“Monkey Man” – Tham vọng “Leading Man” của Dev Patel!
LifestyleMusic & Film

“Monkey Man” – Tham vọng “Leading Man” của Dev Patel!

Trong vai trò đạo diễn kiêm nhà sản xuất, biên kịch chính… tài tử đến từ Anh quốc đã trưng trổ rất nhiều kinh nghiệm góp nhặt được qua 18 năm sự nghiệp, và “Monkey Man” đem tới nhiều hơn là một phim bạo lực đẫm máu. 

(Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim)

Đứng về kẻ yếu!

Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh một tay đấm bốc nghiệp dư, đầu đội chiếc mặt nạ khỉ, thoạt trông rất hung tợn và đáng sợ, song khán giả lại coi anh ta là kẻ phản diện, là trò tiêu khiển trả bằng mồ hôi và máu. Họ hò reo khi tay đấm bốc cùng chiếc mặt nạ ngã nhào xuống sàn đấu, chấp nhận thua cuộc. Bằng cách giả vờ khuất phục trước đối thủ, tay chơi đeo chiếc mặt nạ kia vừa có tiền công, vừa giúp ông chủ của mình hốt bạc nhờ vào việc đặt cược. Đó là đời sống ghẻ lạnh của gã trai có thân người thanh mảnh, tóc xoăn dài, rõ ràng là có xuất thân từ Ấn độ. Chàng thanh niên vô danh, không tên tuổi, trải qua những ngày vô định, kiếm đồng tiền ít ỏi và dường như không có mục đích.

Thế nhưng sau khi bị chính ông chủ chơi xỏ, anh quyết tâm phải tìm công việc kiếm được nhiều tiền nhưng lại không hề phạm pháp. Biết được hộp đêm ăn chơi hàng đầu trong thành phố Yatana dưới trướng Queenie – một ác nữ lạnh lùng và tàn nhẫn, gã thanh niên tìm mọi cách đạt được sự tín nhiệm, xin vào làm phụ bếp, chủ yếu vừa kiếm tiền, vừa tiếp cận mục tiêu thật sự mà anh ta hướng đến. Ở đây, anh chàng tự xưng là Bobby, kết thân với Alphonso – tay sai có tật, ma mãnh nhưng lành tính, hòng dựa vào Alphonso để tiếp tục thăng chức, lún sâu vào thế giới tội phạm dưới lốt một hộp đêm. Tất nhiên, Bobby vẫn không từ bỏ công việc đấm bốc, bởi nó huấn luyện cho anh sự đòn roi, chịu trận, và cả cách chiến đấu… để mong có ngày vận dụng. 

Từ nhỏ, Bobby đã côi cút, không gia đình, người mẹ thoắt ẩn hiện về trong ảo mộng của Bobby cho thấy anh không nguôi nỗi nhớ bà, và khiến người xem nhận ra, ẩn đằng sau mọi hành vi kì lạ và mờ ám của Bobby, chính là kế hoạch trả thù cho mẹ mình – một phụ nữ trẻ, hiền hậu và là người dẫn đường cho Bobby khi anh còn là một cậu bé. Sự thật đằng sau cái chết của người mẹ ra sao, và Bobby một mình chống lại thế lực hắc ám thao túng thành phố liệu có bất khả thi? 

Dev Patel lựa chọn hình ảnh chú khỉ, và một chú chó, tất cả là đều hoang đàng. Bobby đại diện cho tâm hồn đầy lòng thù hận, rối ren và yếu đuối trong khi đó nhân vật vụt sáng lên một cách rực rỡ nhờ vào tình yêu thương dành cho… chú chó hoang bị bỏ đói, suốt ngày mải mê kiếm ăn. Hai thân phận khác nhau, nhưng đều bị bỏ rơi giữa chốn đô hội, và Bobby đã tận dụng sự trung thành lẫn khôn ngoan của chú chó để giúp mình thực hiện kế hoạch đầu tiên trong chuỗi hành trình đầy gian truân, trắc trở. 

Tính hoang dã trong con người Bobby, không thể che giấu đi trái tim mẫn cảm mà có lẽ, sở hữu từ chính người mẹ. Đây vừa là yếu điểm, vừa là ưu điểm. Khi cần “nổi điên”, Bobby trở thành một Monkey Man đáng sợ, nhưng anh sẵn sàng cau mày, bức bối khi nhìn thấy hình ảnh những phụ nữ trẻ bị quấy rối bất chấp sự phản kháng của họ. Những chi tiết này không hề vô lý hay thái quá, mà đều được Dev Patel cài cắm để khiến “con thú hoang” bên trong Bobby trỗi dậy một cách hợp lý, từ đây người xem cũng cảm nhận được bản ngã thật sự ở trong Bobby.

