Local – Don’t Miss: Leninn Skate Shop – Không ngừng nâng cấp cuộc chơi ván trượt nội địa
Local - Don't Miss

Local – Don’t Miss: Leninn Skate Shop – Không ngừng nâng cấp cuộc chơi ván trượt nội địa

Anh Phong yêu thích trượt ván, vì đây là môn thể thao không ngừng nâng cấp, luôn tạo ra nhiều thử thách mới. Sau 10 năm hết mình vì trượt ván, giờ đây Leninn Skate Shop của anh cũng chính thức “nâng cấp” thành một thương hiệu thời trang độc lập, với chất lượng sản xuất đảm bảo và sức ảnh hưởng lớn với đối với cộng đồng đường phố Việt Nam.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop
Leninn Skate Shop thành lập từ khi nào nhỉ?

Chính xác là Leninn Skate Shop được thành lập từ năm 2011. Thực chất, ngày đầu thành lập, Leninn chỉ là một cửa hàng cung cấp dụng cụ trượt ván từ các hãng khác, thường là từ Mỹ. Nói chung nó giống như cái siêu thị, cửa hàng bách hóa vậy! Nhưng một khi đã làm phân phối quá nhiều, mình hiểu rõ những dụng cụ này, và mình hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Mình bắt đầu làm đồ của riêng và nhận phản hồi của khách hàng qua thời gian, nâng cao chất lượng sản phẩm, và cứ thể mở rộng dần dần. Đến khi đủ tự tin rồi, Phong mới dám đứng ra làm một thương hiệu biệt lập như bây giờ từ ngày 19/05/2020.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Cái tên Leninn bắt nguồn từ đâu?

Phong đặt tên Leninn là theo chỗ tượng đài Lenin ở Hà Nội, và cũng là nơi mà mình và cộng đồng trượt ván thường chơi ở đấy nhiều nhất. Chỗ Lenin giống như công viên 23/9 ở Sài Gòn vậy, nơi tụ tập của các anh em trượt ván tập trộm rồi bị công an rượt (cười), vì ở Việt Nam đâu có những công viên trượt ván riêng như nước ngoài. Nên mình nghĩ muốn lấy tên cho thương hiệu là một nơi thân thuộc với mọi người, cảm giác nó vui.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Ở Leninn, Phong là người tự làm hết tất cả hay có cộng sự đồng hành?

Thực ra, mình là người tự quản lý tất cả, vì Phong muốn tự đánh giá sản phẩm. Từ 2011, mình đã từng hợp tác với một số nhà máy tại để sản xuất quần áo, nhưng lúc nào sản phẩm cũng không đạt chất lượng như mình mong muốn. Mãi cho đến gần đây, Phong mới tìm được nơi cộng tác đáng tin cậy. Mỗi thương hiệu, tốt nhất, là nên toát ra nguồn năng lượng của mỗi nhà sáng lập ấy. Nếu cộng tác với bên ngoài mà không có hướng dẫn cụ thể, các sản phẩm sẽ dễ mang màu sắc cá nhân của người cộng tác. Hiện tại khi công việc vẫn còn chưa nhiều, Phong cố gắng kiểm soát tất cả các khâu sát sao nhất.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Vậy còn marketing thì sao?

Trong ngành thời trang, mình đam mê nhất là marketing! Nó giống như trượt ván vậy – bạn luôn cảm giác không bao giờ chinh phục được hết. Sản xuất đến mấy thì cũng sẽ đến giới hạn của nhà máy, hay thiết kế đến mấy thì nó cũng sẽ ra một sản phẩm cầm nắm được. Nhưng với marketing thì vô biên.

