Nhà sản xuất truyền hình Oprah Winfrey từng nói đại ý “Lòng dũng cảm là biết sợ nhưng vẫn làm.” Trần Trọng Hiếu có lẽ chính là một bằng chứng sống của phát biểu này.
Trọng Hiếu được người ta biết đến trước tiên nhờ cơ duyên khá hài hước: clip quay cậu nhào lộn trên đỉnh cầu Long Biên được ghi lại. Sóng truyền hình coi đó như một “tấm gương xấu”. Rằng đừng ai dại dột như cậu thanh niên trẻ tuổi đó. Rằng hành động đó quá mạo hiểm. Và nếu có dài dòng giải thích cậu ta đang tập động tác back gainer flip của Parkour đấy, thì có lẽ cũng ít ai biết parkour là cái gì mà nhìn đáng sợ vậy. Trọng Hiếu là một cái tên xa lạ với phần đông dân số, nhưng cộng đồng parkour thế giới đã phải nhắc đến tên cậu, chứ chưa nói đến cộng đồng người chơi parkour ở Việt Nam.
Trần Trọng Hiếu nói mình đặt chân đến Sài Gòn để tìm đến phòng tập Parkour vào năm 2015, vì ở vùng quê Bảo Lộc của cậu, nhào lộn có lẽ nhìn giống một kiểu hành xác hơn, hoặc sở thích vô thưởng vô phạt của một cậu bé vùng núi hiếu động. Sài Gòn mang đến cho Hiếu một cộng đồng của những bạn trẻ có cùng một niềm đam mê, cậu nhận ra mình không lẻ bóng với tình yêu bộ môn đầy mới mẻ này. Gọi là Pakour cũng được, Freeruning cũng được, nhưng người Pháp (cũng là quốc gia có cộng đồng parkour lớn nhất thế giới) có một cái tên có lẽ đúng hơn cả: “Art du deplacement” – “Nghệ thuật của sự di chuyển”. Bởi nó đòi hỏi sức khỏe thể chất, độ linh hoạt, rất nhiều thời gian luyện tập, khả năng trình diễn, và cả sự liều lĩnh. Nó là một thứ nghệ thuật đường phố, và nghệ thuật chỉ đẹp với những ai nhìn ra vẻ đẹp ấy. Tôi nghĩ Hiếu đã khám phá ra vẻ đẹp này từ rất lâu, thậm chí trước cả khi cậu đặt chân đến Sài Gòn để “cứ về nhà là gia đình cấm không cho đi nữa.”
Có lẽ nó cũng là một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất theo Hiếu khắp các cung đường từ Nam chí Bắc, lang bạt đúng nghĩa. Sáu năm “bụi đời” của cậu rối rắm đến mức tôi ngạc nhiên vì Hiếu có thể nhớ vanh vách từng mốc thời gian những cuộc thi Jam ở từng tỉnh thành, từng thành phố cậu từng sống, từng công việc thời vụ cậu từng làm để có chi phí sống và di chuyển (từ bảo vệ quán café, làm đồ gỗ nội thất cho đến tổ chức event âm nhạc…). Dễ chán nên Hiếu bỏ việc và đi tiếp như lẽ tự nhiên, nhưng thế nào Hiếu cũng xoay xở được, ví dụ như chuyện anh chàng đi bộ 65km vì không có tiền bắt xe chẳng hạn. “Nhưng với Parkour, tôi lại chẳng bao giờ thấy chán!” Bay ngược người qua mép giữa hai nóc nhà 18 tầng hay cú lộn cork trên sườn đèo Mã Pí Lèng… trước mỗi thử thách tự đặt cho bản thân, Hiếu nói tất nhiên mình thấy sợ, và cũng phải luyện tập vài lần, rồi khi cảm thấy tin tưởng mình có thể làm được, cậu sẽ làm. “Nhiều người thấy tôi hay tai nạn chấn thương nặng rồi vẫn trở lại chơi parkour còn thắc mắc sao tôi vẫn còn sống vậy?” Hiếu bật cười.
Niềm tin bản thân có thể làm được mang Hiếu đến những danh hiệu liên tiếp trong năm 2019: Vô địch Freerunning Laos, Vô địch Vietnam Parkour Championships và Vô địch RedBull Parkour Championship và trở thành đại diện Việt Nam tham dự giải vô địch Châu Á. Ngay sau đó, đầu tháng 3/2020, Hiếu được giấy mời tham dự thi đấu từ ban tổ chức Olympic Tokyo 2020. Hiếu tự hào khoe tôi thẻ vận động viên được Liên đoàn thể dục dụng cụ Quốc tế cấp. Giờ người ta không gọi tên Hiếu mà gọi Cork Boy – cũng là kĩ thuật mang tên tuổi Hiếu đến cộng đồng Parkour quốc tế. Những khi tập luyện Parkour, tâm trí của Hiếu có điều gì? Tôi thắc mắc. “Tôi không nghĩ gì nhiều, cần một sự tập trung rất lớn mới có thể tránh rủi ro và vượt qua được mục tiêu.” Và đó, tôi tin rằng mới chỉ là khởi đầu của chặng đường dài hơi “với các giải đấu quốc tế” mà Hiếu kì vọng trong tương lai gần.
Hiếu có thể chia sẻ thêm về quá trình gắn bó của mình với parkour?
