Vắt kiệt sức sáng tạo hay các thương hiệu trẻ phải trả tiền để xuất hiện trên ấn phẩm là những góc khuất hiếm khi được chia sẻ trên mặt báo.
Tuần lễ thời trang tại 4 kinh đô lớn trên thế giới luôn hấp dẫn những ai yêu thời trang. Các bộ sưu tập xa hoa, xu hướng mới đều được lăng xê dưới bàn tay thiên tài của nhà thiết kế hàng đầu. Tuy nhiên, sự hào nhoáng được chia sẻ trên phương tiện truyền thông ẩn chứa những góc khuất mà người trong ngành thuộc nằm lòng mỗi khi nhắc đến cụm từ “Fashion Week”.
Trả 20.000 USD mua danh
BOF từng đăng tải bài viết dành riêng cho ấn phẩm Vogue về việc đặt nặng vấn đề tiền bạc và quảng cáo. Cụ thể, các thương hiệu không có tên tuổi sẽ phải trả mức phí lên đến con số 20.000 USD cho 2 bài viết/năm để được các biên tập viên thời trang nhận xét bằng vài dòng giới thiệu hay cho lời phê bình mang tính “khen ngợi”.
Việc chi trả số tiền lớn giúp các thương hiệu dễ dàng vượt qua ải kiểm duyệt từ những chuyên gia thời trang. Trước đây, bất cứ bộ sưu tập nào muốn đưa lên Vogue phải qua sự lựa chọn rất kỹ từ biên tập viên thời trang và thông qua người kiểm duyệt cuối cùng là bà Anna Wintour. Bây giờ, việc này chỉ là cách để hợp thức hóa nguyên tắc được đặt ra.
Nguyên nhân lý giải cho việc này được BOF giải thích rằng công ty chủ quản Condé Nast đang tìm kiếm con đường mới để tăng doanh thu, bù lỗ vào phần thiệt hại nặng nề trong những năm vừa qua. Ngoài ra, các chuyên gia hay thương hiệu lớn thường sử dụng hình ảnh chuẩn từ trang như Getty Images, Imaxtree, đặc biệt là Vogue để làm tư liệu. Do đó, việc những nhà mốt trẻ mong muốn và phải chi trả để xuất hiện trên tạp chí này là điều dễ hiểu.
Nhiều người chỉ trích ấn phẩm này đang đi ngược lại tôn chỉ của tạp chí từ những ngày đầu trong việc chọn lọc bộ sưu tập chất lượng chia sẻ đến độc giả. Họ cho rằng thương hiệu này đang mất dần uy tín của ấn phẩm thời trang hàng đầu và mọi thứ đều được quy đổi bằng tiền.
Instagram Diet Prada cũng đưa ra bình luận về việc thu mức phí quảng cáo quá đắt từ các thương hiệu thời trang mới ra đời. Blogger này cho biết một số nhà mốt tên tuổi cũng phải chi hàng trăm nghìn đô cho chiến dịch quảng cáo trên tạp chí thời trang mỗi năm.
Cạn kiệt ý tưởng sáng tạo
Từ năm 2015 đến nay, ngành thời trang chứng kiến nhiều cuộc chia ly của các thương hiệu với Giám đốc sáng tạo làm việc lâu năm. Họ rời khỏi đỉnh cao trên chiếc ghế quyền lực để xây dựng đế chế mang tên chính mình. Nhiều người cho rằng bản thân không tìm được tiếng nói chung với các thương hiệu, nhưng đâu đó người trong ngành vẫn ngầm hiểu quy luật đằng sau đến từ áp lực doanh số “giết chết” sáng tạo hay sự cạn kiệt ý tưởng không tìm thấy lối thoát cho bản thân.
Với những người làm trong ngành, việc ép phải lên ý tưởng cho các thiết kế chỉ để thỏa mãn nhu cầu của người khác là điều không thể tránh khỏi. John Galliano, người tiền nhiệm của Raf Simons tại nhà mốt Dior từng là “nạn nhân” trong guồng quay của sự đổi mới sáng tạo nhằm thu hút đối tượng khách hàng trẻ hơn.
Hiếm ai biết được rằng John Galliano đã trải qua những ngày tháng gồng mình trong chính sự sáng tạo của bản thân. Áp lực doanh số luôn khiến nhà thiết kế phải gắng gượng để tạo ra 12 bộ sưu tập trong một năm. Việc phải vào trại cai nghiện rượu và dùng thuốc kích thích mỗi ngày để xoa dịu tinh thần trở thành minh chứng rõ rệt nhất cho sự kiệt sức của John Galliano đằng sau vẻ ngoài xa hoa trên sàn diễn thời trang.
Người mẫu trở về nước vì quá áp lực
Người mẫu phải thuê nhà giá cao, thậm chí ở phòng kém chất lượng là một vài câu chuyện hậu trường thời trang từng được Chà Mi, người từng có thời gian làm việc tại kinh đô Milan, Italy tiết lộ trên trang cá nhân. Cô cho biết nhóm người mẫu sẽ ở chung trong căn hộ do công ty quản lý cung cấp nhưng phải trả tiền. Để có một chỗ ở trong ngôi nhà chung lộn xộn, mỗi chân dài cần bỏ ra khoản tiền không nhỏ. Cô gọi đó là cái giá “cắt cổ”, cao gấp 2-3 lần bên ngoài thị trường.
