Quality of Life: Bệnh viện đồ da – Những cánh tay nối dài

  • by Thai Khang Pham
  • April 8, 2025

Xem việc đánh giày là đam mê và giúp đỡ người yếu thế là sứ mệnh, anh Nguyễn Văn Phúc quyết định mở Bệnh viện đồ da, đào tạo nghề thành công cho hơn 30 người, giúp đỡ họ có một cuộc sống tốt hơn và trở thành người có ích trong xã hội.

Bệnh viện đồ da – là một cái tên khá hay cho một doanh nghiệp, từ đâu mà cái tên này ra đời và tại sao không phải là một cái tên như “công ty đồ da” hay “cửa hàng đồ da” mà anh lại dùng từ “Bệnh viện”?

Với tôi “Bệnh viện đồ da” thật sự là một cái tên rất là có ý nghĩa. Nó không chỉ là nơi nơi sửa chữa những món đồ da, mà sâu xa hơn đây còn là nơi chữa lành tâm hồn, những mảnh đời nhiều khó khăn. Khi đến với Bệnh viện đồ da, các bạn sẽ được “gò” lại cuộc đời và bắt đầu một cuộc đời mới.

Từ lúc nào anh có ý định mở Bệnh viện đồ da?

Tôi cũng không nhớ rõ thời điểm, ý nghĩ này đã có trong mình từ lâu. Có lẽ là từ khi tôi đi đánh giày. Sau này, khi vào được đại học, mình có cái nhìn khác hơn, nhân sinh quan phát triển hơn. Và khi học báo và làm báo, bản thân được tiếp xúc với nhiều thứ mới và đặc biệt là những người giỏi, thành công. Khi đó tôi nghĩ rằng, bản thân cần phải làm điều gì đấy để quay lại hỗ trợ được những người yếu thế, như chính bản thân đã từng, để đồng hành và mang lại cho họ một cơ hội để thay đổi cuộc sống. Chính suy nghĩ đấy đã mang lại ý định để xây dựng và phát triển Bệnh viện đồ da.

Trước khi trở thành CEO của “Bệnh viện đồ da”, anh từng là một cậu bé đánh giày với tuổi thơ khó khăn và đó có phải là điều khiến cho hướng đi của “Bệnh viện đồ da” khác biệt so với những công ty khác bằng câu chuyện “Chỗ dựa cho người yếu thế”? 

Trước khi trở thành CEO của Bệnh viện đồ da, thì tôi cũng đã từng là một đứa trẻ đánh giày đường phố. Tôi nghĩ rằng bản thân “trải đời” khá sớm, từ năm 11 tuổi. Đến khi hoạt động Bệnh viện đồ da, tôi có đâu đó 17 năm kinh nghiệm làm nghề đánh giày. Có lẽ là chừng đấy năm, bản thân cũng đã nếm trải gần như đầy đủ những hiểm nguy, cạm bẫy và rủi ro khi làm nghề này. Tôi bị những trận đòn, bị trấn lột, chứng kiến những người nghiện, cuộc sống trên vỉa hè, đó cũng là một lý do, mà sau này khi mở Bệnh viện đồ da, tôi quyết định rằng sẽ xây dựng Bệnh viện đồ da, và nó dành riêng cho người yếu thế. Hầu hết các nhân sự kỹ thuật của Bệnh viện đồ da đều là lao động yếu thế, là những người anh em đã và đang đồng hành để thay đổi cuộc sống.

Nhà sáng lập Bệnh viện đồ da – Nguyễn Văn Phúc

Việc tạo nên một công việc cho những người yếu thế không dễ như mọi người vẫn nghĩ, vậy anh có từng gặp khó khăn với điều này và làm thế nào để quản lý con người và đào tạo để họ trở thành người có giá trị cho xã hội?

Quả thật là làm việc với những người bình thường thôi đã là khó, thì làm việc với những lao động yếu thế nó còn khó khăn hơn gấp bội. Các bạn ấy khi vào bệnh viện đồ da hầu như là thiếu thốn rất nhiều thứ. Nhiều người không có gia đình, không được đào tạo bài bản và cũng không có cơ hội được học cao. Hầu hết mọi người đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn và thậm chí có những bạn còn là “số âm” nữa. Thứ các bạn có khi đến với Bệnh viện đồ da, chắc là sự tự ti và luôn tự thu mình vào, ngại tiếp xúc với người khác vì môi trường làm việc lao động đường phố. Thậm chí họ ngại luôn cả cái mọi người biết về công việc của bản thân và sợ ánh mắt xem  thường, ánh nhìn không thiện cảm của xã hội. Thế nên các bạn hãy luôn đặt mình vào thế yếu.

