Phạm Huyền: Lặn tự do và múa cột mang lại nhiều “khoái cảm”
Health & FitnessGrooming

Phạm Huyền: Lặn tự do và múa cột mang lại nhiều “khoái cảm”

Đã đến lúc chúng ta cần bước ra khỏi bức tranh của những câu chuyện tập luyện gian khổ nơi phòng gym, để tìm hiểu kỹ hơn về một niềm yêu thích thể thao. Vì nó không chỉ dừng lại ở sự say mê, mà còn giúp người tập khai mở những góc nhìn đa chiều về cuộc sống, thay đổi bản thân và thậm chí là truyền cảm hứng đến những người xung quanh.

Và gương mặt phái đẹp đặc biệt đầu tiên ghi tên mình trong câu lạc bộ “Men’s Folio Fit Club” đó là Thư ký tòa soạn online của Tạp chí Đẹp – chị Phạm Huyền, người có một tình yêu cuồng nhiệt với lặn tự do (free-diving) và múa cột (pole-dancing).

Thời điểm nào chị bắt đầu nhận ra mình cần rèn luyện thân thể nhiều hơn?

Thú thật thì tôi không muốn mình bị xấu. Lúc chứng kiến bạn tôi từ một cô nàng hot girl xinh đẹp bỗng chốc trở thành mẹ bầu quá cỡ khiến tôi bị đả kích rất lớn. Nhưng tác động đó vẫn chưa đủ với một cô gái đang phơi phới tuổi 22. Mãi đến năm 2017 khi một lần nữa nhìn thấy em gái tôi cũng ở tình cảnh tương tự khi sinh con thì tôi mới thật sự hoảng hốt. Tôi bắt đầu đi bộ, mua thẻ tập gym, chơi thể thao, thay đổi hình thức du lịch nghỉ dưỡng bằng cách kết hợp vận động,… trộm vía là có nhiều người bạn cũng cùng chung nỗi sợ “xấu” nên động lực của tôi càng lớn.

Nhắc về chơi thể thao, môn nào chị yêu thích nhất?

Tính tới thời điểm hiện tại, sau khi thử kha khá các môn, thì lặn tự do và múa cột chiếm của tôi khá nhiều thời gian. Chúng đều có điểm chung là khai mở nguồn năng lượng vốn ẩn nấp quá lâu, đồng thời giải phóng tính nữ trong tôi. Bên cạnh những khoảnh khắc thiền định quý giá thì lặn tự do và múa cột cũng đem lại nhiều “khoái cảm”.

dụ như?

Ăn uống chẳng hạn. Tập mệt nên uống nước lọc và ăn trái cây cũng cảm thấy hạnh phúc (cười).

Tôi tưởng chị nói “chuyện khác”…

Ồ “chuyện đó” cũng cải thiện tích cực sau khi tôi chơi hai môn này (cười lớn).

Chúng ta nói về lặn tự do đi. Vì sao chị lại mê môn này đến vậy?

Điều khiến tôi thích nhất ở lặn tự do đó là giúp tôi giữ bình tĩnh, cải thiện phần nào sự nóng tính. Đối với những môn lặn khác, bạn có thể ở lâu dưới đáy biển nhờ vào trang thiết bị, nhưng với lặn tự do thì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân bạn. Và để có được 50s lặn ở độ sâu 8-10m là cả một sự chuẩn bị kỳ công. Thế nên nó dạy tôi cách trân trọng từng điều nhỏ nhất, không chỉ ở đại dương mà còn trong cuộc sống. Mặt khác, lặn tự do cũng tạo điều kiện cho tôi mặc bikini thỏa thích, mà muốn như vậy thì phải có một hình thể đẹp, nên càng chăm chỉ rèn luyện và chăm sóc bản thân.

Ngoài ra, nhờ học lặn mà tôi phát hiện cộng đồng người thích lặn tự do ở Việt Nam rất đông, họ đến từ rất nhiều ngành nghề và đều là những người cá tính, mặn mà và giỏi giang. Không chỉ mở rộng vòng kết nối, tôi còn học hỏi được nhiều kiến thức hay ho về đại dương và hệ sinh thái dưới đáy biển.

