Modern Collectibles: Gặp gỡ người lưu giữ giá trị của thời gian Phạm Huy Cận
TimeBusiness

Modern Collectibles: Gặp gỡ người lưu giữ giá trị của thời gian Phạm Huy Cận

Phạm Huy Cận – một nhà sưu tầm đồng hồ, một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực thời trang, đã có những chia sẻ về mối liên hệ giữa thời trang và đồng hồ, cũng như phong cách đặc biệt của anh.

Phạm Huy Cận có lẽ là cái tên rất quen thuộc đối với các tín đồ và những ai làm việc trong mảng thời trang, nhưng trước khi hoạt động trong lĩnh vực này, anh từng có nhiều năm hoạt động trong ngành dịch vụ, trong đó nổi tiếng nhất là các thương hiệu F&B do anh sáng lập. Huy Cận được xem là một trong những người tiên phong đưa ẩm thực truyền thống Việt Nam lên một tầm cao mới.

Vào năm 2020, anh Huy Cận cùng ra mắt thương hiệu thời trang mới mang tên SIXDO. Với chất lượng cao cấp, nhưng giá thành dễ tiếp cận, anh kỳ vọng SIXDO sẽ trở thành người bạn đồng hành cho vẻ đẹp Việt Nam. Đồng thời, thương hiệu cũng hướng đến mục đích nhân văn, giúp đỡ trẻ nhỏ trong tương lai. Hiện SIXDO đã có 60 cửa hàng trên cả nước với 1.000 nhân sự.

Chào anh Huy Cận, rất vui được trò chuyện cùng anh! Đầu tiên, điều gì đã dẫn dắt anh trở thành một nhà sưu tầm đồng hồ?

Từ nhỏ, tôi đã đọc được một câu nói của Charles Darwin: “Người nào lãng phí 1 giờ đồng hồ, thì chưa nhận ra giá trị của cuộc sống”. Nhưng tôi nghĩ 1 giờ ấy, vẫn còn quá rộng lượng, thậm chí chỉ đôi ba phút thì việc lãng phí thời gian cũng dễ khiến con người rơi vào những sự tiếc nuối, hối hận. Có những cơ hội đến một lần và không bao giờ trở lại. Tôi chưa bao giờ muốn mình rơi vào cảm giác đó.

Lớn hơn một chút, tôi lại nhận ra giá trị của chiếc đồng hồ không đơn thuần dừng lại ở mục đích cơ bản đó. Chúng trở thành món phụ kiện tạo nên sự quyến rũ của quý ông. Gần đây, tôi có đọc được một tài liệu thú vị, rằng những người đàn ông mang đồng hồ luôn tạo cảm giác thu hút, an tâm hơn cho người đối diện. Nhưng điều đó, tôi đã sớm nhận ra cách đây rất lâu, ngay từ khi vừa tốt nghiệp, trở thành một nhân viên văn phòng. Đến khi có sự nghiệp kinh doanh riêng, chiếc đồng hồ lại trở thành một trong những biểu tượng của sự thành công. Chúng trở thành vật bất ly thân của bất kỳ doanh nhân nào.

Thường mỗi doanh nhân sẽ có một chiếc đồng hồ đặc biệt gắn liền với họ. Hơn 10 năm qua, khi chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh thời trang. Đồng hồ lại trở thành món phụ kiện không thể thiếu với tôi, vì chúng là một trong những thành tố cấu thành nên vẻ ngoài, là một trong những ngôn ngữ để miêu tả vẻ đẹp của một quý ông.

Trở thành một “ông bố” của 9 “đứa trẻ”, đồng hồ và sự chuyển động của chúng lại nhắc nhớ tôi dành thời gian cho con trẻ, bên cạnh công việc. Theo năm tháng, chiếc đồng hồ lại mang thêm một tầng nghĩa trong cuộc sống của tôi. Tôi không dám gọi mình là một nhà sưu tầm, mà chỉ xem mình là một người biết chơi, biết sử dụng đồng hồ. Tôi đã từng sở hữu rất nhiều đồng hồ thuộc nhiều thương hiệu đình đám trên thế giới. Từ khi ra trường tôi đã sử dụng đồng hồ đến từ các thương hiệu như: Cartier, Chopard, Montblanc… Nhưng hiện tại bộ sưu tập được tinh gọn hết sức có thể. Bởi có lẽ, càng có nhiều trải nghiệm sống, cách nhìn của chúng ta với mỗi thứ xung quanh đều có sự thay đổi.

Nếu như ngày trẻ, đó là sự ham thích tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh thì nay tất cả chỉ gom lại ở từ: giá trị.

Chiếc đồng hồ đầu tiên mà anh Huy Cận sở hữu là mẫu gì? Và điều gì đã khiến anh chọn chiếc đồng hồ đó làm “người bạn đồng hành” đầu tiên của mình?