Đây là rào cản lớn nhất. Các bạn ấy sẽ không mở lòng ra để chia sẻ, nghĩ rằng tôi không làm được, chỉ có thể “làm được như thế thôi”, chỉ có thể kiếm sống bằng những công việc dưới đáy xã hội thôi. Chính vì vậy khi đón các bạn vào Bệnh viện đồ da, khi muốn các bạn ấy hiểu được giá trị của mình, thì chúng tôi phải từng bước, đồng hành cùng các bạn, bước ra khỏi góc tối của bản thân. Tôi chia sẻ với các bạn ấy như một người anh, rồi sẽ tạo cho họ môi trường như một gia đình. Ở Bệnh viện đồ da, mỗi người đều là có những câu chuyện đặc biệt. Mà khi chúng ta đều là những câu chuyện đặc biệt thì sẽ không có ai “đặc biệt” và không có sự phân biệt.

Ở Bệnh viện đồ da, Ngoài việc đào tạo nghề, các bạn sẽ được đào tạo về kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng sống và giao tiếp, thuyết trình. Để từng ngày các bạn sẽ bước ra góc tối của bản thân, cùng nhau lắng nghe những câu chuyện của nhau, chia sẻ về cuộc sống, câu chuyện cá nhân hay bất cứ một chủ đề nào các bản thân cảm thấy muốn chia sẻ. Ngày qua ngày, lâu dần thì các bạn sẽ hình thành sự thoải mái và tự tin.

Anh từng nói rằng việc giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội chính là giúp họ cố gắng trở thành người có giá trị trong xã hội, vậy đến bây giờ khi Bệnh viện đồ da bước chuyển lớn hơn, vậy giá trị này anh đã làm được và liệu có thay đổi so với giá trị trước đây anh theo đuổi? 

Tôi cũng từng nói việc giúp đỡ người yếu thế trong xã hội chính là giúp đỡ họ có giá trị hơn đối với xã hội. Cho đến bây giờ, đúng là Bệnh viện đồ da có nhiều bước tiến lớn, nhưng chắc chắn sứ mệnh này sẽ hoàn toàn không thay đổi.

Tôi nghĩ là khi có những bước chuyển lớn, thì Bệnh viện đồ da có thể giúp đỡ nhiều hơn những mảnh đời, những người yếu thế trong xã hội. Với tất cả những sứ mệnh mà chúng tôi đã đặt ra từ trước đây, về sau cũng sẽ không thay đổi. Chỉ mong là giá trị này sẽ được lan toả, để thêm những cánh tay nối dài, có thể mở rộng cộng đồng điểm tựa cho người yếu thế trong xã hội.

Có vẻ như việc chia sẻ về giá trị và truyền thông của Bệnh viện đồ da là “Chỗ dựa cho người yếu thế”, anh có lo sợ một ngày nhiều người nhận định đó chỉ là chiêu trò mà anh mong muốn được pr cho doanh nghiệp của mình khi phát triển lớn hơn?

Về vấn đề này, thú thực tôi cũng không suy nghĩ quá nhiều, khi mà những điều chúng ta làm xuất phát từ cái tâm, thì dù có bất cứ ai nói gì, bản thân cũng không cảm thấy ngại ngùng, hay nao núng. Những gì thật tâm nhất sẽ tồn tại mãi mãi. Những gì mà người lao động yếu thế ở Bệnh viện đồ da có thể nhận được, sự thành công của các bạn ấy, là minh chứng rõ ràng nhất cho điều mà chúng tôi thực hiện. Thật tâm tôi không nghĩ đây là cơ hội để làm thành một câu chuyện truyền thông. Sen có thể mọc lên từ bùn, dù bùn có tanh hôi đến đâu, nếu như tâm sen tốt, thì vẫn sẽ nở thành những đóa sen thơm ngát. Ngược lại, nếu như thật sự có “động cơ” nào đó, dù vỏ bọc có tốt đến đâu, thì sớm muộn cũng sẽ bị lột bỏ thôi.

