“There’s No One At All” – Cái kết cực đoan là điểm chí mạng?
Lifestyle

“There’s No One At All” – Cái kết cực đoan là điểm chí mạng?

Trong suốt 48 tiếng qua, từ đại chúng cho đến Cục nghệ thuật biểu diễn, tất cả đều nháo nhào với Music Video (MV) mới của Sơn Tùng M-TP. Tuy nhiên, tranh cãi đúng sai, lời qua tiếng lại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dẫu nam ca sĩ đã lên tiếng xin lỗi, được Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông triệu tập xử lý và MV cũng không còn khả dụng tại Việt Nam.

Vì đâu nên nỗi?

Tối ngày 28/4, nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP phát hành MV “There’s No One At All” – ca khúc tiếng Anh đầu tiên trong sự nghiệp trên Youtube. MV thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng với 378.000 lượt xem công chiếu, 1 triệu lượt xem sau 22 phút phát hành. Nhưng rất nhanh sau đó, hàng loạt phản ứng trái chiều đã xuất hiện về câu chuyện và đặc biệt là đoạn kết trong MV. Cụ thể, Tùng hóa thân thành một chàng trai bị bỏ rơi từ nhỏ, bất mãn với cuộc sống và luôn tìm cách quấy phá để nhận được sự chú ý; nhưng cách đó không giúp anh hòa nhập với cộng đồng mà còn bị cả xã hội quay lưng. Xét về mặt tổng thể, hình ảnh MV được nhiều người nhận xét là chắp vá, không đủ chiều sâu, còn phần kết thì nhân vật buông xuôi và quyết định nhảy lầu tự tử quá cực đoan. Đó là chưa bàn tới phần lời và giai điệu bài hát của Tùng, phát âm không rõ chữ như thường lệ và lạm dụng autotune quá nhiều. Nếu không biết ngay từ đầu tên bài hát là “There’s No One At All”, dám cá là bạn phải nghe rất nhiều lần để lần mò nó xuất hiện ở đâu trong ca khúc này.

Có thể có rất nhiều cách (tích cực) để lý giải về câu chuyện của Tùng rằng nó phơi bày nhiều thực tế của người trẻ, bao gồm sự cô đơn, bị cả cha mẹ và xã hội quay lưng, không có ai bên cạnh lắng nghe và thấu hiểu dẫn đến những hành động chống đối… để khơi dậy lòng trắc ẩn và sự quan tâm của xã hội. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ những thông điệp (rất nhân văn) của Tùng có thể hiện đúng tinh thần chưa, toàn bộ nội dung MV có phục vụ cho mục đích đó chưa? Nếu câu trả lời là có, đại chúng đã không nổi giận tới mức như vậy, các bậc cha mẹ đã không phải cảm thấy “thót tim” khi nghĩ đến con cái của họ rằng ngộ nhỡ chúng bắt chước thần tượng thì phải làm sao?

Nếu nói rằng tất cả những gì Tùng làm là mô tả sự thật thì cần xem lại cái gọi là “sự thật” có phải là mẫu số chung hay không? Đâu phải đứa trẻ mồ côi cha mẹ nào cũng quấy phá và đánh mất chính mình như vậy? Có rất nhiều người trẻ thiếu vắng vòng tay của cha mẹ đã không ngừng vươn lên, tự xây dựng mái ấm cho riêng mình, sống có trách nhiệm với xã hội và trở thành tấm gương truyền cảm hứng tích cực cho mọi người xung quanh đó thôi.

Đáng nói hơn, Tùng quên mất rằng một là bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại đang rất nhạy cảm với những vụ tử tự của thanh thiếu niên/trẻ nhỏ. Theo báo cáo của UNICEF, dù tỷ lệ tự tử ở trẻ vị thành niên tại Việt Nam thấp hơn mặt bằng chung của thế giới, quan ngại ngày càng tăng khi con số bắt đầu có chiều hướng gia tăng. Hai là bản chất của tự tử vốn đã có tính lây lan. Điều này được minh chứng qua cái chết của Marilyn Monroe đã dẫn đến khoảng 200 vụ tự tử diễn ra chỉ trong vòng một tháng. Sau cái chết của Choi Jin Sil, tỷ lệ tự sát cũng tăng đến ngưỡng 162%. Series “13 Reasons Why” của Netflix cũng phải biên tập lại hình ảnh nhân vật chính Hannah cắt cổ tay trong bồn tắm. Hay như MV “Destiny” với kinh phí triệu đô của nhóm nhạc Hàn Quốc Infinite cũng phải cắt bỏ phân cảnh máy bay rơi trước thềm ra mắt, vì không muốn gợi thêm đau thương sau vụ việc hãng hàng không Asiana của Hàn Quốc gặp tai nạn máy bay.

