Mách Bảo: Diện Black Tie sao cho đúng điệu?

  • by Kim Khanh
  • March 5, 2021

Một trong những nguyên tắc tối quan trọng khi đi dự tiệc mà chúng ta không bao giờ nên bỏ qua, đó là mặc đúng theo Dress Code được ghi trên giấy mời. Và nếu Dress Code trực tiếp nhắc đến Black Tie, đừng quá lo lắng. Bữa tiệc đó sẽ là nơi tuyệt vời để bạn thể hiện sự sang trọng, lịch lãm nhưng lại không quá phô trương.

Tuy nhiên hãy lưu ý, Black Tie có những quy tắc mà bạn nên tuân thủ, nếu thực sự bạn muốn hình ảnh của mình trở nên đẳng cấp.

Vậy, Black Tie là gì?

Black Tie (hoặc Tuxedo, theo cách gọi của người Mỹ), là kiểu trang phục được xếp hạng semi-formal, sử dụng trong những sự kiện diễn ra sau 6 giờ tối theo quy ước phương Tây. Black Tie có mức độ trang trọng cao hơn trang phục business hàng ngày, tuy nhiên không trang trọng như một số loại trang phục nghiêm ngặt khác như White Tie hay Morning Dress. Chính vì vậy, Black Tie rất phù hợp để làm Dress Code cho những sự kiện như tiệc khai trường, đám cưới, các lễ trao giải, Gala Dinner, hay đặc biệt là các Year End Party – kiểu sự kiện sẽ diễn ra rất nhiều trong thời điểm cuối năm.

Tôi cho rằng ban đêm là lúc duy nhất mà đàn ông có thể ăn vận xa hoa nhưng đồng thời vẫn sang trọng và thanh lịch – Tom Ford.

Nếu bạn nhận được thư mời ghi dress code là Black Tie, hãy chắc chắn bạn mặc đúng Black Tie. Nếu dress code là Black Tie Optional (một quy tắc dù nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng thực tế lại dễ gây bối rối), cũng cứ mặc chuẩn Black Tie, đừng ngại. Vì có một quy ước bất thành văn tồn tại, đó là hãy ăn vận ở mức cao nhất những gì dress code yêu cầu.

Về cơ bản, một bộ Black Tie (hoặc Tuxedo suit, tuỳ cách gọi) sẽ được cấu thành từ những thành phần sau:

Jacket

 

Chiếc Jacket thuộc bộ Black Tie thường được gọi là Dinner Jacket. Điểm khác biệt lớn nhất của chiếc Dinner Jacket cơ bản so với Jacket thông thường chính là phần ve áo được phủ bóng. Chất liệu được dùng để may Dinner Jacket cũng óng ả và bóng bẩy hơn so với những bộ suit thông thường, nhằm tạo hiệu ứng tốt hơn trong môi trường tiệc tối.

Dinner Jacket có thể là áo 1 hàng khuy (Single Breasted) hoặc 2 hàng khuy (Double Breasted), lưu ý rằng nếu là áo 1 hàng khuy thì chỉ nên có 1 khuy thay vì 2 hoặc 3 khuy như những chiếc jacket thông thường khác. Ve áo Dinner Jacket nên là ve nhọn (Peak Lapel) hoặc ve sam (Shawl Lapel). Dinner Jacket với ve xuôi (Notch Lapel) có tồn tại, tuy nhiên không được khuyến khích dùng.

Tuy nhiên chúng ta không nên nhầm lẫn rằng chỉ có những chiếc jacket có ve phủ bóng mới là Dinner Jacket. Trên thực tế có rất nhiều kiểu áo được làm từ những chất liệu và họa tiết đặc biệt như nhung, gấm, kẻ tartan…không cần thiết phải phủ bóng ve nhưng vẫn là Dinner Jacket.

Quần

Một bộ Black Tie truyền thống sẽ có quần được may cùng màu sắc và chất liệu với áo, đồng thời sườn quần được may một đường phủ bóng bằng chính chất liệu dùng để phủ bóng ve.

Nếu bạn mặc những chiếc jacket có màu sắc hoặc chất liệu đặc biệt (không phải màu đen), bạn có thể tạo điểm nhấn lớn bằng việc mặc cả bộ trang phục với màu sắc và chất liệu đó (ví dụ cả bộ Tuxedo bằng nhung màu deep blue), hoặc cân bằng lại cả bộ trang phục bằng cách đơn giản là sử dụng một chiếc quần đen có sườn quần phủ bóng. Không có quá nhiều yêu cầu thêm cho chiếc quần như thế này, ngoại trừ việc không nên có đỉa quần (vì bạn sẽ không dùng dây lưng) và gấu quần sẽ không có lơ vê.

