Người ta làm thêm giờ, tôi cũng phải như vậy?
Lifestyle

Người ta làm thêm giờ, tôi cũng phải như vậy?

Làm thêm giờ là một lựa chọn tích cực cho nhân viên hay nó được xem là dấu hiệu của một nơi làm việc có văn hóa độc hại và nhân viên đang bị bóc lột?

Làm thêm giờ (hay Overtime – OT) đề cập đến số giờ một nhân viên làm việc vượt quá số giờ làm việc theo cam kết trên hợp đồng của nhân viên và công ty. Theo quy định của Luật Lao động: Thời gian làm việc của người lao động là 8 tiếng/ngày và không quá 48 tiếng/tuần. Làm việc thêm giờ được pháp luật quy định là không quá 50% số giờ làm việc trong một ngày. Cụ thể khi bạn đã làm việc 8 tiếng/ngày thì thời gian OT sẽ không được quá 4 tiếng. Nhưng “làm thêm giờ” là một thuật ngữ thường gắn liền với sự tiêu cực. Mọi người thường làm điều đó bởi vì họ buộc-phải-làm, không phải họ chọn và lý do thì có rất nhiều.

Làm thêm giờ, tại sao?

Các vấn đề khi buộc phải làm việc ngoài giờ là rất nhiều mà tôi tin là quanh đi quẩn lại thì cũng tụ về một mối. Nếu bạn đang làm thêm giờ, chắc chắn đó là dấu hiệu cho thấy cấp trên của bạn không quản lý nổi khối lượng công việc của team. Thứ hai, họ ước tính thời gian kém và không dự liệu được những vấn đề phát sinh. Họ đã đánh giá thấp thời gian mà một dự án sẽ cần ở giai đoạn xác định phạm vi hoặc bạn không được tạo điều kiện để có đủ thời gian tập trung vào phần việc quan trọng, thay vào đó vẫn bị buộc phải “đa nhiệm”. Tôi tin đây là lý do mà câu nói “Việc quái nào cũng tới tay tôi!” rất “viral” chốn công sở.

Thứ ba, kỳ vọng của khách hàng không thực tế. Việc phải làm việc ngoài giờ cũng có thể xảy ra khi đối tác không nhận thức đúng thời gian cần để thực hiện dự án và thường xuyên gây áp lực một cách vô cớ. Tất cả những gì chúng ta có thể là chịu đựng, chạy việc miệt mài mãi không xong. Thế có phải nguyên nhân đến từ khách hàng không? Không hẳn. Họ chỉ là ngọn lửa châm ngòi kíp nổ, còn người quản lý dự án mới là yếu tố mang tính quyết định. Đó là dấu hiệu chỉ ra rằng người nắm dự án không truyền đạt các kế hoạch một cách rõ ràng và sẵn sàng chiến đấu cho lợi ích của đôi bên.

Thứ tư và cũng là điểm đáng lưu tâm nhất – văn hóa công ty độc hại. Nhiều nơi làm việc có văn hóa đi làm khuya, quá giờ làm việc theo hợp đồng. Kiểu làm việc này tạo cho nhân viên cảm giác họ cần làm thêm giờ để thành công. Đó là điều kiện cần và đủ nếu muốn thăng tiến tại đây. Có rất nhiều người bị ám ảnh với việc làm thêm giờ chỉ để được sếp công nhận. Trong khi một số công ty có chính sách rõ ràng về thanh toán thì những công ty khác không hoàn toàn rõ ràng hoặc khá hào phóng (mà hào phóng thì sẽ tùy hứng và nhập nhằng). Một số công ty cung cấp “thanh toán bằng hiện vật” hoặc ngầm mặc định như thế – như trả tiền cho bữa tối khi bạn đi làm muộn, nhưng điều này đâu được xem là thanh toán làm thêm giờ? Tệ hơn, những người khác không hỗ trợ gì cả. Đây là một trong những dấu hiệu lớn nhất của một văn hóa làm việc độc hại – một nền văn hóa mà nhân viên được coi là nguồn lực vô hạn, thay vì con người.

Đơn cử một trường hợp còn hài hước thế này, khi người tuyển dụng nói thẳng với nhân sự rằng: “Công ty chúng ta không có nhiều TIỀN và ta đang hoạt động theo hình thức một GIA ĐÌNH, nên sẽ KHÔNG CÓ chi phí cho làm ngoài giờ”. Công việc sản xuất yêu cầu bạn tôi đi làm ngay khi mọi người còn đang chăn êm nệm ấm và tan làm đến rạng sáng ngày hôm sau. Một ngày làm việc hơn gần 20 tiếng và có rất nhiều giờ trong đó phát sinh do yếu tố khách hàng/sự ước chừng thời gian chưa chính xác từ người quản lý dự án. Thế mà khi bạn trình bày vấn đề trên, công ty lại đưa ra câu trả lời như vậy, không buồn quan tâm đến những cảm xúc hay sức khỏe của nhân viên. Trong khi người trong ngành nào cũng biết sau tiếng thứ 15 thì phải tính OT và sau 18 tiếng, mọi người hoàn toàn có thể tắt đèn đi về. Bất kể công việc có phù hợp với lộ trình phát triển đến mấy (rồi sẽ có việc khác phù hợp hơn ở một công ty khác), nếu bạn đang gặp tình trạng tương tự, hãy cân nhắc ngừng lại. Ở lại không chỉ chấp nhận bị bóc lột, mà còn đồng nghĩa với việc bạn đang thỏa hiệp với sự độc hại và góp phần giúp cho nếp văn hóa độc hại ấy có sức sống bền bỉ hơn.