Vừa nãy, chị đề cập múa cột cũng là một niềm đam mê lớn, bộ môn này hấp dẫn chị ở những điểm nào?

Hồi năm 2020 do không đi du lịch được vì dịch bệnh nên tôi thử tập sexy dance, nhưng thất bại vì không cảm nhạc được (cười). Cô giáo mới gợi ý tôi chuyển sang thử múa cột xem thế nào. Sau đó là những chuỗi ngày cơ thể đầy vết tím bầm và đau nhức nhưng bù lại cơ thể tôi lại săn chắc và tôi thấy mình… giống phụ nữ hơn khi đến với múa cột. Cũng từ đây, tôi kết bạn với nhiều cô gái thú vị – những người nhìn bên ngoài vừa “bánh bèo” vừa mong manh nhưng lên cột rồi sẽ khiến bạn “sang chấn” vì sự mạnh mẽ và sexy của họ.

Chị dành thời gian tập luyện như thế nào với công việc Thư ký tòa soạn online của Tạp chí Đẹp nhiều áp lực như thế?

Tuy công việc chiếm khoảng 70% thời gian trong ngày nhưng tôi cố gắng cân bằng đôi bên. Trong tuần tôi duy trì tập múa cột, yoga dây, yoga sàn 3 buổi/môn/tuần; lặn tự do thì 1 buổi/tuần tại hồ bơi và cứ 2-3 tuần tôi sẽ lặn biển.

Ngoài những môn trên thì chị có đang chơi môn thể thao nào khác không?

Thỉnh thoảng để đổi không khí tôi sẽ đạp xe, chèo SUP, leo núi trong nhà, hoặc trekking đâu đó.

Còn chế độ ăn uống của chị đã thay đổi như thế nào trước và sau tuổi 30?

Nếu trước đây tôi ăn uống vô tội vạ, thì tôi bắt đầu tiết chế lại khi bước qua ngưỡng 30. Nói về hành trình thay đổi thói quen ăn uống kỳ diệu của mình, tôi rất biết ơn ba quyển sách: “Nhân tố enzyme (Hiromi Shinya), “Ruột ơi là ruột (Giulia Enders) và “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm (Mansanobu Fukuoka). “Nhân tố enzyme giúp tôi có đủ lý do để cắt đường ra khỏi chế độ ăn uống thường ngày và chuyển sang ăn tinh bột tốt; “Ruột ơi là ruột cho tôi biết tầm quan trọng của việc ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn thịt đỏ, hiểu rõ lý do tại sao cơ thể hấp thụ nhiều thức ăn nhưng không tăng cân; và quyển cuối cùng hướng tôi chuyển sang lối sống thuần tự nhiên.

Tự mình nhận xét, chị cảm thấy nguồn năng lượng của mình có tác động hay truyền cảm hứng cho những người xung quanh không?

Tôi ngại từ “truyền cảm hứng” lắm. Tôi không “truyền” gì đâu. Nhưng tôi thích kiểu bạn bè thấy tôi “làm this làm that”, chơi này chơi kia sẽ hỏi han, rồi theo tôi tập tành hoặc thử nghiệm. Thích sẽ theo tiếp không thì thôi. “Thành tựu” lớn nhất của tôi chắc là thuyết phục mấy cô bạn chịu diện bikini khi tập cột hoặc đi lặn. Vì không phải phụ nữ Việt Nam nào cũng có thể dẹp bỏ sự ngượng ngùng để khoác lên mình bộ bikini. Nghe có vẻ tôi bị ám ảnh với bikini đúng không? Thật ra, tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng bikibi là trang phục có thể giúp nữ giới phô bày vẻ đẹp độc bản, cũng như tình yêu và sự hài lòng tuyệt đối của họ về cơ thể mình. Tôi sung sướng lắm khi thấy bạn bè mình mặc bikini và tự tin khoe ảnh. Cảm giác đó rất tuyệt vời, tựa như tôi “win” được một dự án lớn sau rất nhiều nỗ lực “pitching”.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Ảnh: Chi Chi & Mai Quốc Cường
 

Related Article