Sự trở lại đầy bất ngờ của phong cách Rich Kid đời đầu, từ những chiếc cặp táp Banker đến những món đồ của các câu lạc bộ Du Thuyền, làn sóng Yuppie đã ập đến khắp nơi.
“Một ngày nọ, tôi thấy một thương hiệu Instagram đăng quảng cáo cho một vật phẩm của Enron, và điều đó khiến tôi nghĩ rằng, tôi sẽ đi tìm một chiếc áo Enron thật ở ngoài kia giá chỉ bằng một phần nhỏ của những gì trang Instagram này đang bán.”
Ernest Wilkins, một nhà báo từ tờ Office Hour Magazine đã vô tình thấy một trang Instagram đăng bán một chiếc áo của công ty điện lực Enron với một mức giá điên rồ. Nó làm cho anh phải nghĩ ngay đến việc tìm kiếm một chiếc áo tương tự nhưng với giá thành thấp hơn. Sau một khoảng thời gian vùi mình trong thế giới của E-bay, anh không kiếm được bất cứ thứ gì với thương hiệu Enron, nhưng vô tình lại kiếm được một chiếc cặp táp màu xanh lá cây của Lehman Brothers – một công ty tài chính từng được coi là “quá lớn để thất bại”, nhưng giờ đã lụi tàn. Wilkins nghĩ, chiếc túi này đã từng tạo ra một cú hích, đây là một cơ hội có vẻ quá tốt để bỏ qua.
Dạo gần đây, những cuộc tìm kiếm như những gì Wilkins đã làm đang dần trở nên thịnh hành hơn.Một chiếc mũ Rolex cổ điển có giá hơn một trăm đô la trên Grailed. Một chiếc áo sơ mi của câu lạc bộ hư cấu “Hamptons Sport Club”, hay một chiếc áo len “ I’m a luxury” lấy cảm hứng từ Công Nương Diana. Đây không phải là cách khoe của, cũng không phải là sự trở lại của phong các Preppy – mà thường sẽ quay trở lại vài năm một lần.
Đây là một cái gì đó khác biệt: Nó là sự trở lại của Yuppie
Yuppie là một thuật ngữ tiếng lóng dùng để mô tả phân khúc những người trẻ thành thị thành công. Họ thường có vẻ ngoài tươm tất và thích thể hiện sự thành đạt bằng phong cách và tài sản của mình.
Được đặt ra vào những năm 1980, thuật ngữ Yuppie được sử dụng như một từ xúc phạm đến những doanh nhân trẻ tuổi bị coi là kiêu ngạo, giàu sụ và đáng ghét. Yuppie thường được gắn liền với việc mặc quần áo thời trang cao cấp, lái xe BMW và hả hê về thành công của họ. Ngày nay thuật ngữ này đã bỏ đi khuôn mẫu thời xưa, và được dùng để nói lên hình ảnh của một chuyên gia, doanh nhân trẻ giàu có.
Về mặt ngôn ngữ, thuật ngữ này là một sự tiến hóa. Bắt đầu từ từ “hippie”, được sử dụng để tả những người trẻ sống theo chủ nghĩa tự do của những năm 60, và rồi từ đó biến thành “yippie” — “những người ủng hộ văn hóa” (counterculture) liên kết với Đảng Quốc tế Thanh niên (Youth International Party). Không lâu sau, một cuốn sách nhái lại từ cuốn “country-club/prep school culture” mang tên The Preppy Handbook lọt vào trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất New York Times. Từ đó, “Yuppie” là bản tổng hợp của tất cả những khoảnh khắc này của những người trẻ tuổi ở Mỹ, mỗi một phiên bản phản ánh thời gian của họ.
Nếu bạn muốn có một đôi giày lười Gucci đã qua sử dụng với một số quần jean cũ rách rưới, một chiếc áo sơ mi Madras cũ, một chiếc áo khoác Shakespeare in the Park từ Fantasy Explosion, hay một chiếc mũ cổ điển từ một câu lạc bộ quần vợt sang trọng mà bạn không đủ khả năng để tham gia, thì bằng mọi cách hãy tìm nó ở trên mạng. Bây giờ bạn có thể sẽ tìm được những thứ đó với mức giá khá thấp.
Đối với một số người, việc đội mũ thuyền buồm Mount Gay màu đỏ cổ điển là để cho người khác biết rằng bạn là người sở hữu du thuyền hoặc có lẽ bạn muốn sở hữu một chiếc du thuyền vào một ngày nào đó. Nhưng đối với những người khác, đó là một cử chỉ hơi mỉa mai. Dù là lý do gì đi chăng nữa, nó thật là thú vị khi bạn có thể biến thành những con người giàu có không cần quan tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh của những năm 90, và nhìn thật ngầu với những món đồ vintage này trên Instagram.
Có thể bạn là những đứa con của thập niên 90, và nhìn về quá khứ để cho qua những khung bậc chán nản của những ngày làm việc tại nhà. Có thể bạn không sống trong những cuộc hối hả của Wall-street vào đầu những năm 90, nhưng không ai có thể không công nhận, thật sự rất cool khi khoác lên mình những bộ vest bảnh bao, cùng với một chiếc Rolex cổ và bước đi như bạn vừa mới trúng một khoản tiền lớn từ cổ phiếu.
Yuppie và thời trang hiện đại
Vào các tuần lễ thời trang tại Châu Âu vừa qua, những trang phục phong cách Yuppie thập niên 1980 và 1990 đã được nhìn thấy tại các buổi trình diễn của các thương hiệu thời trang đình đám từ Prada, Vetements, Gucci, Louis Vuitton, Dior Men và Off-white.
