Phạm Thanh Toàn – Chất ngông và sâu của chàng họa sĩ trẻ qua những bức họa khổ lớn
LifestyleArts & Culture

Phạm Thanh Toàn – Chất ngông và sâu của chàng họa sĩ trẻ qua những bức họa khổ lớn

Cá tính ngông và sâu của họa sĩ Phạm Thanh Toàn được lộ tỏ rõ ràng trên những bức họa khổ lớn khác lạ và đầy mê hoặc. Hầu hết tác phẩm tranh và điêu khắc mang tính xã hội của anh thuộc nhiều bộ sưu tập quốc tế tại Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore…

Bước vào xưởng vẽ của Phạm Thanh Toàn, người ta liền thấy một cá tính khác hẳn với những bức tranh biểu tượng siêu thực khổ lớn mang đến trải nghiệm thị giác vừa lạ vừa ấn tượng. Hẳn là họa sĩ cảm thấy thỏa chí sáng tạo khi đưa cọ lên tấm toan “đồ sộ” này?

Thời đi học ở Đại học Mỹ thuật Tp. HCM, tôi đã vẽ tranh lớn. Nhưng lúc đó, tôi học chuyên khoa sơn mài chứ không phải sơn dầu. Gần như, tôi tự mày mò học kỹ thuật sơn dầu và chứ không theo bất cứ một lớp giảng dạy riêng nào về chất liệu này. Cái khác của việc tự học thể hiện ở cá tính “vô thưởng vô phạt”. Tôi thích vẽ kiểu nào, tôi sẽ vẽ kiểu đó. Tôi bôi lên tấm toan theo cách mình hiểu và mình muốn chứ không trình bày lớp lang. Có lúc vẽ, tôi dùng than dây vào, có lúc đang dùng cọ nhưng có lúc dùng áo quần quấn lại và trét lên. Miễn là tôi đạt được công việc hiệu quả, và cảm thấy đủ là đủ.

Cái khác của việc tự học thể hiện ở cá tính “vô thưởng vô phạt.

“Cảm thấy đủ là đủ” ở đây có nghĩa là gì?

Nghĩa là tôi phải cảm thấy sướng. Một tác phẩm đẹp là khi hôm nay xem, tôi thấy nó ấn tượng, ngày mai quay lại vẫn thấy ổn, ngày hôm sau và nhiều ngày sau đó nữa, khi nhìn vào tác phẩm, niềm thích thú trong tôi vẫn không giảm đi. Nhưng nếu lần sau quay lại cảm thấy chưa ổn, nghĩa là tác phẩm ấy chưa đẹp và chưa ấn tượng. Có những tác phẩm tôi đã để ở xưởng cả tháng trời, đến khi thấy ổn mới cất vào kho.

Người ta thường cho rằng họa sĩ khó tránh khỏi những lúc đa đoan và nhạy cảm. Còn họa sĩ Phạm Thanh Toàn thì sao, anh vẽ dựa trên cảm xúc?

Tôi cũng thường nghe người ta nói vậy, rằng vẽ phải cảm xúc, phải cao trào, họa sĩ phải thơ mộng và lãng mạn. Tôi không phủ nhận việc vẽ phải có cảm xúc và tất nhiên, người nghệ sĩ phải sở hữu cái cảm nhanh nhạy. Nhưng, thực tế, với cá nhân tôi, trước khi vẽ một bức tranh, tôi ít khi có cảm xúc nồng nhiệt, thay vào đó là những tính toán sợ bộ về câu chuyện tôi muốn nói.

Có lúc đang làm việc, tôi bỗng dưng tụt hết cảm hứng. Nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi quay lại từ đầu, dùng học thuật đã trải qua, để tạo hình đậm nhạt hay tập trung vào câu chuyện muốn nhắm tới để dẫn dắt bản thân.

Có những tác phẩm không dựa trên nguồn cảm hứng cuộn trào trong lòng mà dựa trên câu chuyện, thế giới tôi đang tạo ra trên bức tranh đó.

