Bén duyên với nhiếp ảnh từ năm 19 tuổi, Hoàng Trần (Zach) đã có sự nghiệp 5 năm tại Việt Nam. Tuy nhiên, anh đã chấp nhận bỏ lại tất cả để đi du học và phát triển tài năng.
So với tất cả các tài năng trẻ từng được chúng tôi giới thiệu trên #MFTalentHub thì Hoàng Trần có chút khác biệt. Bởi lẽ, anh được không ít bộ ảnh trên các tạp chí thời trang lớn tại Việt Nam trước đây. Thế nhưng, Hoàng Trần vẫn cảm thấy bản thân vẫn còn thiếu dấu ấn cá nhân của mình trong từng bức ảnh. Gạt bỏ tất cả, anh lên đường sang Pháp du học và tốt nghiệp từ trường Spéos International Photography School.
Nơi đất khách quê người, anh trải qua những khó khăn không chỉ đến từ việc vượt qua cái bóng quá khứ của bản thân, mà còn là những cám dỗ của tiền bạc và địa vị. Hoàng Trần của ngày hôm nay trầm lắng và sâu sắc hơn xưa, điều đó cũng thể hiện qua những bộ hình của anh trong thời gian gần đây. Cũng như người ta thường nói, đóa hoa nở hai lần mới chính là bông hoa rực rỡ nhất.
Xin chào Hoàng Trần, tôi thấy trên trang cá nhân vài ngày trước là anh hiện đang có chuyến du lịch đến Ý. Anh cảm giác như thế nào khi được đi du lịch sau một khoảng thời gian giãn cách rất dài?
Nếu bạn nào có theo dõi tin tức thì cũng biết hơn một năm rưỡi qua, nước Pháp cách ly và tôi hầu như không được đi du lịch. Nên chuyến đi Ý lần này đối với tôi như cá gặp nước vậy đó. Được ngâm mình xuống biển, thả trôi theo con sóng cảm giác thật là thích. Tôi còn được khám phá thêm về vẻ đẹp của nước Ý với những khu vườn chanh và oliu men theo các con đường, những căn nhà màu sắc ấm nóng cheo leo trên vách đá hướng ra biển. Hay là được diện kiến một Milan xa hoa và lộng lẫy, với những khung cửa trưng bày khiến tôi ngẩn ngơ đứng nhìn. Đây thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời, nhất là sau khoảng thời gian menu chỉ là phòng ngủ và căn bếp.
Trong nhiều bài phỏng vấn, anh cho biết bản thân đang đối mặt với chứng trầm cảm. Vậy anh lúc này thế nào rồi?
Tôi đã đối mặt với trầm cảm và tự hào là đã vượt qua giai đoạn đó. Tôi biết cách trân trọng cuộc sống hơn, yêu đời hơn và đang sẵn sàng bùng nổ với những dự án mới.
Ở thời điểm hiện tại, sức khỏe tinh thần luôn là điều tôi quan tâm nhất và luôn dành thời gian để suy nghĩ và hoàn thiện bản thân theo chiều hướng tích cực. Làm sao để sau này khi rơi vào trạng thái tương tự, tôi sẽ có cách để vượt qua nó mà không để ảnh hưởng đến cuộc sống và những người xung quanh.
Vì sao anh lại chọn lĩnh vực nhiếp ảnh gia Beauty?
Sau khoảng thời gian trải nghiệm với đủ các thể loại hình ảnh, tôi nhận ra được thế mạnh về bắt nắm cảm xúc gương mặt và độ nhạy với tất cả những thứ gắn liền với gương mặt. Đó là trang điểm, chiếc bông tai, kiểu tóc hay đơn giản là một làn da đẹp. Từ một nhiếp ảnh gia thời trang, tôi quyết định rẽ hướng và tập trung vào lĩnh vực Beauty này, vì đây là một vùng đất có nhiều tiềm năng để khám phá.
Tôi đã có khoảng thời gian học tập và làm việc tại Pháp, một đất nước ngoài nổi tiếng với Paris – kinh đô thời trang, họ còn được biết đến với nền công nghiệp chăm sóc sắc đẹp đứng đầu thế giới. Niềm tin và sự lựa chọn của tôi càng được củng cố hơn. Bằng chứng là sản phẩm tôi tạo ra được đón nhận một cách rất tích cực.
Anh từng chia sẻ, 3 năm trước anh quyết định du học Pháp để tìm ra dấu ấn riêng của mình. Vậy, phong cách hiện tại của nhiếp ảnh gia Hoàng Trần là gì?
