Bốn mùa phim “The Boys” khẳng định sức hấp dẫn qua việc khắc họa một thế giới nơi những anh hùng là lũ biến chất, còn truyền thông thì tìm mọi cách để “tô hồng”, “tẩy trắng” cho sự lạm quyền của chúng. Trong 8 tập phim mới nhất, ngoài những pha châm biếm sâu cay vốn đã là đặc trưng của thương hiệu, nhóm biên kịch còn cài cắm khéo léo các tình tiết hấp dẫn, hé lộ cuộc chiến cuối cùng đầy khốc liệt giữa “Siêu nhân” Homelander và nhóm Trai Điên của William Butcher.
Mùa 4 được ví như bước đệm, “khoảnh lặng” trước cuộc đại chiến được báo trước giữa Supes (các siêu nhân) và con người, trong mùa cuối của loạt phim dự kiến ra mắt giữa năm 2026. Các tình tiết dần trở nên điên rồ, khó đoán hơn, với yếu tố hài hước được gia giảm để nhường chỗ cho những plot twist đầy ám ảnh.
Bạo lực hơn, chính trị hơn, như “Trò chơi vương quyền” phiên bản siêu anh hùng
Ở mùa mới nhất, phía biên kịch cài cắm nhiều chi tiết đậm tính chính trị, nhằm khắc họa rõ số phận và quyết tâm của từng nhân vật ở hai đầu chuyến tuyến con người – siêu nhân. Sự yếu thế của phe chính diện – hội The Boys (Trai Điên) đối lập với sự bành trướng của tập đoàn Vought, khiến cục diện trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
Lúc này, hội Trai Điên của William Butcher đối mặt với nhiều thử thách oái oăm. Bản thân thủ lĩnh William Butcher (Karl Urban) chỉ còn vài tháng, trước khi khối u quái ác đánh gục anh. Căn bệnh cũng khiến Butcher trở nên cực đoan, sẵn sàng liều lĩnh và bất chấp hơn. MM (Laz Alonso) phải trở thành đầu lĩnh tạm thời, song anh không thể đưa ra những quyết định táo bạo như Butcher từng làm, vì còn vướng vợ con. Mối quan hệ đặc biệt giữa Frenchie (Tomer Capone) và Kimiko (Karen Fukuhara) gặp thử thách bởi những “vệt tối” trong quá khứ của cả hai. Starlight (Erin Moriarty) đứng trước nguy cơ mất dần siêu năng, còn Hughie (Jack Quaid) phải trải qua những nỗi đau tinh thần kinh khủng.
Ngược lại, phía đối trọng của họ – Homelander (Antony Starr) cùng tập đoàn Vought trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết. Dù đã thực hiện vô vàn những hành động vô nhân đạo, chúng vẫn sản xuất phim ảnh, buôn bán văn hóa phẩm ăn theo các siêu anh hùng đều đều; đồng thời trừ khử bất cứ ai biết được sự thật của mình. Nhưng với Homelander, như thế vẫn chưa đủ. Khủng hoảng tuổi trung niên càng khiến gã thủ lĩnh siêu anh hùng vốn điên loạn nay càng thêm độc đoán. Nhận thấy bản thân cần có một “di sản” để đời, hắn ủ mưu đảo chính, rắp tâm thôn tính nước Mỹ thông qua bầu cử chính trị.
Người xem dễ nhận ra khác với các phần trước, mùa 4 của loạt phim có phần đen tối, phức tạp hơn. Cùng sự góp mặt của Sage (Susan Heyward) – supe sở hữu siêu trí tuệ, nhóm Trai Điên nhiều lần bị đẩy vào thế bí. Cuộc đối đầu giữa phe con người và siêu nhân không còn đơn thuần là đấu sức hay các mưu mẹo đường phố, mà đã trở thành bàn cờ đấu trí, nơi Sage luôn đi trước nhóm Trai Điên rất nhiều bước. Sự bất cần, khó đoán của nhân vật mới này khiến phim không khác gì “Trò chơi vương quyền”, nhưng lại là phiên bản siêu anh hùng “bệnh bựa”.
Đối với những fan đến với “The Boys” vì chất bạo lực “over the top” vốn đã trở thành thương hiệu, nhà đài Amazon cũng không khiến họ thất vọng. Giả dụ kinh phí của phim có là 1 tỷ USD, thì chắc 7-800 triệu USD đã dành cho các phân đoạn “máu me, be bét”. Những cuộc thanh trừng bằng tia laser của Homelander trở nên chân thực và ám ảnh hơn bao giờ hết, kéo theo đó là những chi tiết phô diễn sức mạnh hủy diệt của các siêu nhân khác cũng ấn tượng không kém.