Áo sơ mi

Luôn ưu tiên sơ mi trắng. Sơ mi đen có thể sử dụng trong một vài trường hợp, nhưng sơ mi trắng luôn là chân lí cho một bộ Black Tie. Áo sơ mi truyền thống dành cho bộ trang phục này cũng có những chi tiết rất đặc trưng như măng sét đúp (French Cuffs), cổ wing dùng để thắt nơ (Wing Collar), ngực áo được xếp li hoặc may đáp bằng một loại vải trắng có họa tiết khác, và đặc biệt áo sẽ không sử dụng khuy áo thông thường mà sử dụng studs (một loại khuy chuyên dụng cho lễ phục). Bộ studs này sẽ đi kèm đôi khuy măng sét với tiêu chí tối giản để tăng sự trang trọng.

Ngày nay, chiếc áo sơ mi có thể mặc Black Tie đã có thể đơn giản hơn nhiều. Thay vì cổ wing, bạn vẫn có thể lựa chọn những kiểu cổ thông thường khác, miễn là nó tối giản và không có nhiều chi tiết. Studs cũng không nhất thiết phải sử dụng, mà có thể thay thế bằng việc áo có nẹp giấu khuy. Những chi tiết khác như áo nên là màu trắng, có măng sét đúp thì vẫn luôn được tôn trọng và duy trì. Lưu ý rằng kiểu áo đơn giản này sẽ phù hợp nếu bạn phối trong những chiếc Dinner Jacket mang màu sắc và họa tiết đặc biệt như nhung hay kẻ tartan, còn nếu bạn diện một bộ Black Tie truyền thống, nên giữ chiếc sơ mi đúng theo truyền thống.

Giày

 

 

 

Luôn luôn chọn giày đen. Nếu có điều kiện, hãy sắm cho mình một đôi giày da bóng (patent leather), nếu không, một đôi giày da thường màu đen buộc dây cũng ổn, miễn là bạn đánh giày thật sạch và bóng loáng.

Phụ kiện

Ngoài khuy măng sét và studs, thì một set đồ Black Tie sẽ còn cần trang bị các loại phụ kiện khác nhau.

Nơ cổ

Black Tie nghĩa là đeo nơ, đừng đeo cà vạt màu đen đến sự kiện có dress code là Black Tie. Nơ nên được làm từ chất liệu dùng để phủ bóng cho phần ve áo jacket, nhưng vẫn có thể chấp nhận nếu được làm từ vải may áo jacket hoặc vải may quần, nhưng hãy lưu ý tuyệt đối đừng đeo nơ màu trắng. Nơ trắng là dành cho White Tie.

Và hãy sử dụng nơ tự thắt. Những loại nơ thắt sẵn sẽ khiến bạn nhìn kém sang trọng hơn rất nhiều.

Cummerbund

 

Cummerbund là phụ kiện đặc trưng của bộ Black Tie truyền thống, được làm cùng chất liệu và màu sắc với nơ cổ. Hiện nay nếu mặc Black Tie, không nhất thiết phải đeo Cummerbund (James Bond chính là một trong những nhân vật gây ảnh hưởng nhất tới việc mặc Black Tie mà không đeo Cummerbund), nhưng nếu bạn hướng tới hình ảnh set đồ truyền thống, đây là một phụ kiện không nên bỏ qua. Cummerbund sẽ kéo dài chân của bạn, đồng thời sẽ che phủ phần sơ mi có thể lộ ra trên cạp quần khi bạn cài khuy jacket, để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh hơn.

Tất

 

Trong những phong cách mặc suit hiện tại, có khác nhiều cách mặc mà các bạn có thể bỏ qua đôi tất mà vẫn đẹp và phù hợp. Nhưng riêng với Black Tie, một đôi tất là tiên quyết. Ưu tiên hàng đầu là tất màu đen từ chất liệu lụa, trơn và mỏng. Nếu không có, một đôi tất đen cotton thông thường có thể chấp nhận được, nhưng hãy nhớ tất phải đủ cao để khi ngồi xuống phần da chân không bị lộ ra. Tất trơn màu không phải màu đen có thể được sử dụng trong một vài trường hợp, nếu bạn đủ khả năng phối hợp khéo léo chúng cùng bộ trang phục, nhưng điều này đòi hỏi mắt thẩm mĩ và gu ăn mặc cực kì tinh tế. Hãy cẩn thận, bằng không bạn sẽ chỉ thu hút những sự chú ý không cần thiết khi đi tiệc mà thôi.