Một câu hỏi hay. Ngày xưa, tôi luôn nghĩ phong cách là được định hình qua màu sắc, kỹ thuật chụp. Tuy nhiên, tư duy này đã thay đổi hoàn toàn khi đến Pháp. Tất nhiên những thứ nói trên cũng góp một phần nhỏ, nhưng ở hiện tại, tôi cho rằng mình là một người khai thác nội tâm câu chuyện nhiều hơn là hình thức. Mỗi bộ hình, mỗi dự án được ra mắt, người xem phải cảm nhận được thông điệp mình muốn nói mà không cần giải thích dài dòng.
Trong một buổi triển lãm ở Paris, tôi nghe một người nói: “nghệ thuật mà dễ hiểu thì đâu còn là nghệ thuật nữa”. Tôi không đồng ý với điều đó .
Với vai trò một người trẻ làm nghệ thuật, nhiệm vụ của tôi là mang cái đẹp đến gần với mọi người. Để làm được điều đó thì mọi người phải nhìn thấy bản thân qua bức ảnh. Những câu chuyện mà tôi kể qua hình ảnh rất đời, hay thậm chí là nó thuộc về cá nhân của từng người. Đơn giản như bạn thấy đó, tôi mang câu chuyện loay hoay với những dòng suy nghĩ cá nhân vào bộ hình nhưng lại khiến nhiều người đồng cảm được.
Anh khởi nghiệp từ năm 19 tuổi và đã có không ít thành tựu. Khi ra đi và bỏ lại tất cả phía sau thế này, anh có từng lo cái tên “Hoàng Trần” sẽ bị quên lãng?
Tôi sợ chứ. Tôi sợ khi về nước sẽ không ai nhớ, không ai book chụp nữa. Trước khi đi, tôi cũng đắn đo suy nghĩ nhiều lắm, nhưng tôi tự đặt câu hỏi nếu ở lại và một hai năm sau chỉ dừng lại ở đây thì có nên thử liều một lần hay không? Lúc đó tôi cũng còn trẻ, còn ngông, ham mê trải nghiệm lớn, nên tôi quyết định là phải đi để học được nhiều hơn. Và may mắn là đến giờ tôi chưa một ngày nào hối hận về lựa chọn đó cả.
Khi chụp ảnh, anh thường chú trọng yếu tố nào nhất?
Khi chụp beauty thì trang điểm, tóc tai và ánh sáng là hai thứ tôi chú ý nhất.
Vì tôi tập trung phát triển trong studio, nên ánh sáng là một yếu tố quan trọng. Là một người được đào tạo bài bản về ánh sáng, tôi sẽ có những yêu cầu khắt khe hơn và cầu toàn hơn. Trước khi chụp, tôi sẽ phải kiểm tra rất nhiều lần để chắc chắn rằng đó là loại ánh sáng mình muốn trong bức ảnh.
Kỹ thuật chỉ nên là công cụ, không nên là rào cản để sự sáng tạo phát triển.
Trên set chụp, hình từ máy ảnh ra phải đạt được trên 80% ý tưởng tôi muốn thể hiện, ngoại trừ những yếu tố không thể can thiệp được trên set như lồng ghép kỹ thuật 3D. Để tránh phải bỏ ra hàng giờ hậu kỳ thì tôi luôn kiểm tra tóc có ổn chưa, trang điểm có hợp lý chưa. Nếu chưa thì tôi sẽ yêu cầu makeup artist và hairstylist chỉnh ngay tại chỗ cho đúng ý mình.
Với Hoàng Trần, thế nào là một bức ảnh đẹp?
Trước khi chụp, tôi thường đã tưởng tượng bức ảnh cuối cùng sẽ như thế nào. Tôi thường không sáng tạo trên set. Những công việc đó phải được hoàn thành trước khi vào set chụp.
Một bộ ảnh phải có đời sống riêng, có ý nghĩa riêng mà người xem có thể liên hệ được.
Như trong trường hợp của tôi, có những bạn xem xong rồi khóc, hay có những bạn nhớ lại kỷ niệm, những ngày tháng bơ vơ khi còn là du học sinh. Đó là sự sống của bức ảnh, nó có thể len lỏi, chạm đến cảm xúc của người xem. Nên đối với tôi, một bức ảnh đẹp là bức ảnh thể hiện đúng ý tưởng ban đầu và có đời sống riêng của nó.
Tôi rất thích cảm giác ma mị, quyến rũ trong các tấm hình của anh. Làm sao anh có thể bắt được những khoảnh khắc độc đáo như thế?
