#MFTalentHub: Diễn viên hài độc thoại Phương Nam: “Diễn viên hài độc thoại không phải chú hề”
MF Talent Hub

#MFTalentHub: Diễn viên hài độc thoại Phương Nam: “Diễn viên hài độc thoại không phải chú hề”

Là một trong năm người sáng lập nhóm hài độc thoại đầu tiên tại Việt Nam – Sài Gòn Tếu, Phương Nam ấp ủ giấc mơ xây dựng một cộng đồng mà mọi người có thể trải nghiệm bộ môn hài độc thoại và tự tin là chính mình.

“Mình là một diễn viên Hài độc thoại – Một thành viên của cộng đồng Sài Gòn Tếu, người luôn muốn đem lại sự tích cực và lan tỏa niềm vui. Ngắn gọn vậy thôi hen. Gặp nhau sẽ rõ”. Những lời giới thiệu gãy gọn của Trần Phương Nam trên Facebook đã thu hút tôi, khiến tôi muốn biết nhiều hơn về cậu bạn đã góp phần phổ biến môn nghệ thuật mới lạ này đến các bạn trẻ Việt.

Men’s Folio (MF): Xin chào Phương Nam, bạn đã biết đến hài độc thoại như thế nào?

Trước đây, tôi có đi diễn cho câu lạc bộ tiếng anh. Có một thị trường hài độc thoại diễn cho người nước ngoài ở Việt Nam từ rất lâu rồi.

Hài tiếng việt khác với tiếng anh ở chỗ tiếng anh có sự thoải mái hơn trong các chủ đề như tình dục, chính trị hay đen tối hơn như cái chết chẳng hạn. Thậm chí, bên tiếng anh còn có một thể loại của hài độc thoại là insulting comedy. Bạn bước lên sân khấu, chọn một người và chửi người đó, rất là bình thường. Người Việt chúng ta thì thích những gì gần gũi hơn là những cái sâu xa.

MF: Thế đâu là lần đầu tiên bạn diễn hài độc thoại bằng tiếng Việt?

Buổi diễn đầu tiên của tôi là vào ngày 24/9/2019. Hôm đó, tôi đến một quán cà phê có sân khấu “open mic”. Đây vốn là một văn hóa rất hay của hài độc thoại. Quán cà phê sẽ trang bị sẵn sân khấu và micro. Ai muốn thử đều có thể đăng kí và lên đó diễn. Đó vừa là chỗ thứ cho người mới, vừa là chỗ luyện tập cho những người diễn viên gạo cội để xem phản ứng của khán giả với các câu chuyện hài mà mình vừa nghĩ ra.

Hôm đó là lần đầu tôi biết đến hài độc thoại và biết đến sân khấu đó luôn. Tôi ngồi xem mọi người một hồi thì nghĩ sao mình không lên thử? Thế là tôi lên diễn luôn. Tôi không nhớ bản thân đã nói những gì, chỉ nhớ mọi thứ rất vui. Mọi người kết nối với mình và thấy là sân khấu này như là nhà. Nơi đó giúp tôi có thể thoải mái, thể hiện những góc khuất của mình. Sau khi diễn xong, bước xuống sân khấu thì mình gặp ngay anh Uy Nguyễn. Hai anh em đi tìm những người anh em khác Uy Lê, Hiền và Tùng rồi lập nên nhóm Sài Gòn Tếu vào năm 2020.

Lúc đầu, chúng tôi chỉ làm với sự thích thú và không nghĩ nhiều việc có được đón nhận hay không. Mấy buổi diễn đầu, chúng tôi năn nỉ bạn bè tới xem thử rồi mượn một quán cà phê để dựng sân khấu. Nhiều người khi xem bắt đầu thấy ơ, cái này hay mà . Cứ từng bước như thế đến bây giờ thì môn nghệ thuật này cũng bắt đầu được nhiều người đón nhận.

MF: Vậy bạn đã bao giờ sợ sân khấu chưa?

Chưa bao giờ tôi sợ đứng trước việc đứng trước đám đông để nói. Có chăng là sợ cái sự trước khi lên sân khấu vẫn chưa chuẩn bị kỹ cho màn diễn của mình. Còn một khi tôi đã bước lên sân khấu thì nơi đó như là nhà của mình. Sân khấu không bao giờ là cái thứ khiến cho tôi cảm thấy áp lực.

MF: Vì sao lại bạn lại chọn hài độc thoại mà không phải các vở kịch hài với sự kết hợp của nhiều người?

Hài độc thoại đối với tôi gần gũi hơn. Tôi thích môn nghệ thuật này ở chỗ người diễn không cần phải đóng vai bất kỳ nhân vật nào hết. Khi đứng trên sân khấu, tôi được là chính mình, nói những gì mình nghĩ và thể hiện góc nhìn cá nhân. Tụi tôi hay nói vui với nhau: “Diễn viên hài độc thoại không phải chú hề”. Chú hề làm người ta cười vào mình, hài độc thoại là người ta cười với mình về vấn đề hay góc nhìn nào đó.