Khăn bỏ túi (Pocket Square)

 

Vì là bộ đồ đề cao sự trang trọng, nên khăn bỏ túi càng đơn giản càng tốt. Tốt nhất là màu trắng, và nên được gấp gọn gàng. Những chiếc khăn bỏ túi hoa lá sặc sỡ không dành cho bộ trang phục này.

Đồng hồ

Jaeger-LeCoultre Reverso Tribute Duoface

Nếu đúng theo truyền thống, không nên đeo đồng hồ tới những sự kiện Black Tie để bày tỏ sự tôn trọng tới chủ nhân bữa tiệc (trước đây việc đeo đồng hồ và xem giờ khi đi dự tiệc cho thấy việc người khách không muốn dành thời gian cho bữa tiệc này). Tất nhiên hiện nay mọi thứ đã không còn gay gắt như vậy nữa, nhưng nếu có đeo đồng hồ khi mặc Black Tie, hãy nhớ chọn những chiếc đồng hồ thật đơn giản, với mặt nhỏ và mỏng để có thể nằm hoàn toàn bên trong cổ tay áo sơ mi.

Lời khuyên từ chuyên gia

Từ trái sang: Anh Tuấn Anh, anh Minh Anh và anh Quốc Khánh

Anh Minh Anh

Admin Sartorial Guys

Tôi cho rằng xây dựng và tuân thủ Dress Code là một nét văn hoá nên được phát triển tại Việt Nam. Bản thân phong cách cổ điển luôn hướng tới sự chỉn chu, lịch lãm, và Black Tie là một phần trong phong cách này. Mặc Black Tie tới những sự kiện phù hợp không chỉ mang lại hình ảnh đẹp cho cá nhân người mặc, mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với người chủ tiệc, nói rộng ra, dần dần văn hoá ăn mặc và ứng xử của mọi người sẽ đều được nâng tầm.

Anh Lê Quốc Khánh

Admin Sartorial Guys

Về tầm quan trọng của việc ăn vận đúng hoàn cảnh, chúng ta đã được nghe nhiều, và anh Minh Anh cũng đã nhắc tới. Với những bộ Tuxedo, cá nhân tôi luôn chọn những gì thật nổi bật, chí ít là từ chất liệu như nhung, nhung tăm, cho đến đa dạng hóa màu sắc với những gam màu ấn tượng như cam, dusty pink,…

Hãy để mình thật “đặc biệt”, vì chúng ta đều sẽ có những giây phút tỏa sáng rực rỡ trong cuộc đời. Ở những bức hình phía trên, tôi xuất hiện với một set đồ Black Tie truyền thống cho sự kiện được yêu cầu về màu sắc: vải đen kẻ chìm, Dinner Jacket 2 hàng khuy ve phủ bóng cùng cummerbund ẩn bên trong, studs và cufflinks đồng bộ – là hình ảnh cơ bản của Black Tie dress code từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, với những gợi ý đã nêu bên trên, bạn phần nào đoán được bộ trang phục sắp tới của tôi rồi đó. Hãy cùng chờ xem nhé!

Anh Hoàng Đình Đức

Admin Sartorial Guys

Black Tie không phải là loại trang phục dễ ứng dụng hàng ngày! Đây là một bộ trang phục chỉ để sử dụng vài lần trong năm. Tuy nhiên với sự tiếp cận với văn hoá và kiến thức để ứng dụng các loại Âu phục ngày càng dễ dàng, đặc biệt là sự phát triển của xã hội nên tần suất các bữa tiệc xuất hiện ngày càng nhiều. Và việc luôn có sẵn sàng một bộ Black Tie attire trong tủ, không bao giờ là thừa cả!

Lựa chọn của tôi là bộ Black Tie gồm thành phần là một chiếc áo vạt đúp ve sam màu trắng ngà có vân chìm (Jacquard Dinner Jacket); quần đen có đường sườn quần được phủ bóng; phụ kiện cơ bản cho một bộ Black Tie gồm studs, cufflinks, cummerbund, tất lụa, và một đôi giày.

Bộ trang phục có vẻ khá nổi bật và điệu đà phải không nào? Một ý kiến tôi muốn chia sẻ là khi bạn lựa chọn trang phục, nếu mình đóng vai trò quan trọng trong sự kiện (ví dụ như người tổ chức, người đồng hành cùng sự kiện, hoặc là khách mời danh dự…) đừng ngại nổi bật!!!

Chúc các bạn sẽ có được ý tưởng cho bộ Black Tie của mình qua những ý kiến đã chia sẻ trên.

Bài: Sartorial Guys – Hình ảnh: Sartorial Guys, Tổng hợp

library