Thay vì vang danh nhờ một tác phẩm, nghệ sỹ printmaking Kai (Lê Đức Thọ) lại nổi tiếng như một trong những người đầu tiên phổ biến bộ môn in lino đến giới trẻ Việt Nam qua những workshop nghệ thuật.
Thời gian gần đây, các workshop về nghệ thuật đang dần chiếm được cảm từ từ đông đảo các bạn trẻ. Bởi lẽ, họ không chỉ được thử sức với những môn nghệ thuật mới, mà đây còn là một phương pháp hữu hiệu để xả stress. Lần đầu tiên tôi gặp Kai cũng tại một workshop như thế.
Đó là vào năm 2019, tại lớp in lino ở Chesse coffee. Vốn là một kẻ học đạo, nhưng tôi cũng chỉ biết đến in mộc bản qua tranh Đông Hồ. Do đó, cái tên workshop lúc ấy “in lino” đã khiến tôi vô cùng tò mò và còn ấn tượng hơn với anh hướng dẫn điển trai cùng lối giảng dạy dễ hiểu. Hữu duyên thiên lý, năng tương ngộ. Thật may mắn là hai năm sau, tôi gặp lại anh và có cơ hội hiểu thêm về anh chàng này.
Kai vốn không phải là một người giỏi ăn nói. Anh không thích nói quá nhiều về bản thân mình. Tuy nhiên, khi nhắc đến bộ môn print-making, anh có thể nói rất nhiều và liên tục. Sở dĩ, chúng ta phải chấp nhận cái tên tiếng anh print-making vì vẫn chưa có từ tiếng Việt nào đủ sức diễn tả được sự phổ quát của bộ môn nghệ thuật này. Thậm chí, cả việc thực hiện chúng cũng phức tạp nốt!
Kai lần đầu biết về print-making khi đi du học tại LASALLE College of the Arts ở Singapore. Lúc đầu, anh chỉ định học về graphic, nhưng lại được các thầy cô định hướng qua ngành fine art. Fine art bao gồm nhiều kỹ thuật và Kai đã chọn print-making. Nghe Kai say sưa kể về khoảng thời gian học ở trường và “ăn dầm nằm dề” trong xưởng, tôi có thể thấy anh đã tận hưởng bộ môn này nhiều thế nào. Anh bảo, mình thích print-making vì nó có nhiều bước. Cái đặc biệt của ngành in là sẽ sử dụng một bảng gọi là bảng ma trận (matrix). Đối với in lụa, đó là cái khung, đối với in lino là bản mộc.
Theo những gì tôi từng được học trong workshop của Kai, việc tạo nên một tác phẩm in bắt đầu bằng việc vẽ phác thảo. Sau đó, sử dụng bộ dụng cụ gồm 5 món, bạn bắt đầu khắc theo từng nét mà mình đã vẽ. Cuối cùng, bạn bôi màu lên và in ra. Lý thuyết thì có vẻ đơn giản như thế, nhưng việc thực hiện đòi hỏi sự tập trung cao độ. Sai một li là đi một dặm. Chỉ cần đục lệch một nét là tác phẩm đã bị hỏng.
“ Bản khắc rất quan trọng đối với người học printmaking. Độ bền của một bản khắc còn tùy thuộc vào loại gỗ. Một số bản chỉ in được mấy chục lần là đã hư rồi!”
Kai giải thích, có nhiều phương pháp in khác nhau với đa dạng chất liệu. Tác phẩm lâu nhất mà anh từng thực hiện là in trên đá sử dụng axit. Còn phương pháp in trên miếng đồng thì phải khắc từng nét, xong cho axit vào để tạo ra bản in đó. Anh tận hưởng toàn bộ quá trình từ lúc vẽ cho đến khi khắc ra thành phẩm cuối cùng. Thêm nữa, do thời gian làm quá lâu với nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải đặt toàn bộ cái tâm vào tác phẩm của mình.
“Đó là một quá trình dài. Tôi có thể chiêm nghiệm về nhiều thứ trong lúc làm”.
Sau bốn năm, anh quay trở lại quê nhà và ấp ủ giấc mơ mang môn nghệ thuật này đến gần hơn với các bạn trẻ Việt Nam. Vốn dĩ, chúng ta đã có những nét văn hóa truyền thống về print-making qua tranh Đông Hồ, nhưng chỉ là biết chứ chưa thực sự có cơ hội trải nghiệm. Kai kể, ở Việt Nam lúc ấy vẫn chưa có các workshop về nghệ thuật. Do đó, anh đã thiết kế ra một bài giảng để có thề giúp mọi người nắm được sơ lược về print-making trong ba tiếng.