Sự tưởng tượng của con người là vô hạn. Như tôi đã nói ở trên, trước khi chụp mình đã phải suy nghĩ làm sao để tạo ra được tấm hình mà mình muốn và cố gắng chuẩn bị trước tất cả mọi thứ để có được kết quả đó. Song, tất nhiên phần còn lại phụ thuộc vào độ xuất thần trong diễn xuất của người mẫu và tay nghề của nghệ sỹ trang điểm và làm tóc. Những gì không kiểm soát được, tôi thường có xu hướng chuẩn bị kỹ hơn. Tôi sẽ lựa chọn rất kỹ gương mặt mẫu và ekip để gửi gắm ý tưởng của bộ hình. Nói là vậy, nhưng cũng không ít lần mọi chuyện không như ý. Nếu chuyện như vậy xảy ra thì mình sẽ hẹn mọi người để chụp lại đến khi mình có sản phẩm ưng ý thì thôi.
Điều gì khiến một người trở nên khó chụp?
Khi họ không tin tưởng vào bản thân. Là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ngoài kỹ thuật, độ nhanh nhạy trong giải quyết tình huống thì một kỹ thuật cần phải có là biết cách làm cho người mẫu thoải mái và tự tin. Dù là người mẫu chuyên nghiệp hay nghiệp dư hay khách hàng, thì sẽ luôn có khoảng khắc họ không cảm thấy tự tin, nhiệm vụ của tôi là làm cho họ tin và nhập vào vai trong buổi chụp. Những lời động viên như: “đẹp lắm!”, “đúng rồi!” hay những lời hướng dẫn như: “trả mặt qua trái một xíu” “ cằm gần vai hơn một xíu”… sẽ làm cho người đứng trước ống kính cảm thấy được khích lệ và diễn xuất thần hơn. Trong tất cả mọi tình huống giao tiếp sẽ là chìa khóa.
Anh từng chia sẻ rằng bản thân chỉ muốn mang đến hơi thở tích cực trong hình ảnh mà mình tạo ra. Đâu là mặt trái của ước muốn này?
Ai mà không muốn lan truyền năng lượng tích cực nhỉ, tôi cũng thế thôi. Vì cuộc sống có quá nhiều thứ phải lo lắng rồi. Khi chiêm ngưỡng nghệ thuật, đâu ai muốn xem một thứ gì đó mà khiến lòng nặng trĩu hay tức giận. Tuy nhiên không phải chia sẻ một nụ cười hay một lời động viên mới là tích cực.
Có những trường hợp nói lời “cố lên” lại không phù hợp hay một hình ảnh tươi sáng không giải quyết được gì cả.
Bản thân tôi lúc tâm trạng không ổn định, nếu nhận được lời động viên thì không chắc tâm trạng sẽ khá hơn. Tôi cần giải tỏa sự bí bách đó bằng cách gửi gắm những suy nghĩ vào hình ảnh. Tuy là nhìn hơi ma mị một tí, nhưng đâu đó mọi người vẫn nhìn thấy những điểm tĩnh trong cơn sóng tâm trạng, đó cũng là những điểm sáng trong cảm xúc của mình. Mọi người có sự kết nối về mặt cảm xúc với tác phẩm, làm họ cảm thấy được đồng cảm và chia sẻ, cho họ cảm giác không đơn độc. Từ đó mà có những phản hồi, thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Đó cũng là một cách để lan tỏa năng lượng tích cực.
Hoàng Trần có vẻ là một người khá hà khắc với bản thân và các tác phẩm mình tạo ra. Vậy trong thời điểm nào của cuộc đời mà anh hoài nghi về chính mình nhiều nhất?
Khi mới đặt chân đến Paris. Tất cả mọi thứ còn quá mới mẻ, như một tấm áo trắng, tôi đi gõ cửa rất nhiều nơi để tìm kiếm cơ hội. Cuối cùng, tôi nhận được một lời đề nghị đánh đổi tình dục từ một người có tiếng nói để có cơ hội tiếp cận với ngành công nghiệp xa hoa này. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ là một ngày cuộc đời mình sẽ như một bộ phim, tất cả những gì chỉ thấy trên phim ảnh đều trải ra trước mắt mình.
Lúc đó tôi hoang mang lắm, vừa chân ướt chân ráo tới kinh đô thời trang mà lại nhận được lời đề nghị thẳng thừng như vậy khiến tôi nghi ngờ rất nhiều về bản thân và khả năng. “Mình có thể làm được nếu không đánh đổi?” Cuối cùng, tôi từ chối lời đề nghị đó và đóng lại cánh cửa đầy cám dỗ kia, với quyết tâm sẽ tự thân vận động.
Những khoảnh khắc đó đã ảnh hưởng thế nào đến sự sáng tạo của anh?