Thế nên, việc Tùng và ekip cho ra mắt sản phẩm “There’s No One At All” vào lúc này và bị buộc dừng phát hành, không hoàn toàn là chuyện xui rủi, mà là thiếu sự nghiên cứu và đánh giá tình hình xã hội. Làm nghệ thuật là phải có tự do, nhưng tự do phải đi cùng với trách nhiệm. Đó là sợi dây ràng buộc người nghệ sĩ trong những sáng tạo của họ. Hơn thế, Tùng còn là nột nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng cực lớn ở thời điểm hiện tại, và đó là lý do người ta bày tỏ nhiều sự thất vọng và có những phản ứng mạnh mẽ đến vậy.

Giáo dục trẻ nhỏ là chuyện không của riêng ai

Một số ý kiến khác cho rằng việc đổ lỗi hành động tự tử của trẻ nhỏ cho một MV là nực cười vì trách nhiệm giáo dục, lắng nghe và quan tâm sát sao con trẻ phải đến từ chính cha mẹ của chúng. Không sai nhưng phó thác hết cho cha mẹ thì có chắc là giải pháp đúng trong mọi tình huống không? Chưa nói đến việc cha mẹ cũng là những nạn nhân hoang mang của áp lực nuôi con, áp lực xã hội, thì không phải người làm cha làm mẹ nào cũng có đủ trình độ để giáo dục, trao đổi, hay đủ thời gian để bên cạnh con nhiều vì còn biết bao nỗi lo mưu sinh vất vả. Uốn nắn trẻ là chuyện cha mẹ phải học cả đời mà có khi vẫn làm sai như thường.

Bên cạnh đó, phần lý trí trong não bộ của thanh thiếu niên chưa phát triển đầy đủ cho tới khi chúng đủ 25 tuổi hoặc hơn. Thanh thiếu niên xử lý thông tin với hạch hạnh nhân – phần đưa ra những quyết định mang tính cảm xúc. Vậy nên, điều chúng ta đang cân nhắc ở đây là một nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát những khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Còn về lâu dài, chúng ta cần tiếp cận vấn đề này mang tính tổng thể nhiều hơn, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội.

Đứng trước tình hình hoàn toàn bất lợi, Sơn Tùng đã gửi lời xin lỗi đến công chúng trên trang Facebook của mình. “Chủ đích việc xây dựng hình ảnh này Tùng mong muốn thông qua MV có thể truyền tải thông điệp rằng hãy thấu hiểu cảm xúc bên trong những người cô đơn, hiểu để yêu thương, che chở, và hãy mở rộng tấm lòng của chúng ta trước khi quá muộn. Bạn không hề cô đơn, có rất nhiều người giống như bạn.” là lời nam ca sĩ bộc bạch. Có người nhận xét lời xin lỗi và thái độ hợp tác của Tùng là chuyện hiển nhiên vì cơ quan nhà nước đã vào cuộc nhưng chúng ta cũng nên đánh giá cao sự trần tình thiện chí này của Tùng, chí ít thì nó thể hiện sự cầu thị, lắng nghe, sẵn sàng nhận sai những chỗ mình làm chưa tốt. Vậy nên thay vì gọi đây là một chiến lược để anh tiếp tục giữ vững vị trí của mình hay để chừa đường lui hoạt động trong làng nhạc, Sơn Tùng chỉ đang cư xử hợp lẽ thường. Bài học của Tùng cũng là tiền đề để các nghệ sĩ khác cẩn trọng hơn trong tương lai.

Tựu trung, xã hội vẫn cần lắm những bài học về lòng trắc ẩn, cha mẹ cần một hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của con cái, người ta vẫn luôn tìm kiếm sự sẻ chia và đồng cảm từ nghệ thuật, nhưng thêm một vụ tự tử trực tiếp trong một sản phẩm âm nhạc (chí ít là ngay lúc này) thì có lẽ không. Bởi ranh giới giữa cổ xúy một vấn nạn và thức tỉnh cộng đồng là rất mong manh.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article