Mượn tín ngưỡng để tạo dựng niềm tin

Nửa đầu “Monkey Man” không có quá nhiều cao trào, các pha hành động cũng không được sắp xếp rải rác… nhưng một khi cần thiết, thì hiệu ứng của những phân cảnh bao lực mang lại rất ấn tượng. Màn giao đấu đầu tiên diễn ra khi phim đã trải qua gần 60 phút chiếu, sự kiên nhẫn của Bobby cũng đánh đố sự kiên nhẫn của người xem, để khi bùng nổ thì gần như không gì có thể cứu vãn. Người xem tự hỏi liệu Dev Patel liều lĩnh quá không khi đẩy nhân vật của mình tới đường cùng một cách vội vàng, hay phải chăng anh còn dụng ý nào khác? 

Mỗi khi người mẹ của Bobby hiện diện trên màn ảnh, bà lại gợi mở cho con trai và chính khán giả, về một vị thần linh có tên Hanuman hình dáng đặc biệt với khuôn hàm nhô ra, cơ thể có cấu trúc tương tự như loài khỉ. Tuy nhiên Hanuman có sức mạnh phi thường, được ví von như Shiva – thần hủy diệt. Tất nhiên Bobby không phải Hanuman nhưng niềm tin xác tín vào lời răn dạy của mẹ ngày nhỏ đã giúp anh tin rằng, chỉ cần làm điều lương thiện, đúng lẽ phải, thì sẽ đến đích. Về mặt hiệu ứng hình ảnh, Hanuman và Bobby cũng có sự giao thoa, mang tới cảm giác siêu thực cho nhân vật này, mặc dù nó có phần lủng củng so với mạch phim. Nhưng nhờ yếu tố tâm linh, khán giả dễ chấp niệm với câu chuyện hình tượng Monkey Man của Bobby, đồng thời làm bật yếu tố tàn bạo “quái thú” bên trong nhân vật.

Không chỉ Hanuman, người xem còn được dịp nhìn thấu một phần văn hóa và đời sống của người Ấn bản địa, những người luôn có tín ngưỡng cao độ, và sống với niềm tin đó đến tận cùng. Ở khía cạnh này, không ai hiểu rõ hơn Dev Patel vốn có nguồn gốc Ấn độ, theo đạo Hindu và nói được một ít ngữ tộc Gujarati thuộc dòng họ ông cha. Mặc dù sinh trưởng tại London, song nếu như khán giả theo dõi Dev Patel có thể biết anh đã từng ở Ấn nhiều tháng trời để quay “Slumdog Millionaire” – phim đầu tay cũng là phim đưa tên tuổi Dev bước đến Hollywood. Vậy nên ngoài tín ngưỡng, yếu tố siêu thực, ở trong “Monkey Man”, người xem còn được thưởng thức vài phân cảnh thú vị về đời sống dân bản địa nghèo khó, cưu mang lẫn nhau. 

Một trong những hình ảnh đẹp nhất, mang nhiều ý nghĩa của “Monkey Man” là sự xuất hiện của vị thần Ardhanarishvara – trong đạo Hindu, được coi là vị thần lưỡng giới kết hợp giữa Shiva và Parvoti. Ngôi đền thờ phượng Ardhanarishvara được canh gác bởi Alpha – một người chuyển giới, đại diện cho cộng đồng LGBTQ+ đang lẩn trốn trước sự truy lùng của nhà nước vì bất ổn chính trị tăng cao. Alpha hay cộng đồng người chuyển giới có một thiên chức đặc biệt trong hành trình của Bobby, khiến anh thay đổi định mệnh mãi mãi.

Netflix buông lơi vì… sợ tranh cãi?

Trải qua giai đoạn ghi hình khó khăn vì đại dịch, công cuộc phát hành cũng trở ngại chẳng kém. Cách đây ba năm, Netflix đã mua bản quyền 30 triệu USD để phát hành trực tuyến “Monkey Man” tại nhiều quốc gia, họ tin tưởng khẩu hiệu “John Wick phiên bản Mumbai” sẽ giúp họ thành công, tuy nhiên sau khi xem bản nháp của bộ phim, yếu tố chính trị được khắc họa trong phim khiến Netflix từ bỏ ý định phát hành. Dev tất nhiên bất mãn với quyết định của Netflix, tuy nhiên may mắn đã mỉm cười khi Jordan Peele – đạo diễn nổi tiếng với loạt phim giật gân như “Get Out”, “Us”, “Nope”… đã xem phim và quyết định làm nhà sản xuất chính cho phim dưới mác công ty Monkeypaw Productions, đồng thời thuyết phục hãng Universal mua lại quyền phát hành từ Netflix với giá… chỉ 10 triệu USD.