MF: Điều gì ở môn nghệ thuật này cuốn hút bạn?

Tôi thích mọi thứ về hài độc thoại. Nó làm cho tôi cảm thấy được là chính mình. Có một giá trị mà tất cả chúng tôi ở Sài Gòn Tếu đều biết: hài độc thoại cho mình cơ hội được nói những chuyện buồn mà bình thường không thể cất nên lời cho rất nhiều người nghe. Một khi đã có “cơ bắp” để nhìn mọi thứ ở góc nhìn hài hước thì những thứ tồi tệ, xui xẻo sẽ nhẹ đi và ta cũng phần nào vượt qua được nó.

Hài độc thoại còn cho phép tôi kết nối với khán giả trong không gian mà mọi người cùng cười để thoải mái, xả stress. Nó không hề có áp lực tôi phải diễn làm sao cho hay. Nó chỉ là ok, đây là tôi. Có một cái nữa của hài độc thoại mà mọi người hay hiểu lầm: chúng tôi không phải là những người kể chuyện cười. Tôi kể tất cả mọi thứ từ chuyện vui, buồn, xui xẻo… dưới góc nhìn hài hước và giúp mọi người thấy những chuyện đó bớt nặng nề, bớt kinh khủng đi và có thể thoải mái trong cuộc sống rất nhiều stress. Hiện nay, người biết đến hài độc thoại rất đông, nhưng không nhiều người dám thử. Đó là sứ mệnh của Sài Gòn Tếu: tạo ra 1 cộng đồng thoải mái và an toàn để mọi người có thể là chính mình.

Các thành viên Sài Gòn Tếu

MF: Đã có bao giờ bạn kể ra một câu chuyện mà khán giả không cười chưa? Lúc ấy thì bạn làm gì?

Hầu như bất kì diễn viên hài độc thoại nào đứng trên sân khấu cũng sẽ có lúc làm một cái gì đó mà gây ra sự sượng trân và khán giả không hiểu mình đang ám chỉ điều gì hết. Những lúc như vậy thì đơn giản là chuyển ngay sang trò đùa tiếp theo. Không có vấn đề gì cả. Người diễn hài tối kị là giải thích miếng hài của mình.

May mắn là tôi được đánh giá là khá có duyên và có khả năng kết nối với khán giả. Nhờ đó nên nhiều khi diễn, tôi có những miếng hài nó không gây cười thì mọi người cũng lắng nghe và phản hồi rất tích cực với những gì mình nói. Tuy nhiên, khi mình nói gì đó mà mọi người trở nên im lặng thì cái năng lượng tiêu cực đó khá là hại. Giống như kiểu nhắn tin crush mà crush không trả lời vậy (cười). Còn nếu tiếp tục mà 30’ sau tình hình vẫn như thế thì tôi phải xem lại set diễn của mình chưa đúng chỗ nào. Cái tôi hay xem lại là chất lượng set diễn thay vì cứ tự dằn vặt là tại sao mà nó lại dở như vậy.

Nhiệm vụ của  diễn viên hài rất đơn giản. Trong 1 phút, bạn làm người xem cười nhiều nhất có thể. Tần suất đó sẽ đánh giá được chất lượng của set hài. Nếu set 15’ thì 1’ sẽ là 5-7 laughs/ per min (đơn vị đo chất lượng của một set hài). Nếu mà thấp hơn thì cần phải xem lại.

 MF: Các cảm hứng cho những câu chuyện của bạn thường đến từ đâu?

Các câu chuyện của tôi đến từ những điều siêu bình thường, những thứ mà mọi người hay cho là lẽ hiển nhiên và nhiệm vụ của tôi là khiến chúng trở nên thú vị. Tôi đem chúng lên sân khấu và cho người xem thấy cái chuyện đó nó kì cục đến thế nào! Tôi thích nhất phản ứng ồ lên của khán giả khi ngộ ra rõ ràng nó đang diễn ra xung quanh mình mà sao giờ này mình mới biết. Ví dụ câu chuyện bị té. Nó bắt nguồn từ sự việc tôi đến một quán cà phê lần đâu tiên và bị té. Lúc đó, tôi tự hỏi tại sao mình phải quê cái chuyện đó. Những việc như thế cộng với chút xíu quan sát, chúng ta sẽ thấy cuộc sống này thú vị xiết bao! Mọi người nên sống chậm và tận hưởng. Nhiều khi họ hơi vội.

Mọi người thường hay nói tôi làm diễn viên hài chắc cuộc sống thoải mái lắm và khó mà bị stress. Để được các set diễn mang lại tiếng cười trên sân khấu, tôi cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi xương máu. Tôi luôn cố gắng làm mới bản thân, trải nghiệm những thứ trước giờ mình chưa làm để có thêm những nguyện liệu, ý tưởng mới. Ví dụ như hôm nay uống quán cà phê này, mai lại đổi qua quán khác, trước giờ mình chưa đi bơi thì đi bơi, học đàn…Đó là lý do vì sao hài độc thoại đời và vô cùng dễ kết nối mọi người lại với nhau.

