#MFDirectory: Giày tây nam – Bất biến qua dòng lịch sử là do đâu?
StyleTrends

#MFDirectory: Giày tây nam – Bất biến qua dòng lịch sử là do đâu?

“Nếu tóc của bạn được làm đúng kiểu và bạn đang mang một đôi giày tốt, đảm bảo bạn sẽ thành công trong bất cứ lĩnh vực nào – Iris Apfel” – Quan điểm này không bao giờ sai, đặc biệt là đối với nam giới, khi họ không có quá nhiều cơ hội thay đổi phong cách như nữ giới thì đôi giày và chiếc đồng hồ trên cổ tay chính là điểm nhấn quan trọng giúp thể hiện bản thân. 

Tạm gác lại những đổi thay nhanh chóng và đột phá đến sững sờ đó, chúng ta thử tự hỏi rằng liệu có điều gì là bất biến? Đó là dress shoes. Giày tây nam dường như không thay đổi từ thập niên 1930, 1940 cho đến ngày nay. Hãy xem bên dưới bưu thiếp quảng cáo giày spectator oxford cho nam vào những thập kỷ 1930 và thiết kế tương tự được sản xuất vào năm 2020.

Giày spectator được cho rằng được thiết kế lần đầu bởi John Lobb, nhà đóng giày nước Anh, vào năm 1868. Thế nhưng, tại thời điểm đó, thiết kế này không được ưa chuộng mãi cho đến thập niên 1930. Để hiểu rõ hơn thuật ngữ giày tây nam, spectator là kiểu giày mà phần mũ giày (upper) có hai màu khác biệt nhau, bất kể đó là oxford, derby hay là loafer. Nhiều người diễn giải thiếu chính xác rằng spectator là giày có hai màu đen-trắng hoặc nâu-trắng.

Điều đó đúng một phần nhưng chưa bao trọn tính thẩm mỹ độc đáo đã từng thách thức phần lớn quý ông châu Âu vào thời điểm vừa mới ra mắt của thiết kế này. Thực chất, ngoài kết hợp đen-trắng, nâu-trắng, giày spectator vô cùng thời trang và độc đáo khi kết hợp nâu đậm và xanh ô liu hay phối giữa nâu đậm cùng với màu beige. Sự kết hợp là dường như vô hạn khi sử dụng các loại da khác nhau: da trơn (smooth leather) và da lộn (suede); hay giữa da và các loại vật liệu khác như: da trơn với vải canvas hoặc với vải tweed.

Búng tay một cái tách, chúng ta trở về với thực tại, nơi đô thị dày đặc cao ốc văn phòng và trụ sở công ty trước thời điểm phải làm việc tại nhà. Dù là thương mại, tài chính ngân hàng hay dịch vụ, ta vẫn sẽ bắt gặp kiểu giày cap toe oxford. Ra đời trước spectator rất lâu, cap toe oxford đã xuất hiện trên thị trường vào khoảng thế kỷ 19. Đây là kiểu giày có tính trang trọng, lịch sự tương đối cao và đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Trải qua hai thế kỷ, những kiểu giày cap toe oxford hay quarter brogue oxford vẫn mang tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày. Chúng ta sẽ mang đi làm buổi sáng, đi chơi cuối tuần hay xuất hiện trong một buổi tiệc. Không giới hạn ở đó, màu sắc cho các đôi giày oxford cũng đa dạng hơn. Ngoài màu đen, chúng ta còn có nhiều sắc thái của nâu như là nâu nhạt trẻ trung, nâu ngọt ngào như cafe sữa hay nâu đậm bừng tỉnh như một tách espresso.

Trường tồn qua nhiều thế kỷ và vững vàng như một ngọn núi, giày tây nam ắt hẳn cần phải có một nền tảng vô cùng chắc chắn. Đó là shoe last, hay còn gọi là phom giày.

Phom giày, trước hết, mang lại nét đẹp của hình thể, được tạo bởi đường lượn ở mu bàn chân và các ngón chân, đường tạo hình ở phần mũi. Cũng chính phom giày sẽ quyết định độ nâng mũi (toe spring) và chiều cao gót (heel height). Các yếu tố kể trên tạo nên nét đẹp của dáng giày. Tuy nhiên, không hề có dáng phom nào vừa vặn với dáng bàn chân của tất cả mọi người. Và đặc biệt hơn, sẽ có những dáng bàn chân có kích thước chênh lệch nhiều, khiến cho việc mang giày tây nam trở nên khó khăn. Những yếu tố ngoại biên này vừa là thử thách cho nhà đóng giày, đồng thời lại góp phần giữ cho nghề đóng giày luôn ý nghĩa.

Đối với những dáng bàn chân khác biệt nói trên, thợ đóng giày sẽ dán nhiều lớp da lên một phom mẫu gốc. Sau đó, dùng dao “điêu khắc” từng đường nét để tạo hình tạo dáng cho phom giày mới. Việc làm này cần đảm bảo hai tiêu chí: vừa vặn theo số đo của bàn chân và tính thẩm mỹ của phom dáng. Chúng ta thường sẽ ước lượng thời gian cụ thể cho việc mình làm, chẳng hạn như tưới cây trong vườn mất 20 phút, di chuyển từ nhà đến công ty khoảng nửa tiếng. Nhưng với “điêu khắc” phom giày thủ công, sẽ không thể có một khoảng thời gian cố định. Có những phom sẽ cần 8 giờ đồng hồ, có phom phải mất nhiều ngày và trải qua vòng lặp của nhiều bước: kiểm tra số đo, cắt tạo hình và đánh láng.

Trường tồn qua nhiều thế kỷ và vững vàng như một ngọn núi là vậy. Nhưng, nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rằng những người thợ thủ công và những nhà đóng giày luôn nỗ lực và không ngừng sáng tạo để mang lại những giá trị thẩm mỹ mới. Đó có thể là cách cắt rập mới, các phối màu độc đáo và những kỹ thuật độc quyền. Những nỗ lực này, như là khát khao trồng hoa trên đỉnh núi đá.

Hơn một năm đối mặt với đại dịch, Covid-19 có phải là “thiên nga đen” của toàn cầu hay không chẳng còn quan trọng nữa. Chúng ta đã có những hướng đi mới, kế hoạch mới và dĩ nhiên cũng trang bị một “kháng thể” mạnh mẽ hơn để nhanh chóng vượt qua thử thách. Chắc chắn sau đại dịch, thế giới rồi sẽ lạc quan hơn, rực rỡ hơn với những chiến lược mới, giải pháp mới và tinh thần thiết kế mới.

Bài: @sabi.objects
Hình ảnh: @mr.renworks

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

 

Related Article