Những người yêu thích thời trang dạo phố và những giám đốc điều hành công nghệ – cả hai đều được biết đến với cách tiếp cận thời trang thoải mái và tối giản – đang tìm kiếm vẻ ngoài ăn mặc sang trọng hơn nhưng vẫn mang lại cảm giác tinh tế và đề cao phong cách cá nhân, cũng dẫn họ đến phong cách Yuppie.
Hình ảnh thành thị của thập niên tám mươi gồm những chuyên gia trẻ tuổi, hướng lên đại diện cho một tầng lớp đột phá mới, khám phá các biên giới mới của một nền kinh tế toàn cầu hóa. Những hình ảnh đây, theo một số cách, không quá khác biệt so với các chuyên gia công nghệ và cuộc sống càng sang trọng ngày nay.
“Nhưng khác xa với bây giờ, phong cách Yuppie tại một thời điểm được coi là cách ăn mặc vô vị, lòe loẹt”.
Những bộ vest power-broker và trang phục dạ hội lộng lẫy. Đang xuất hiện trở lại trên sàn diễn của các buổi trình diễn thời trang cho mùa xuân và mùa thu năm 2020.Có những chiếc váy tay phồng taffeta xuất hiện ở Rodarte và Khaite. Hay Alexander Wang và The Row cùng khám phá lại loại trang phục thể thao của Mỹ phổ biến bởi Ralph Lauren và Donna Karan, cho bộ sưu tập xuân hè. Balenciaga trong buổi trình diễn BST xuân hè, đã nắm bắt được sự thuần túy của cuộc sống văn phòng Yuppie, các người mẫu catwalk với những dây tag_ID văn phòng xung quanh cổ.
Những viên ngọc trai – món phụ kiện yêu thích của Yuppie, đã nhận được sự trở lại từ Rei Kawakubo của Comme des Garçons. Cũng như những chiếc choker ngọc trai cháy hàng của Vivienne Westwood, đang làm bão giới thời trang Instagram và TikTok.
Không có nơi nào tốt hơn để quan sát sức hút của Yuppie như đợt bán hàng đầu tiên của Belgian Shoes. Các nhà tài chính, giới nghệ sĩ và các tín đồ thời trang phải xếp hàng trong một đường thẳng đến tận khu Midtown – tất cả đều cạnh tranh để mua được một đôi dép.
Thương hiệu Belgian Shoes đã thành công trong việc mang lại phong cách Yuppie đến mức, họ đã bị nhãn hàng 1017 Alyx 9S bắt chước với phiên bản của riêng mình có tên là St. Marks Loafer.
Một phần nào đấy trong việc trở lại của Yuppie không còn chỉ cho giới nhà giàu. Mà hầu như là hoàn toàn ngược lại. Cảm giác như xu hướng thời trang này đang lấy biểu tượng của thế giới giàu có và chia sẻ nó rộng rãi hơn.
Những gì chúng ta đang thấy hôm nay phản ánh được điều đó. Không quan trọng nếu bạn đến từ một gia đình nghèo, là người da màu, hoặc sinh ra ở một quốc gia khác, hay gia đình bạn không được phép tham gia câu lạc bộ giàu có vài thập kỷ trước vì họ của bạn là Goldberg (nạn kỳ thị người Do Thái).Giờ đây, bạn có thể mặc một chiếc áo khoác Range Rover cũ hay một món đồ từ bộ sưu tập Noah và Barbour, và cảm thấy mình giống như một tay tài phiệt giàu có.
Ernest Wilkins, người đã xuất hiện từ đầu bài báo cho biết rằng anh cảm thấy có một sự vinh hạnh nhỏ nhoi khi là một anh chàng da đen đi dạo quanh Chicago với chiếc cặp táp Lehman Brothers, một điều mà cách đây 30 năm sẽ không bao giờ có thể thấy được ở giới Yuppie. Đối với anh, việc mang phong cách Yuppie quay trở lại và thịnh hành hoá nó, giống như những gì Dapper Dan đã làm cho người da màu khi ông ấy làm đồ nhái Gucci và Louis Vuitton mình trở thành kiểu dáng đặc trưng trong những ngày đầu của hip-hop.
Thời đại bây giờ người giàu không còn mang cho mình một phong cách nhất định. Bạn có thể đi bộ xuống bất kỳ khu phố thời thượng nào ở Brooklyn, Paris hay Milan, nhìn thấy một giám đốc của một thương hiệu trong phong cách phương Tây cổ điển với bộ suit thường dùng, hoặc ông ấy có thể cầm trên tay chiếc MacBook và đeo một đôi dungarees Carhartt, cùng với áo phông và quần jeans. Tất nhiên, nhìn ai đó cầm một chiếc túi Hermes Birkin đắt đỏ thì chúng ta cũng biết được vị thế của họ, nhưng nó không còn thú vị như khi Yuppie của những thời 90, và những ánh mắt ghen tị với họ.
Người giàu có thể sẽ tiếp tục giàu hơn và phần còn lại sẽ tiếp tục ghét họ vì điều đó, và Yuppie thì sẽ mãi được nhớ đến với hình ảnh Rich Kid. Nhưng vẫn rất thú vị, khi chúng ta có thể mỉa mai được khái niệm “ Tôi đặc biệt vì tôi giàu có”.
Bài: Brian Phạm
Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!