MF:  Có chủ đề nào mà bạn cảm thấy khó nói về không? Vì sao các bạn không tránh khỏi những chủ đề khiến bản thân đau lòng khi nhắc đến?

Chủ đề khó nhất mà tôi từng nói là về ba. Trước giờ cứ nghĩ về ba thì nó không có hài hước. Hai cha con có một mối quan hệ rất là… cha con và có những khoảng cách thế hệ và không có gì nhiều để nói cả. Khi đào sâu về nó thì tôi thấy khá khó, nhưng tôi đã thành công cái set đó. Trong quá trinh cố gắng thực hiện thì mối quan hệ cha con tốt hơn và chính tôi cũng vượt qua được rào cản tâm lý. Đó là một trong những giá trị việc này mang lại.

Tương tự, có nhiều bạn chọn nói về những chủ đề mà chính bản thân cũng chưa vượt qua được. Những chủ đề đó chỉ thường chỉ là phép thử. Chúng tôi có hai hướng gọi là sự chuyên nghiệp và tính độc đáo (nghệ sỹ). Nếu chỉ theo đuổi sự chuyên nghiệp thì bạn sẽ mãi dẫm chân tại chỗ. Việc chúng tôi làm ngoài trau dồi kỹ năng chính là thử những cái mới. Có những cảm xúc, câu chuyện mà tôi chưa dám đụng tới, thì mình thử xem sao, nếu không được thì thôi. Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi với tư cách những người làm nghệ thuật là phải thử thách, trải nghiệm và thấu hiểu bản thân hơn. Khi vượt qua được, thì chúng tôi sẽ làm tốt hơn cái mình đang làm, có được sự độc đáo và kết nối với nhiều người.

MF: Tôi nhận thấy rằng ngoài việc giúp chúng ta nhìn nhận cuộc sống theo hướng tích cực hơn thì hài độc thoại còn giúp ích cho việc chữa lành (healing).

Một giá trị nữa mà mọi người trong Sài Gòn Tếu đã nhận ra chính là mental wellness – sức khỏe về mặt tâm lý. Sẽ có những cảm xúc mà bạn được giải phóng, chữa lành qua bộ môn này, nhưng chỉ có những ai dám thử mới biết. Tôi từng có một chị học viên đến workshop rất thân với người chị gái của mình, nhưng chưa bao giờ chia sẻ về chuyện tình dục. Hôm đó, chúng tôi tổ chức một show diễn sau workshop cho bạn bè và gia đình các học viên. Khi mà chị học viên lên diễn cái set đó, mọi người bật cười thì chị bật khóc do được giải thoát khỏi gánh nặng tâm lý. Cả gia đình chị ôm nhau khóc trên sân khấu. Đó mà lúc Sài Gòn Tếu nhận ra chúng mình đã giúp nhiều người được chữa lành về mặt tinh thần.

Không có cách nào để mọi người hiểu được giá trị và trải nghiệm của hài độc thoại bằng việc đứng trên sân khấu một lần trong đời. Ở nước ngoài, wishlist phải làm trước khi chết của nhiều người có gạch đầu dòng là một lần diễn hài độc thoại. Bộ môn này rất dễ. Thứ ngăn cản giữa bạn và việc bước lên sân khấu Open Mic là chính bạn. Vui cũng được, không vui cũng chẳng sao. Quan trọng là bạn lên đó, thể hiện chính mình và nói bất cứ thứ gì bạn muốn.

MF: Cuối cùng, đâu là show diễn khó khăn nhất mà bạn từng thực hiện?

Có một lần người bạn thân của tôi qua đời. Buổi chiều, tôi hay tin bạn mất, thì tối đó tôi có show diễn. Tôi vừa diễn, vừa làm host dẫn dắt show. Thì cái cảnh lúc đó khá là tệ. Tôi tin bất kì nghệ sỹ nào cũng trải qua những cảm xúc này. Khi tôi đã có một công việc và tâm huyết với nó thì phải bước lên sân khấu bằng thái độ vô cùng chuyên nghiệp để đưa khán giả những thứ họ mong đợi. Chuyện buồn của là của riêng mình tôi thôi. Không thể bắt khán giả thông cảm cho những đau khổ của mình.

MF: Xin cảm ơn Phương Nam vì những chia sẻ vừa qua.

Đừng bỏ lỡ chuyên mục Talent Hub với sự góp mặt của Phương Nam tại ấn phẩm THE ONLY ISSUE:

Ưu đãi đặc biệt dành riêng cho ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #3 – THE ONLY ISSUE:

  • Giảm 15% khi đặt từ 5 ấn phẩm
  • Giảm 20% khi đặt từ 10 ấn phẩm

Đặt ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #3 – THE ONLY ISSUE tại ĐÂY.

 

Related Article