Tuổi trẻ giàu năng lượng và ý tưởng. Có những ý tưởng xếp chồng lên nhau trong tâm trí và tôi nghĩ nếu có thể hiện thực hóa tất cả thì tốt biết máy. Có nhiều tác phẩm có câu chuyện trước khi vẽ. Chẳng hạn, hôm nọ, tôi xem phim và có đoạn nói về đấu trường La Mã. Tôi thấy hình ảnh đấu trường khá thú vị và thế, tôi vẽ một bức tranh về đấu trường tượng trưng cho xã hội Việt Nam. Đó là một đấu trường khác hoàn toàn.

Xét về số lượng tranh được sưu tầm vào các bộ sưu tập nổi tiếng quốc tế hay có triển lãm cá nhân ấn tượng, Toàn không hề thua kém ai dù tuổi đời hãy còn rất trẻ. Nhưng vì sao anh nhấn mạnh rằng người Việt kén chọn tác phẩm của mình?

Thứ nhất, xét về yếu tố đầu tư, người Việt thường ưu tiên lựa chọn/tin tưởng thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu hoặc đã qua đời, những ai đã có cống hiến bền bỉ và chắc chắn cho nghệ thuật. Vì với họ, đó là là quyết định đầu tư an toàn và khôn ngoan. Hiếm ai chịu bỏ ra hàng trăm triệu mua một bức tranh của họa sĩ trẻ tuổi như tôi vì áp lực lo lắng khác nhau.

Thứ hai, những người mua tranh trang trí trong nhà sẽ không chọn mua tác phẩm của tôi vì chúng quá lớn và đắt tiền. Hơn nữa, một người dân bình thường khi nhìn vào tranh của tôi sẽ có khuynh hướng ghê sợ. Người Việt có quan niệm chơi tranh như phong thủy. Họ thường thích treo tranh tĩnh vật, thiên nhiên, chân dung nhẹ nhàng và tích cực hơn là một bức tranh có vẻ “ma quỷ” và “u ám” như tranh của tôi.

Thứ ba, chủ đề mà tôi hướng đến thường khá nhạy cảm: chính trị, tình dục, tôn giáo…

Là tài năng hội họa được nhiều nhà sưu tập quốc tế săn đón, hẳn đã có may mắn nào đó làm bước đệm vươn xa cho sự nghiệp của anh?

Tôi không phủ nhận yếu tố may mắn. Tôi là một người may mắn nhưng may mắn ấy đến từ đâu?

Sau 7 năm rèn giũa và tu tập trong hai trường mỹ thuật, vào năm 2017, tôi tốt nghiệp và chính thức phải tự quyết định hướng đi cho cuộc đời mình. Vừa mới ra trường, mọi thứ trong tôi và xung quanh tôi mù mịt như có màn mây đen khổng lồ bao trùm. Tôi không biết gì về cuộc sống. Một năm đó, tôi lang bạt bên ngoài làm đủ thứ nghề. Và có lúc, tôi đã tính đến chuyện bỏ hội họa. Hầu hết sinh viên trường mỹ thuật đều gặp khủng hoảng, dù ít hay nhiều, sau khi ra trường. Họ là những người trẻ dễ bị tổn thương nhất.

Dù có sự may mắn, nhưng may mắn đó đến từ sự khôn ngoan của tâm trí, và thành công đến từ quá trình lao động miệt mài và quần quật.

Có đợt, tôi đi làm cho một công ty chuyên phục chế các công trình cổ. Trong tôi lúc đó chợt lóe lên suy nghĩ: “Đã theo học mỹ thuật 7 năm trời mà bây giờ bỏ thì uổng quá!” Tôi quyết định quay lại và tự học vẽ sơn dầu. Tôi tự nhủ nếu vẽ theo những gì trường dạy thì đã quá cũ và không thể cạnh tranh. Tôi liền Google những nghệ sĩ đang sống nổi tiếng nhất ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Ý, Hà Lan,… để xem họ đang vẽ cái gì và từ đó biết được dòng nào thì mạnh hơn dòng nào, và đâu là xu hướng của thời đại. Song song với quá trình mò mẫm học sơn dầu, tôi vẽ theo xu thế mà mình đã nghiệm ra sau quá trình nghiên cứu.