Lý giải việc đa số người mẫu chấp nhận thuê nhà giá cao, nữ người mẫu Việt bật mí họ phải lấy lòng công ty quản lý nếu muốn có việc. Kể thêm trong một tháng ở nhà chung, cô chứng kiến không ít đồng nghiệp phải trở về nước vì không trụ nổi.
Nhằm kiếm được việc ở thị trường nước ngoài, bên cạnh gương mặt đẹp, vóc dáng chuẩn, đôi lúc bạn cần dùng mưu mẹo để khách hàng chú ý đến mình. Chà Mi tiết lộ cát xê nhận được cho mỗi hợp đồng khoảng 1.200 USD nhưng phải chia cho công ty đại diện 38%.
Ngoài ra, sự cạnh tranh của người mẫu trong các buổi casting, cám dỗ khó lòng từ chối, bê bối mang tên model party, hay cả quán ăn miễn phí đều là góc khuất đằng sau vẻ ngoài đầy ánh hào quang của cái gọi là “Fashion Week”. Năm 2017, làng mốt xôn xao khi James Scully, chuyên gia tuyển chọn người mẫu tiết lộ việc 150 chân dài bị bỏ đói ở hậu trường Paris Fashion Week. Balenciaga, nhãn hàng có liên quan đến show diễn sau đó gửi lời xin lỗi bằng văn bản đến hơn 100 người mẫu bị ngược đãi.
Quyền lực từ hàng ghế đầu trong các show diễn thời trang
Khi bước vào bất cứ show diễn nào, chúng ta sẽ đôi lần nhìn thấy những gương mặt khá lạ ngồi hàng ghế đầu, không phải tự nhiên mà họ được BTC sắp xếp vị trí đó mà còn đến từ quy luật ngầm mà những người trong giới thời trang hiểu rõ hơn ai hết.
Front Row (Hàng ghế đầu) được định nghĩa là sự quyền lực. Ở đó, tồn tại một hệ thống quy định về thứ bậc trong ngành thời trang. Người được ngồi trên hàng ghế đầu chính là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong nền công nghiệp thời trang.
Trong thời đại 4.0 khi bạn muốn nhận được tấm vé tham dự các show diễn tại kinh đô thời trang Paris, London hay Milan là điều không quá khó. Nhưng, để được ngồi hàng ghế đầu là một cuộc cạnh tranh ngầm liên quan tới quyền lực. Một khi bạn được các nhà mốt gửi tấm thiệp mời kèm theo số ghế ngồi hàng đầu, đồng nghĩa với việc bạn là cây bút thời trang danh tiếng hay quyền lực không thua kèm Tổng biên tập Anna Wintour. Nếu không bạn chắc hẳn là ngôi sao nổi tiếng không thua gì Rihanna hoặc người bạn thân thiết của nhà thiết kế.
Nhiều người thắc mắc, vì đâu mà những người này lại được ưu tiên đến thế. Chúng ta xét khía cạnh đơn giản hơn khi họ là người làm việc lâu năm trong nghề, tiếng nói của họ mạnh mẽ đến nỗi, bất cứ lời phê bình nào cũng được lượng độc giả trung thành quan tâm. Việc các nhà mốt để họ ngồi hàng ghế đầu chính là cách tiếp cận gần nhất đến người dùng hay hình ảnh được quảng bá một cách rộng rãi.
Sự cạnh tranh giữa các nhà thiết kế, các người mẫu và những nhân vật nổi tiếng trong việc giành một suất ngồi ghế hàng đầu tại các buổi biểu diễn ngày càng khốc liệt và nhiều toan tính hơn, nhưng cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền công nghiệp thời trang của thế kỷ 21.
Vị trí ngồi đặc biệt trong show diễn luôn dành cho người đàn bà quyền lực nhất ngành thời trang Anna Wintour. Bạn biết không, chỉ cần bà góp mặt trong show, thì mọi sự chú ý từ truyền thông sẽ lập tức bủa vây, theo lẽ hiển nhiên tương lai đã rộng mở và có cơ hội thăng tiến trong nghề.
Vào tuần lễ thời trang năm 2010, cả kinh đô Milan đều trở nên hỗn loạn khi Anna Wintour chỉ có 3 ngày ngắn ngủi ở nơi đây, do vướng lịch làm việc. Các nhà mốt hàng đầu Prada, Fendi hay Dolce&Gabbana đều gấp rút đổi lịch trình diễn với mong muốn Anna sẽ góp mặt trên hàng ghế đầu trong show diễn của mình.
Vị trí hàng ghế đầu cũng được phân bổ rất khác nhau cho các Tổng biên tâp hay cây bút thời trang của những ấn phẩm như Elle, Harper’s Bazaar… Vì họ là “đối thủ” của Vogue, nên thường được xếp ở cuối hàng ghế đầu, tránh càng xa Anna Wintour càng tốt. Đó là nơi người mẫu sẽ dừng lại lâu nhất, để người xem có thể chiêm ngưỡng kỹ các thiết kế.
Ngày trước, các ngôi sao điện ảnh, biên tập viên của những ấn phẩm nổi tiếng luôn là nhân vật ưu tiên. Ngày nay, các blogger thời trang, KOLs hay Influencer có sức ảnh hưởng trong cộng đồng cũng dần trở thành những gương mặt được các thương hiệu quan tâm.
Dù ngành thời trang có thay đổi ra sao, hàng ghế Front Row sẽ luôn như thế, vẫn là thước đo cho việc ai nổi hơn ai, để công chúng biết rằng ngôi sao nào đang được săn đón nhất mùa này. Thậm chí, hàng ghế đầu còn giúp chứng tỏ đẳng cấp của chính người tham dự.