Mình theo dõi và học hỏi marketing từ một số thương hiệu quốc tế. Ví dụ, các thương hiệu thường đi lên nhờ marketing lòng tin – hỗ trợ và tạo uy tín với cộng đồng mà thương hiệu đang đại diện. Áp dụng ở Việt Nam, Phong có một nhóm trượt ván riêng, mình sẽ tài trợ ván trượt và quần áo, dụng cụ để các bạn đi trượt. Với marketing thị giác, mình thường tài trợ quần áo cho ca sĩ, rapper, hay thực hiện các chiến dịch và lookbook trên mạng xã hội là chính.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Phong rất thường xuyên gửi tặng quần áo cho các bạn trong cộng đồng, ai thích là mình cho! Đối với Phong, mỗi chiếc áo mình tặng giống như một tấm áp phích quảng cáo sống vậy. Nếu không thích, họ vấn sẽ mặc; còn nếu đã thích, họ chắc chắn sẽ giới thiệu Leninn cho người bên cạnh. Từ 1000 thành 2000 người, 2000 thành 4000, cứ như thế, uy tín nó tăng lên. Mình muốn giáo dục khách hàng dần dần, bằng cách tạo điều kiện cho các bạn được thử và trải nghiệm trước. Cho nên dù có là ca sĩ nổi tiếng hay không, nếu họ có mong muốn thì Phong sẵn sàng giúp đỡ.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Ngoài việc kinh doanh, cũng như hỗ trợ cộng đồng, Leninn Skate Shop có đẩy mạnh tổ chức các sự kiện?

Tính ra là Phong cũng tổ chức nhiều phết rồi ấy! Mười mấy năm rồi. Mình có làm nhiều cuộc thi có khoảng 400-500 người tham gia, có giải, có tiền và dụng cụ để mọi người cùng tham gia. Các bạn ở tỉnh khác cũng đến chơi luôn. Những cuộc thi này mình tổ chức bên trong nội bộ, nên cũng ít người biết ngoài cộng đồng trượt ván. Dần dần, về sau, Phong muốn được tổ chức sự kiện cùng các bên có tiềm lực như Red Bull, Mountain Dew, Monster hay những hãng giày Vans, Converse… để có thể chuyên nghiệp, quy mô hơn. Giống như các giải street league ở nước ngoài, họ tổ chức trong nhà thi đấu – an toàn và sạch sẽ hơn – đi kèm với nhiều bộ môn khác như graffiti, hip hop dance, âm nhạc… Cả một tập thể văn hóa đường phố đi cùng sẽ cho mọi người nhiều thứ để xem và tìm hiểu, thu hút được đa dạng đối tượng quan tâm hơn, sẽ có tính lan truyền mạnh hơn.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Sau hơn 1 năm chuyển hướng thành thương hiệu riêng, tâm lý khách hàng với Leninn có thay đổi nhiều không?

Rất may mắn là các khách hàng của Leninn đều trong cộng đồng trượt ván với nhau, và bọn mình khá là thân. Lúc đầu khi chuyến hướng thương hiệu, mọi người vẫn ủng hộ, dù chỉ là ủng hộ một cách chủ quan. Nhưng từ lần ủng hộ đầu tiên, các khách hàng nhận thấy sản phẩm Leninn khá là chất lượng, đã vậy còn rẻ hơn sản phẩm nước ngoài gấp nhiều lần. Và thế là mọi người cứ truyền miệng cho nhau, nhân rộng số khách hàng đến Leninn, nên Phong không gặp nhiều khó khăn so với suy nghĩ ban đầu. Khi Leninn thay đổi, thì khách hàng cũng thay đổi cùng thương hiệu.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Ở Leninn Skate Shop, doanh thu đến từ khách hàng đến tiệm hay trực tuyến thì trội hơn?

70% doanh thu của Leninn đến từ các đơn hàng trực tuyến. Hà Nội này thực ra bé tí, mình làm Leninn thì gần như ai cũng biết đến. Tuy nhiên, sức mua của người Hà Nội lại không nhiều như ở Sài Gòn. Ví dụ, ở Hà Nội, mùa hè người ta chỉ mua từ 1-2 cái áo thun, nhưng mà trong Sài Gòn, có các bạn khách cứ thấy Leninn có gì là mua đó, mua liên tục.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Trong mùa dịch vừa rồi, việc kinh doanh của Leninn có bị ảnh hưởng nhiều không?

Thực ra là bị ảnh hưởng một chút thôi, nhất là ở Sài Gòn, khách hàng không nhận được đồ nên các bạn cũng hạn chế mua. Trừ khi thích quá thì các bạn chịu đặt cọc và đợi. Ngoài ra, các khách hàng ở Hà Nội và các tỉnh khác thì vẫn mua ầm ầm (cười)!

