Đầu năm nay, Netflix làm dấy lên làn sóng phận nỗ trong cộng đồng họa sỹ khi tung ra một bộ phim hoạt hình có tên “The Dog & The Boy” sử dụng trí tuệ nhân tạo AI vẽ nền. Ngày 3/8, Meta cũng vừa ra mắt công cụ AI tạo nhạc từ văn bản. AI cứ thế từng bước lấn vào mọi ngóc ngách của nghệ thuật, khiến những người làm nghề hoang mang hơn bao giờ hết.
Từ 3 phút, Netflix tạo sóng gió…
Ngày 31/1, “The Dog & The Boy” – bộ phim hoạt hình kể về tình bạn cảm động giữa một cậu bé và chú chó robot bị bỏ rơi được Netflix Nhật Bản đăng tải. Ngay sau đó, bộ phim đã nhận về rất nhiều sự quan tâm với hơn 10.000 bình luận, hàng ngàn lượt chia sẻ không phải về chất lượng nội dung mà vì bộ phim sử dụng AI để vẽ phần nền thay con người.
Chưa hết, phần credit của bộ phim được ghi “AI + human” (AI + con người) càng khiến làn sóng bất bình tăng cao. Việc để AI ngang hàng cùng con người và thậm chí con người còn không được nhắc tên mà chỉ gọi chung là “human” chỉ càng cho thấy thái độ phủ nhận đóng góp của con người một cách vô lý từ vị trí Netflix.
Chỉ với 3 phút thời lượng, “The Dog & The Boy” và Netflix đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ cho những người họa sĩ. Họ cho rằng việc Netflix sản xuất ra bộ phim này là một dấu hiệu báo động đến những người làm nghề vẽ và minh họa truyện tranh ở Nhật Bản.
Mọi việc càng trở nên căng thẳng sau khi Netflix đưa ra phản hồi “đi vào lòng đất”. Trước sự chỉ trích của công chúng, phía hãng phim khổng lồ này giải thích đó là một nỗ lực thử nghiệm để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành công nghiệp anime. Đây được xem là lời biện minh cho hành động thiếu đạo đức và sự tôn trọng sức lao động của con người.
…đến những ưu ái AI gây tranh cãi
Vụ việc của Netflix Nhật Bản khiến chúng ta phải nhìn lại về sự phát triển đầy tranh cãi của những công cụ AI. Hầu như mỗi khi thông tin về AI được công bố đều nhận lại phản ứng tiêu cực, đặc biệt trong sáng tạo nghệ thuật vì mối lo ngại con người sẽ bị thay thế.
Những năm qua, AI đã và đang từng bước lấn sân hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật. Tháng 12/2022, chatGPT gây tranh cãi khi xuất hiện trong vai trò đồng tác giả của một số bài báo, tạp chí khoa học Nurse Education in Practice hay medRxiv, bên cạnh những nhà nghiên cứu khác. Ai cũng biết rằng chatGPT có khả năng tìm kiếm và viết văn bản thông minh tuy nhiên, công cụ này không đủ năng lực để chịu trách nhiệm giải trình hay tính xác thực của bài báo như một con người.
Trí tuệ nhân tạo cũng từng gây ấn tượng với vai trò nhà văn. Nhiều cuốn tiểu thuyết do AI viết đã được phát hành như: “The Day A Computer Writes A Novel” (Ngày mà chiếc máy tính tự viết một cuốn tiểu thuyết), “The World from Now On” (Thế giới từ nay)… Mặc dù, AI hơn con người ở chỗ chúng có thể tạo ra một số lượng rất nhiều cuốn sách trong khoảng thời gian ngắn, nhưng chất lượng thì chưa chắc đảm bảo. Từ vấn đề này, nhiều người lo ngại về vấn đề AI có thể ăn cắp hoặc đạo văn.
Cách đây ít lâu, Meta đã ra mắt công cụ AI có tên là AudioCraft cho phép tạo nhạc dựa trên văn bản nhằm hỗ trợ các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo nội dung tự tạo nhạc và âm thanh… Tuy nhiên, vấn đề vi phạm bản quyền khiến các nghệ sỹ và những chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc lo ngại vì công cụ này hoạt động dựa trên cơ chế nhận biết và nhân bản các mẫu có sẵn trên Internet.
Mới đây nhất, bức tranh về nàng Mona Lisa được tạo ra bởi AI với cái tên mới “Modern Liza” đã gây sốt trên Reddit. Bức tranh này nhận được sự quan tâm vì Liza thời hiện đại có ngoại hình quyến rũ, táo bạo và thậm chí có phần phản cảm. Một lần nữa, các chuyên gia lo ngại AI sẽ truyền tải những hình ảnh có tính độc hại và đi lệch với tiêu chuẩn xã hội.
Mọi lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và đề cao quyền tác giả như âm nhạc, văn học, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh… giờ đây đều đã ghi nhận sự có mặt của AI. Rất nhiều công ty, tổ chức muốn cắt giảm chi phí bằng việc sử dụng máy móc, công nghệ thay vì trả lương cho con người. Từ giữa tháng 7, Hollywood rơi vào hỗn loạn vì cuộc đình công của các diễn viên, biên kịch đòi quyền lợi và thù lao xứng đáng. Không chỉ vậy, những người nghệ sĩ bắt đầu lo sợ về việc sẽ bị công nghệ và diễn viên AI thay thế trong tương lai.
Nghệ thuật từ AI sẽ có “sân chơi” riêng?
Sự phát triển nhanh chóng của AI trở thành mối đe dọa đến sinh kế của những người nghệ sĩ, đó là lý do ai cũng dè dặt bởi sức tấn công ngày càng hăng hái của nó. Tuy nhiên, AI có thực sự đủ khả năng để thay thế công việc của con người vào một ngày nào đó không vẫn là câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng.
Ở khía cạnh nào đó, những sản phẩm nghệ thuật của AI tạo ra đều xuất phát từ sự sắp xếp, cài đặt, lập trình của con người và điều đó hoàn toàn không dễ dàng. Không thể phủ nhận rằng những tác phẩm đó có chất lượng không tệ, nhận được sự trầm trồ và đủ sức thuyết phục con mắt của những người làm nghệ thuật. Điều này đồng nghĩa rằng những người đứng sau nó cũng có một trình độ và kiến thức nhất định, AI cũng cần sự nhúng tay của con người để làm việc. Cho nên, có hơi vô lý nếu như tạo ra AI chính là con người và lo sợ AI cũng là con người.
Không ít người kỳ vọng vào ngày nào đó, sẽ có một hạng mục, lĩnh vực, ngành nghề riêng dành cho những tác phẩm nghệ thuật được làm ra từ AI. Đây có thể là một giải pháp mang lại sự công bằng cho sức lao động của con người, trân trọng những gì AI làm ra để giảm lượng sức của con người và xóa bớt làn sóng tranh cãi về một vấn đề nhức nhối lâu năm.
Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, AI ngày nay đang được phát triển thành một công cụ thủ công mà những người không có chuyên môn vẫn có thể tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật. Công cụ trở nên phổ biến sẽ làm mòn giá trị của sự sáng tạo. Nhưng sau cùng, vấn đề trở nên nghiêm trọng như thế nào hay làm thay đổi sự sáng tạo ra sao vẫn chỉ phụ thuộc vào một thứ, đó là con người.