Sự việc trên không những không làm tôi chùn bước, mà nó còn là một tác nhân thúc đẩy mình phải cố gắng làm mới và hoàn thiện bản thân hơn. Từ đó, tôi mở to đôi mắt và tiếp thu nhiều nhất có thể từ trường lớp và những người mình có cơ hội tiếp xúc. Đó cũng là lúc tư duy hình ảnh của tôi được thay đổi nhiều nhất, tạo nền tảng cho bản thân phát triển hơn trong sự nghiệp. Những dự án về triển lãm hình ảnh bản thân hay các dự án xoay quanh cũng từ đó mà ra đời.
Tôi phải thầm cảm ơn con người đã đưa ra lời đề nghị trên, cũng vì họ mà mình tăng thêm sự quyết tâm phải chứng tỏ bản thân và vượt qua rất nhiều khó khăn để có ngày hôm nay.
Là người đứng sau ống kính, anh cảm thấy thế nào mỗi khi bản thân là người được chụp ảnh?
Cảm giác cực kỳ khác nhau giữa việc đứng trước và sau ống kính. Khi tôi là người chụp, mình nhìn thấy khung hình và điều khiển nó, tôi biết được kết quả sẽ ra như thế nào, đưa tôi vào thế chủ động và tự tin hơn. Cảm giác “bị” chụp hình là hoàn toàn khác, tôi không thể hình dung được cử động của cơ thể sẽ xuất hiện như thế nào trong tấm hình. Điều đó khiến tôi kém tự tin hơn và có thể nói là không thoải mái lắm.
Đâu là lời khuyên nhiếp ảnh đắt giá nhất mà Hoàng Trần từng nhận được?
Có 2 lời khuyên mà tôi cho là đắt giá nhất trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình:
Lời khuyên thứ nhất: “ Chụp chậm lại” ( lời khuyên từ người thầy đầu tiên). Lúc mới cầm máy, tôi chụp rất vội. Tôi bấm hàng chục tấm một và tìm trong những tấm đó một tấm hình ưng ý. Có thể gọi việc chụp như vậy là “ăn may”. Từ khi nhận được lời khuyên chụp chậm, tôi đã phải nhắc đi nhắc lại và luyện tập để thay đổi thói quen, và cuối cùng là điều khiển được bản thân. Tôi bây giờ chụp nhanh nhưng không vội, có suy tính trước chứ không ăn may như trước nữa.
Lời khuyên thứ hai: “ Hãy nhìn những bộ hình như một dự án dài hơi” ( lời khuyên từ người thầy dạy môn “Cái tôi trong hình ảnh – Image Identity” ) . Lúc trước, mỗi buổi chụp với tôi là một bộ hình, và tôi sẽ hoàn thành nó như một bộ hình riêng lẻ. Để trở thành một người nghệ sĩ sáng tác, nó đòi hỏi thời gian nhiều hơn để nghiên cứu về một chủ đề, chụp hàng chục ngàn tấm hình để có được một bộ ảnh đẹp. Có những dự án được chụp trong 20 năm, cái khác lại trong 6 năm. Từ khi hiểu được điều đó, tôi luôn nhìn những dự án ảnh của mình dài hơi hơn là một buổi chụp thông thường.
Dự án “The Tears” là một trong số đó, nó nói lên sự đấu tranh mãnh liệt của những người mẫu da màu trong nền công nghiệp thời trang nói riêng và sự phân biệt đối xử tồn tại giữa các màu da nói chung. Để lột tả được câu chuyện như vậy, không thể qua một hoặc hai buổi chụp là có thể hoàn thành, mà nó thật sự cần nhiều thời gian hơn thế.
Cảm ơn Hoàng Trần vì cuộc trò chuyện này! Có dự án thú vị nào mà anh hiện đang ấp ủ không?
Về dự án thì tôi có rất nhiều. Song song với việc tiếp tục thực hiện các dự án ảnh và triển lãm ảnh cá nhân, tôi còn rẽ hướng sang phát triển mảng chăm sóc da. Như bạn đã biết thì trong khoảng thời gian bị trầm cảm, skincare như là cái phao đã giúp tôi “vào bờ” an toàn. Tôi cảm thấy đó cũng là một cái duyên và quyết định phát triển nó song song với sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Tôi cũng đã bắt tay vào thực hiện một thương hiệu chăm sóc da tận dụng lợi thế ở trời âu của mình. Sẽ là một sự kết hợp rất thú vị từ nguồn cảm hứng thiên nhiên Việt Nam và thế mạnh công nghệ của Pháp. Hy vọng là một ngày không xa sẽ có cơ hội chia sẻ thêm với Men’s Folio về một lĩnh vực mới!