Mặc cho một bộ phận thương hiệu chạy theo xu hướng in logo khắp sản phẩm như Balenciaga, Fendi thì một số khách hàng vẫn yêu thích sự sang trọng tinh tế của những chiếc túi Birkin.
Hai thái cực “im lặng” hay “phô trương” trong thời trang xa xỉ là điều mà bất kỳ thương hiệu nào cũng cần cân nhắc khi tạo ra một sản phẩm. Ngoại trừ việc bạn đã đào sâu và tìm hiểu về hàng hiệu thì rất khó để nhận biết một chiếc áo cao cấp nếu không dựa vào logo thương hiệu. Điều này đã gây ra một xu hướng sản xuất những sản phẩm in logo như Dior, Balenciaga, Fendi hay Burberry.
Hiểu như nào cho đúng?
“Quite luxury” hay còn được hiểu là “sự sang trọng thầm lặng” bao gồm những món đồ xa xỉ đơn giản mà cổ điển. Các thiết kế hướng đến sự tối giản không phô trương và là sản phẩm yêu thích của tầng lớp Old Money. Mặt khác “Loud luxury” hay “sự sang trọng phô trương” – đúng như tên gọi, các thiết kế tràn ngập logo thương hiệu như một cách giúp người mặc thể hiện sự giàu có cá nhân. Nói như vậy không có nghĩa cứ mặc đồ in logo là không thời thượng, tất cả phụ thuộc vào sở thích cá nhân của người tiêu dùng.
“If you know, you know”
Xuất hiện trong tập thứ hai mùa bốn của phim truyền hình Succession (Kế nghiệp), diễn viên Jeremy Strong đã mặc trang phục giản dị như chiếc áo hoodie có khoá kéo và mũ bóng chày. Ít ai biết, chiếc áo đó đến từ thương hiệu Tom Ford có giá lên đến 1.390 USD. Chiếc mũ màu xám đến từ thương hiệu Loro Piana của Ý với giá bán lẻ lên đến 1.395 USD.
Trong vài năm trở lại đây, các thương hiệu xa xỉ dần tập trung phát triển sản phẩm xa xỉ thầm lặng với những thiết kế nhẹ nhàng, tinh tế hướng đến giá trị biểu tượng. Đó là một chiếc quần xanh hải quân hay chiếc áo sơ mi đơn giản nhưng lại được may từ những chất liệu tốt nhất và tốn đến hàng giờ gia công.
Từ Celine, Jil Sander, The Row, Loewe hay Acne Studios là một trong nhiều hãng thời trang đương đại đi theo thiết kế cao cấp sang trọng và thanh lịch.
Có sự cân bằng nào cho hai thái cực này?
Vẫn có nhiều tranh luận trên các diễn đàn yêu thời trang về việc các thương hiệu xa xỉ thường ưu tiện tính bền vững với những phương pháp sản xuất nhân đạo hơn là chỉ tập trung phổ biến hình ảnh thương hiệu qua việc in logo. Thực tế cho thấy, Gucci đã từng sản xuất nhiều sản phẩm in logo hàng loạt nhưng họ lại sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường và cũng có chính sách được CanopyStyle phê duyệt để ngăn chặn nạn phá rừng đầu nguồn. Thời trang không nên bị bó buộc vào một khuôn khổ, bởi vậy nếu bạn yêu thích sự tinh tế vượt thời gian, một thương hiệu như Celine sẽ dành cho bạn. Ngược lại, nếu bạn bị hấp dẫn bởi việc thể hiện bản thân và địa vị, bạn có thể lựa chọn Moschino hay Fendi, Burberry,…