Lúc đầu mọi thứ khá khập khiễng. Người ta bảo tranh của tôi giống của người này người kia. Nhưng tôi phải chấp nhận vì đây là giai đoạn bản thân cần học hỏi. Và tôi cũng tin đây là lựa chọn thông minh. Có nhiều con đường, và tôi đã chọn con đường nhanh nhất dù tôi biết đó chưa chắc là con đường dẫn đến thành công. Có thể, 5 hay 10 năm sau, tôi chuyển hướng (vẽ hiện thực chẳng hạn).

Về sau, cũng có người bảo tôi vẽ giống một họa sĩ khá nổi tiếng ở Việt Nam. Nhưng tôi nhất quyết vẽ tốt hơn và tự tạo ra phong cách riêng cho mình. Bây giờ, dòng tranh của tôi là biểu hiện siêu thực đậm nội dung mang tính triết học.

Dù có sự may mắn, nhưng may mắn đó đến từ sự khôn ngoan của tâm trí, và thành công đến từ quá trình lao động miệt mài và quần quật. Suốt 2 năm qua, tôi hoàn thành 4 bộ sưu tập bao gồm nhiều bức tranh khổ lớn. Tôi không chờ đợi cảm xúc hay cảm hứng đến rồi mới sáng tác, tôi “cày trên thửa ruộng của mình” bằng tính kỷ luật và nghiêm khắc với chính mình.

Cơ duyên của anh với các nhà sưu tập xảy đến như thế nào và anh nhìn nhận cơ hội này ra sao?

Vào năm 2013, khi còn là sinh viên năm 2 của Đại học Mỹ thuật, tôi là người duy nhất ở Việt Nam tham gia festival họa trẻ trẻ quốc tế tại Hàn Quốc. Tôi bán được 8 tấm thu về 5.800 USD. Đó là lần đầu tiên, tôi có tranh sưu tầm.

Hiện tại, tôi là đối tác của Craig Thomas Gallery. Tại đây, nhiều người ngoại quốc mua tranh của tôi. Vừa qua, một bác sĩ có bảo tàng tư nhân ở Mỹ qua Việt Nam ghé thăm phòng tranh này và quyết định mua hết bộ sưu tập vào năm 2019 của tôi.  Việc có mặt trên Facebook cũng là cơ hội để tôi giới thiệu tác phẩm của mình đến các nhà sưu tập Việt Nam và thế giới.

Tôi nghĩ việc bán tranh phục vụ nhu cầu trang trí trong căn nhà đẹp chưa chắc đã hay. Trong khi đó, nếu tranh của bạn thuộc một bộ sưu tập lớn, đặc biệt bộ sưu tập ấy có bức hàng trăm triệu USD, thì cơ hội tác phẩm của bạn lên sàn đấu giá là rất cao và giá trị của tác phẩm sẽ được đẩy lên chỗ xứng đáng. Lúc này, bức tranh của bạn là tài sản được coi trọng chứ không đơn thuần là đồ trang trí.

Với sức sáng tạo dồi dào như vậy, hẳn là họa sĩ có khung giờ làm việc khá dày đặc?

Tôi làm việc theo giờ hành chính. Tôi xem vẽ như một công việc bình thường chứ không “tô điểm” hay “lý tưởng hóa” nó thái quá. Mỗi ngày, tôi làm việc trong vòng 6 tiếng đồng hồ vì vẽ tranh tiêu tốn rất nhiều năng lượng, mà tôi lại vẽ lên tranh khổ lớn nên sau 6 tiếng, tôi gần như không thể vẽ nổi nữa. Tôi coi trọng yếu tố sức khỏe, vì khi có sức khỏe, sức sáng tạo của mình mới dai và bền được.

Cám ơn họa sĩ vì những chia sẻ thú vị!

Bài: TRANG PS | Ảnh: RAB HUU STUDIO
 

Related Article