Bước phát triển tiếp theo của một doanh nghiệp chắc chắn là câu chuyện kinh doanh, điều khó nhất trong việc kinh doanh, điều hành Bệnh viện đồ da của anh là gì?

Điều khó nhất trong phát triển Bệnh viện đồ da, tôi nghĩ là làm sao để hài hoà được câu chuyện làm kinh doanh và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bệnh viện đồ da vừa là một đơn vị kinh doanh, nhưng không được rời bỏ trách nhiệm xã hội mà chúng tôi đã cam kết. Quan điểm của tôi là khi bản thân “khỏe”, “mạnh” về kinh tế, thì Bệnh viện đồ da mới có thể giúp đỡ nhiều hơn những người yếu thế. Vậy nên trong phương hướng hoạt động của doanh nghiệp, chúng mình luôn bám sát mục tiêu “phát triển kinh doanh không xa rời trách nghiệp xã hội của doanh nghiệp” và “mở rộng cộng đồng điểm tựa cho người yếu thế”.

Chàng trai đánh giày năm xưa đã trở thành CEO Nguyễn Văn Phúc, anh có nghĩ giấc mơ ngày xưa vẽ ra, đến nay đã thật sự thành công?

Giấc mơ đấy có lẽ chưa bao giờ là thành công. Chừng nào còn người yếu thế, chừng đó còn Bệnh viện đồ da. Bệnh viện đồ da sẽ còn cần phải cố gắng rất nhiều. Những gì chúng tôi đã và đang làm, chỉ là một bước đệm trên một hành trình rất dài đồng hành cùng người yếu thế. Đây sẽ là một hành trình rất nhiều khó khăn, nhưng cũng là một hành trình tự hào. Để nói rằng là giấc mơ đã hoàn thành chưa, thì tôi chỉ có thể trả lời rằng chúng tôi chỉ mới bắt đầu thôi. Còn hoàn thành chưa thì chắc chắn là chưa, vì ở ngoài kia còn rất nhiều người yếu thế khác cần được giúp đỡ nữa.

Nếu có một nhà đầu tư nào bỏ ra số tiền lớn để mua Bệnh viện đồ da của anh và thay đổi hoàn cách vận hành, anh có đồng ý bán không?

Nếu nhà đầu tư bỏ một số tiền ra để mua Bệnh viện đồ da và muốn thay đổi cách vận hành thì chắc chắn tôi sẽ không bao giờ. Khi mới thành lập Bệnh viện đồ da, lúc đấy tôi cũng từng nghĩ rằng doanh nghiệp này là của cá nhân mình. Ngày xưa  đi đánh giày, tôi dùng tiền để thay đổi cuộc sống của riêng tôi thôi. Nhưng bây giờ Bệnh viện đồ da là gia đình của những người yếu thế. Tôi chỉ có thể bán ước mơ của mình, nhưng không ai bán được ước mơ của người khác. Bệnh viện đồ da bây giờ là ước mơ lớn của nhiều người, là cơ hội đổi thay cuộc đời của những người yếu thế. Tôi không thể làm như vậy được.

Anh nói tầm nhìn dài hạn, bức tranh giấc mơ của anh chỉ hoàn thành khi không còn người yếu thế nữa. Vậy mục tiêu ngắn hạn sắp tới của Bệnh viện đồ da là gì?

Nói về mục tiêu ngắn hạn, thì tôi có thể chia sẻ rằng Bệnh viện đồ da đang trong quá trình nâng cấp các dịch vụ mà Bệnh viện đồ da đang cung cấp, vệ sinh, sửa chữa và phục chế đồ . Ngoài ra, xa hơn một chút, chúng tôi đang cố gắng thực hiện những phương án để hỗ trợ lao động yếu thế trong xã hội ở các tỉnh thành, những nơi xa xôi mà các bạn không có điều kiện đi lại. Đây là phương án mà chúng tôi xây dựng để thực hiện đúng sứ mệnh “Ở đâu có người yếu thế, ở đó có Bệnh viện đồ da”. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, Bệnh viện đồ da có thể phát triển nhiều hơn ở mọi mặt, để từ đó có thể tiếp cận nhiều người yếu thế hơn và ngược lại, họ cũng có thể nhận được sự hỗ trợ của Bệnh viện đồ da.

library