Kai nhớ nhất là lớp học đầu tiên của mình. Trước đó, anh vẫn còn nhát, nên chỉ dám đứng ở trong. Đến khi đủ can đảm ra đứng lớp thì số học viên đăng kí hôm ấy quá đông, lên đến 50 người. Thế là lớp học kéo dài lố hai tiếng vì mọi người mải mê khắc in quên cả thời gian, còn Kai thì có một trải nghiệm nhớ đời. Tuy vậy, anh yêu mỗi lớp học của mình bởi vì khi ấy, mọi người dù cho có chăm chú làm và không nói với nhau lời nào thì họ vẫn được kết nối bằng nghệ thuật. Năm năm theo đuổi ngành print-making, bên cạnh việc đồng hành cùng AXA Studio để truyền bá print-making, Kai còn quản lý sản xuất cho studio in Riso đầu tiên tại Việt Nam – Khô Mực.
Men’s Folio: Xin chào Kai, đâu là khó khăn lớn nhất khi theo đuổi print-making tại Việt Nam?
Khó khăn lớn nhất phải kể đến là vật liệu. Trong quá trình tạo ra một bản in lino cần rất nhiều thứ mà Việt Nam không có đủ. Để có được một bản in hoàn hảo thì phải sử dụng loại mực riêng gốc dầu hoặc gốc nước, có chất liệu đặc biệt, giúp giữ mực trên bản in. Cây lăn cũng phải đặt mua riêng. Giấy thì nên làm từ những chất liệu đặc biệt như giấy dó được dùng trong tranh Đông Hồ để lấy được nhiều chi tiết hơn. Tuy nhiên, hiện tại thì tôi chỉ cho học viên sử dụng giấy vẽ thôi. Chính vì sự phức tạp và thử thách đó nên print-making mới vui. Dù sao tôi cũng là người đầu tiên phổ biến môn này cho các bạn trẻ nên lúc đầu không biết làm sao cho đúng. Tôi cứ lần mò mà đi tiếp thôi.
Liệu chúng ta có thể đoán định tính cách một nghệ sỹ print-making dựa vào các nét chạm trên gỗ không? Đâu là điểm đặc trưng ở các bản in của anh?
Mỗi nghệ sỹ đều có cách triển khai bản in khác nhau và trải qua nhiều quá trình để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo. Kết quả cuối cùng là mỗi bản in sẽ khác hẳn do mỗi cá nhân đều khác nhau.
Các bản in của tôi thì thường rõ ràng, chú trong vào các chi tiết và tả thực. Tôi thường dùng bản khắc thể hiện các kỷ niệm hay dấu ấn ngay lúc đó bởi vì đối với tôi, chúng rất trân quý. Nhiều bản khắc tôi cứ làm nhưng không cho ai xem như một cách để lưu giữ.
Đâu là tác phẩm đáng nhớ nhất mà anh từng thực hiện?
Đó là tác phẩm khắc Samurai bốn màu mà tôi làm cùng thầy. Do bốn màu, nên phải thực hiện một bản mộc cho mỗi màu.
Còn một tác phẩm ấn tượng khác mà tôi từng thực hiện là tại bảo tàng cà phê, Hà Nội. Lấy chủ đề là các câu chuyện cổ tích Việt Nam như Sơn Tinh, Thủy Tinh. Nghệ sỹ origami Nguyễn Linh Sơn sẽ gấp những con vật liên quan đến cốt truyện. Tôi sẽ khắc và in phần phông nền. Đó là một trong những tác phẩm lớn nhất tôi từng thực hiện và làm tốc hành trong 4 ngày.
Cuối cùng, vì sao anh lại chọn quay về Việt Nam?
Việt Nam là một nơi có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Vả lại, đây cũng là nước mình mà, làm nghệ thuật cho quê hương cũng tốt. Trong khu vực châu Á nói chung, sinh viên có rất nhiều điều kiện để tiếp xúc với những môn nghệ thuật như thế này. Còn ở Việt Nam lúc ấy thì rất là thiếu, thế nên tôi mới trở về.
Xin cảm ơn Kai vì những chia sẻ trên.
Đừng bỏ lỡ chuyên mục Talent Hub với sự góp mặt của Kai tại ấn phẩm THE ONLY ISSUE:
Ưu đãi đặc biệt dành riêng cho ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #3 – THE ONLY ISSUE:
- Giảm 15% khi đặt từ 5 ấn phẩm
- Giảm 20% khi đặt từ 10 ấn phẩm
Đặt ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #3 – THE ONLY ISSUE tại ĐÂY.