ màu sắc mà tôi cần.

Tam Huynh
 

Related Article