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Ở các thương hiệu nội địa hiện nay, xu hướng collab với nhau cũng khá là thịnh hành. Phong có nghĩ là mình sẽ kết hợp Leninn Skate Shop với một thương hiệu nào khác trong nước?

Phong cũng có tính về chuyện đó, nhưng hiện tại mình nhận định chưa có nhiều thương hiệu làm sản phẩm thực sự chỉn chu. Mình khá ấn tượng với hai thương hiệu trong Sài Gòn là T-REDX và The Beuter. Nhưng mà để kết hợp thì cả hai phải nói chuyện với nhau rất nhiều, để có thể tạo ra màu sắc “chung mà riêng”. Bản thân mình thì chưa dám, vì Phong vẫn đang trong quá trình tự ổn định hình ảnh thương hiệu trước. Biết đầu tương lai gần có cơ hội ngồi xuống và cùng nhau phát triển một vài dự án!

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Men’s Folio đã có từng trải nghiệm Leninn ở một cửa hàng nhỏ ở Nhà thờ Lớn Hà Nội.

À, đó là cửa hàng thứ hai của Leninn ở Hà Nội! Tiệm đó khá nhỏ, Phong còn có một cửa tiệm to hơn chung trong một tòa với quán Leninn Coffee. Lúc đầu chưa có dịch, mình mở cửa tiệm nhỏ đó là dành cho người nước ngoài, vì ở khu Nhà thờ nhiều khách du lịch tham quan, họ cũng thích văn hóa trượt ván này. Còn với các bạn khách Việt Nam, Phong có một tòa nhà 8 tầng: tầng 1 là cửa hàng Leninn, tầng 2 là văn phòng, và tầng 8 là quán cà phê sân thượng của Leninn. Tòa nhà đó nằm trên đường Nguyễn Hy Quang ở quận Đống Đa.

Các bạn rapper rất thường xuyên đến freestyle ở chi nhánh lớn, trên quán cà phê của Phong. Nên mình quen rất nhiều bạn rapper ở ngoài đây, kể cả nhóm Rapital. Mình chơi với các bạn từ khi các bạn còn rất là nhỏ rồi.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Leninn có dự định mở chi nhánh mới?

Có chứ, mình đang định vào Sài Gòn đây! Phong thấy có một điểm ở người Sài Gòn bản thân rất thích, là họ không ngại không gian mua sắm. Ở Hà Nội, hiếm có ai chịu lên cửa tiệm của bạn nếu tiệm nằm trong hẻm hay chung cư, nhưng mà ở Sài Gòn, các bạn vẫn đến rất nhiệt tình. Nhờ cái văn hóa đó mình không gặp áp lực phải tìm mặt bằng ở phố lớn. Phong muốn xây dựng một không gian rộng lớn cho chi nhánh mới, giống như một cái triển lãm vậy. Mình để đồ thưa thưa ở đó, và chừa không gian cho các hoạt động âm nhạc, trượt ván, trưng bày tác phẩm hay đồ chơi, tổ chức sự kiện… Không chỉ kinh doanh, mình muốn xây dựng cả văn hóa. Phong không muốn già đi, mà vẫn mong tiếp tục được kết nối với những người trẻ.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Hướng đi khá hay, nhưng chắc cũng tốn kém nhỉ?

Đúng rồi, vì dự án này vừa phải đáp ứng về mặt cảm xúc lẫn phù hợp về mặt kinh tế; nó cần phải vừa lãng mạn mà vừa thực dụng. Nếu bay quá thì nguy hiểm, mình không nuôi bản thân nổi thì về sau mình cũng chẳng nuôi ai được!

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Về mặt sản phẩm, Phong có hướng phát triển mảng sản phẩm mới cho Leninn?

Phong thích nhất là làm home décor (vật dụng trang trí nội thất). Quần áo thì thường chỉ thịnh hành theo mùa, và theo thời gian, cũng sẽ bị cũ rách đi, và mình lại thay mới. Nhưng mấy món đồ chơi như quả bóng rổ, cái cốc, cái đèn ngủ lại vừa mang dấu ấn thương hiệu vừa có giá trị sưu tầm cao, như vậy thì vui hơn.

Local Don't Miss - Leninn Skate Shop

Xin cảm ơn những chia sẻ của Phong và Leninn!

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

 

Related Article