Mê trận hàng giả trôi nổi: Người tiêu dùng đang bị dẫn dắt hay tự bước vào bẫy?

  • by Huyền My Trương
  • May 20, 2025

Tình trạng vi phạm về hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm ngày một phức tạp, tinh vi hơn. Tình trạng này diễn ra cả trực tiếp và trên môi trường mạng xã hội.

Vừa qua, trong chia sẻ gần đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông cũng nêu rõ buôn lậu, làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi để làm việc này thì phải có kho bãi, hoạt động mua bán, vận chuyển. Thế thì chỉ có hai khả năng, một là không còn ý chí chiến đấu; hai là bị mua chuộc, có tiêu cực; cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm.

Sau thời gian sống với đại dịch COVID-19, thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi, có xu hướng dịch chuyển lên các sàn thương mại điện tử. Do đó việc kinh doanh trong lĩnh vực online, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, ngày một phổ biến, phức tạp và tinh vi.

Để thu hút người tiêu dùng, người kinh doanh có thể bỏ tiền chạy quảng cáo, đầu tư hình ảnh trông thật chuyên nghiệp và bắt mắt, nhằm phần nào làm loá mắt người mua, khiến họ nới lỏng phòng vệ, dễ dàng rút ví mua sản phẩm. Trong khi đó, thực hư công dụng của sản phẩm chỉ được mô tả qua loa mà chẳng ai có thể kiểm chứng được. Thậm chí, một số đối tượng còn bỏ tiền thuê các cá nhân có sức ảnh hưởng, nổi tiếng để livestream (phát trực tiếp) bán hàng cho mình, từ đó có thể chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày, với doanh thu hàng tỷ đồng.

Mới đây, vụ việc của Hoa hậu Hòa bình quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố với cáo buộc lừa dối khách hàng liên quan đến kẹo rau củ Kera là một lời cảnh báo dành cho tất cả người tiêu dùng. Thông qua quá trình mở rộng điều tra vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối người tiêu dùng liên quan đến Công ty cổ phần Asia Life và Công ty cổ phần Chị Em Rọt, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố thêm 5 bị can, trong đó có hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên.

Cơ quan điều tra xác định kẹo Kera là của Thùy Tiên và các cổ đông Công ty Chị Em Rọt hợp tác làm ăn chung. Trong đó Tiên được hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận góp vốn tương đương 30%, còn các cổ đông còn lại góp 70%. Thay vì như những thông báo trước đây của Thuỳ Tiên rằng cô chỉ là đại diện hình ảnh của sản phẩm.

Trước đó, hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên cùng TikToker Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs thường livestream trên mạng xã hội, quảng cáo về sản phẩm kẹo rau củ Kera. Trong các livestream, Thùy Tiên thường nói kẹo rau củ Kera là đứa con tinh thần của mình. Cô chia sẻ rằng “Đây là sản phẩm từ thiên nhiên, một ngày chỉ cần ăn 2-3 viên sẽ bổ sung chất xơ, rất tiện lợi. Em bé tầm 3 tuổi, mẹ bầu cũng ăn được, các bạn văn phòng bận rộn càng nên sử dụng”.

Sản phẩm này đã được bán ra thị trường 135.325 hộp trong thời gian từ 12-12-2024 đến ngày 19-3-2025, thủ về tổng doanh thu là 18 tỷ đồng và trong đó Thuỳ Tiên nhận được 7 tỷ đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và sức khoẻ của người tiêu dùng. Đáng lẽ nguyên vật liệu là bột rau được thu mua từ các nông trại của các nhà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thì lại chỉ đạo nhân viên mua sẵn bột rau có các hàm lượng dưới mức tiêu chuẩn (từ 0,61% đến 0,75%), trong khi công bố là 28%.

Một trường cũng hợp hàng kém chất lượng khác cũng thu hút sự chú ý của công chúng đến từ nữ doanh nhân Đoàn Di Băng với sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body, mà cô thường xuyên quảng cáo trên mạng xã hội. Sản phẩm vừa bị Bộ Y tế đình chỉ lưu hành do công bố sai chất lượng: Ghi nhãn SPF 50 nhưng thực tế chỉ đạt SPF 2.4 – gần như không có tác dụng bảo vệ da.

Về góc độ người tiêu dùng, thật khó để ai cũng có đủ kiến thức hoặc sự thận trọng nhất định trong để phân biệt đâu là hàng giả, đâu là hàng thật. Đó là chưa kể, có không ít bộ phận người tiêu dùng chấp nhận tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc, vì giá thành rẻ. Điều này cũng gián tiếp làm cho vấn nạn hàng giả ngày một nhức nhối thêm.

Cũng từ vụ việc của Thuỳ Tiên và nhóm nhà sáng lập của Kera, tình trạng mua bán hàng giả, hàng quảng cáo sai sự thật khiến dư luận ngày càng quan tâm hơn. Và không chỉ kẹo Kera, mà hàng loạt những vụ việc sản phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng như xien que bẩn, xúc xích, lạp xưởng nướng đá, rong biển, thực phẩm chức năng, sữa bột…

Điều này càng cho thấy không chỉ cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành trong phạm vi cả nước; các doanh nghiệp cũng cần chủ động thực hiện đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, thực hiện các giải pháp như sử dụng tem chống hàng giả, mã vạch truy xuất nguồn gốc và các biện pháp khác để xác minh; mà bản thân chính những người tiêu dùng nên có ý thức bảo vệ bản thân và cẩn trọng hơn trong những quyết định mua sắm của mình.

Tổng hợp

library