Chiếc đồng hồ đầu tiên tôi sở hữu là Cartier Santos de Cartier. Đó là chiếc đồng hồ màu bạc, dây kim loại, thiết kế mặt số vuông tối giản. Bạn có thể mang đến nơi công sở với quần âu, sơ mi lịch lãm, cũng có thể diện cùng quần jeans, áo phông trẻ trung, năng động. Có một thực tế, rằng đồng hồ chỉ là vật dụng bên ngoài, nhưng lại thể hiện được một phần tính cách, gu thẩm mỹ của cá nhân. Từ lâu, tôi đã thích và hướng đến phong cách tối giản, thời thượng. Về yếu tố này, đồng hồ Cartier Santos de Cartier hoàn toàn đáp ứng được. Đến nay, tôi vẫn có thể sử dụng mà không hề bị lỗi mốt.

Thiết kế cứng cáp là một trong những điểm cộng lớn khiến tôi quyết định sở hữu chiếc đồng hồ này. Ít nhiều chúng tạo niềm tin cho người đối diện vào sự vững chãi, bản lĩnh bên trong của người sở hữu. Điều đó hữu ích, để tạo sự kết giao trong công việc, ngay từ lần gặp đầu tiên. Người đủ tinh tế, sẽ nhận ra được điều đó. Giá của chiếc đồng hồ này khá rẻ so với nhiều mẫu khác hiện tôi đang sở hữu.

Nhưng những gì đầu tiên trong đời đều đáng nhớ, đáng trân trọng. Người Á Đông thường hay quan niệm rằng: “Đầu xuôi đuôi lọt”, nhằm nói lên tầm quan trọng và sự may mắn khi khởi đầu trong một công việc, một chặng hành trình mới.

Tôi tin ít nhiều chiếc đồng hồ đầu tiên này đã góp phần tạo nên điều đó, ít nhất giúp tôi thấy tự tin hơn – chìa khoá để mở ra những cánh cửa thành công.

Anh Huy Cận đã bước vào thú chơi đồng hồ được bao nhiêu năm? Và thương hiệu/mẫu đồng hồ nào trong bộ sưu tập của anh là chiếc đồng hồ/thương hiệu anh yêu thích nhất & tâm đắc nhất?

Từng sử dụng qua nhiều thiết kế, nhưng chiếc đồng hồ tôi thích nhất là A. Lange & Söhne Datograph Up/Down. Nhắc đến đồng hồ, Thuỵ Sĩ là quốc gia đầu tiên được gọi tên. Nhưng A. Lange & Söhne xuất xứ từ Đức. Tôi có ấn tượng đẹp với hàng hoá xuất xứ từ quốc gia này, chẳng hạn đã dùng xe Mercedes rất nhiều năm. Thiết kế mang vẻ đẹp mạnh mẽ, hiện đại với tông màu đen làm chủ đạo. Thoạt nhìn, mặt đồng hồ có nhiều chi tiết phức tạp nhưng được bố trí tinh tế, giúp người dùng dễ dàng quan sát vào những cơ cấu chỉ báo, thông tin khác nhau. Mặt số được làm từ bạc nguyên chất với một lớp mạ đen, trong khi bộ vỏ được làm bằng platinum.

Qua nắp lưng sapphire, ta có thể thấy được sự hấp dẫn của rất nhiều chi tiết nhỏ bé, được sắp xếp đan xen lẫn nhau, vô cùng ấn tượng, như mô tả sự sống đang vận động không ngừng. Mỗi chi tiết đều đạt đến sự hoàn hảo. Về màu sắc lẫn chất liệu, A. Lange & Söhne Datograph Up/Down không quá hào nhoáng, nhưng lại toát lên vẻ đẹp sang trọng, cuốn hút đến từ vẻ điềm tĩnh, sự khiêm nhường.

Chiếc thứ hai cũng nằm ở vị trí tương đương là Patek Philippe Nautilus Ref. 5712/1A-001. Chiếc đồng hồ này có thể đeo ở rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, đều phù hợp. Đó là tính hữu dụng mà tôi luôn đề cao, ngay cả trong con đường kinh doanh thời trang của mình. Thiết kế ra đời năm 2006, đến nay giá bán tăng lên khoảng 120.000 – 150.000 USD với các giao dịch trên thị trường.

Nghĩa rằng, giá trị của chúng tăng dần theo giời gian. Và đó cũng là điều khiến những người sành chơi đồng hồ cảm thấy thích thú. Chúng không còn đơn thuần là một món phụ kiện, trang sức mà đã được nâng tầm trở thành một vật phẩm có giá trị, ý nghĩa.

Là một nhà sưu tầm đồng hồ, anh có đặc biệt ưu ái và dành tình yêu cho một dòng đồng hồ nào nhất định, cũng như đặt mục tiêu sẽ bổ sung vào bộ sưu tập của mình một phiên bản mới của bộ sưu tập đó không?