Antony Starr không còn là “ngôi sao” duy nhất của “The Boys”
Phần lớn người xem đến với series The Boys vì choáng ngợp trước năng lực diễn xuất của Antony Starr. Trải qua các mùa phim, tài tử Newzealand biến gã “Superman” đầu óc ngu si tứ chi phát triển trong nguyên tác truyện tranh thành hung thần đúng nghĩa. Mỗi nụ cười gằn, ánh mắt đầy mỉa mai và cợt nhã của Homelander đều đi kèm sự chết chóc. Dù không quá thông minh, nhưng Homelander qua khắc họa của Antony Starr là một phản diện đầy thuyết phục, bệnh hoạn, khó đoán, thượng đẳng. Mỗi tập phim, gã sẵn sàng “tắm máu” người vô tội miễn đạt mục đích.
Để tiếp tục phát huy thế mạnh của “chiếc cần câu vàng” này, mùa 4 ưu ái dành cho Homelander nhiều phân cảnh độc diễn, thể hiện uy quyền khủng khiếp của hắn. Thậm chí biên kịch dành riêng một tập phim, xoay quanh việc gã quay lại phòng thí nghiệm từng tra tấn mình ngày xưa để khủng bố, tra tấn các nhân viên nơi đây cả về thể xác lẫn tinh thần. Với đôi mắt thể hiện quyền uy cùng diễn xuất như sinh ra là dành cho nhân vật, Starr gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những nạn nhân của Homelander cũng như các khán giả, cứ như thể chỉ cần phật ý hay cười nhạo hắn, bạn sẽ ăn ngay tia laser nát não!
Không vì Antony Starr tỏa sáng mà phần còn lại của dàn cast bị lu mờ. Trong mùa 4, người xem có dịp dõi theo hành trình chuộc tội (Redemption Arc) của A-Train (Reggie Franklin) – siêu nhân nhanh nhất thế giới. Từ một gã hèn chối bỏ gia đình, vô tình gây ra cái chết cho người yêu cũ của Hughie, A-Train có những chuyển biến tích cực xuyên suốt từng mùa phim.
Khác với The Deep hay Black Noir quá mụ mị bởi danh vọng, A-Train nhận ra sự thối nát của những kẻ gã đang tôn thờ. Không những thế, trong một phân cảnh đầy cảm xúc, nhà làm phim để anh cảm nhận được thế nào mới là người hùng đúng nghĩa: Không ánh đèn sân khấu, không thương hiệu quảng cáo, chỉ có sự thông suốt bên trong tâm hồn. Trên nhiều diễn đàn quốc tế, người xem thấy đồng cảm nhưng cũng tiếc nuối cho A-Train, vì lẽ thường trong show này phe ác mà phục thiện sẽ dễ… đoản mệnh. Tuy nhiên, “The Boys” cũng bỏ ngỏ về số phận của người hùng tia chớp trong mùa cuối.
Các tuyến khác như William Butcher, Hughie, Starlight, Kimiko – Frenchie,… cũng được phân đều đất diễn, tuy nhiên diễn xuất của họ chưa có nhiều khác biệt. Ở những tập cuối của mùa 4, Butcher trở thành “biến số” mới, hứa hẹn sẽ có pha giao tranh hấp dẫn giữa anh và Homelander trong mùa 5.
Lan man trong cách kể
Sở hữu nhiều yếu tố chính trị cùng lời thoại vừa hài hước vừa sâu cay, song kịch bản của The Boys mùa 4 hơi “tham” khi cố cài cắm nhiều tuyến truyện khác nhau: Như mối tay tay ba “từ trên trời rơi xuống” giữa Kimiko – Frenchie và một “người quen cũ” của anh, hay nỗ lực cố hàn gắn gia đình khi đã quá muộn màng của Hughie, mối thâm thù giữa Starlight và Firecracker,… Nhiều tuyến riêng biệt bị nhồi nhét cho vừa vặn 8 tập phim, nên dễ dẫn để việc mạch phim loãng, quá nhiều thông tin khiến người xem mệt mỏi.
Đồng thời, một số nhân vật được giới thiệu từ phần ngoại truyện Gen V như Tek Knight, Cate, Sam,… những tưởng sẽ có màn tái xuất ấn tượng, thì nay lại bị khai thác qua loa. Tek Knight và Webweaver vốn là phiên bản “nhái” của hai anh hùng nổi tiếng Batman và Spider-Man, song những pha gây cười của bộ đôi này chỉ đủ duyên, đủ “bệnh” chứ chưa để lại nhiều dấu ấn.
Có thể thông cảm cho nhóm biên kịch, khi mà tiềm năng khai thác của vũ trụ The Boys còn quá rộng lớn, trong khi chỉ còn mùa phim nữa là chấm hết hành trình của series chính truyện. Có thể vũ trụ phim sẽ còn được mở rộng trong mùa hai của Gen V, cũng như loạt thương hiệu ăn theo sau khi mạch truyện chính đã kết thúc.