Một người bị “cháy sạch” có nên vội vàng tìm việc mới?
Lifestyle

Một người bị “cháy sạch” có nên vội vàng tìm việc mới?

Bạn đang cảm thấy sức tàn lực kiệt tại chỗ làm. Kể cả khi bạn quyết định dừng lại để suy nghĩ nhiều hơn về định hướng mới thì bạn cũng quá mệt mỏi để tìm kiếm một công việc mới. Giờ bạn cần xử lý tình huống này như thế nào đây?

Có lẽ đến nay, bạn không còn xa lạ gì với hội chứng “burn-out” – gọi nôm na là “cháy sạch”, tình trạng kiệt quệ vì công việc và mất hứng thú với nó, được gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc. Môi trường làm việc ngày nay quá căng thẳng và áp lực, nhất là sau khi mọi thứ khởi động lại và chạy với một vận tốc khủng khiếp sau những trì trệ từ Covid-19. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tình trạng kiệt sức tại nơi làm việc là sản phẩm phụ của đại dịch. Thuật ngữ này đã xuất hiện từ năm 1970 để mô tả sự kiệt quệ mà các nhân viên làm dịch vụ đang trải qua. Trong những thập kỷ tiếp theo, “burn-out” đã được chứng minh là tồn tại trong hầu hết mọi ngành nghề, do đó được WHO xếp vào loại hiện tượng liên quan đến nghề nghiệp, và triệu chứng này được xem là dấu hiệu phổ biến của Gen Y.

Không may là tình trạng này là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất khi nó đang ngày càng lan rộng. Theo Michael Leiter, đồng tác giả của cuốn sách “The Burnout Challenge: Managing People’s Relationships With Their Jobs”, khía cạnh cốt lõi của kiệt sức là cảm thấy bị rút cạn năng lượng, hoài nghi và chán nản. Theo một thống kê hồi năm ngoái, 71% người lao động cho biết đã trải qua căng thẳng liên tục liên quan đến công việc. Ba trong năm nhân viên cho biết họ đã trải qua các tác động tiêu cực trong công việc do căng thẳng; đó đều là các tác động hàng đầu bao gồm thiếu sự hứng thú, động lực và năng lượng, khó tập trung và thiếu nỗ lực trong công việc – đó là tất cả các triệu chứng của “burn-out”.

Nếu công việc chỉ đơn giản là khiến bạn nản lòng hay bạn đã làm việc quá lâu mà không nghỉ ngơi, có thể một quyển sách hoặc một chuyến du lịch ngắn ngày có thể cứu vãn mọi thứ. Nhưng đến cả một nhiệm vụ rất nhỏ mà bạn vẫn không thể hoàn thành, liên tục ám ảnh với nó, vấn đề đã đến mức báo động. Một khi bị công việc “đốt cháy” triệt để, tán phá hoàn toàn như vậy thì liệu giải pháp tìm kiếm một công việc mới, đổi gió môi trường làm việc có khả thi không? Đây là một lựa chọn lý tưởng đó chứ! Nhưng ta biết thừa tìm việc là điều khó khăn nhất, dễ làm người ta nản lòng và hoài nghi mình nhiều nhất. Vậy liệu một người bị “cháy sạch” có còn đủ tinh thần và khả năng tìm được việc mới không và có nên làm hay chăng?

Câu trả lời là có.

Hãy tập trung vào chính mình

Bạn đừng để lo lắng “nghỉ việc này rồi có thể tìm khác tốt hơn ở đâu?” treo lơ lửng trong đầu. Thị trường việc làm hiện tại rất linh hoạt, nhiều cạnh tranh song cũng nhiều cơ hội. Điều bạn cần là tìm ra cách để tập trung sức lực của mình để hướng đến một mục tiêu quan trọng duy nhất. Lời khuyên của tôi là những khi bạn cảm thấy chông chênh và hoài nghi về mình dẫu cho từng có rất nhiều thành tựu đáng khen trong quá khứ, (nghe có chút nực cười khi mình nghĩ về bản thân yếu kém như thế, đúng không?) thì hãy chỉ làm một điều mà thôi, đó là tập trung vào bản thân, đừng đắm mình trong suy nghĩ tiêu cực đó nữa. Hãy dùng hết năng lực hiện có để lắng nghe mình trước hết và dốc hết mình làm điều bản thân muốn. Cụ thể hơn, có những bước bạn có thể thực hiện để bảo toàn năng lượng và tìm kiếm vai trò tiếp theo dù là bất kỳ ngành nghề nào.