Tôi có ý định sở hữu thêm đồng hồ Patek Philippe Ref. 5711/1R-001 với tông màu vàng bắt mắt. Tôi thường diện trang phục đen, nên phiên bản này sẽ tạo nên sự kết hợp hoàn hảo. Thiết kế tối giản, sang trọng nhưng lại dễ dàng tạo được ấn tượng với người đối diện. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, quan điểm của tôi về việc sở hữu một chiếc đồng hồ cũng khác đi nhiều so với trước đây. Ở tuổi 30, bạn sẽ có khao khát được sở hữu mãnh liệt. Nhưng đến khi bước gần nửa con dốc cuộc đời, bạn sẽ nhận ra giá trị thật mà mình mong muốn có được. Đó là lúc con người trưởng thành trong suy nghĩ, và biết đủ về nhu cầu vật chất. Tôi tin ai cũng sẽ như thế mà thôi. Tôi cũng không ngoại lệ.

Dĩ nhiên, với một người làm việc trong ngành thời trang, nơi luôn hướng đến cái đẹp, xem cái đẹp là mục tiêu tối thượng thì nhu cầu sở hữu thêm những vật phẩm làm đẹp là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, với những gì đã có, tôi tự tin có thể mang chúng đi khắp nơi, sử dụng ở mọi hoàn cảnh. Thị trường đồng hồ cũng như thời trang, luôn vận hành và thay đổi không ngừng. Thay vì chạy theo những xu hướng, tại sao chúng ta không trở thành người đón đầu bằng cách sở hữu những thiết kế có tính ứng dụng cao, vẻ đẹp bền bỉ theo năm tháng.

Tôi chọn hướng về giá trị, thay vì tham gia vào những cuộc đua. Có lẽ điều đó không hợp với tính cách hay vị trí của tôi hiện tại.

Hy vọng anh có thể chia sẻ về bộ sưu tập cá nhân của anh.

Thật sự khó để kể hết những chiếc đồng hồ tôi từng sử dụng qua. Tuy nhiên, tôi có thể nhắc đến một số chiếc quý và tôi vẫn đang sử dụng thường xuyên: A. Lange & Söhne Datograph Up/Down, Patek Philippe Nautilus Ref. 5712/1A-001, Audemars Piguet Royal Oak Chronograph và Rolex Cosmograph Daytona bản vỏ thép…

Anh Huy Cận có nhận định như thế nào về xu hướng và thú chơi đồng hồ ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại? Anh có thể đưa ra lời khuyên nào cho những người mới bắt đầu thú chơi này?

Thực tế, ở bất kỳ nơi đâu cũng sẽ có 2 nhóm chính. Nhóm sở hữu để thể hiện sức mạnh về kinh tế và nhóm thể hiện được niềm yêu thích, sưu tầm đúng nghĩa. Nhóm nào cũng được các thương hiệu yêu thích cả vì đều góp phần vào việc kinh doanh của họ mà (cười). Tuy nhiên, việc gì được xây dựng trên nền tảng của kiến thức, sự hiểu biết thì giá trị lúc nào cũng lớn hơn. Tôi tin là vậy. Cách sử dụng đồng hồ cũng thể hiện sự tinh tế, thông minh trong cách chi tiêu của người sở hữu. Sự phát triển của mạng xã hội, internet khiến ranh giới về địa lý, không gian hầu như bị xoá bỏ. Vì thế, kiến thức về đồng hồ cũng được giới đam mê cập nhật dễ dàng hơn. Tôi từng thấy những bạn trẻ nhưng có am hiểu sâu rộng về đồng hồ. Đó là tín hiệu vui cho thấy họ đang tìm hiểu về giá trị của thương hiệu, ý nghĩa của thiết kế, thay vì chỉ tập trung vào giá cả, sự hào nhoáng bên ngoài.

Tôi nghĩ việc sở hữu số lượng bao nhiêu không quan trọng bằng chất lượng và giá trị sử dụng. Vì thế, tôi nghĩ với một người có điều kiện kinh tế bình thường, nên sở hữu 3 chiếc đồng hồ. Trong đó, chiếc đồng hồ dây kim loại, thường để đeo trong sinh hoạt hằng ngày. Chiếc đồng hồ dây da sẽ sử dụng trong những dịp trang trọng hơn. Đặc biệt, mỗi quý ông nên có một chiếc đồng hồ bằng vàng hồng, bởi vừa trẻ trung, hiện đại, nhưng cũng rất lịch lãm, cuốn hút. Ưu điểm của chúng là phù hợp với nhiều màu da, và dễ kết hợp cùng trang phục.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Bài: Tôn Bình
Ảnh: RABHUU
 

Related Article