Những xu hướng dự đoán làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô 2024
LifestyleCar

Những xu hướng dự đoán làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô 2024

Thị trường ngành ô tô luôn không ngừng biến động và đối diện với nhiều thách thức bởi sự xuất hiện của những kỹ thuật công nghệ mới, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, những thay đổi về luật pháp,… Năm 2024, nhiều xu hướng có thể sẽ tiếp tục chuyển biển thị trường ngành ô tô mà các nhà sản xuất hoặc kinh doanh nên biết. 

Xe điện Trung Quốc ngày càng phổ biến

Trong nhiều năm nay, xe điện vẫn luôn được nhắc cùng cái tên Tesla – thương hiệu đã giữ vững vị thế thống trị thị trường ô tô. Tuy nhiên, chỉ bước qua 2024 vài ngày, Tesla đã tuột mất vị trí này bởi BYD. BYD – nhà sản xuất ô tô điện nổi tiếng của Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị và vượt qua “ông lớn” Tesla để trở thành công ty dẫn đầu thế giới về doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện. So với Tesla, BYD được biết đến là nơi cung cấp những chiếc xe giá cả phải chăng hơn, đa dạng mẫu mã hơn nhiều nên điều này giúp hãng thu hút được nhiều đối tượng người tiêu dùng, nhanh chóng mở rộng được thị phần và tăng doanh số bán hàng trong thời gian qua. 

Đây vừa được xem là một bước ngoặt mang tính biểu tượng đối với thị trường xe điện, vừa là một dấu hiệu cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Mặt khác, Chính phủ các nước châu Âu hiện cũng đang cực kỳ lo ngại BYD nói riêng và các hãng xe điện Trung Quốc nói chung. Họ đang tìm cách dự thảo áp thuế nhập khẩu cao lên xe điện Trung Quốc giống cách Mỹ đang làm để ngăn chặn “làn sóng xe điện giá rẻ” từ quốc gia này. Trong kế hoạch của mình, BYD cũng dự tính sẽ xâm nhập vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Ồ ạt ô tô điện giá rẻ

Một trong những xu hướng quan trọng nhất trong ngành công nghiệp ô tô là sự chuyển dịch sang xe điện mạnh mẽ. Vào năm 2024, xu hướng này sẽ còn tăng tốc với mức độ tăng trưởng chưa từng thấy trước đây khi ngày càng nhiều người tiêu dùng đón nhận xe điện bởi những lợi ích đối với môi trường, chi phí vận hành thấp hơn, những tiến bộ trong công nghệ pin và các ưu đãi từ chính phủ. 

Một số nhà sản xuất ô tô còn mở rộng dòng sản phẩm xe điện với nhiều phân khúc khác nhau, từ bình dân đến hạng sang. Khi công nghệ ngày càng phổ biến và cạnh tranh, người dùng kỳ vọng sẽ thấy nhiều chiếc ô tô hiện đại có giá cả phải chăng hơn. Nhiều chuyên gia cũng dự đoán rằng một loạt mẫu xe chạy bằng điện giá rẻ sẽ xuất hiện vào năm 2024, như Dacia Spring sẽ ra mắt tại Anh với giá khởi điểm dự kiến ​​​​dưới 20.000 bảng Anh, e-C3 mới của Citroen dưới 23.000 bảng Anh,… 

Thúc đẩy ô tô tự động và bán tự động

Mặc dù 2024 chưa phải là lúc mà chúng ta có thể thấy ô tô hoàn toàn tự động xuất hiện trên đường, nhưng ô tô bán tự động thì có thể. Theo Công ty tư vấn chiến lược McKinsey, việc thúc đẩy phương tiện tự lái có thể tạo ra từ 3-4 tỷ USD trong 12 năm tới. Còn theo một báo cáo mới của MarketsandMarkets, quy mô thị trường ô tô tự lái được dự đoán sẽ tăng từ 20.3 triệu chiếc vào năm 2021 lên 62.4 triệu chiếc vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng là 13.3%.

Cùng với đó, 2023 đã chứng kiến ​​sự ra đời của chiếc xe BlueCruise của Ford hỗ trợ người lái “rảnh tay” dù mắt vẫn phải nhìn đường, BMW và Tesla cũng đang được kỳ vọng sẽ triển khai tính năng tương tự trong 12 tháng tới. Tất cả điều này cho thấy rất nhanh thôi, chúng ta sẽ được trải nghiệm những chiếc xe tự động thông minh. 