Tôi biết đến parkour từ lúc học cấp ba. Hồi đấy tôi học từ sáng tới tối rồi về ở lì trong nhà chứ chẳng ra ngoài chơi gì đâu, niềm vui duy nhất là cứ 15 phút nghỉ giữa giờ là tôi ra sau trường tập, tập nhào lộn. Học hết cấp ba thì tôi mới biết đến parkour và bắt đầu tìm hiểu về nó. Tập được một khoảng thời gian, vào năm 2015, tôi bắt đầu đi tìm hiểu về parkour ở Sài Gòn và Việt Nam và biết có một nhóm tập ở Sài Gòn nên “trốn” lên Sài Gòn để giao lưu với các bạn. Nói là trốn vì cứ về nhà là y như rằng bị bố cho một trận. Một hai lần như vậy, tôi cứ tập ở nhà rồi lên Sài Gòn giao lưu rồi lại về tự tập và học trên YouTube. Hồi đó tôi nghĩ nếu mọi người làm được thì tại sao mình không làm được. Cứ nản là tôi nghĩ như thế rồi cố gắng tập tiếp.
Khi lên Sài Gòn, Trần Trọng Hiếu có nhận thấy điều gì mới mà bạn chưa từng biết trước đó không?
Ở Sài Gòn có phòng tập, có đèn, có người cùng tập, thành ra tôi cũng có động lực để tập hơn.
Một vận động viên chuyên nghiệp như bạn dành ra bao nhiêu tiếng tập luyện mỗi ngày?
Một ngày tôi tập trung bình tám tiếng. Ngày xưa tôi phải đi làm thuê làm mướn để sinh sống nữa không có nhiều thời gian tập luyện. Bây giờ tôi tập bù lại, để có thể ra thi đấu với thế giới tốt hơn. Bây giờ tôi cũng 26 rồi, nếu không chịu khó tập luyện thì không thể sánh lại với các bạn bè quốc tế.
Tôi có cảm giác Trần Trọng Hiếu có thể làm bất cứ điều gì miễn là có thể chơi parkour?
Thú thực trước đây tôi chưa có mục tiêu hay ước mơ nào hết. Tôi chỉ thấy thích và theo nó thôi. Sau chuyến đi Sài Gòn cũng làm đủ nghề, và tham gia một giải Jam và bị chấn thương thì tôi về nhà. Bố mẹ không cho đi nữa, mà chính tôi cũng thấy khó khăn thật, vì hồi đó tôi mới 20 tuổi. Nhưng cuối cùng tôi vẫn chỉ thấy parkour khiến mình cảm thấy có động lực nhất, để đi đến những nơi khác nhau, gặp gỡ những cộng đồng khác nhau, vừa làm việc vừa tranh thủ tập luyện.
Trong giai đoạn ấy bạn có nghĩ mình sẽ đi theo con đường chuyên nghiệp không?
Đến năm 2018, tôi mới quyết định đi theo con đường chuyên nghiệp, mới bắt đầu nghĩ tới mục tiêu. Lúc đó tôi ra Bắc giao lưu với mọi người, thi giải được giải tư. Tháng 8/2016, tôi ra Đà Nẵng thi giải, và thắng giải. Thực ra tôi không định thi đâu, chỉ ra tập chơi cho thôi. Càng tham gia nhiều giải đấu thì con đường chuyên nghiệp càng trở nên rõ ràng hơn, ví dụ như giải Championship năm 2019. Sau khi giành giải quán quân, tôi mới bắt đầu nỗ lực nhiều hơn, đặt mục tiêu rõ ràng hơn.
Trần Trọng Hiếu đã thử parkour ở rất nhiều địa hình và nhiều địa danh, nơi nào để lại nhiều kỉ niệm nhất?
Chắc là lần đi Singapore để thi đấu. Và lần đi du lịch ở Hà Giang, vì tôi thực hiện động tác ở nơi vách núi, thậm chí bị rớt xuống và lại trèo lên làm lại nhiều lần cho đến khi được thì thôi. Bữa đó tôi cũng bị chấn thương, nhưng cũng vì lần này mà tôi được nhiều người trong cộng đồng parkour thế giới biết đến. Nhiều người cũng hỏi sao làm vậy hoài mà vẫn còn sống. Thực ra, ở Việt Nam mọi người coi bộ môn này là thứ mạo hiểm, trong khi ở nước ngoài thì nó là môn an toàn và sáng tạo, được coi như một môn giáo dục thể chất. Bây giờ tôi vẫn thích sự mạo hiểm, có lẽ do tính cách của tôi như vậy. Tôi chỉ nghĩ cứ tập luyện thì mình sẽ làm một việc mạo hiểm nhưng có an toàn trong đó.
Tôi tò mò khi thực hiện các động tác khó ở những địa hình nguy hiểm như vậy, trong tâm trí bạn sẽ xuất hiện điều gì?
Tôi không nghĩ gì hết. Sợ thì có sợ thật, nhưng tôi tin bản thân mình làm được. Một phần cũng vì mục tiêu theo đuổi những giải đấu lớn ở nước ngoài và được luyện tập ở khắp nơi trên thế giới. Tôi nghĩ đó là sự điên rồ của mình.
Theo Trần Trọng Hiếu, những yếu tố nào để làm nên một vận động viên parkour thành công?
Chắc họ phải có tính kiên trì, kỷ luật, chăm chỉ. Nếu không có nỗ lực thì sẽ không thành công được. Bộ môn này không cần năng khiếu, người tôi cứng ngắc chứ không dẻo đâu, điểm mạnh của tôi là sự cứng rắn và “lì lợm”, nếu không làm được thì tôi sẽ phải tập cho kì được thì thôi. Một điểm nữa là nếu không tập luyện thường xuyên sẽ bị mất cảm giác, nên luôn cần phải luyện tập.
Cảm ơn bạn vì những chia sẻ thú vị!
Bài viết thuộc ấn phẩm MF#7 – The Street Culture Issue. Đặt mua ấn phẩm tại ĐÂY:
Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!
Bài: Vân Anh
Ảnh: NVCC