Trong tất cả những trường hợp này, làm thêm giờ rõ ràng là một phản ánh của tư duy lãnh đạo kém. Khi nó trở thành một vấn đề về cơ cấu, nó có thể gây ra sự phẫn nộ, mất lòng tin của nhân viên và cuối cùng là sự rời bỏ của nhân sự khi họ cảm thấy tất cả đã quá đủ.

Người khác OT, tôi cũng phải OT?

Ở đây tôi sẽ nói rõ hơn tác động của việc làm thêm giờ đối với môi trường làm việc. Điều này có thể cản trở sự hợp tác của các nhân sự với nhau, vì nếu nhân viên về sớm để bù giờ làm thêm trước đó, đồng nghiệp sẽ khó phối hợp với họ hơn – đặc biệt nếu một doanh nghiệp làm việc theo giờ hành chính. Tương tự, nếu một số nhân viên rời đi trong khi các nhân viên khác ở lại muộn, các quyết định có thể được đưa ra một chiều, dẫn đến thông tin sai và biến mọi thứ trở nên nhập nhằng hơn.

Ngay cả khi mọi người chọn ở lại muộn và làm như vậy vì họ thực sự muốn, nó vẫn có tác dụng từ từ bình thường hóa thời gian làm thêm giờ. Những người khác sẽ cảm thấy CÓ TRÁCH NHIỆM phải ở lại muộn vì mọi người xung quanh mình đều như vậy. Hoặc họ sẽ về với tâm thế bứt rứt như thể mình làm gì có lỗi. Hơn thế, hiện nay không thiếu những nhân viên ở lại làm muộn (mà chẳng ai biết được họ có nhiều việc hay do không biết cách sắp xếp công việc) nảy sinh sự tị nạnh và so sánh với những người về sớm khi họ đã xong việc. Rồi thì nói xấu sau lưng, chia phe chia phái, gây khó dễ, mặt nặng mày nhẹ là những chuyện sẽ xảy ra sau đó. Họ chẳng bao giờ chịu hiểu việc của mỗi người sẽ khác nhau và còn tùy vào khả năng quán xuyến công việc. Không phải tập thể nào cũng chấp nhận được những sự khác biệt. Dần dà nó sẽ tạo ra sự oán giận và đây không phải là môi trường mà bạn muốn cống hiến nữa.

Công ty có thể cho phép bạn cân đối thời gian làm thêm giờ bằng cách về sớm hơn trong tuần, hoặc kéo dài những ngày nghỉ phép. Những đặc quyền này có thể tăng cảm giác tự chủ, có thể định hình lịch trình làm việc của bạn theo cách bạn muốn, nhưng vấn đề là thiếu tính nhất quán. Bạn vẫn không chắc chắn về những gì được yêu cầu, thời gian tối đa làm thêm giờ, hoặc khi nào có thể thực sự nghỉ ngơi. Những lợi ích ngắn hạn thường có thể mở ra những vấn đề dài hạn sâu sắc hơn.

Có thể cân nhắc tăng ca nếu đôi bên sòng phẳng

Lợi ích của việc làm thêm giờ là không thể phủ nhận. Nhưng điều này chủ yếu liên quan đến các tình huống mà thời gian làm thêm giờ là tùy chọn, nhưng ngay cả khi đó là chế độ bắt buộc, khoản tiền chi trả hợp lý cho nhân viên có thể biến nó thành tích cực. Để thực sự công bằng cho đôi bên, việc làm thêm giờ phải luôn được đáp ứng với một số hình thức trả công/thưởng – và điều đó phải thỏa đáng cho người lao động chứ không chỉ cho người sử dụng lao động. Rõ ràng, việc làm thêm giờ có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng công việc của nhân viên. Ở văn phòng quá lâu có thể khiến nhân viên mất động lực và trở nên chán nản.

Có một sự thật rằng không phải nhân viên nào cũng tính toán với cấp trên/công ty từng chút một, phần lớn sẽ cố gắng làm thêm một chút, cố thêm một chút. Nhưng ở chiều ngược lại, cấp trên/công ty lại tỏ ra dửng dưng và xem chuyện cống hiến của nhân sự là hiển nhiên. Tạm gác chuyện làm thêm giờ sẽ được trả thêm hoặc trân trọng hay không, cấp quản lý nên làm tốt chuyện quản lý khối lượng công việc cũng như điều phối nhân sự hợp lý, để các cộng sự của mình không phải gồng gánh tăng ca trong sự bất mãn. Mất đi một nhân sự lành nghề có thể tuyển mới nhưng vấn đề không được giải quyết từ gốc, thì đâu lại vào đấy.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article