Lựa chọn về với “đội Jordan Peele” có vẻ có lợi cho bộ phim và Dev Patel, đặc biệt khi phim chiếu giới thiệu tại SXSW đã tạo được hiệu ứng tích cực, nhà phê bình Peter Bradshaw của The Guardian hết lời ca ngợi và thậm chí cho “Monkey Man” 4/5 sao, điểm số cực kỳ ấn tượng với một phim hành động. Tất nhiên một số bài phê bình ở Mĩ có những luồng ý kiến trái chiều, chủ yếu nhắm vào nội dung truyền tải có phần mờ nhạt theo The New York Times, trong khi đó The Washington Post đánh giá phim thành công khi khắc họa sự phân cấp trong xã hội Ấn độ. Tờ The Washington Post cũng chỉ ra hình tượng phản diện Baba Shakti – một nhà môi giới quyền lực theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, có phần trăm thể hiện tương đồng thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đây có lẽ là yếu tố chết người khiến Netflix muốn lảng tránh “Monkey Man”. 

Bất chấp những tranh cãi xoay quanh nội dung phim, “Monkey Man” không thể phủ nhận là tác phẩm bạo lực đẫm máu, các phân cảnh hành động đều đạt tới trình độ mãn nhãn, dù không xa xỉ và hào nhoáng như những phim siêu người hùng kiểu James Bond hay Ethan Hunt… Hình tượng của Bobby, hay Monkey Man của Dev Patel như đã nói, mang tới góc nhìn thú vị và mới mẻ khi mô tả độ quyền uy, dũng mãnh xen lẫn hiểm nguy như một loài thú hoang. Ban đầu nhân vật này chiến đấu chỉ vì mẹ, nhưng mục đích ngày càng cao cả hơn, nhân vật chiến đấu vì những kẻ “thấp cổ bé họng” – minh chứng cho tham vọng trở thành “leading man” tại Hollywood của Dev. Âm nhạc của phim cũng tạo được điểm nhấn, mang không khí thời thượng pha trộn với âm điệu địa phương, giúp các cảnh quay trở nên lôi cuốn. Cảnh đấu tay đôi cuối phim giữa Bobby và Rana Singh – kẻ thủ ác ra tay sát hại mẹ anh, rất may mắn, đã được Dev Patel bày biện một cách chủ đích, có phong cách, kết hợp giữa góc quay, tiếng động… đem tới vài phút hành quyết nghẹt thở. 

Với kinh phí chỉ 10 triệu USD, chất lượng “Monkey Man” mang lại vượt trội, không chỉ hiệu ứng hình ảnh mà cốt lõi bộ phim cũng rất đáng bàn tán. Câu chuyện giàu – nghèo, số phận người chuyển giới bị lạm dụng, xem thường… hay công cuộc cải cách đất đai, mị dân với triết lí tôn giáo hoang đàng… đều đáng mổ xẻ và xem xét, như lời Dev Patel nói: “Bộ phim không chỉ đơn thuần vài ba cảnh hành động, nó có nhiều hơn thế…”. Tất nhiên với thời lượng hai giờ, phim xây dựng làm hai phần có thể là những điểm khiến khán giả phân tán và mất tập trung. Dev Patel là đạo diễn mới toanh, kiêm nhiệm rất nhiều vai trò trong phim, nên đôi chút loay hoay trong việc kết nối hai phần phim, song nỗ lực hàn gắn cảm xúc có xảy ra, khi những lát cắt quá khứ nhân vật được phơi bày – chứng tỏ anh làm phim nghiêm túc và can đảm. 

Ở tuổi 33, quá trẻ để Patel khởi động lại sự nghiệp điện ảnh tại Hollywood bằng “Monkey Man”, sau nhiều năm đóng vai chính nhưng chưa thành công. Liệu hình tượng Monkey Man có đem tới dấu ấn tân thời như John Wick, Yuda, Hutch Mansell, Bryan Mills? Câu trả lời phụ thuộc ở chính khán giả!

Bài: Đức Noise
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article