Ô tô tự động có thể mang lại những lợi ích đáng kể đo lường được như hoạt động xanh hơn, tăng cường an toàn đường bộ và tỷ suất lợi nhuận cao hơn khi năng suất và hiệu quả tăng lên. Ngoài ra, một số công nghệ thú vị sẽ cung cấp nhiều tiện ích và tính năng an toàn cho xe tự động như cảm biến tiên tiến và tích hợp AI. Do đó, sự hợp tác giữa các công ty công nghệ và nhà sản xuất ô tô có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển này.  

Vấn đề an ninh mạng cho ô tô 

Những chiếc xe ô tô ngày nay được chú trọng phát triển công nghệ như một thiết bị thông minh, hơn cả một phương tiện di chuyển. Không thể phủ nhận rằng sự cải tiến và chuyển đổi này mang đến nhiều lợi ích đáng kể, song, không ít những mối đe dọa mới xuất hiện, bao gồm vấn đề tấn công an ninh mạng. 

Khi an ninh mạng gặp lỗ hổng, đồng nghĩa rằng nhiều hành vi ác ý sẽ xảy ra như các tin tặc vô hiệu hóa hệ thống liên lạc của phương tiện, làm gián đoạn điều hướng hoặc can thiệp vào hệ thống điều khiển hệ thống truyền động,… Do đó, tất cả những hứa hẹn và kỳ vọng về công nghệ ô tô thông minh và tiện ích có thể sẽ “tan thành mây khói” nếu như vấn đề an ninh mạng không được chú trọng giải quyết vào năm 2024. Điều này đòi hỏi cần có sự hợp tác giữa các công ty ô tô, chuyên gia an ninh mạng, cơ quan chính phủ và các bên liên quan khác.

Xu hướng công nghệ IoT

Internet kết nối vạn vật (IoT), đây là nền tảng tiên tiến đã được phát triển trong nhiều năm qua và ở 2024, IoT được dự đoán có những tác động làm thay đổi mạnh mẽ ngành công nghiệp ô tô. Chiếc xe hiện đại không chỉ là một phương tiện di chuyển mà còn là một hệ thống thông minh kết nối tất cả những thiết bị phức tạp phục vụ cho lợi ích người dùng như giám sát trạng thái người của lái xe, cung cấp hệ thống giải trí, hệ thống cảnh báo,… Xu hướng này một lần nữa nhấn mạnh rằng ô tô của năm 2024 sẽ ngày càng giống “máy tính di động” hơn.

Một thuật ngữ về sự phát triển của IoT trong ngành ô tô cũng đáng được chú ý đến, đó là “Internet phương tiện” (IoV). Thuật ngữ này mô tả mạng lưới cho phép ô tô kết nối với các cơ sở hạ tầng đường bộ và các phương tiện khác, tạo ra một hệ thống giao thông thông minh và tiện lợi hơn. IoV nhằm giảm tác động đến môi trường, tăng cường an toàn đường bộ và cải thiện quản lý giao thông. 

Áp lực từ Tuyên bố ZEV

2024 sẽ là một năm quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô bởi ​​áp lực ngày một lớn hơn từ Tuyên bố phát triển phương tiện giao thông không phát thải (ZEV). Tuyên bố ZEV được Chính phủ Vương quốc Anh công bố vào ngày Giao thông vận tải tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 – COP26 nhằm khuyến khích thúc đẩy cuộc cách mạng xe điện toàn cầu, hướng đến sản xuất phương tiện giao thông thông minh và thân thiện môi trường. Tuyên ngôn có sự tham gia của gần 200 đơn vị, cam kết hướng đến mục tiêu bán 100% ôtô và xe tải không phát thải vào năm 2040 trên toàn cầu và năm 2035 tại các thị trường trọng điểm.

Năm ngoái, hãng xe Việt Vinfast cũng đã chính thức hưởng ứng ZEV với mục tiêu bán 100% xe không phát thải tại các thị trường trọng điểm vào năm 2035 hoặc sớm hơn. 

Tuy nhiên, sự phổ biến của Tuyên bố ZEV đồng nghĩa rằng các nhà sản xuất ô tô sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc cung cấp nhiều xe điện hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến hình thức hoặc dòng xe trong kế hoạch phát triển ban đầu. 

Nguồn: Tổng hợp
 

Related Article