Giải quyết tận gốc tình trạng kiệt sức 

Trước khi quyết định “nhảy” vào công việc mới, trước tiên hãy xác định điều gì đang khiến bạn kiệt sức. Khi hiểu rõ lý do tại sao bạn lại căng thẳng liên tục như vậy trong một thời gian dài, bạn có thể tránh bước vào một văn hóa làm việc khác cũng tiềm ẩn những vấn đề tương tự. Khối lượng công việc của bạn có quá nhiều/quá nhẹ nhàng khiến bạn không đạt được yêu cầu và cảm thấy buồn chán không? Bạn có cảm thấy cô đơn và bị đồng nghiệp xa lánh? Bạn có đang bị gạt ra khỏi danh sách được xem xét tăng lương hay thăng tiến cho một vai trò mới không?… Những chủ đề này đáng được thảo luận với người quản lý hiện tại của bạn và có thể được giải quyết, nếu sếp của bạn thật sự lắng nghe, quan tâm đến tình trạng của nhân viên và có thiện chí để cùng nhau giải quyết vấn đề. “Bạn đang tìm kiếm điều gì?” là câu hỏi bạn cần tự giải đáp trước khi đặt một viên gạch tiếp theo. Bởi vì việc bắt đầu một công việc hoàn toàn mới sẽ không dễ dàng, đặc biệt nếu bạn bị “cháy sạch”. Nhưng trong trường hợp sức khỏe tinh thần của bạn đang bị tàn phá nặng nề, đơn giản là tự cứu lấy mình thôi. Không cần nghĩ nhiều vào lúc này.

Nuôi dưỡng lại sự hứng khởi trong công việc

Nếu bạn đã quyết định tìm một công việc mới, sẽ rất hữu ích khi xác định công ty và vị trí lý tưởng tiếp theo bạn muốn dấn thân để tránh bị choáng ngợp bởi vô số việc làm trên các trang web tuyển dụng. Để bạn có thể hình dung điều kiện làm việc lý tưởng mình khao khát, hãy nghĩ về những khoảnh khắc từng làm bạn hạnh phúc, những điều làm bạn thăng hoa, phất khích tột cùng… và những điều bất cập của công việc cũ và lý do khiến bạn ám ảnh nó đến cùng cực, như phần tồi tệ nhất trong ngày là gì? Là lúc nhận tin nhắn công việc lúc 10 giờ đêm? Là khi bị giao deadline gấp đến vô lý? Hay là khi bị thao túng cảm xúc bằng những lời nói vòng vo không có trọng điểm? Những dự án/tình huống nào từ trên trời rớt xuống… trong ngày cuối tuần? Tất cả các yếu tố ban đầu góp phần vào việc kiệt sức của bạn có thể giúp định hướng cho bạn. Hãy dành thời gian khoảng 10-15 ngày để liệt kê tất cả chúng.

Chia nhỏ quá trình tìm việc

Quá trình tìm kiếm việc làm khó tránh lâu dài và gian khổ. Từ cập nhật sơ yếu lý lịch, tìm kiếm danh sách công việc, viết thư xin việc, lên lịch phỏng vấn, phỏng vấn thực tế, hoàn thành bài đánh giá kỹ năng và sau đó kiên nhẫn chờ đợi kết quả là quá sức đối với những ai đang bị burn-out. Trong 30 ngày đầu tiên, hãy cân nhắc các giá trị bạn đang tìm, sự ưu tiên bạn cần, và bạn muốn vai trò tiếp theo của mình trông như thế nào. 15 ngày tiếp theo, bắt đầu điều chỉnh lại CV, Porfolio,… Sau đó hãy bắt đầu gửi thư xin việc dần. Trong những ngày này, nói một cách chính xác thì bạn vừa tự trị liệu cho mình vừa chậm rãi khám phá lại mọi thứ. Bạn hoàn toàn có thể đẩy nhanh quá trình gợi ý nói trên nếu bạn cảm thấy mình thật sự ổn, trạng thái tinh thần khỏe mạnh. Nhưng bạn không nên để thời gian tìm và nghiên cứu việc mới chiếm hết quỹ thời gian trong ngày của mình, nó sẽ gây phản ứng ngược.

Tận dụng tối đa các cuộc phỏng vấn

Khi bạn đã và đang đối mặt với tình trạng kiệt sức, điều quan trọng hơn hết trong các cuộc phỏng vấn, hãy mạnh dạn đặt những câu hỏi cụ thể về văn hóa công ty và mọi vấn đề bạn muốn làm rõ. Bạn cần trao đổi cụ thể (nhưng tránh tạo cảm giác dồn dập và hỏi một cách thô lỗ) để xác định ranh giới giữa công việc – ngày nghỉ, xác định số ngày bạn có thể đến công ty và làm việc từ xa (nếu tính chất công việc không yêu cần luôn cần có mặt tại văn phòng), OT (tăng ca) có được nhận thêm phụ cấp hay không và lý do nếu không được hỗ trợ khoản tiền này,… Bạn sẽ không thể bước tiếp nếu trong lòng vẫn còn vướng mắc. Ai lại muốn có một cơn ác mộng thứ hai đúng không? Hãy chiến đấu cho chính mình, hiểu một công việc như thế nào sẽ làm mình hạnh phúc để có thể theo đuổi nó lâu dài.

 

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article